Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 10/09/2015, 09:55 (GMT+7)
Những nhiệm vụ trọng tâm công tác nhà trường Quân đội năm học 2015 - 2016

Năm học 2014 - 2015, công tác nhà trường Quân đội đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Phát huy kết quả đó, các học viện, nhà trường Quân đội cần tiếp tục nắm vững phương hướng, nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, giáo dục - đào tạo, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp, phấn đấu hoàn thành tốt  chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác nhà trường Quân đội năm học 2015 - 2016.

Trung tướng Nguyễn Đức Tỉnh, Cục Trưởng Cục Nhà trường thông tin về điểm mới tuyển sinh các trường quân đội năm 2015 (Ảnh: qdnd.vn) 

Năm học 2014 - 2015, hệ thống nhà trường Quân đội tiếp tục được kiện toàn, nâng cấp về mọi mặt, đáp ứng yêu cầu giáo dục - đào tạo trong Quân đội. Các học viện, nhà trường đã thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ năm học; chất lượng giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học được nâng lên. Chương trình, nội dung đào tạo tiếp tục có sự điều chỉnh, bổ sung, ngày càng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đào tạo quân sự. Công tác kiểm tra, thanh tra, khảo thí và bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo được duy trì nghiêm túc. Cục Nhà trường đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, đề xuất, tham mưu cho Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn các học viện, nhà trường Quân đội tham gia tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tổ chức tuyển sinh quân sự theo phương thức mới đảm bảo chặt chẽ, bước đầu đạt mục đích, yêu cầu đề ra. Cùng với đó, các nhà trường Quân đội tiếp tục tham gia có hiệu quả vào đào tạo nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện công tác nhà trường Quân đội cũng còn một số mặt hạn chế. Việc đổi mới công tác giáo dục, đào tạo của một số trường, nhất là điều chỉnh chương trình, nội dung đào tạo, đổi mới tổ chức phương pháp đào tạo còn chậm, chưa đồng bộ giữa chương trình, nội dung với phương pháp dạy - học. Hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả các đề tài khoa học của một số trường chưa tương xứng. Công tác bảo đảm, đầu tư trang thiết bị phục vụ giáo dục - đào tạo chưa theo kịp sự phát triển của nhiệm vụ. Cá biệt, còn để xảy ra mất an toàn trong huấn luyện, v.v.

Năm học 2015 - 2016, công tác nhà trường Quân đội và nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của các nhà trường Quân đội tiếp tục có sự phát triển, yêu cầu cao. Đây cũng là năm học đầu tiên của giai đoạn 2 thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2011 - 2020. Để hoàn thành nhiệm vụ năm học và thực hiện tốt mục tiêu “Đổi mới toàn diện, tạo sự chuyển biến cơ bản, vững chắc về chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học”, công tác nhà trường Quân đội định hướng tập trung vào những nội dung chủ yếu sau:

Một là, hoàn thiện quy hoạch hệ thống nhà trường và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục - đào tạo trong Quân đội. Trước xu thế đổi mới, phát triển mạnh mẽ giáo dục - đào tạo, trong bối cảnh hội nhập, các cơ quan chức năng, nhà trường tiếp tục nghiên cứu, xây dựng Quy hoạch hệ thống nhà trường Quân đội, cơ sở đào tạo sau đại học đến năm 2020, đảm bảo tinh, gọn, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, hòa nhập với hệ thống giáo dục quốc dân và hội nhập quốc tế. Trước mắt, đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án xây dựng trường trọng điểm Quân đội, trường trọng điểm quốc gia theo lộ trình, kế hoạch đã được phê duyệt1. Cùng với đó, các nhà trường đẩy mạnh kiện toàn tổ chức, biên chế, tăng cường công tác quản lý giáo dục - đào tạo, xây dựng nhà trường chính quy, mẫu mực; cơ quan, khoa giáo viên, đơn vị vững mạnh toàn diện, đáp yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ngày càng cao, góp phần xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới. 

Cục Nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng, các viện, học viện, nhà trường nghiên cứu, triển khai tích cực, đồng bộ các biện pháp và chuẩn bị điều kiện cần thiết tham mưu cho Bộ Quốc phòng đề nghị Chính phủ quyết định nâng cấp và thành lập một số viện, trung tâm, trường đại học, cao đẳng nghề,... đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với đó, Cục Nhà trường phối hợp chặt chẽ với các nhà trường tiến hành rà soát, nghiên cứu, giúp Bộ Quốc phòng hoàn chỉnh và ban hành hệ thống định chế quản lý giáo dục và đào tạo trong Quân đội, trọng tâm là hoàn thành Điều lệ Công tác Nhà trường Quân đội (sửa đổi), khắc phục tình trạng chồng chéo trong phân công, phân cấp quản lý, chỉ đạo, đầu tư và công tác bảo đảm.

Hai là, tiếp tục chuẩn hóa quy trình, nội dung, chương trình đào tạo và tổ chức phương pháp dạy - học phù hợp với đối tượng đào tạo. Trong những năm qua, quy trình, chương trình, nội dung đào tạo trong các nhà trường Quân đội đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Do đó, các học viện, nhà trường cần tiếp tục chuẩn hóa quy trình, nội dung, chương trình đào tạo theo Chỉ thị số 01/CT-BQP, ngày 13-01-2014 của Bộ Quốc phòng. Trong đó, chú trọng điều chỉnh giảm tỷ lệ khối kiến thức giáo dục đại cương, tăng khối kiến thức giáo dục chuyên nghiệp; rút ngắn thời gian lên lớp, tăng thời gian thực hành, tự học, tự nghiên cứu; gắn thực tiễn nghề nghiệp với nghiên cứu khoa học, nâng cao trình độ, năng lực cho người học. Các học viện, nhà trường được giao nhiệm vụ đào tạo sau đại học chú trọng xây dựng quy chế, nội dung, chương trình đào tạo thạc sĩ theo quy chế mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chú trọng chương trình liên thông giữa đào tạo thạc sĩ với đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, sư đoàn, đào tạo thạc sĩ từ cử nhân cấp phân đội. Cục Nhà trường phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn các học viện, nhà trường mở các mã ngành đào tạo mới cho giai đoạn 2015 - 2020; chỉ đạo thống nhất đưa nội dung quản lý nhà nước, phòng chống tham nhũng, công nghệ thông tin, công tác tài chính quân đội vào chương trình đào tạo theo Đề án 137 và chỉ thị của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh và chuẩn hoá hệ thống chương trình đào tạo cho các đối tượng ngắn hạn, hoàn thiện, chuyển loại cán bộ; chuẩn hóa chương trình đào tạo nhân viên chuyên môn kỹ thuật sơ cấp, chỉ huy trưởng quân sự xã, phường, thị trấn và giáo viên quốc phòng và an ninh phù hợp với quy trình, chương trình mới.

Để nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, các nhà trường Quân đội cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa phương pháp dạy - học; trong đó, tăng cường vận dụng phương pháp dạy học tích cực và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; gắn đào tạo tại nhà trư­ờng với huấn luyện tại đơn vị; tập trung đổi mới nội dung thi, kiểm tra, nâng cao chất lượng thực tập, diễn tập tổng hợp cuối khóa theo Hướng dẫn 1026/HD-NT, ngày 08-12-2014 của Cục Nhà trường. Mặt khác, các nhà trường phải chú trọng đổi mới phương pháp học của học viên, từng bước biến quá trình đào tạo trở thành quá trình tự đào tạo.

Ba là, chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là nhân tố có ý nghĩa quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Bởi vậy, các trường cần tiếp tục đẩy mạnh kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, độ tuổi, chuyên ngành, chuẩn hóa về chất lượng theo tiêu chuẩn của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng và có lượng dự trữ phù hợp. Trong năm học này, các trường cần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Kiện toàn, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”, Đề án “Đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ trong Quân đội giai đoạn 2015 - 2020 và những năm tiếp theo”. Tiếp tục làm tốt công tác tạo nguồn, quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng đội ngũ nhà giáo, nhất là các chuyên gia đầu ngành, giảng viên (giáo viên) dạy giỏi, giảng viên (giáo viên) trẻ; tăng cường mở các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ sư phạm, trình độ ngoại ngữ, công nghệ thông tin cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, tạo cơ sở để đến năm 2020 hoàn thành chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục - đào tạo trong Quân đội.

Cục Nhà trường tiếp tục tham mưu, chỉ đạo tổ chức xét đề nghị công nhận chức danh nhà giáo Quân đội theo đúng quy định; đề xuất với Bộ Quốc phòng và Nhà nước có những chính sách phù hợp thu hút nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục phát huy hết khả năng trong công tác quản lý, giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục - đào tạo. Nhu cầu về cơ sở vật chất, vũ khí, trang bị, thao trường, bãi tập, giáo trình, tài liệu,… bảo đảm cho giáo dục - đào tạo rất lớn; trong khi đó, khả năng ngân sách có hạn. Thực hiện chủ trương “nhà trường phải đi trước đơn vị”, cùng với quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách được phân bổ, các nhà trường cần tích cực huy động các nguồn lực theo đúng quy định để đầu tư nâng cấp, chuẩn hóa, hiện đại hóa trang bị, thiết bị dạy học theo quy định của Nhà nước, phù hợp với đặc thù đào tạo quân sự.

Năm 2016, bám sát định hướng của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Cục Nhà trường tập trung chỉ đạo các nhà trường Quân đội xây dựng và thẩm định Kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016 - 2020; phối hợp với cơ quan chức năng lập dự toán, báo cáo Bộ tăng đầu tư xây dựng các trung tâm huấn luyện, phòng học chuyên dùng, phòng thí nghiệm hiện đại; hiện đại hóa thao trường, bãi tập; bổ sung vũ khí, trang bị mới, hiện đại cho các trường,… đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo.

Năm là, đẩy mạnh hợp tác quốc tế và tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường trong và ngoài Quân đội. Đây là cơ sở quan trọng để giáo dục - đào tạo trong Quân đội tiếp thu tri thức hiện đại, tiếp cận các mô hình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Theo đó, các nhà trường theo nhiệm vụ được phân công cần đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo trong Quân đội giai đoạn 2007 - 2015 và những năm tiếp theo”; chú trọng nâng cao hiệu quả và mở rộng quan hệ hợp tác đào tạo với nước ngoài. Mặt khác, các cơ quan chức năng, đơn vị thực hiện tốt Quy chế trong tổ chức đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm đào tạo của các trường quân sự nước ngoài và mời chuyên gia giảng dạy một số chuyên ngành, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, các nhà trường Quân đội cần tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các trường trong hệ thống giáo dục quốc dân để đào tạo nhân lực cho Quân đội trên một số lĩnh vực; mở rộng đào tạo, thực hiện kết hợp quốc phòng với kinh tế, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo.

Cùng với các nội dung trên, các nhà trường Quân đội cần coi trọng làm tốt công tác tuyển sinh; đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, kết hợp chặt chẽ giáo dục - đào tạo với nghiên cứu khoa học; tích cực đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo,… phấn đấu hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm học, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC TỈNH, Cục trưởng Cục Nhà trường
____________________

1 - Đề án trường trọng điểm Quân đội: Học viện Chính trị, Học viện Phòng không-Không quân, Trường Sĩ quan Lục quân 1, Trường Sĩ quan Lục quân 2, Trường Sĩ quan Chính trị, Trường Sĩ quan Không quân,Trường Quân sự Quân khu 3. Đề án trường trọng điểm quốc gia: Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện Quân y.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước