Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 19/11/2012, 15:24 (GMT+7)
Phát huy hơn nữa vai trò của Quân đội trong phòng thủ dân sự

Phòng thủ dân sự là một nội dung trong phòng thủ quốc gia, bao gồm tổng thể các hoạt động (giải pháp) được chuẩn bị từ thời bình và khi có chiến tranh xảy ra, theo kế hoạch thống nhất để chủ động phòng, chống chiến tranh, thảm họa do con người hoặc thiên nhiên gây ra, nhằm bảo đảm an toàn hoặc hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội cần nhận thức rõ và phát huy tốt vai trò của mình trong nhiệm vụ quan trọng này.

alt
Trung tướng Nguyễn Trung Thu, Phó Tổng Tham mưu trưởng kiểm tra sẵn sàng chiến đấu trên nhà giàn
 

Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng (BQP), Quân đội đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự (PTDS), đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Nổi bật là, BQP, Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tham mưu cho Chính phủ ban hành các chỉ thị, hướng dẫn việc tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ PTDS trên từng khu vực và trên địa bàn cả nước; đồng thời, kiện toàn hệ thống cơ quan chuyên trách, tổ chức điều chỉnh thế bố trí chiến lược, xây dựng lực lượng, các kế hoạch, phương án PTDS trong lĩnh vực được giao, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, chống chiến tranh xâm lược và phòng, chống các thảm họa thiên tai (nếu xảy ra). Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, nhất là các quân khu, cơ quan quân sự (CQQS) các tỉnh (thành phố) đã phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương trong tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, tầm quan trọng, nghĩa vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của công dân đối với nhiệm vụ PTDS; kiện toàn tổ chức, biên chế các lực lượng (chuyên trách, kiêm nhiệm và rộng rãi) theo quy định, lập các kế hoạch, phương án tác chiến, xây dựng các công trình, tổ chức huấn luyện, diễn tập và duy trì các chế độ quy định, sẵn sàng xử lý các tình huống PTDS trong thời bình và khi có chiến tranh xảy ra. Đặc biệt, các đơn vị quân đội đã phát huy tốt vai trò là lực lượng xung kích trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Tính riêng trong mấy năm gần đây, Quân đội đã huy động hàng trăm ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ; hàng chục ngàn lượt phương tiện; tổ chức sơ tán hàng trăm ngàn hộ gia đình, hàng chục vạn người dân, hàng trăm ngàn tấn hàng hóa của Nhà nước và nhân dân từ những nơi bão, lũ nguy hiểm về nơi an toàn. Khi bão, lũ xảy ra, đã phối hợp với các ngành chức năng của Chính phủ, cấp ủy, chính quyền các địa phương và các lực lượng khác tổ chức tìm kiếm, cứu nạn được hàng ngàn tàu, thuyền, hàng chục ngàn người dân bị mắc nạn. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ Quân đội đã không quản ngại gian khổ, ngày, đêm dầm mình trong mưa, bão, rét mướt để cứu giúp đồng bào và sơ tán hàng hóa; nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Với những thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống lụt, bão, nhiều tập thể và cá nhân trong Quân đội đã vinh dự được Nhà nước phong tặng nhiều danh hiệu cao quý. Đây là những minh chứng sinh động thể hiện phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ đổi mới, khẳng định sự tin cậy mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó cho Quân đội trọng trách trong nhiệm vụ PTDS của đất nước.

alt
Lực lượng quân đội trong diễn tập thực binh ứng phó sóng thần và tìm kiếm, cứu nạn tại thành phố Đà Nẵng, tháng 10 -2011 (Nguồn: qdnd.vn)
 

Thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất ổn định. Ở trong nước, công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH,HĐH bên cạnh những thành tựu đạt được cũng xuất hiện những khó khăn, phức tạp mới, bất cập. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là sự suy thoái môi trường, bão, lụt, lũ quét có cường độ lớn, trái mùa, dịch bệnh nguy hiểm,… có thể gây những thiệt hại khôn lường về người và tài sản nếu chúng ta không thực hiện phòng hộ tốt. Tình hình đó đặt ra cho nhiệm vụ PTDS của cả nước nói chung, Quân đội nói riêng, những yêu cầu mới nặng nề hơn. Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ này, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân cần tập trung vào các mặt chính sau:

1- Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của BQP, BTTM; tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan chuyên trách PTDS trong Quân đội. PTDS là một nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng trong thời bình của toàn dân; trong đó, Quân đội nhân dân là một lực lượng nòng cốt, xung kích. Về nhận thức, cần phải thấy rằng trong bối cảnh hiện nay, thảm họa xảy ra hết sức đa dạng, phức tạp, nghiêm trọng cả về tính chất và loại hình. Khi đất nước càng phát triển thì mức độ thiệt hại do thảm họa sẽ càng lớn, do đó yêu cầu đặt ra trong PTDS càng cao. Từ đó, mọi quân nhân phải xác định rõ trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Để thực hiện tốt nhiệm vụ quan trọng này, trước hết, cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc các chỉ thị, thông tư, hướng dẫn của trên về PTDS, nhất là Nghị định số 117/2008/NĐ-CP của Chính phủ, Thông tư số 10/2010/TT-BQP, ngày 01-02-2010 và Thông tư số 21/2010/TT-BQP, ngày 01-3-2010 của BQP… Qua đó, nắm vững chủ trương, phương châm chỉ đạo về PTDS của Chính phủ; căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao đề ra các giải pháp đồng bộ, phù hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Theo đó, Cục Tác chiến - cơ quan thường trực PTDS của BQP – cần phát huy tốt vai trò tham mưu giúp Thủ trưởng BTTM, BQP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PTDS trong lĩnh vực được phân công, nhất là trong chỉ đạo việc dự báo chính xác tình hình, quan tâm dự báo những tình hình mới, chẳng hạn như: vỡ đập thủy điện, việc lập các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch PTDS trên phạm vi cả nước và trên từng vùng, khu vực; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ PTDS của các quân khu và các địa phương trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, an ninh. Khi xảy ra thảm họa (nhất là chiến tranh), chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan giúp Thủ trưởng BTTM, BQP chỉ đạo các đơn vị quân đội và lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý các vấn đề về tác chiến gắn với khắc phục hậu quả. Cục Cứu hộ - Cứu nạn chủ trì, phối hợp với Cục Tác chiến, Cục DQTV và các cục chức năng khác giúp BTTM, BQP thực hiện chức năng quản lý nhà nước về PTDS trong lĩnh vực phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, nhất là trong xây dựng quy hoạch, kế hoạch, luyện tập, diễn tập các phương án PTDS; chỉ đạo lực lượng PTDS của Quân đội và lực lượng DQTV triển khai các biện pháp khẩn cấp xử lý, khắc phục hậu quả, giảm tối đa thiệt hại về người và tài sản của Nhà nước và nhân dân. Bộ Tư lệnh (BTL) các quân khu phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ PTDS của Quân đội và lực lượng DQTV; chỉ đạo CQQS các cấp thuộc quyền tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện nhiệm vụ PTDS trên địa bàn. BTL các quân đoàn, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, đơn vị quân đội khác căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, theo sự chỉ đạo của cơ quan thường trực PTDS của BQP có trách nhiệm phối hợp với lực lượng PTDS của các cơ quan, đơn vị quân đội, lực lượng DQTV, lực lượng của các cơ quan, tổ chức và địa phương nơi đóng quân để thực hiện nhiệm vụ PTDS được phân công.

2- Tiếp tục hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch xây dựng các công trình PTDS; đẩy mạnh công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao khả năng thực hiện nhiệm vụ PTDS cho các lực lượng. Xây dựng các công trình PTDS là công việc hệ trọng, nếu quy hoạch, kế hoạch không đúng sẽ gây tác động xấu về an ninh và gây lãng phí cho Nhà nước và nhân dân. Do vậy, vấn đề có tính nguyên tắc là các quy hoạch, kế hoạch và tổ chức xây dựng các công trình PTDS phải gắn chặt với quy hoạch, kế hoạch xây dựng thế trận quân sự của khu vực phòng thủ. Các công trình PTDS đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, nên trong xây dựng cần quán triệt thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của BQP là “tiết kiệm, hiệu quả, thiết thực”, trước mắt tập trung ưu tiên cho các công trình trọng điểm, thiết yếu trên các hướng, địa bàn trọng điểm chiến lược. Các công trình khi được xây dựng phải đáp ứng được các yêu cầu “tích cực, chủ động, kịp thời phòng tránh, khắc phục hiệu quả”, lấy các biện pháp phòng ngừa là chính. Trong thực hiện nhiệm vụ PTDS phải phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân, với phương châm: phát huy lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ. Đồng thời, chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng; tận dụng tối đa các công trình dân sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế địa hình, địa vật, điều kiện khí tượng, thủy văn ở địa phương cho nhiệm vụ PTDS. Các công trình phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh cần được ưu tiên hiện nay gồm: hệ thống công trình dự báo, cảnh báo, báo động; công trình phòng, chống địch tiến công bằng hỏa lực thông thường, vũ khí hủy diệt lớn; công trình ngụy trang, nghi binh; đường cơ động; hệ thống thiết bị phòng hóa tập thể; hệ thống thông gió, lọc độc; công trình bảo vệ, cất giữ hậu cần, kỹ thuật; công trình bảo đảm huấn luyện, diễn tập phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh… Xây dựng hệ thống công trình phòng, chống thảm họa thiên tai cần được trù tính để đảm bảo cả yêu cầu trước mắt và lâu dài; trong đó, về chiến lược cần chú trọng các kế hoạch quốc gia về trồng rừng đầu nguồn, các dải ven bờ biển, khôi phục rừng ngập mặn, rừng chua, phèn, rừng sinh thái; thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường sinh thái sông, biển; hiện đại hóa hệ thống thông tin liên lạc; các đài, trạm quan sát, quan trắc về động đất, khí tượng, thủy văn, dự báo sóng thần,… tạo thành mạng thông tin dự báo, cảnh báo, báo động trên phạm vi cả nước và từng vùng, miền.

Thực tiễn thực hiện nhiệm vụ PTDS thời gian qua cho thấy, việc thực hiện tốt các mặt công tác chuẩn bị, nhất là xây dựng kế hoạch từ trước và tổ chức huấn luyện, diễn tập chu đáo các phương án đã dự kiến là yếu tố quan trọng quyết định đến kết quả nhiệm vụ PTDS. Hệ thống kế hoạch PTDS phải đảm bảo tính chuyên ngành, tính hệ thống, được phê duyệt theo phân cấp và thường xuyên được rà soát, điều chỉnh cho phù hợp thực tế. Trong huấn luyện, các đơn vị cần bám sát phương châm “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, đồng bộ và chuyên sâu, chú trọng đảm bảo thời gian, nội dung huấn luyện cho các lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm và lực lượng rộng rãi; kết hợp giữa học lý thuyết với thực hành, lấy thực hành là chính; tăng cường diễn tập PTDS giữa các lực lượng đảm bảo sát điều kiện, môi trường, yêu cầu nhiệm vụ, tập trung nâng cao khả năng vận hành cơ chế lãnh đạo, chỉ huy, tham mưu, phối hợp, hiệp đồng, phương pháp, biện pháp xử lý thảm họa, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ người, tài sản công cộng, đảm bảo an toàn dân sự.

3- Tăng cường mở rộng hợp tác quốc tế, kết hợp nguồn lực bên trong với nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực PTDS. Đây là chủ trương chiến lược trong tiến trình hội nhập quốc tế của Đảng ta. Theo đó, các cơ quan chuyên trách của BQP cần phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng chương trình, kế hoạch hợp tác cụ thể, chú trọng tập trung vào trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi thích hợp, phù hợp mục tiêu, yêu cầu nhiệm vụ, đối tác, các thông lệ quốc tế mà nước ta tham gia; kết hợp nguồn lực trong nước là chính với tranh thủ nguồn lực bên ngoài để nâng cao năng lực PTDS; đồng thời, phải đảm bảo yêu cầu có tính nguyên tắc là giữ vững độc lập, tự chủ, bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội… Thời gian tới, ưu tiên tăng cường hợp tác với các nước láng giềng, các nước trong khu vực, các nước có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, các tổ chức khu vực và quốc tế trong ngăn ngừa xung đột, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh; trong  phòng, chống các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: sự suy giảm môi trường, biến đổi khí hậu, các loại dịch bệnh; hiện đại hóa tổ chức, phương tiện kỹ thuật và công nghệ dự báo, cảnh báo, báo động sớm, xử lý các thảm họa thiên tai và đảm bảo an toàn dân sự.

Trung tướng NGUYỄN TRUNG THU

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước