Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 04/10/2012, 14:36 (GMT+7)
Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 ở cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội

Theo kế hoạch, trong tháng 10, 11-2012, tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ này là cơ hội để nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.


Đảng ủy BĐBP tổ chức Hội nghị kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) (Nguồn: bienphong.com.vn)

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình (TPB&PB) là quy luật phát triển của Đảng; là biện pháp tốt nhất để giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên (CB,ĐV), xây dựng các tổ chức đảng trong sạch vững mạnh. Bởi vậy, để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI), TPB&PB được xác định là nhóm giải pháp quan trọng hàng đầu. Quán triệt tinh thần đó, Quân ủy Trung ương (QUTƯ) đã tiến hành kiểm điểm, TPB&PB nghiêm túc, sâu sắc, dân chủ, khách quan, thẳng thắn, nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật. Qua kiểm điểm, TPB&PB, QUTƯ đã rút ra được những bài học kinh nghiệm để cấp ủy các cấp nghiên cứu, học tập và tổ chức thực hiện tốt ở cấp mình. Theo đó, để việc kiểm điểm, TPB&PB đạt mục đích, yêu cầu đề ra, cấp ủy các cấp phải tập trung chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị, trọng tâm là báo cáo kiểm điểm của tập thể và các đồng chí cấp ủy viên, tổ chức tốt việc lấy ý kiến đóng góp của các tổ chức và cá nhân làm cơ sở cho việc tiếp thu vào báo cáo kiểm điểm và chuẩn bị bản báo cáo giải trình. Đồng thời, phát huy vai trò chủ động trong tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện của các cơ quan chức năng và phân công rõ nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan trong việc giúp thường vụ, cấp ủy triển khai thực hiện. Trong kiểm điểm, phải phát huy trách nhiệm chính trị của từng cấp ủy viên; mỗi người phải thật sự tự giác, chân thành, gương mẫu, tự ghép mình vào kỷ cương, kỷ luật của Đảng; bám sát 3 nội dung đã được xác định trong Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) và được cụ thể hoá trong Kế hoạch số 142-KH/QUTW của Thường vụ QUTƯ. Những vấn đề mà các tổ chức, cá nhân góp ý phải được phân tích, làm rõ và khẳng định có hay không có; có đến mức nào và nguyên nhân; dành nhiều thời gian hơn cho việc làm rõ những khuyết điểm và hạn chế của tập thể và cá nhân; coi đây là dịp để tăng cường hiểu biết lẫn nhau, gắn bó hơn, giúp nhau cùng tiến bộ.

Ngay trong quá trình chuẩn bị, cấp ủy các cấp phải thực sự cầu thị, lắng nghe, nghiên cứu, lựa chọn và nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân để bổ sung, nâng cao chất lư­ợng báo cáo kiểm điểm, không chờ đến khi kiểm điểm mới thực hiện. Đồng thời, phải thường xuyên kiểm tra, bám sát kế hoạch để duy trì đúng tiến độ, triển khai đồng bộ... Trên đây là những nội dung cơ bản được rút ra từ kinh nghiệm tiến hành kiểm điểm, TPB&PB của QUTƯ và đã được cấp ủy trực thuộc tiếp thu, vận dụng thực hiện tốt ở cấp mình…   

Tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội có vai trò rất quan trọng, trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc (đảng bộ cơ sở, đảng bộ bộ phận, chi bộ); đồng thời, là nơi quán triệt, tổ chức thực hiện và bảo đảm cho đ­ường lối, quan điểm, chỉ thị, nghị quyết của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, lực lư­ợng vũ trang nhân dân đi vào cuộc sống. Vì thế, việc quan tâm xây dựng tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ luôn là đòi hỏi khách quan, là trách nhiệm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng, cũng như­ của mọi CB,ĐV. Bởi vậy, tổ chức thực hiện nghiêm túc kiểm điểm, TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” là cơ hội để tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội đánh giá đúng thực trạng chất lượng tổ chức đảng cấp mình, đề ra giải pháp khắc phục yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ CB,ĐV.

Để việc kiểm điểm, TPB&PB của tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở trong Đảng bộ Quân đội đạt mục đích, yêu cầu đề ra, cần thực hiện nghiêm túc một số nội dung cơ bản sau:      

Một là, tiếp tục quán triệt kỹ Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Kế hoạch số 142-KH/QUTW của Thường vụ QUTƯ, Hướng dẫn số 328/HD-CT của Tổng cục Chính trị và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên trực tiếp về kiểm điểm,  TPB&PB trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Theo đó, các cấp ủy, chi bộ và từng CB,ĐV phải chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm chu đáo, chặt chẽ, phát huy trách nhiệm của cấp ủy, cơ quan và vai trò của bí thư, phó bí thư. Tổ chức hội nghị kiểm điểm, TPB&PB phải đúng trình tự, đảm bảo nguyên tắc, quán triệt đầy đủ mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, nội dung tiến hành kiểm điểm theo hướng dẫn của trên. Nơi nào chuẩn bị tốt, được cấp ủy cấp trên đồng ý mới tiến hành kiểm điểm; TPB&PB không đạt yêu cầu thì cấp ủy cấp trên chỉ đạo tổ chức kiểm điểm lại. Sau kiểm điểm, TPB&PB phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất và chuyển biến thật sự về năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng, chất lượng đội ngũ CB,ĐV, lãnh đạo đơn vị hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi CB,ĐV cần xác định: đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt quan trọng của Đảng ta, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, phải lường hết những phức tạp, khó khăn trong kiểm điểm, TPB&PB; đòi hỏi tính tự giác, trung thực, tính đảng, tính chiến đấu rất cao mới đáp ứng được yêu cầu đề ra. Thông qua nhận thức đúng, cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở cần đề cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thực hiện kiểm điểm, TPB&PB theo đúng kế hoạch, hướng dẫn của trên; cấp trên làm gương tự phê bình trước cấp dưới, cấp dưới mạnh dạn phê bình cấp trên; tổ chức đảng và đảng viên lắng nghe ý kiến phê bình của quần chúng. Khắc phục tình trạng nể nang, “dễ người, dễ ta” cũng như lợi dụng phê bình để “đấu đá”, trù dập, vu cáo lẫn nhau với những động cơ không trong sáng.

Hai là, xác định rõ đối tượng, nơi kiểm điểm và nội dung kiểm điểm, TPB&PB. Theo Kế hoạch số 142-KH/QUTW, Hướng dẫn số 328/HD-CT và Thông báo số 475, ngày 31-8-2012 của QUTƯ, đối với tập thể: đối tượng kiểm điểm, TPB&PB là đảng ủy (ban thường vụ), chi bộ (chi ủy). Với cá nhân: tất cả đảng viên (kể cả đảng viên là cấp ủy viên các cấp) đều phải kiểm điểm, TPB&PB tại hội nghị chi bộ. Với cấp ủy viên và cán bộ lãnh đạo, chỉ huy: kiểm điểm tất cả đảng ủy viên, hướng tập trung vào các đồng chí trong ban thường vụ cấp ủy và cán bộ cấp phó cùng cấp; các đồng chí cấp ủy viên còn lại kiểm điểm sâu ở hội nghị cấp ủy cấp dưới, nơi đồng chí đó thường xuyên, trực tiếp công tác. Nội dung kiểm điểm, TPB&PB không toàn diện như kiểm điểm theo định kỳ, tổng kết, bình xét năm, mà chỉ tập trung vào 3 vấn đề cấp bách mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã nêu. Thứ nhất, những biểu hiện, mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của tổ chức đảng, đảng viên; việc thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và từng đảng viên; phương hướng đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái đó. Thứ hai, những ưu điểm, hạn chế, yếu kém của tập thể cấp ủy, ban thường vụ và cá nhân cấp ủy viên trong công tác cán bộ, như: quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển, bố trí cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp; giải pháp khắc phục thiếu sót, khuyết điểm trong công tác cán bộ. Thứ ba, những ưu điểm, hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”; chấp hành quy chế, quy định, tập trung vào quy chế lãnh đạo trên các mặt công tác dễ xảy ra tiêu cực. Về quyền hạn và trách nhiệm cá nhân, nhất là của bí thư (chính ủy, chính trị viên), người chỉ huy trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; mối quan hệ giữa bí thư cấp ủy với chỉ huy, với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; giải pháp khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Trong 3 nội dung trên, nội dung thứ nhất là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Trên cơ sở các nội dung nói trên, các cấp ủy cần vận dụng vào tình hình cụ thể tổ chức đảng cấp mình để cụ thể hoá cho phù hợp; bởi mọi hoạt động của CB,ĐV ở tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở đều liên quan đến những con người, công việc cụ thể. Do đó, những ưu, khuyết điểm, nhất là khuyết điểm được chỉ ra phải hết sức cụ thể; phải xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân trên từng mặt công tác. Những yếu kém, sai phạm được phát hiện trong kiểm điểm phải tập trung sửa chữa ngay; nếu chưa khắc phục được ngay thì phải đề ra kế hoạch, thời gian sửa chữa, không chờ sửa đổi, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách mới thực hiện.

Ba là, làm tốt công tác chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, TPB&PB. Một trong những kinh nghiệm rút ra từ tổ chức Hội nghị kiểm điểm, TPB&PB của QUTƯ và cấp trực thuộc QUTƯ là công tác chuẩn bị nội dung kiểm điểm phải hết sức chu đáo, nghiêm túc, đúng các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên; phát huy tốt vai trò của Tổ giúp việc và cơ quan chức năng trong chuẩn bị, kiểm điểm, TPB&PB. Chính vì vậy, việc tổ chức kiểm điểm, TPB&PB ở tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở phải được chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc, thận trọng, làm đến đâu chắc đến đó, bảo đảm đạt kết quả thực chất. Các cấp ủy phải tăng cường cung cấp thông tin, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt đảng; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để cấp dưới đóng góp cho cấp trên, quần chúng tham gia góp ý kiến cho tổ chức đảng và CB,ĐV. Trước khi kiểm điểm, phải tiến hành lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc cho tập thể đảng ủy, ban thường vụ và cấp ủy viên theo quy định. Đồng thời, thực hiện tốt việc tiếp thu gợi ý kiểm điểm của cấp ủy cấp trên và xác định nội dung gợi ý kiểm điểm đối với cấp dưới ở những nơi có vụ việc vi phạm kỷ luật, vi phạm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, mất đoàn kết nội bộ, đơn vị yếu kém kéo dài… Với các đảng ủy cơ sở, đảng ủy bộ phận, chi bộ, ngoài việc lấy ý kiến đóng góp của cấp ủy, chi bộ trực thuộc, còn phải tổ chức lấy ý kiến của các tổ chức quần chúng và Hội đồng quân nhân cùng cấp.

Trên cơ sở đó và căn cứ vào tình hình thực tiễn của đảng bộ, chi bộ mình, ban thường vụ (trực tiếp là bí thư cấp ủy) chuẩn bị báo cáo tự kiểm điểm của cấp ủy, báo cáo giải trình về những vấn đề được cấp trên gợi ý kiểm điểm; từng cấp ủy viên, đảng viên đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ được phân công chuẩn bị bản tự kiểm điểm cá nhân. Bản tự kiểm điểm của tập thể và cá nhân phải được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, đúng quy trình, đánh giá đúng thực trạng tình hình, không làm qua loa, chiếu lệ. Quá trình kiểm điểm, TPB&PB phải thực hiện đúng trình tự, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu mà các kế hoạch, hướng dẫn của trên đã đề ra. Theo đó, cấp trên kiểm điểm trước, cấp dưới kiểm điểm sau; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau; bí thư, phó bí thư, ủy viên thường vụ kiểm điểm trước, cấp ủy viên khác kiểm điểm sau. Với chi bộ không có cấp ủy thì bí thư, phó bí thư kiểm điểm trước, đảng viên kiểm điểm sau. Trong điều hành hội nghị, cần bám sát 3 nội dung và diễn biến của hội nghị để định hướng kịp thời; phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực trạng những việc làm được, chưa làm được, tập trung vào khâu yếu, mặt yếu kéo dài; kết hợp chặt chẽ giữa “chống và xây”, “xây và chống”, lấy xây dựng là chính; không lợi dụng kiểm điểm, TPB&PB để “giải quyết” mâu thuẫn cá nhân, nói xấu, hạ uy tín của nhau. Trong kiểm điểm tập thể, từng cấp ủy viên phải đối chiếu với chức trách, nhiệm vụ, tiếp tục bổ sung vào bản kiểm điểm cá nhân, làm rõ trách nhiệm trước những hạn chế, khuyết điểm của tập thể cấp ủy, ban thường vụ cấp mình và xác định biện pháp sửa chữa thời gian tới. Tích cực đấu tranh chống các biểu hiện: phê bình cấp trên thì sợ bị trù dập, phê bình đồng đội thì sợ mất lòng; phê bình cấp dưới thì sợ bị “mất phiếu” và tư tưởng nể nang, né tránh, coi khuyết điểm là của tập thể, cấp dưới hoặc người khác, nơi khác.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa kiểm điểm, TPB&PB theo Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ba nội dung kiểm điểm mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã xác định cũng đồng thời là những nội dung cốt lõi của việc “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Do vậy, cần kết hợp chặt chẽ việc kiểm điểm, TPB&PB lần này với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Thường vụ QUTƯ. Các cấp ủy cần chú ý lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới lấy kết quả việc kiểm điểm, TPB&PB làm cơ sở để tổng kết thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW và 317-CT/QUTW năm 2012 theo đúng Hướng dẫn số 486/HD-CT, ngày 18/4/2012 của Tổng cục Chính trị. Trên cơ sở đó, bổ sung các tiêu chí chuẩn mực đạo đức sát với từng tổ chức đảng và từng CB,ĐV. Việc tổ chức kiểm điểm, TPB&PB của cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở diễn ra đúng vào dịp tổng kết năm, phải giải quyết nhiều việc, đòi hỏi phải tốn nhiều thời gian, công sức. Bởi vậy, cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở cần kết hợp chặt chẽ giữa việc kiểm điểm, TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) với tập trung lãnh đạo đơn vị thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, nhất là nhiệm vụ trọng tâm còn lại của năm 2012, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện. Thông qua hoạt động thực tiễn, các cấp kịp thời phát hiện và biểu dương, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; trong thực hiện kiểm điểm, TPB&PB; lấy nhân tố tích cực để đẩy lùi tiêu cực; đồng thời, phê phán, đấu tranh với những biểu hiện sai trái, sa sút về ý chí chiến đấu, ích kỷ, vụ lợi, cá nhân chủ nghĩa, vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm và vi phạm pháp luật Nhà nước, kỷ luật Quân đội.  

Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc kiểm điểm, TPB&PB ở tổ chức đảng cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở.Cấp ủy cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở phải chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tham mưu, giúp cấp ủy, ban thường vụ chuẩn bị nội dung gợi ý kiểm điểm, yêu cầu và cách thức kiểm điểm, TPB&PB đối với tập thể cấp ủy, ban thường vụ, cán bộ chủ trì cấp dưới trực tiếp; đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc chuẩn bị, thực hiện kiểm điểm, TPB&PB, sửa chữa khuyết điểm và xử lý các vi phạm sau kiểm tra. Kết hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra, giám sát với thi hành kỷ luật đảng; đối với những nơi làm chưa đạt yêu cầu đề ra, kiên quyết đề nghị cấp ủy quyết định cho tổ chức kiểm điểm, TPB&PB lại; đồng thời, có hình thức kỷ luật thích đáng đối với những đảng viên có khuyết điểm, sai phạm mà không tự giác nhận và sửa chữa, khắc phục.

Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm, TPB&PB theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) ở cấp trên trực tiếp cơ sở và cơ sở là vấn đề trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng trong Đảng bộ Quân đội những tháng cuối năm 2012. Làm tốt nhiệm vụ này là góp phần quan trọng để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ CB,ĐV trong toàn Đảng bộ, xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng NGÔ XUÂN LỊCH

Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ,

Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước