Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 10/10/2013, 23:38 (GMT+7)
Tăng cường và đổi mới công tác dân vận của Quân đội trong tình hình mới

Vừa qua, Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ra Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Đây là cơ sở rất quan trọng để Quân đội thực hiện tốt công tác dân vận, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhận rõ vai trò quan trọng của công tác dân vận (CTDV), những năm qua, cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả mặt công tác này. Các đơn vị đã tham gia, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân, giúp dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, góp phần xây dựng cơ sở chính trị địa phương vững mạnh, củng cố sự ổn định về chính trị và quốc phòng - an ninh trên các địa bàn. Trong quá trình đó, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị luôn chú trọng đổi mới, điều chỉnh, bổ sung nội dung, hình thức cho phù hợp với tình hình, nhiệm vụ. Hình thức kết nghĩa được mở rộng ở nhiều cấp, nhiều ngành trên địa bàn rộng, như: kết nghĩa giữa đơn vị Quân đội với các cơ quan ban, ngành của Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương; giữa lực lượng vũ trang địa phương miền xuôi với lực lượng vũ trang địa phương miền ngược; giữa đơn vị thực hiện dự án hợp tác kinh tế với chính quyền, nhân dân nước bạn; giữa các cụm dân cư ở hai bên biên giới đất liền. Đồng thời, gắn kết hộ và liên kết làng để giúp nhau phát triển kinh tế giữa gia đình đồng bào Kinh với đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng dự án của các đơn vị kinh tế - quốc phòng. Hình thức hành quân dã ngoại làm CTDV được điều chỉnh thành kết hợp làm dân vận trong huấn luyện dã ngoại, diễn tập. Hình thức cử tổ (đội) công tác chuyên ngành chuyển thành đội công tác tăng cường cơ sở chuyên trách cho địa bàn chiến lược trọng điểm (Đội công tác 123) và giải thể khi hoàn thành nhiệm vụ; hệ thống chiến sĩ dân vận ở cơ sở được thay thế bằng tổ CTDV,… Những năm gần đây, việc “xã hội hóa” được vận dụng khá thành công trong CTDV ở nhiều đơn vị. Một số mô hình đã tạo được hiệu ứng xã hội rộng rãi, huy động được sự tham gia đông đảo của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài Quân đội, như: “Mái ấm cho đồng bào nghèo nơi biên giới, biển, đảo” của Bộ đội Biên phòng; “1.000 Nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách vùng căn cứ kháng chiến” của Quân khu 9; “Ngôi nhà 100 đồng” của Thanh niên Quân đội; “Xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo”, “Hũ gạo tình thương”, “Hũ gạo vì người nghèo”, “Hũ gạo gắn kết” của Quân khu 5, Binh đoàn 15 và các đơn vị khác, v.v. 

Nội dung CTDV cũng có nhiều đổi mới theo hướng thiết thực, hiệu quả, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Quân đội, nhất là trong nhiệm vụ tham gia xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược trọng điểm. Thông qua hoạt động của các Đội công tác 123, cán bộ tăng cường cơ sở của Bộ đội Biên phòng, đội sản xuất của các đoàn kinh tế - quốc phòng, nhiều cấp ủy, chi bộ cơ sở vùng sâu, vùng xa được củng cố, nâng cao hiệu quả lãnh đạo, không còn tình trạng “trắng đảng viên”; bộ máy chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội hoạt động có nền nếp, phát huy được chức năng, nhiệm vụ. Trong tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, CTDV của các đơn vị Quân đội đã giúp dân xóa đói giảm nghèo bằng nhiều hình thức, như: hỗ trợ công sức, tiền của, tặng nhà và đồ dùng thiết yếu; tham gia thực hiện các chương trình giảm nghèo có tính bền vững, lâu dài. Trước khi có Nghị quyết 30a, Nghị quyết 80 và Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, nhiều đơn vị, nhất là những đơn vị kinh tế - quốc phòng đã chú trọng giúp đỡ người nghèo các địa phương về giống, vốn, dạy nghề, hướng dẫn cách làm ăn, chuyển đổi vật nuôi, cây trồng, ngành nghề, từ sản xuất tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa; gắn phát triển cơ sở hạ tầng với nâng cao đời sống của người dân. Một số đơn vị có tiềm năng và thế mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, không chỉ tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, mà còn hướng vào mục tiêu đầu tư cho vùng nghèo, người nghèo. Tập đoàn Viễn thông Quân đội đã triển khai Chương trình phủ sóng viễn thông cho vùng sâu, vùng xa; cung cấp bộ hòa mạng “buôn làng”, tổng đài dịch vụ điện thoại bằng tiếng dân tộc dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số. Về văn hóa - xã hội, thông qua hoạt động tham mưu, phối hợp với địa phương, các đơn vị đã tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; mở lớp xóa mù chữ, đưa học sinh bỏ học trở lại trường; thực hiện Chương trình quân - dân y kết hợp, tư vấn, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng hương ước, bảo vệ môi trường tự nhiên, xã hội trong sạch, lành mạnh, góp phần nâng cao dân trí, xóa bỏ hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Điển hình là Bộ đội Biên phòng, sau việc phát hiện và đưa đồng bào Rục từ các hang động về định cư trong những năm 60 của thế kỷ trước, đến nay lại có một Đề án về “Bảo tồn và phát triển bền vững dân tộc La Hủ và tộc người Đan Lai”, v.v.

Hiện nay, các đơn vị đang quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW với nhiều thuận lợi, song cũng còn không ít khó khăn, đòi hỏi phải tăng cường, đổi mới cả về nhận thức, tư duy và nội dung, hình thức CTDV. Để thực hiện tốt yêu cầu này, các đơn vị cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương); nghiên cứu, cụ thể hóa Nghị quyết 25-NQ/TW, Chương trình hành động của Quân ủy Trung ương trong thực hiện Nghị quyết này, Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Chiến lược công tác dân tộc của Chính phủ… cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị và địa phương; trong đó, tập trung vào các nội dung, biện pháp chủ yếu sau:

Trước hết, tăng cường xây dựng các tổ chức đảng trong Quân đội vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ đoàn kết quân - dân. Phải khẳng định rằng, muốn được “dân tin, dân phục, dân yêu”, trước hết, phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của cán bộ, đảng viên; xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, gắn bó máu thịt với nhân dân. Vì vậy, các tổ chức đảng trong Quân đội tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) và Chỉ thị 141-CT/QUTW của Quân ủy Trung ương về xây dựng Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và Chỉ thị 317-CT/QUTW của Thường vụ Quân ủy Trung ương về Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh, làm hạt nhân lãnh đạo thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ, trong đó có CTDV. Mặt khác, tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên thông qua việc phát huy các hình thức chất vấn, lấy phiếu tín nhiệm của đảng viên, quần chúng; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, kiểm tra, giám sát, nâng cao tính chiến đấu trong sinh hoạt đảng. Các đơn vị cần thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, tổ chức đảng địa phương, nâng cao hiệu quả thực hiện Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khoá VIII) về “Đảng viên đang công tác ở cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp thường xuyên giữ mối liên hệ với cấp ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú”. Trong quá trình củng cố, xây dựng tổ chức, cần coi trọng việc dự báo tình hình, đánh giá, phân loại, quản lý và định hướng nhận thức tư tưởng, hành động cho bộ đội, không để bất ngờ. Đồng thời, thực hiện tốt Chỉ thị 590-CT/ĐUQSTW của Quân ủy Trung ương về Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở trong Quân đội”, nâng cao chất lượng sinh hoạt chính trị, phát huy dân chủ, tăng cường kỷ luật, phát hiện và giải quyết kịp thời các vướng mắc nảy sinh trong nội bộ và quan hệ quân - dân; kiên quyết đấu tranh với những luận điệu xuyên tạc, kích động của các thế lực thù địch chống phá khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhân dân, góp phần xây dựng đơn vị và địa phương vững mạnh toàn diện.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) về vị trí, vai trò và yêu cầu CTDV trong tình hình mới. Trước hết, các cơ quan, đơn vị tổ chức tốt việc học tập, quán triệt Nghị quyết 25-NQ/TW, tăng cường sử dụng các kênh thông tin, các lực lượng, phương tiện để tuyên truyền, giáo dục đường lối, quan điểm của Đảng, Nhà nước và tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV; nêu cao tính tiền phong, gương mẫu, phong cách quần chúng của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động. Đồng thời, đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng của đơn vị, gắn với phong trào thi đua yêu nước của địa phương, thi đua “Dân vận khéo” và các phong trào do Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội phát động; nhân rộng các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trên mọi lĩnh vực. Các cấp cần tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội” gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, với tinh thần “ở đâu có bộ đội, ở đó có CTDV”, coi CTDV là của mình và đối với chính mình, nhằm giữ vững và phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong tình hình mới.

Thứ ba, đổi mới nội dung, đa dạng hoá các hình thức CTDV cho phù hợp với từng địa bàn và từng loại hình đơn vị. Đây là vấn đề có tính then chốt trong việc cụ thể hóa yêu cầu đổi mới CTDV. Trong tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đồng bào các dân tộc, tín đồ các tôn giáo..., các đơn vị cần nắm chắc đối tượng, sử dụng đa dạng các hình thức, biện pháp và lựa chọn nội dung để tuyên truyền phù hợp; kết hợp chặt chẽ giữa các hình thức, phương tiện đơn giản với công nghệ hiện đại, giữa “nói” và “làm” để nâng cao hiệu quả tuyên truyền với phương châm “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội. Trong tham gia xây dựng cơ sở địa phương, các đơn vị cần tích cực đổi mới cơ chế, nâng cao chất lượng hoạt động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; xây dựng khu vực phòng thủ, “thế trận lòng dân” vững chắc. Căn cứ vào thực tế từng địa bàn để có nội dung, biện pháp tham mưu, phối hợp phù hợp. Có nơi chỉ cần trao đổi, hướng dẫn, nhưng có nơi phải “cầm tay, chỉ việc”. Dù ở đâu, cũng phải tránh tư tưởng bao biện, làm thay; phải coi trọng việc giúp đỡ, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cán bộ, đảng viên cho địa phương. Khi tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, lực lượng trong giải quyết điểm nóng, vụ việc phức tạp, cần hết sức khéo léo, tuân thủ đúng pháp luật, đúng nguyên tắc, cơ chế và chức năng, nhiệm vụ được quy định, không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc, vu cáo, bôi nhọ hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Đối với nhiệm vụ tham gia phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn, khảo sát, nắm chắc thực trạng nhu cầu của địa phương, khả năng thực hiện của đơn vị để có kế hoạch phù hợp. Cần nhận thức rằng, việc giúp dân xoá đói giảm nghèo; thực hiện chính sách xã hội và hậu phương quân đội; tham gia phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ cứu nạn... là trách nhiệm chung của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài việc tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh hiện có, các đơn vị quân đội cần chú trọng phương thức “xã hội hóa”, huy động đông đảo tổ chức, thành phần, lực lượng xã hội và nguồn lực tham gia, tạo thành sức mạnh tổng hợp trong tuyên truyền, vận động và giúp đỡ nhân dân. Hơn thế nữa, cần tham gia tích cực vào hoạt động nghiên cứu, giải quyết các vấn đề xã hội mới nảy sinh, như: nội dung, phương thức, biện pháp CTDV vùng đô thị, các khu công nghiệp, khu chế xuất trong thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước; Quân đội tham gia giải quyết vụ việc phức tạp vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo theo chức năng, nhiệm vụ và bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo trong tình hình mới; hoạt động phối hợp giữa Quân đội với các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và địa phương. Đồng thời, tham gia giải quyết vấn đề tụ tập đông người trái phép, khiếu kiện dài ngày theo đúng chức năng, nhiệm vụ; tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng trong tranh chấp, lấn chiếm đất quốc phòng,... Để thực hiện tốt những nội dung trên, các đơn vị cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng những mô hình hiệu quả, phương thức, cách làm mới; kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong CTDV; chú trọng tổng kết thực tiễn, nghiên cứu phát triển lý luận, đẩy mạnh trao đổi, học tập kinh nghiệm tiến hành CTDV trong điều kiện mới.

Thứ tư, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trách nhiệm của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan và cán bộ chính trị đối với CTDV. Nội dung lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy và cơ quan chính trị các cấp tập trung vào thực hiện nghiêm Quy chế CTDV của Quân ủy Trung ương về mọi mặt hoạt động CTDV; phân công cấp ủy viên phụ trách; gắn hiệu quả CTDV với kết quả hoạt động lãnh đạo của cấp ủy đảng, trách nhiệm điều hành của người chỉ huy và kết quả bình xét, phân loại tổ chức đảng, đảng viên; khắc phục các biểu hiện xem nhẹ CTDV, coi dân vận là việc của cơ quan chính trị và cán bộ dân vận chuyên trách. Các cấp cần tăng cường hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo CTDV bằng các biện pháp kiểm tra, giám sát việc thực hiện; định kỳ hằng quý (tháng), cấp ủy nghe báo cáo tình hình về CTDV để lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời; quan tâm đúng mức đến đội ngũ cán bộ chuyên trách và những CB,CS trực tiếp làm CTDV ở cơ sở. Các cơ quan, trước hết là cơ quan chính trị cần làm tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy và chỉ huy chủ động tổ chức, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, lực lượng trên địa bàn đứng chân thực hiện CTDV; chú trọng phát huy hiệu quả hoạt động của các tổ chức quần chúng với vai trò vừa là chủ thể, vừa là khách thể trong tiến hành CTDV ở các loại hình cơ quan, đơn vị.

Thứ năm, tập trung xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống cơ quan và cán bộ dân vận. Các cấp ủy lựa chọn những cán bộ có năng lực, tâm huyết và kinh nghiệm công tác bố trí vào cơ quan dân vận các cấp; quan tâm phát hiện, tuyển chọn, bồi dưỡng, quy hoạch để có đội ngũ chuyên gia giỏi về CTDV, gắn với coi trọng xây dựng, bảo đảm cơ chế, chính sách, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để CB,CS hoàn thành tốt các nhiệm vụ. Đồng thời, có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ dân vận chuyên trách là người địa phương, người dân tộc thiểu số, người có đạo; đề xuất các chế độ về quân hàm, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ dân vận công tác ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới, xã trọng điểm về quốc phòng - an ninh. Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ sĩ quan quân đội về CTDV ngay từ nhà trường; tăng cường công tác tập huấn kiến thức kinh tế - xã hội, pháp luật, dân tộc, tôn giáo, nâng cao năng lực, trình độ và kỹ năng CTDV cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cán bộ tăng cường cơ sở, các tổ CTDV và CB,CS đang tại ngũ... để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Mặt khác, phải tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin cho CTDV.

Với bản chất, truyền thống của một Quân đội “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu”, cùng với những kinh nghiệm tiến hành CTDV trong thực tiễn, toàn quân cần thực hiện tốt nội dung, yêu cầu CTDV trong tình hình mới, bảo đảm cho Nghị quyết 25-NQ/TW đi vào cuộc sống.

Đại tá DƯƠNG ĐÌNH THÔNG

Cục trưởng Cục Dân vận

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước