Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 05/09/2013, 16:15 (GMT+7)
Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Quân đội đối với công tác dân vận

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ Bảy (khóa XI) ra Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 03-6-2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đúng vào thời điểm Đảng bộ Quân đội tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW, ngày 01-8-2003 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Tiếp tục đổi mới và tăng cường công tác dân vận của lực lượng vũ trang trong thời kỳ mới”. Đây là tiền đề quan trọng để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, góp phần tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Quân đội với nhân dân. 

Hội nghị tập huấn công tác dân vận toàn quân năm 2013
(Nguồn: qdnd.vn)

Công tác dân vận (CTDV) là một trong những công tác cơ bản của Đảng; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước; là điều kiện quan trọng bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, củng cố và tăng cường quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân. CTDV của Quân đội nhân dân Việt Nam là một nội dung cơ bản của công tác đảng, công tác chính trị được Quân ủy Trung ương (QUTƯ), Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; coi đó vừa là trách nhiệm chính trị, vừa thể hiện bản chất, truyền thống tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” - từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, gắn bó máu thịt với nhân dân. Qua từng giai đoạn cách mạng, CTDV của Quân đội luôn quán triệt và thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy chế của Đảng và QUTƯ về CTDV, nên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thực hiện Nghị quyết 152-NQ/ĐUQSTW của QUTƯ, CTDV của Quân đội đã đi vào chiều sâu, hoạt động đúng định hướng, bám sát yêu cầu nhiệm vụ, đến với mọi tầng lớp nhân dân, vận dụng cụ thể sát với từng đối tượng, địa bàn và điều kiện của từng đơn vị. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức phối hợp, hiệp đồng giữa các đơn vị với các lực lượng làm CTDV đã thường xuyên được chú trọng và thực hiện theo một cơ chế thống nhất. Nội dung, hình thức CTDV đa dạng, phong phú, hướng về cơ sở, tập trung vào những địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng dân tộc, tôn giáo, v.v. 

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 152 của QUTƯ, CTDV của Quân đội đã có bước đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, cách làm, nên đã đạt được những kết quả quan trọng. Hoạt động của hệ thống “Chiến sĩ dân vận”, “Tổ CTDV”; kết nghĩa; huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV; các chương trình phối hợp; cử cán bộ tăng cường cơ sở các xã biên giới của Bộ đội Biên phòng và CTDV của các binh đoàn, đoàn kinh tế - quốc phòng; Chương trình quân - dân y kết hợp… đã từng bước đi vào nền nếp, có hiệu quả tốt. Đặc biệt, QUTƯ và Bộ Quốc phòng đã kịp thời quyết định thành lập và chỉ đạo tổ chức hoạt động của các đội công tác tăng cường cơ sở trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Quân khu 4 (Đội công tác 123); thể hiện vai trò nòng cốt góp phần xây dựng cơ sở vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn. Kết quả nổi bật trong thời gian qua là: CTDV của Quân đội đã góp phần tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các cuộc vận động cách mạng, các phong trào và nhiệm vụ chính trị của địa phương; tham gia xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường quốc phòng - an ninh, phát triển kinh tế - xã hội; tích cực giúp dân xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng tránh, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn. Đồng thời, đã chủ động tuyên truyền, nâng cao ý thức cảnh giác của các tầng lớp nhân dân, đấu tranh có hiệu quả với mọi âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, biển, đảo của Tổ quốc, tình đoàn kết các dân tộc, tình hữu nghị với các nước. Mặt khác, đã thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở; công tác dân tộc, tôn giáo trên các địa bàn và chính sách dân tộc, tôn giáo trong Quân đội1… Qua đó, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần, xây dựng “thế trận lòng dân”, hậu phương chiến lược vững chắc trong thế trận phòng thủ chung của cả nước. Thông qua thực tiễn hoạt động, CTDV đã trở thành một trong những phương thức chủ yếu để tăng cường mối quan hệ gắn kết chiến lược giữa Đảng, nhân dân và Quân đội; là điều kiện để giáo dục, rèn luyện tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức, lối sống cho cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) Quân đội nhân dân Việt Nam.

Bên cạnh ưu điểm là cơ bản, CTDV của Quân đội vẫn còn một số hạn chế, cần chú ý khắc phục. Đó là sự lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp ủy, cán bộ chủ trì đối với CTDV chưa được quan tâm đúng mức; công tác nắm, dự báo tình hình, tham mưu, phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trong tiến hành CTDV, nhất là trong giải quyết các vụ việc phức tạp, quản lý đất quốc phòng có lúc, có nơi chưa sát, thiếu nhạy bén. Hiệu quả hoạt động của Tổ CTDV ở một số nơi chưa cao. Nội dung, biện pháp CTDV ở một số đơn vị chưa phong phú, thiếu chiều sâu; năng lực, tác phong công tác, trình độ hiểu biết của đội ngũ CB,CS làm CTDV về phong tục, tập quán, tiếng dân tộc có mặt còn hạn chế; kỷ luật dân vận chưa chuyển biến vững chắc, còn để xảy ra vụ việc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của Quân đội… Những hạn chế trên có nhiều nguyên nhân, song chủ yếu là do nhận thức của lãnh đạo, chỉ huy một số đơn vị về vị trí, vai trò của CTDV chưa đầy đủ; chưa thấy hết được đây là hoạt động nhằm thực hiện chức năng “đội quân công tác” của Quân đội; tinh thần trách nhiệm trong tiến hành CTDV của một số CB,CS chưa trở thành ý thức, hành động tự giác; việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng có nơi chưa kịp thời, v.v.

Thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, nhưng cũng phải đối mặt với những thách thức gay gắt. Các thế lực thù địch tiếp tục lợi dụng những khó khăn về kinh tế; vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; những phức tạp về quản lý đất đai, quản lý xã hội để chống phá ta quyết liệt hơn. Tình hình biên giới, biển, đảo, thiên tai, thảm họa, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp; đời sống của một bộ phận nhân dân và CB,CS còn khó khăn… Thực trạng trên đòi hỏi phải tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Quân đội đối với CTDV; tập trung vào một số nội dung cơ bản sau:

Trước hết, phải tăng cường xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo về CTDV. Sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp là yếu tố quyết định để CTDV trong Quân đội mang lại hiệu quả thiết thực. Bởi vậy, các cấp ủy phải được xây dựng vững mạnh cả về chất lượng và cơ cấu; duy trì nghiêm túc và phát huy hiệu quả cơ chế lãnh đạo, chỉ đạo đối với CTDV. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo; người chỉ huy tổ chức thực hiện; cơ quan chính trị làm tham mưu; mọi CB,CS làm nòng cốt và phân công cấp ủy viên phụ trách CTDV. Nhằm bảo đảm cho Nghị quyết 25-NQ/TW đi vào cuộc sống, các cấp ủy trực thuộc QUTƯ phải thường xuyên quán triệt nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, hướng dẫn của cấp trên về CTDV; bám sát, cụ thể hóa Chương trình hành động của QUTƯ thực hiện nghị quyết 25-NQ/TW và Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2013-2020, gắn với đặc điểm, nhiệm vụ của đơn vị mình để ra nghị quyết chuyên đề, xây dựng chương trình hành động, kế hoạch tổ chức thực hiện CTDV đáp ứng với yêu cầu mới. Trong tình hình hiện nay, các cấp ủy trong Quân đội phải gương mẫu, đi đầu khắc phục khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; xây dựng tổ chức, con người vững mạnh, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Quân đội. Cấp ủy các cấp cần tăng cường giáo dục cho CB,CS có thái độ kính trọng dân, gần gũi dân, hiểu dân và trách nhiệm cao với dân, thực sự mẫu mực cả lời nói và hành động, tận tụy với công việc; bằng chính việc làm, tư thế, tác phong, lối sống của mỗi CB,CS và các đơn vị, khu tập thể quân đội, làng quân nhân để tuyên truyền, vận động nhân dân. Nội dung lãnh đạo CTDV thực hiện cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “…việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”2. Đồng thời, nắm vững nhiệm vụ chính trị, tình hình thực tế của đơn vị, tập trung khắc phục những yếu kém, bất cập trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện; phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể địa phương, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng, bảo đảm cho CTDV hoạt động có nền nếp, hướng mạnh về cơ sở.

Thứ hai, chú trọng nâng cao nhận thức của các cấp ủy, người chỉ huy và mọi CB,CS về vai trò, vị trí của CTDV. Trên cơ sở quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25-NQ/TW (khóa XI) về CTDV, cùng với tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 152 của QUTƯ, các cấp ủy cần coi đây là thời cơ thuận lợi để tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh CTDV theo đúng yêu cầu đề ra. Thông qua đợt sinh hoạt này, toàn Đảng bộ phải nâng cao nhận thức về nội dung cơ bản của Nghị quyết; ý thức đầy đủ về ý nghĩa chiến lược của CTDV; nắm vững mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ CTDV trong tình hình mới. Đồng thời, quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”3; từ đó, vận dụng cụ thể vào từng công việc, trên từng lĩnh vực, địa bàn, xây dựng được mô hình dân vận phù hợp, hiệu quả. Các cấp ủy cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi CB,CS nhận thức đúng vị trí, vai trò của CTDV đối với việc phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; củng cố vững chắc mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước, Quân đội với nhân dân; tạo động lực để nhân dân đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Việc làm này phải được tiến hành thường xuyên, bằng nhiều hình thức, phương tiện, nhất là hệ thống thông tin đại chúng; gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh hoạt động thực tiễn, nâng cao hiệu quả CTDV, xây dựng lề lối, tác phong khoa học, bám sát cơ sở, địa bàn. Từ nhận thức đúng, cần đề cao ý thức trách nhiệm của các cấp ủy và mọi cán bộ, đảng viên (CB,ĐV) trong tiến hành CTDV; phát hiện, khắc phục kịp thời tư tưởng lệch lạc nảy sinh, vi phạm kỷ luật dân vận, làm ảnh hưởng đến mối quan hệ đoàn kết quân - dân.

Thứ ba, phát huy vai trò của đội ngũ CB,ĐV, nhất là cán bộ chủ trì các cấp trong tiến hành CTDV. Mỗi CB,ĐV phải coi CTDV là tình cảm, trách nhiệm của mình; từ đó, đề cao tinh thần tự giác, tích cực, chủ động, không ngại khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Với cán bộ chủ trì, ngoài việc hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, phải thực sự gương mẫu, đi đầu trong CTDV; lời nói phải thống nhất với việc làm; cấp trên phải làm gương trước cấp dưới. Trên cơ sở nghị quyết lãnh đạo của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên và người chỉ huy phải cụ thể hóa thành kế hoạch, chương trình hành động hằng tháng, quý phù hợp với chức trách, nhiệm vụ được giao; xây dựng, hoàn thiện các quy chế, quy định trong tiến hành CTDV; gắn chỉ đạo công tác này với thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, bảo đảm mọi hoạt động đi vào nền nếp, khoa học, hiệu quả. Trong từng thời gian, cán bộ chủ trì đơn vị phải có sự trao đổi, bàn bạc, thống nhất kế hoạch, chương trình thực hiện CTDV; phân công cụ thể cho từng bộ phận, trên từng lĩnh vực, địa bàn công tác; tập trung phối hợp tuyên truyền, vận động nhân dân, tham gia xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, đa dạng hóa các hình thức CTDV; coi trọng tổng kết các bài học từ thực tiễn. Trong quá trình tiến hành CTDV, các cấp phải luôn coi trọng việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, xác định mặt làm được, chưa làm được; lựa chọn mô hình CTDV có hiệu quả đã được thực tiễn kiểm nghiệm để xây dựng và nhân rộng. Trên cơ sở đó và căn cứ vào yêu cầu của CTDV hiện nay, các đơn vị cần đổi mới, xác định mô hình phù hợp, đa dạng hóa các hình thức tập hợp nhân dân; tiếp tục duy trì, mở rộng hoạt động kết nghĩa, huấn luyện dã ngoại kết hợp làm CTDV; củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của “Tổ CTDV”; phát huy vai trò của dân quân tự vệ làm CTDV, các tổ, đội công tác liên ngành ở các địa bàn và cán bộ tăng cường cơ sở, nhất là các đồng chí tham gia cấp ủy, chính quyền và Hội đồng nhân dân các cấp. Để CTDV mang lại hiệu quả thiết thực, CB,CS phải xây dựng và thực hiện phong cách: “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”; tạo môi trường và điều kiện để phát huy mọi nguồn lực của nhân dân cho xây dựng cơ sở, địa bàn vững mạnh. Cùng với đó, các cấp cần đẩy mạnh phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”; duy trì có nền nếp việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, bảo đảm cho CTDV thực sự đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đơn vị, giải quyết những vấn đề bức thiết trong nhân dân.

Thứ năm, tập trung xây dựng cơ quan, đội ngũ cán bộ làm CTDV vững mạnh; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện CTDV. Theo đó, cấp ủy các cấp phải thường xuyên chú trọng củng cố, kiện toàn cơ quan Dân vận ở cấp mình; đồng thời, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ làm CTDV cả về trình độ lý luận, năng lực tham mưu, kỹ năng công tác và phẩm chất cách mạng, bảo đảm cho họ phải thật sự đồng cam, cộng khổ, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với dân, thông hiểu tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán của từng dân tộc; khắc phục tình trạng đưa cán bộ có phẩm chất, năng lực yếu và không có uy tín về làm CTDV. Bên cạnh sự giáo dục của tập thể, mỗi cán bộ làm CTDV phải không ngừng tự học tập, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phương pháp, tác phong công tác, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao. Mặt khác, phải thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện những tập thể, cá nhân thực hiện tốt CTDV để biểu dương, nhân rộng và có hình thức phê bình, kỷ luật những cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm kỷ luật dân vận. 

Phát huy kết quả đạt được sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 152 của QUTƯ, đồng thời quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 25-NQ/TW về CTDV sẽ thiết thực nâng cao hiệu quả lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong Quân đội đối với CTDV, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ mới.

Thượng tướng Ngô Xuân Lịch
Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ QUTƯ
Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị
______________

1 - 10 năm qua, các đơn vị đã tham gia xây dựng, củng cố hơn 136.600 tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể; giúp dân lao động, sản xuất, phát triển kinh tế được hơn 10 triệu ngày công; ủng hộ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai 6,8 tỷ đồng; ủng hộ nạn nhân chất độc da cam 15,85 tỷ đồng, đóng góp các quỹ địa phương 140,724 tỷ đồng; giúp dân theo Chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ 47,649 tỷ đồng; xây dựng 9.000 Nhà đại đoàn kết, Nhà tình nghĩa; phụng dưỡng 3.500 Mẹ Việt Nam anh hùng; đỡ đầu chăm sóc hơn 1.000 con thương binh, liệt sĩ; tạo việc làm cho hơn 233.600 hộ đồng bào dân tộc tại chỗ và gần 3.800 hộ đồng bào di, dịch cư tự do; đào tạo trên 1.000 y tá, y sĩ thôn, bản; xây dựng, củng cố  toàn diện hơn 620 trạm y tế, củng cố 1.500 trạm y tế xã ở vùng sâu, vùng xa; khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 3,6 triệu lượt người; tiêm chủng cho 5,1 triệu trẻ em, v.v.

2 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 47.

3 - Sđd, Tập 5, tr. 700.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước