Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 14/05/2015, 14:06 (GMT+7)
Phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng

Đưa trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng là chủ trương lớn của Chính phủ, nhằm tăng cường nguồn lực con người cho các đoàn kinh tế - quốc phòng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo. Đồng thời, thông qua đó giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện và tạo điều kiện để đội ngũ trí thức trẻ lập thân, lập nghiệp, cống hiến tài năng, sức lực, cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Ảnh minh họa

Để thực hiện chủ trương trên, ngày 31-10-2005, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 1136/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Tăng cường thanh niên tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng” (gọi tắt là Dự án 1136). Sau gần 03 năm triển khai thực hiện, đã cơ bản đạt được mục tiêu Dự án 1136 đề ra. Phát huy kết quả đó, ngày 29-01-2010, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ký Quyết định 174/QĐ-TTg, phê duyệt và giao cho Bộ Quốc phòng chủ trì triển khai thực hiện Dự án “Tăng cường trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng giai đoạn 2010 - 2020” (gọi tắt là Dự án 174). Theo đó, ngày 05-7-2010, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 92/2010/TT-BQP quy định về tổ chức quản lý, điều hành thực hiện Dự án 174, làm cơ sở chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Từ năm 2010, Dự án 174 được triển khai trên địa bàn 22 khu kinh tế - quốc phòng dọc tuyến biên giới đất liền. Đến nay, chúng ta đã hoàn thành 02 đợt, đang thực hiện đợt 3 (giai đoạn 2014 - 2016) của Dự án và thu được những kết quả tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai thực hiện Dự án được các đơn vị, địa phương có liên quan tiến hành nghiêm túc, đồng bộ, chặt chẽ. Các quân khu, binh đoàn làm kinh tế, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã thành lập Ban quản lý Dự án 174; chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn, các tỉnh Đoàn, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tuyển chọn, tập huấn cho đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện. Đồng thời, tổ chức quản lý, phân công công tác, tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để họ phát huy vai trò xung kích, tham gia thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của khu kinh tế - quốc phòng. Đã có hơn 1.550 lượt đội viên trí thức trẻ tình nguyện được tuyển chọn trong số hàng nghìn trí thức trẻ đăng ký tham gia Dự án đến công tác tại các đoàn kinh tế - quốc phòng. Trong đó, số đội viên có trình độ đại học chiếm 33%, cao đẳng 25%, trung cấp 42%; đội viên là người dân tộc thiểu số chiếm 30%, v.v.

Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, trình độ, kiến thức khoa học, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện đã phát huy tốt vai trò của mình, sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với đồng bào, tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, củng cố quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Các đội viên trí thức trẻ tình nguyện đã tích cực tuyên truyền, vận động, tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào, giúp đồng bào chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo đã được các trí thức trẻ xây dựng và nhân rộng, đem lại hiệu quả thiết thực, như: mô hình trồng lúa nước, ngô lai, chè san tuyết, trồng dong riềng, bí cao sản; trồng, bảo vệ rừng; mô hình nuôi cá tầm, cá hồi, nuôi ếch, ba ba; nuôi gia súc, gia cầm, v.v. Lực lượng trí thức trẻ cũng xung kích trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng: điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi…, góp phần làm đổi thay diện mạo của địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, vừa phục vụ phát triển sản xuất, vừa tạo điều kiện cho quy hoạch, bố trí lại dân cư, hình thành nhiều thôn, bản mới nơi phên dậu của Tổ quốc, v.v. Bên cạnh tham gia phát triển kinh tế, các trí thức trẻ tình nguyện đã chủ động phối hợp cùng các ban, ngành, đoàn thể của địa phương, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ở cơ sở. Đồng thời, tham gia có hiệu quả vào các hoạt động xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, thực hiện công tác chính sách xã hội, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh môi trường, v.v. Thông qua hoạt động thực tiễn, lực lượng trí thức trẻ tình nguyện còn đóng góp quan trọng vào việc tập hợp, giáo dục thanh thiếu niên; củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức, đoàn thể ở địa phương, như: Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân, v.v. Nhiều đội viên trí thức trẻ tình nguyện được tăng cường xuống cơ sở trực tiếp kiêm nhiệm chức danh trong bộ máy chính quyền, đoàn thể chính trị, xã hội của địa phương đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Trong quá trình công tác tại các đoàn kinh tế - quốc phòng, các đội viên trí thức trẻ trở thành cầu nối trong mối quan hệ giữa đoàn kinh tế - quốc phòng với địa phương và đồng bào vùng Dự án, v.v.

Kết quả thực hiện Dự án 174 những năm qua rất đáng khích lệ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành nhiệm vụ của các đoàn kinh tế - quốc phòng. Đây là mô hình dự án tốt, phù hợp với thực tế nhiệm vụ, nhu cầu của các đoàn kinh tế - quốc phòng; bước đầu không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn tạo cơ hội để trí thức trẻ rèn luyện, lập thân, lập nghiệp. Kết quả đó khẳng định chủ trương đúng đắn của Chính phủ, ý thức, trách nhiệm cao của các cơ quan, đơn vị có liên quan, nhất là các đoàn kinh tế - quốc phòng trong quán triệt, tổ chức thực hiện; đồng thời, cũng cho thấy vai trò xung kích, sự sáng tạo, lòng nhiệt tình cống hiến và sức mạnh của tuổi trẻ khi được tập hợp, tổ chức vì sự nghiệp cách mạng của Đảng. Tiêu biểu trong thực hiện Dự án là Binh đoàn 15, các đoàn kinh tế - quốc phòng: 327, 337, 379, 313, v.v.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện Dự án còn có những mặt hạn chế nhất định và nảy sinh không ít những khó khăn, bất cập cần giải quyết. Để nâng cao hiệu quả của Dự án, phát huy hơn nữa vai trò của đội ngũ trí thức trẻ tình nguyện trong xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng, nhằm hoàn thành mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau:

1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với việc thực hiện Dự án 174. Đây là dự án đầu tư về nguồn lực con người, nên mọi hoạt động của Dự án phải được đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của cấp ủy, chỉ huy các cấp và gắn với hoạt động của địa phương trên địa bàn. Theo đó, các quân khu, binh đoàn làm kinh tế, các đoàn kinh tế - quốc phòng tiếp tục quán triệt, nắm vững Quyết định 174/QĐ-TTg, Thông tư 92/2010/TT-BQP, trên cơ sở đó chú trọng kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban quản lý Dự án 174 các cấp. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về mục tiêu, nhiệm vụ của Dự án, tạo sự thống nhất nhận thức, trách nhiệm cho các đối tượng, nhất là cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng, nhân dân trong vùng Dự án và các trí thức trẻ, khắc phục nhận thức cho rằng việc thực hiện là trách nhiệm riêng của Ban quản lý Dự án và trí thức trẻ tình nguyện. Các đoàn kinh tế - quốc phòng phải xác định thực hiện Dự án 174 là một nhiệm vụ chính trị quan trọng; tiếp tục phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với tổ chức Đoàn các cấp và địa phương làm tốt công tác tuyển chọn, quản lý, sử dụng trí thức trẻ tình nguyện. Cục Kinh tế tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Dự án của các đơn vị, kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những hạn chế để báo cáo, đề xuất Ban quản lý Dự án Bộ Quốc phòng chủ trương, giải pháp xử lý phù hợp với tình hình thực tiễn.

2- Tập trung nâng cao chất lượng công tác tổ chức, quản lý và hoạt động của trí thức trẻ tình nguyện. Các quân khu, các đoàn kinh tế - quốc phòng tiếp tục phối hợp với các tỉnh Đoàn, huyện Đoàn và thông qua hệ thống tổ chức Đoàn cơ sở để tuyên truyền, vận động, làm tốt công tác tuyển chọn đội viên trí thức trẻ tình nguyện theo chỉ tiêu được phân bổ. Việc tuyển chọn phải chặt chẽ, nghiêm túc, coi trọng chất lượng, nhất là về phẩm chất chính trị, trình độ học vấn, sức khỏe và cơ cấu ngành nghề phù hợp với nhiệm vụ của vùng Dự án; ưu tiên trí thức trẻ là người dân tộc tại địa phương, người biết tiếng dân tộc, người có nguyện vọng phục vụ lâu dài trên địa bàn khu kinh tế - quốc phòng. Cùng với đó, tăng cường công tác bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ, kết hợp bồi dưỡng kiến thức quốc phòng - an ninh, kinh nghiệm về công tác Đoàn, Đội, công tác vận động quần chúng cho trí thức trẻ tình nguyện. Theo quy định, các đoàn kinh tế - quốc phòng phải trực tiếp quản lý, sử dụng và chịu trách nhiệm toàn diện đối với các trí thức trẻ về công tác tại đơn vị. Bởi vậy, cần có cơ chế quản lý linh hoạt, chú trọng chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác của trí thức trẻ gắn với nhiệm vụ của đơn vị, nhu cầu của địa phương. Coi trọng nghiên cứu, phân công, sử dụng trí thức trẻ tình nguyện đúng mục tiêu của Dự án, sát với chuyên môn ngành nghề đào tạo, đảm bảo mọi hoạt động của trí thức trẻ tình nguyện đều được lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát chặt chẽ, tránh việc buông lỏng, khoán trắng cho các đội viên. Thời gian mỗi đợt của Dự án không dài (24 tháng); vì vậy, các đoàn kinh tế - quốc phòng cần đề cao trách nhiệm, thực sự làm chỗ dựa cho trí thức trẻ tình nguyện trong các hoạt động, tạo điều kiện để họ yên tâm, gắn bó công tác, phát huy năng lực trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, các đoàn kinh tế - quốc phòng tiếp tục tham mưu cho địa phương huy động các nguồn vốn hỗ trợ lồng ghép để triển khai các dự án, mô hình điểm về xóa đói giảm nghèo để trí thức trẻ tình nguyện tham gia thực hiện. Chú ý hướng trí thức trẻ vào giải quyết những nội dung khó, vấn đề mới, tạo điều kiện để họ phát huy hết khả năng chuyên môn, nâng cao hiệu quả của Dự án. Các Ban quản lý Dự án, đoàn kinh tế - quốc phòng, theo nhiệm vụ được phân công, cần chủ động phối hợp với tổ chức Đoàn các cấp, các ban, ngành, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá đúng mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ, đội trí thức trẻ tình nguyện và làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng điển hình, mô hình tiêu biểu, kịp thời rút kinh nghiệm khắc phục các mặt còn tồn tại ở các đợt tiếp theo của Dự án, v.v.

3- Quan tâm nghiên cứu hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách đối với lực lượng trí thức trẻ tình nguyện. Khi đến công tác tại các khu kinh tế - quốc phòng, trí thức trẻ tình nguyện được hưởng chế độ, chính sách như các lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn đặc thù vùng núi, biên giới, hải đảo. Các đoàn kinh tế - quốc phòng phải công khai và thực hiện tốt tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với trí thức trẻ tình nguyện theo Quyết định 174/QĐ-TTg và Thông tư 92/2010/TT-BQP, chú ý cập nhật hướng dẫn, quy định mới của Chính phủ để bảo đảm quyền lợi cho họ. Mặt khác, tích cực phối hợp với địa phương, huy động các nguồn lực từ xã hội để hỗ trợ trí thức trẻ cả về vật chất, tinh thần, v.v. Giải quyết việc làm cho trí thức trẻ tình nguyện sau khi hoàn thành nhiệm vụ cũng là vấn đề cần quan tâm, nhằm đảm bảo tính bền vững và hiệu quả lâu dài của Dự án. Theo đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Kinh tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, bám sát tình hình thực tiễn, kịp thời đề xuất Chính phủ điều chỉnh chế độ, chính sách, quyền lợi của lực lượng trí thức trẻ tình nguyện, phù hợp với sự phát triển của đất nước. Đồng thời, chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý để thu hút trí thức trẻ tình nguyện đến công tác, lập nghiệp lâu dài tại các khu kinh tế - quốc phòng; xây dựng chính sách quy hoạch, tuyển dụng, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ trẻ trưởng thành từ đội ngũ trí thức trẻ, v.v. Trước mắt, các đoàn kinh tế - quốc phòng tích cực tạo điều kiện để trí thức trẻ tiếp cận với doanh nghiệp, ban, ngành của địa phương, tạo cơ hội tìm việc làm nhiều hơn cho họ sau khi kết thúc Dự án; đồng thời, kết hợp định hướng để các trí thức trẻ nỗ lực rèn luyện, phấn đấu vươn lên, khẳng định mình trong công việc, đáp ứng tiêu chuẩn của cơ quan, đơn vị tuyển dụng. Từ nhu cầu thực tiễn, các đơn vị, đoàn kinh tế - quốc phòng có thể nghiên cứu, đề xuất Chính phủ và địa phương đầu tư xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp trong các khu kinh tế - quốc phòng, nhằm phát huy hiệu quả của Dự án, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các đoàn kinh tế - quốc phòng và địa phương vùng Dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh trên các địa bàn chiến lược xung yếu, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng, TS. LÊ HỮU ĐỨC, Ủy viên BCHTƯ Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước