Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 11/09/2017, 13:25 (GMT+7)
Tăng cường thế trận phòng không nhân dân ở các địa bàn trọng điểm phòng không

Nghiên cứu các cuộc chiến tranh cục bộ gần đây cho thấy, tiến công đường không đã, đang là phương thức tác chiến chủ yếu, được nhiều nước sử dụng nhằm phá hủy tiềm lực, làm lung lay ý chí chiến đấu của một quốc gia, tiến tới gây sức ép để nhanh chóng đạt mục đích của cuộc chiến tranh. Để bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong điều kiện mới, cần có giải pháp đồng bộ, nhằm đối phó thắng lợi các cuộc tiến công đường không; trong đó, tăng cường thế trận phòng không nhân dân là vấn đề hết sức quan trọng.

Từ thực tiễn cuộc chiến tranh của đế quốc Mỹ phá hoại miền Bắc nước ta trước đây cho thấy, kẻ địch đã sử dụng các loại phương tiện chiến tranh hiện đại, cùng với nhiều loại bom, đạn có sức hủy diệt lớn, hòng phá hoại tiềm lực, ý chí, quyết tâm chiến đấu của nhân dân, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam. Song, dưới sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng, quân, dân miền Bắc đã chủ động, tích cực tổ chức các hoạt động phòng không nhân dân: tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức, trách nhiệm và kiến thức phòng không; thông báo, báo động và sơ tán, phòng tránh; phát động toàn dân tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, khắc phục hậu quả chiến tranh. Trong đó, nổi bật là xây dựng thế trận phòng không nhân dân rộng khắp, liên hoàn, vững chắc cả trên không và mặt đất, tạo nên thế trận “thiên la địa võng” gây kinh hoàng cho không quân địch. Đây là một nhân tố quan trọng góp phần vào thắng lợi của hai cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhất là Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên phủ trên không”, buộc đế quốc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri, rút quân về nước. Trong chiến thắng đó, lực lượng phòng không nhân dân miền Bắc đã bắn rơi 4.181 máy bay, bắt nhiều giặc lái. Riêng lực lượng dân quân tự vệ với các loại súng, pháo phòng không và súng bộ binh đã bắn rơi 424 chiếc, gồm 20 loại máy bay, trong đó có máy bay cường kích F-111A - loại hiện đại nhất lúc bấy giờ.

Thiếu tướng Ngô Mạnh Hà đọc báo cáo trung tâm tại Hội nghị cán bộ Phòng không lục quân, Phòng không nhân dân. (Ảnh: phongkhongkhongquan.vn)

Dự báo chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), địch sẽ tổ chức tiến công đường không với cường độ cao, quy mô lớn, bằng vũ khí công nghệ cao ngay từ những ngày đầu và trong suốt cuộc chiến tranh nhằm hủy diệt tiềm lực quốc phòng, kinh tế, chính trị, làm cho ta kiệt quệ về vật chất và tinh thần, không còn sức chống trả, buộc phải khuất phục, nhanh chóng kết thúc chiến tranh, không cần đưa quân bộ vào tham chiến. Trong bối cảnh tình hình đó, ngay từ thời bình, các cấp, các ngành, các đơn vị và các địa phương cần phải kế thừa, phát huy những kinh nghiệm trước đây, nghiên cứu, triển khai đồng bộ các hoạt động phòng không nhân dân; trong đó, chú trọng xây dựng thế trận phòng không nhân dân trên phạm vi cả nước, nhất là ở các địa bàn trọng điểm phòng không.

Trước hết, tích cực tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân thấm nhuần quan điểm, tư tưởng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, trong đó có thế trận phòng không nhân dân. Theo đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tuyên truyền, giáo dục đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng, tập trung vào Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị định 74/2015/NĐ-CP, ngày 09-9-2015 của Chính phủ Về phòng không nhân dân; Quyết định 2480/QĐ-TTg, ngày 30-12-2015 của Thủ tướng Chính phủ Về thành lập Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp; Thông tư 110/2016/TT-BQP, ngày 09-8-2016 của Bộ Quốc phòng Về việc quy định các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trọng điểm phòng không nhân dân, v.v. Qua đó, làm cho mọi tầng lớp nhân dân hiểu rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng và đặc điểm của công tác phòng không nhân dân bảo vệ Tổ quốc; âm mưu, thủ đoạn, khả năng đánh phá của địch trên không; nâng cao cảnh giác, chuẩn bị tinh thần, củng cố niềm tin, sẵn sàng chiến đấu thắng lợi trong mọi tình huống. Đồng thời, tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức phổ thông về công tác phòng không nhân dân cho mọi tầng lớp nhân dân; trong đó, chú trọng những thành phần trực tiếp tham gia công tác phòng không nhân dân. Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Quốc phòng đưa nội dung, kiến thức phòng không nhân dân vào hệ thống các trường từ cấp học phổ thông đến đại học, lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc phòng, nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm thực hiện công tác phòng không nhân dân cho học sinh, sinh viên. Bộ Quốc phòng cần chỉ đạo các học viện, nhà trường, các cơ quan chức năng thuộc Bộ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục quốc phòng về kiến thức phòng không nhân dân. Bộ Thông tin và Truyền thông cần chỉ đạo tổ chức xây dựng hệ thống thông tin truyền thông: phát thanh, truyền hình để thông tin, tuyên truyền công tác phòng không nhân dân cho các tầng lớp nhân dân. Cơ quan quân sự các cấp trong khu vực phòng thủ, theo sự chỉ đạo trực tiếp của cấp trên, của ủy ban nhân dân cấp mình, xây dựng nội dung, chương trình, giáo trình, tài liệu, bồi dưỡng kiến thức phòng không nhân dân cho cán bộ, nhân dân địa phương. Ngoài ra, công tác tuyên truyền cần chuẩn bị tâm thế làm tốt công tác tư tưởng cả trước, trong và sau các đợt đánh phá hủy diệt bằng đường không của địch, giữ vững “thế trận lòng dân” nhất là khi ta tạm thời bị tổn thất lớn, tránh hoang mang, dao động, mất ổn định chính trị, xã hội.

Hai là, xây dựng hệ thống các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không. Do sự phát triển kinh tế, xã hội, nhất là tốc độ đô thị hóa ngày càng nhanh, địa hình nhiều khu vực thay đổi. Mặt khác, tiến công đường không hiện nay khó đoán định hướng, đường bay, vì đối phương thực hiện tiến công đường không từ rất xa, có khi hàng nghìn ki-lô-mét. Do vậy, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các địa phương cần sớm xác định các vị trí có lợi, như: đỉnh núi, nhà cao tầng; thậm chí, chủ động xây dựng các đài quan sát phòng không ở phía trước hướng tiến công đường không (dự kiến) của địch để bảo đảm quan sát, phát hiện từ sớm, từ xa, rộng khắp, bao trùm cả khu vực, địa bàn quản lý. Đối với các thành phố, khu công nghiệp có vị trí chiến lược thường có các lực lượng phòng không quốc gia, phòng không quân khu triển khai bảo vệ, Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cần có kế hoạch triển khai đánh dấu đường bay trên bảng tiêu đồ tại sở chỉ huy cấp mình để thu tình báo trên không từ sở chỉ huy của các đơn vị phòng không chủ lực đứng chân trên địa bàn. Đối với các thành phố, khu công nghiệp không có lực lượng phòng không chủ lực bảo vệ, việc tổ chức thu tình báo trên không qua mạng thông báo tình báo của Quân chủng Phòng không - Không quân. Như vậy, Ban chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp từ Trung ương đến địa phương sẽ nắm chắc tình hình hoạt động trên không của địch, chủ động triển khai các hoạt động phòng không nhân dân cấp mình.

Cùng với đó, cần bảo đảm tốt các thiết bị thông tin liên lạc từ thô sơ đến hiện đại cho các đài quan sát, thông báo, báo động phòng không. Theo đó, mỗi đài quan sát phòng không hay vọng quan sát bằng mắt cần phải đảm bảo thường xuyên hai mạng thông tin: quân sự và dân sự để thông báo, báo động phòng không. Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp cần chỉ đạo các ngành, địa phương cấp mình triển khai các phương tiện thông tin đại chúng, như: đài phát thanh, truyền thanh, còi điện, kẻng, loa thông báo, báo động phòng không; ngành thông tin và truyền thông lắp đặt hệ thống loa phát thanh trên khắp các đường phố, khu công cộng và đường làng, ngõ xóm; các nhà máy, xí nghiệp của cả Trung ương và địa phương trên địa bàn phải sử dụng còi tầm để thông báo, báo động. Nhờ đó, khi có lệnh báo động, hệ thống này sẽ hiệu ứng tạo thành hiệu lệnh mạnh, vang xa, bao trùm cả khu vực, địa bàn, bảo đảm mọi người dân đều nhận được tín hiệu báo động phòng không.

Ba là, xây dựng hệ thống công sự, trận địa bắn mục tiêu trên không, phòng tránh, ẩn nấp. Hiện nay, các khu vực, địa phương xuất hiện nhiều mục tiêu cần phải bảo vệ, như: trung tâm kinh tế, chính trị, quân sự, các khu, cụm công nghiệp, v.v. Trong khi đó, thế trận phòng không ở nhiều khu vực, nhất là các địa bàn trọng điểm phòng không chưa thực sự mạnh. Khắc phục tình trạng này, cơ quan quân sự các cấp cần tập trung nghiên cứu, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương cấp mình tiếp tục củng cố, xây dựng hệ thống trận địa cho các loại súng, pháo phòng không, tạo thế trận phòng không vững mạnh trên địa bàn, khu vực, góp phần tạo thế trận phòng không vững mạnh trên phạm vi cả nước. Đối với súng, pháo phòng không, các đơn vị, địa phương cần phải xây dựng hệ thống trận địa: cơ bản, dã chiến, phòng tránh, phục kích, đón lõng đường bay của địch, đảm bảo thế trận phòng không rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm. Hệ thống các trận địa phòng không phải có đủ diện tích để triển khai vũ khí, khí tài, xe máy; đường cho các loại súng, pháo phòng không cơ động thuận lợi. Ngoài ra, cơ quan quân sự các cấp còn phải tham mưu cho Ban chỉ đạo phòng không nhân dân cấp mình xác định các vị trí có thể triển khai tổ, đội bắn mục tiêu trên không bằng súng bộ binh; thậm chí phải xác định khu vực có thể thả bóng bay đeo tấm phản xạ; rải các tấm bạt phản xạ che phủ một phần các tòa nhà cao tầng, những chiếc cầu, đoạn đường lớn để đối phó với các cuộc tiến công hỏa lực đường không bằng tên lửa hành trình của địch.

Bên cạnh đó, cần tích cực xây dựng hệ thống hầm hào, công sự ẩn nấp, phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại trước các đợt tiến công đường không của địch. Theo đó, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp phải tham mưu cho lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan; cấp ủy, chính quyền địa phương cấp mình chủ động xây dựng, củng cố hầm, hào, công sự phòng tránh cá nhân, tập thể; hầm, công trình ngầm cất giấu tài sản, v.v. Thực hiện nội dung này, Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành Trung ương; đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp tại chỗ để chuẩn bị tốt, đồng bộ, kịp thời các biện pháp phòng tránh, nhằm giảm thiểu thiệt hại, giữ vững lòng dân, ổn định sản xuất. Ngay trong thời bình, các cơ quan, đơn vị, địa phương cần chuẩn bị phương án để trước khi chiến tranh xảy ra sẽ xây dựng cho mỗi người dân có tối thiểu bốn hầm trú ẩn ở các vị trí: tại gia đình, nơi làm việc, nơi công cộng, trên đường đi. Hệ thống hầm, hào trú ẩn phải có sơ đồ, thiết kế để thuận lợi trong quá trình cứu hộ, cứu nạn. Ngoài ra, các tầng lớp nhân dân cần vận dụng sáng tạo nhiều biện pháp phòng tránh đã được vận dụng hiệu quả trong chiến tranh trước đây, như: mũ rơm, áo rơm; sử dụng các vật liệu: tre, nứa để che, đậy, bảo vệ vũ khí, phương tiện sản xuất, v.v.

Bốn là, xác định khu vực sơ tán, phân tán, phòng tránh lực lượng, phương tiện ở từng cấp. Phòng tránh để bảo toàn tiềm lực là một biện pháp chiến lược quan trọng trước các cuộc tiến công đường không của địch bằng vũ khí công nghệ cao. Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân các cấp, nhất là các địa bàn trọng điểm phòng không cần xác định rõ khu vực sơ tán dài hạn; liên hệ với địa phương tiếp nhận sơ tán; báo cáo Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương. Khu vực sơ tán, phân tán khẩn cấp được lựa chọn ngay trên địa bàn, nhưng không nằm trong các khu vực, mục tiêu dự kiến địch đánh phá. Khu vực phân tán tại chỗ, khẩn cấp nằm ngay trong khu vực mục tiêu đánh phá, nhưng thay đổi sang vị trí khác đã được chuẩn bị. Tổ chức sơ tán, phòng tránh toàn diện, triệt để đối với từng đối tượng, phương tiện, loại vật chất. Công tác phòng tránh phải toàn diện, gồm: con người, vũ khí, trang bị, vật chất bảo đảm. Trong quá trình thực hiện, cần đánh giá đúng đối tượng chiến đấu, phục vụ, bảo đảm; loại vật chất, trang bị để tiến hành sơ tán, phòng tránh phù hợp. Đối với nhân dân cũng phải xác định rõ từng đối tượng: sơ tán dài hạn; sơ tán, phân tán khẩn cấp; phân tán tại chỗ khẩn cấp. Sơ tán dài hạn cần áp dụng cho các đối tượng: người già, trẻ em, những người không nhất thiết phải ở lại. Sau khi kết thúc chiến tranh hoặc tình hình ổn định, đối tượng này mới trở về. Sơ tán, phân tán khẩn cấp cần thực hiện ngay đối với người, phương tiện, vật chất ở các khu vực, mục tiêu mà ta xác định có nguy cơ địch sẽ tập trung đánh phá. Sau trận đánh, hoặc đợt đánh phá của địch, đối tượng này lại trở về vị trí sản xuất, sinh hoạt bình thường. Phương thức này đảm bảo kịp thời, khẩn trương, giảm thấp nhất mật độ dân cư, tài sản, mục tiêu bảo vệ ở các khu vực trọng điểm phòng không, nơi đối phương có thể tập trung lực lượng đánh phá, nhưng không tạo ra mục tiêu mới. Phân tán tại chỗ, khẩn cấp là hình thức chúng ta đã thực hiện thành công trong chiến tranh giải phóng, góp phần quan trọng giảm tổn thất về người. Đây là hình thức sẽ được vận dụng thường xuyên trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Xây dựng thế trận phòng không nhân dân vững mạnh, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, đánh địch từ xa đến gần, bảo toàn lực lượng, phương tiện, tính mạng, tài sản của nhân dân và nhà nước nhằm phục vụ cho chiến tranh nhưng lại cần được triển khai ngay từ thời bình. Thực hiện tốt điều đó là yếu tố tiên quyết giành thắng lợi trước các cuộc tiến công đường không, góp phần đánh thắng chiến tranh xâm lược đối với nước ta, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.

Thiếu tướng NGÔ MẠNH HÀ, Cục trưởng Cục Phòng không Lục quân, Ủy viên Ban Chỉ đạo phòng không nhân dân Trung ương

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước