Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 19/04/2021, 22:28 (GMT+7)
Triển khai đồng bộ, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh

Trong giai đoạn 2015 - 2020, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh đã được các ban, bộ, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai chặt chẽ, toàn diện, có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu và thu được kết quả tích cực. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác giáo dục quốc phòng và an ninh được ban hành cơ bản đầy đủ, đồng bộ, phù hợp với thực tiễn, tạo hành lang pháp lý để triển khai thực hiện thống nhất trên phạm vi cả nước. Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp thường xuyên được củng cố, kiện toàn, hoạt động đúng quy chế, bám sát sự lãnh đạo của cấp uỷ, chỉ đạo của chính quyền và người đứng đầu cơ quan, tổ chức; năng lực tham mưu của cơ quan thường trực và thành viên hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, cán bộ kiêm nhiệm công tác quốc phòng của các ban, bộ, ngành Trung ương từng bước được nâng lên. Việc bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được tiến hành nghiêm túc, tích cực, bằng nhiều hình thức, phương pháp sáng tạo, hiệu quả; đối tượng bồi dưỡng được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên được triển khai đồng bộ, có nền nếp ở từng cấp học, bậc học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả1. Đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng, từng bước đạt chuẩn theo quy định. Phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân được đẩy mạnh, phát triển cả bề rộng, chiều sâu, với nội dung, hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp đặc điểm địa bàn, dân cư, v.v. Thông qua đó, đã làm chuyển biến nhận thức và trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn dân, góp phần thiết thực vào việc xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, nhất là “thế trận lòng dân” vững chắc ngay từ cơ sở.

Trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Ảnh: quocphongthudo.vn

Tuy nhiên, công tác giáo dục quốc phòng và an ninh thời gian qua vẫn còn những tồn tại, hạn chế, đó là: hoạt động của Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh ở một số địa phương hiệu quả chưa cao; một số thành viên hội đồng chưa phát huy đầy đủ vai trò, trách nhiệm theo lĩnh vực được phân công. Tỷ lệ bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng 3, 4 ở một số bộ, ngành còn thấp. Còn có trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học chưa thực hiện đúng quy định liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh hoặc được phép tự chủ môn học nhưng trong triển khai thực hiện có nội dung chưa đáp ứng được so với yêu cầu. Bảo đảm kinh phí triển khai xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh còn chậm. Công tác phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân có nơi chưa được quan tâm đúng mức, nhất là nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, người lao động trong các khu công nghiệp, v.v.

Những năm tới, tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biễn nhanh chóng, phức tạp, khó lường; cạnh tranh chiến lược, xung đột vũ trang, khủng bố, chiến tranh cục bộ, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, biển, đảo diễn ra ngày càng gay gắt; thách thức an ninh phi truyền thống gia tăng, v.v. Sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đang đứng trước nhiều vận hội, thời cơ thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ với những thủ đoạn mới, tinh vi, thâm độc. Tình hình Biển Đông tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định, v.v. Để đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, các ban, bộ, ngành Trung ương, các quân khu, địa phương cần tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn nữa công tác giáo dục quốc phòng và an ninh; trong đó, tập trung thực hiện tốt các nội dung giải pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền các cấp, người đứng đầu cơ quan, tổ chức đối với công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Các ban, bộ, ngành Trung ương, các quân khu, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục quốc phòng và an ninh. Trọng tâm là: Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 03/5/2007 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục quốc phòng, an ninh trong tình hình mới”; Quy định số 07/QĐ-BTCTW, ngày 16/4/2008 của Ban Tổ chức Trung ương về tiêu chuẩn kiến thức quốc phòng - an ninh cho cán bộ, đảng viên; Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh; các văn bản quy phạm pháp luật, kế hoạch, hướng dẫn của Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương, các ban, bộ, ngành Trung ương,… nâng cao hơn nữa nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức đối với nhiệm vụ quan trọng này. Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp, quản lý, điều hành của chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, huy động sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Trước mắt, cần lãnh đạo, chỉ đạo kiện toàn Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp sau đại hội đảng các cấp và bầu cử Quốc hội khóa XV, Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026, bảo đảm đủ số lượng, đúng cơ cấu, thành phần theo quy định. Đồng thời, rà soát, xây dựng, bổ sung quy chế hoạt động, tạo điều kiện để Hội đồng phát huy đầy đủ vai trò, chức năng, đáp ứng yêu cầu công tác giáo dục quốc phòng và an ninh trong giai đoạn mới. Các thành viên hội đồng và Cơ quan thường trực Hội đồng giáo dục quốc phòng và an ninh các cấp, ban chỉ huy quân sự bộ, ngành Trung ương cần phối hợp, chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức chủ trương, giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện. Tăng cường kiểm tra, thanh tra, kịp thời rút kinh nghiệm, chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế, tránh tình trạng xem nhẹ, khoán trắng cho cơ quan chuyên môn.

Hai là, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng và toàn dân. Rà soát, nắm chắc số lượng, phân loại đối tượng thuộc diện bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh sau đại hội đảng các cấp, bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp, nhiệm kỳ 2021 - 2026 để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng tổng thể cả nhiệm kỳ và từng năm theo phân cấp; phấn đấu đến hết nhiệm kỳ có 100% cán bộ, đảng viên thuộc diện đều được bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo quy định. Đồng thời, mở rộng bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho đối tượng là cá nhân tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân cư (chức sắc, chức việc, nhà tu hành, người đứng đầu các tổ chức tôn giáo, già làng, trưởng họ tộc,...) phù hợp thực tiễn của địa phương; bám sát diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19, linh hoạt điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng cho phù hợp để vừa thực hiện tốt kế hoạch, vừa bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

Cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục phối hợp tham mưu, chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học, trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thực hiện nghiêm Thông tư liên tịch số 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH, ngày 05/11/2015 của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Quyết định số 2320/QĐ-BQP, ngày 25/7/2020 của Bộ Quốc phòng về việc điều chỉnh, bổ sung danh sách liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh. Quá trình giảng dạy bảo đảm nội dung, chương trình, nâng cao chất lượng môn học giáo dục quốc phòng và an ninh cho học sinh, sinh viên; quản lý chặt chẽ việc cấp phôi, chứng chỉ theo đúng danh sách liên kết và quy định của pháp luật. Nghiên cứu, xây dựng Đề án đào tạo giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện để sớm chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Các địa phương tích cực đổi mới nội dung, đa dạng hình thức, phương pháp, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và người lao động trong các khu công nghiệp. Quá trình thực hiện, cần phát huy hiệu quả của hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên. Chú trọng lồng ghép nội dung tuyên truyền với ngày lễ trọng đại của đất nước, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, lễ hội truyền thống của địa phương,… phù hợp với người dân trên từng địa bàn, vùng, miền, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ba là, tiếp tục nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung, giáo trình, sách giáo khoa giáo dục quốc phòng và an ninh, phù hợp với tình hình thực tiễn. Cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành theo nhiệm vụ được phân công cần bám sát Thông tư số 172/2020/TT-BQP, ngày 30/12/2020 của Bộ Quốc phòng về “Ban hành chương trình, nội dung; chương trình khung bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh”; phối hợp biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung nội dung giáo trình bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh phù hợp với từng đối tượng và thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước. Nội dung biên soạn, chỉnh sửa, bổ sung phải bám sát, cập nhật quan điểm, tư duy, phát triển mới về đường lối quân sự, quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, nhất là trong Nghị quyết Đại hội XIII, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng, Chiến lược Quân sự Việt Nam, Chiến lược Bảo vệ an ninh quốc gia, Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Dân quân tự vệ Luật Lực lượng dự bị động viên, v.v. Đồng thời, hoàn chỉnh, ban hành giáo trình, sách giáo khoa phù hợp với nội dung, chương trình môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong các trường trung cấp, cao đẳng sư phạm, cơ sở giáo dục đại học và cấp trung học phổ thông được ban hành kèm theo Thông tư số 05/2020/TT-BGDĐT, ngày 18/3/2020 và Thông tư số 46/2020/TT-BGDĐT, ngày 24/11/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương bám sát Thông tư số 38/2017/TT-BTTTT, ngày 13/12/2017 của Bộ Thông tin và Truyền thông về “Hướng dẫn các cơ quan báo chí xây dựng chương trình, nội dung phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân” để xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho toàn dân; tiếp tục giáo dục lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc; về mối quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược; hiểu rõ về đối tượng, đối tác, âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch đối với Việt Nam,... để không ngừng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn dân, nhất là thế hệ trẻ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, tỉnh táo, vững vàng trước các thông tin xấu, độc từ bên ngoài và trên mạng internet, không để kẻ địch lợi dụng, kích động, lôi kéo.

Bốn là, quan tâm bảo đảm cơ sở, vật chất phục vụ công tác giáo dục quốc phòng và an ninh. Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương tích cực huy động các nguồn lực bảo đảm cho công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, tạo nền tảng vật chất, đáp ứng yêu cầu công tác quan trọng này trong tình hình mới, nhất là tập trung nguồn lực cho đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên giáo dục quốc phòng và an ninh. Tiếp tục đầu tư xây dựng các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh theo Quyết định số 161/QĐ-TTg, ngày 30/01/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo; Quyết định số 1841/QĐ-TTg, ngày 18/11/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bổ sung quy hoạch hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cơ quan chức năng các bộ, ngành Trung ương, địa phương phối hợp chặt chẽ trong thực hiện lập Quy hoạch ngành quốc gia hệ thống trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh, các trường được tự chủ môn học tăng cường mua sắm bổ sung cơ sở vật chất, mô hình học cụ, trang thiết bị dạy học, củng cố thao trường, bãi tập, phòng học chuyên dùng phục vụ môn học theo quy định hiện hành. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Hoán cải, vô hiệu hóa súng tiểu liên AK cấp 5; mua sắm trang bị, thiết bị bắn tập phục vụ môn học giáo dục quốc phòng và an ninh”; bảo đảm đầy đủ trang phục dùng chung cho sinh viên để đảm bảo mang mặc thống nhất, chính quy khi học tập môn học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án, đề nghị Chính phủ xem xét, quyết định miễn học phí môn học giáo dục quốc phòng và an ninh đối với học sinh, sinh viên.

Phát huy những kết quả, kinh nghiệm đã đạt được, cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức các cấp tiếp tục quán triệt đường lối, quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng và an ninh, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới.

Trung tướng NGÔ MINH TIẾN, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Hội đồng Giáo dục quốc phòng và an ninh Trung ương
_______________________

1 - Toàn quốc đã tổ chức bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho 3.040.766 người; trong đó, có 2.735.588 cán bộ, đảng viên; 57.636 chức sắc, chức việc các tôn giáo; 247.542 người thuộc các đối tượng khác. Giáo dục quốc phòng và an ninh cho 20.093.261 học sinh, sinh viên và học viên trong các trường chính trị.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước