Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 17/12/2019, 14:04 (GMT+7)
Ngành Hậu cần Quân đội phát huy truyền thống “Nuôi quân đánh giặc” trong tình hình mới

Ngành Hậu cần Quân đội ra đời, phát triển gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong suốt 75 năm qua, công tác hậu cần, ngành Hậu cần thường xuyên bám sát nhiệm vụ của Quân đội trong từng giai đoạn cách mạng, chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự lớn mạnh và những chiến thắng vẻ vang của Quân đội ta. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ, cứu nước, ngành Hậu cần đã phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, bám sát hoạt động của bộ đội và thực tiễn chiến trường, vừa xây dựng, vừa bảo đảm, phục vụ chiến đấu và chiến đấu, đáp ứng đầy đủ, kịp thời mọi nhu cầu hậu cần cho xây dựng Quân đội và hoạt động tác chiến, từ những trận đánh nhỏ lẻ đến các chiến dịch có quy mô lớn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là những năm gần đây, ngành Hậu cần Quân đội có bước phát triển toàn diện; không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong điều kiện mới, tạo sự chuyển biến cơ bản, toàn diện trên các mặt bảo đảm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đồng thời, tham gia có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, xây dựng Quân đội có sự phát triển mới, đặt ra cho ngành Hậu cần, công tác hậu cần Quân đội yêu cầu rất cao. Trong khi đó, khả năng các nguồn lực bảo đảm còn có hạn; tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, v.v. Để hoàn hành trọng trách được giao, ngành Hậu cần Quân đội tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng, không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng và truyền thống, kinh nghiệm gần 70 năm xây dựng, trưởng thành của Ngành, phấn đấu nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, thực hiện tốt nhiệm vụ “nuôi quân đánh giặc” trong tình hình mới.

Trước hết, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần. Đây là nội dung, giải pháp quan trọng hàng đầu và cũng là nguyên tắc cao nhất trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quan trọng này. Theo đó, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về công tác hậu cần Quân đội, nhất là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 21/2019/NĐ-CP của Chính phủ về khu vực phòng thủ; Nghị quyết 623-NQ/QUTW, của Quân ủy Trung ương về “Công tác hậu cần Quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, v.v. Trên cơ sở đó, giáo dục cho bộ đội, nhất là cán bộ, nhân viên hậu cần nhận thức đầy đủ về vị trí, tầm quan trọng của công tác hậu cần trong việc nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Đồng thời, chú trọng gắn các mục tiêu, chỉ tiêu công tác hậu cần với các mục tiêu, chỉ tiêu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” và các phong trào, các cuộc vận động khác,... tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động. Từ đó, đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện.

Hai là, chủ động tham mưu và tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nhân dân, hậu cần khu vực phòng thủ. Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là cội nguồn tạo nên sức mạnh của Quân đội ta. Dựa vào dân, phát huy vai trò của hậu cần nhân dân là nền tảng đảm bảo cho công tác hậu cần Quân đội hoàn thành tốt nhiệm vụ. Phát huy truyền thống, kinh nghiệm đó, ngành Hậu cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, hậu cần nhân dân, làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng các chủ trương, chính sách về xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh. Tiếp tục xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ; quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, hình thành thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc; kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm tại chỗ với bảo đảm cơ động, trong đó lấy bảo đảm tại chỗ, trên từng khu vực, địa phương, hướng chiến lược là chủ yếu.

Từ kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị, trước hết là cơ quan của Tổng cục Hậu cần, hậu cần các quân khu, cơ quan quân sự địa phương tăng cường nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần. Thực hiện tốt việc quy hoạch, xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ và huy động nguồn lực; từng bước đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, công trình thiết yếu trong căn cứ hậu cần các cấp. Chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của hậu cần khu vực phòng thủ; cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ cho nhiệm vụ quốc phòng,... làm nền tảng tổ chức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời chiến.

Ba là, đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần Quân đội. Đây là biện pháp, mục tiêu xuyên suốt về bảo đảm hậu cần trong Quân đội. Trước hết, các cơ quan, đơn vị trong toàn quân tập trung lãnh đạo, bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, như: bảo vệ chủ quyền biển, đảo, biên giới, khu vực trọng điểm, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại. Đồng thời, chủ động chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện bảo đảm cho các tình huống, quyết tâm tác chiến, nhiệm vụ đột xuất. Đặc biệt, rà soát, tăng cường biện pháp quản lý, sử dụng đất quốc phòng bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Chú trọng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; phát huy ý thức “cần, kiệm”, tinh thần “tự lực, tự cường”, triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng bảo đảm hậu cần, cả thường xuyên và đột xuất, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Tiếp tục thực hiện đổi mới phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, phân cấp triệt để cho đơn vị, kết hợp với tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, mở rộng đấu thầu trong mua sắm, phù hợp với cơ chế quản lý tài chính theo tinh thần Nghị quyết 915-NQ/QUTW, ngày 25-8-2018 của Quân ủy Trung ương về “Đổi mới cơ chế quản lý tài chính Quân đội giai đoạn 2018 - 2025 và những năm tiếp theo”. Tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, đột phá vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, mặt yếu; triển khai toàn diện các mặt công tác hậu cần, đáp ứng nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của Quân đội; trong đó, chú trọng làm tốt công tác tạo nguồn, nâng cao chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội. Đẩy mạnh tăng gia sản xuất, kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; phát triển tăng gia sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Thực hiện tốt việc đầu tư nâng cấp hệ thống y học dự phòng, bệnh viện, bệnh xá, kho tàng các cấp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ.

Bốn là, xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Ngành Hậu cần đẩy mạnh kiện toàn tổ chức biên chế, trang bị, phương tiện phù hợp với điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021 và tiến trình hiện đại hóa Quân đội. Trong đó, Ngành chủ động rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp; đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng cơ quan, đơn vị hậu cần các cấp vững mạnh toàn diện. Tổng cục Hậu cần tiếp tục phối hợp, chỉ đạo khắc phục kịp thời những bất cập về chỉ huy, quản lý và sự mất cân đối về biên chế, thiếu hụt nguồn nhân lực; thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo cán bộ hậu cần, chú trọng nguồn nhân lực chất lượng cao ở một số chuyên ngành và đơn vị cơ sở. Mặt khác, tiếp tục tham mưu cho Bộ Quốc phòng từng bước đổi mới trang bị, phương tiện hậu cần, nhất là phương tiện kỹ thuật xăng dầu, vận tải, theo hướng hiện đại, nhằm nâng cao năng lực bảo đảm, theo kịp sự đổi mới, hiện đại hóa vũ khí, trang bị.

Cùng với đó, Ngành đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện hậu cần, bảo đảm thiết thực, hiệu quả; chú trọng huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ tham mưu, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ; khả năng cơ động, bảo đảm hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao. Coi trọng xây dựng, huấn luyện nâng cao chất lượng lực lượng hậu cần dự bị động viên. Các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu và cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tích cực nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận hậu cần, phù hợp với yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng, bổ sung một số định mức về hậu cần cho trang bị mới, nhiệm vụ, đối tượng đặc thù. Chủ động nghiên cứu, triển khai các đề án, giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong hoạt động công tác hậu cần, xã hội hóa một số mặt công tác bảo đảm hậu cần phù hợp với điều kiện đất nước.

Nhiệm vụ của ngành Hậu cần Quân đội trong giai đoạn mới rất nặng nề. Nhưng với ý thức chính trị, quyết tâm cao, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành Hậu cần Quân đội phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống “nuôi quân đánh giặc” trong thời kỳ mới, góp phần xây dựng Quân đội hùng mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng TRẦN DUY GIANG, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước