Chủ Nhật, 15/09/2024, 08:30 (GMT+7)
Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo
Năm 2017, thế giới vẫn duy trì xu thế hòa bình, hội nhập, hợp tác, phát triển, nhưng cùng với đó là trào lưu ly khai ở một số khu vực, tổ chức quốc tế, quốc gia và một số điểm nóng phức tạp, như: bán đảo Triều Tiên, Trung Đông, v.v. Trên Biển Đông, bề ngoài biểu hiện lắng dịu, nhưng bên trong vẫn tiềm ẩn những tảng băng ngầm. Trong bối cảnh đó, công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt được những kết quả to lớn, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Chính phủ đề ra: “Bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc,... giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài để phát triển đất nước”1.
Trong thành công chung, công tác hội nhập quốc tế, đối ngoại về quốc phòng có những đóng góp quan trọng. Tích cực, chủ động xây dựng các văn kiện chiến lược, trong đó có Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng); tham mưu đúng, trúng, có hiệu quả với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đối sách chiến lược liên quan đến hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng; xử lý linh hoạt, kiên quyết, có hiệu quả các tình huống phức tạp nảy sinh trên biển, biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền lãnh thổ, không để xảy ra xung đột, đối đầu, v.v. Hợp tác quốc phòng song phương đi vào chiều sâu, thực chất, đáp ứng lợi ích chiến lược của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc tăng cường lòng tin, duy trì quan hệ hữu nghị với các đối tác, tranh thủ sự ủng hộ quốc tế rộng rãi. Công tác đối ngoại biên giới là điểm sáng, góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia, toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước. Tham gia tích cực các hoạt động đối ngoại quốc phòng đa phương, xây dựng cơ chế an ninh khu vực và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Thực hiện tốt các chương trình, dự án hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, thiên tai, thảm họa, đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội. Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực kinh tế quốc phòng, thương mại quân sự và công nghiệp quốc phòng, nâng cao tiềm lực quốc phòng. Sự kiện Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình thăm cấp nhà nước đối với Việt Nam trong chuyến xuất ngoại đầu tiên sau Đại hội XIX Đảng Cộng sản Trung Quốc và lần đầu tiên Tổng thống Mỹ Đô-nan Trăm thăm Việt Nam trong năm đầu của nhiệm kỳ được dư luận quốc tế đánh giá cao. Việc lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ đến Hà Nội, gặp gỡ, tiếp kiến với lãnh đạo Đảng, Nhà nước ta trong cùng một ngày đã thể hiện sự tôn trọng của hai nước lớn đối với Việt Nam, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối ngoại quốc phòng là một trong những nhân tố góp phần vào thành công của sự kiện quan trọng đó.
Công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng năm 2017 được lãnh đạo Đảng, Nhà nước đánh giá là điểm sáng của Quân đội; một trong những trụ cột để củng cố, tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, nước lớn, các nước ASEAN và các nước khác; một kênh quan trọng, hiệu quả, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; nâng cao vai trò, vị thế của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế. Đây là hành trang quan trọng để toàn quân bước vào năm 2018, với những thời cơ và thách thức mới đan xen.
Năm 2018, tình hình thế giới, khu vực sẽ tiếp diễn theo xu thế hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, hợp tác và phát triển. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư (Cuộc cách mạng 4.0) với quy mô và tốc độ phát triển chưa có tiền lệ trong lịch sử sẽ tác động mạnh mẽ, toàn diện đến các lĩnh vực. Sự điều chỉnh chiến lược, chính sách đối ngoại của các nước lớn, xu hướng ly khai,... tác động mạnh mẽ đến cục diện an ninh, chính trị thế giới, khu vực và quan hệ quốc tế. Cục diện khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tính đa phương hơn với sự cạnh tranh quyền lực gay gắt của nhiều cường quốc, v.v. Tình hình đó sẽ ảnh hưởng đến các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.
Đối với Việt Nam, năm nay sẽ là năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; có nhiều mốc quan trọng, như: 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “Về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị (khóa XI) “Về Hội nhập quốc tế”; Bộ Chính trị phê duyệt và triển khai thực hiện các chiến lược quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng, quân sự, v.v. Đối với toàn quân, đây là năm thứ ba thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X, 5 năm thực hiện Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và năm đầu thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng, đặt ra yêu cầu rất cao đối với hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng - một mặt trận quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc thời bình. Để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng năm 2018 cần thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, tổ chức tốt công tác sơ kết, tổng kết thực hiện các nghị quyết liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo chương trình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Quân ủy Trung ương. Theo đó, cần đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất, khẳng định kết quả đạt được, chỉ rõ tồn tại, hạn chế cần khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm và những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh trong hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng trong thời gian tới. Bài học kinh nghiệm cơ bản, quan trọng nhất là: dựa chắc vào đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác, phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế của Đảng; vận dụng sáng tạo tư tưởng đối ngoại, phong cách và nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh trong thời kỳ mới, nhất là tư tưởng độc lập, sáng tạo trong tư duy; độc lập, tự chủ trong các hoạt động đối ngoại. Đặc biệt là nhận thức đúng đắn, sâu sắc về vai trò, vị trí của thực lực, sức mạnh đất nước trong quan hệ với các nước lớn theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chú ý rằng ta có mạnh thì họ mới chịu đếm xỉa đến. Ta yếu thì ta chỉ là một khí cụ trong tay của kẻ khác, dầu là kẻ ấy có thể là bạn đồng minh của ta vậy”2. Trong đó, sự đoàn kết, thống nhất nội bộ và ổn định chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh là nhân tố có ý nghĩa quyết định sức mạnh của đất nước. Quan điểm của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh là nền tảng để thực hiện “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong bối cảnh thế giới, khu vực diễn biến nhanh chóng, đan xen, chuyển hóa phức tạp. Thông qua sơ kết, tổng kết, tiếp tục quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện đúng đắn, linh hoạt, sáng tạo đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, tích cực đổi mới tư duy, tăng cường công tác giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xác định hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và toàn quân.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, thường xuyên là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng trong tình hình mới. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong các nghị quyết, chiến lược, đề án được Bộ Chính trị, Chính phủ, Quân ủy Trung ương thông qua, theo phương châm: “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả”. Xây dựng kế hoạch, lộ trình tổ chức triển khai thực hiện Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng đạt hiệu quả thiết thực, phù hợp với khả năng, điều kiện, nhu cầu của đất nước, Quân đội, xu hướng hợp tác, phát triển của khu vực, thế giới; gắn với trách nhiệm của cơ quan Bộ Quốc phòng, các đơn vị; lựa chọn chương trình, dự án trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực, tạo sự đột phá.
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Hội nhập quốc tế của Bộ Quốc phòng (Ban Chỉ đạo 806), tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ hoạt động hợp tác quốc tế của các cơ quan, đơn vị trong Quân đội. Kiện toàn tổ chức, biên chế các cơ quan, đơn vị chuyên trách đối ngoại, hợp tác quốc tế về quốc phòng trong Quân đội, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế trong tình hình mới, nhất là đối với Cục Đối ngoại, Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam.
Phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ (Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao,...), hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 104/2012/NĐ-CP quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ban hành Thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; xây dựng văn bản pháp luật về tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; cơ chế phối hợp nghiên cứu, trao đổi, chia sẻ thông tin, dự báo và tham mưu chiến lược giữa các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan.
Thường xuyên nắm chắc tình hình, sự điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, nhất là các nước lớn, láng giềng; tích cực nghiên cứu, dự báo, tham mưu chính xác, kịp thời cho Đảng, Nhà nước các vấn đề chiến lược, đối sách quan hệ, hợp tác và đấu tranh quốc phòng, giữ cân bằng, có trọng tâm trong quan hệ với các nước lớn; xử lý các vụ việc nảy sinh trên biển, biên giới, những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ quốc tế, không để bị động, bất ngờ về chiến lược, bị lôi cuốn vào quá trình cạnh tranh phức tạp giữa các nước lớn, vấn đề nhạy cảm, thế đối đầu.
Ba là, tiếp tục mở rộng quan hệ, hợp tác quốc phòng song phương có trọng tâm, trọng điểm, đi vào chiều sâu, ổn định, vững chắc, ưu tiên các nước láng giềng, nước lớn, khối ASEAN và các nước bạn bè truyền thống. Trên cơ sở Đề án Hội nhập quốc tế về quốc phòng, cụ thể hóa nội dung, hình thức hợp tác phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm với từng đối tác, tạo điều kiện thúc đẩy quan hệ, hợp tác trên các lĩnh vực; tăng cường củng cố lòng tin chiến lược, quan hệ tổng thể của Nhà nước. Tăng cường trao đổi đoàn cấp cao; hợp tác xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị; mở rộng và nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác phòng ngừa, kiểm soát nguy cơ xảy ra bất ổn, xung đột, giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, dự báo về tình hình quốc tế, chiến lược, chính sách quốc phòng và hợp tác trong huấn luyện, đào tạo, gắn đào tạo chuyên môn kỹ thuật, quân y, công nghệ thông tin,... với ngoại ngữ. Trong hợp tác khoa học công nghệ quân sự, công nghiệp quốc phòng, cần tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm vũ khí, phương tiện trang bị kỹ thuật quân sự; từng bước chuyển từ mua bán vũ khí, phương tiện là chủ yếu sang chuyển giao công nghệ, bồi dưỡng nhân lực trình độ cao và hợp tác nghiên cứu, chế tạo, tiêu thụ sản phẩm quốc phòng, lưỡng dụng; vận động viện trợ các trang thiết bị đã qua sử dụng, chất lượng còn tốt, phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Xây dựng và triển khai Đề án hợp tác Hải quân, Cảnh sát biển; đưa hoạt động diễn tập chung tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn khi tàu ta thăm bạn, tổ chức huấn luyện trong hành trình đến thăm các nước,... thành một nội dung, nhiệm vụ nhằm tăng cường quan hệ, củng cố hòa bình, nâng cao năng lực thực tiễn của đơn vị.
Bốn là, lấy hợp tác đa phương khu vực ASEAN làm trọng tâm, tích cực, chủ động tham gia các diễn đàn, hội nghị, hoạt động chung của khu vực. Chủ động, tích cực tham gia các cơ chế hợp tác quốc phòng đa phương trong khuôn khổ ASEAN, do ASEAN giữ vai trò chủ đạo. Mở rộng phạm vi, tính chất tham gia vào các cơ chế, khuôn khổ hợp tác, từ đối thoại, trao đổi, chia sẻ thông tin, đến huấn luyện, diễn tập chung trên thực địa; tập trung vào lĩnh vực quân y, tìm kiếm cứu nạn, các vấn đề an ninh phi truyền thống, thể hiện bản lĩnh, chính sách quốc phòng hòa bình, hữu nghị của Việt Nam, tạo tiếng nói chung trong khu vực. Chủ động tham gia xây dựng, ký các điều ước, thỏa thuận, cơ chế, cấu trúc quốc tế; trong đó có các thiết chế kiểm soát, giải quyết tranh chấp, xung đột: Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) và ADMM+.
Nỗ lực hoàn chỉnh công tác chuẩn bị, bảo đảm cho Bệnh viện dã chiến cấp 2 hoạt động tại Phái bộ Nam Xu-đăng theo đúng kế hoạch, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rút kinh nghiệm, để chuẩn bị tốt cho phân đội Công binh tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc năm 2019, bệnh viện dã chiến thứ hai và các lực lượng khác tham gia trong những năm tới. Chủ động hợp tác với các cơ quan của Liên hợp quốc và các nước về chương trình đào tạo ngoại ngữ, chuyên môn, đáp ứng tiêu chí quốc tế; tổ chức xây dựng lực lượng, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hoàn thành Đề án tổng thể về đối ngoại quốc phòng chuẩn bị cho Việt Nam đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN năm 2020, gồm: xây dựng chủ đề hội nghị quân sự, quốc phòng, đề xuất sáng kiến, lộ trình ADMM+ trong 10 năm tiếp theo; xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị vận chuyển phục vụ hoạt động đối ngoại. Phối hợp với các cơ quan trong nước và của các nước có liên quan, chuẩn bị tốt cho cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ba nước: Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.
Năm là, phát huy kết quả đối ngoại, hợp tác, giao lưu quốc phòng biên giới với Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc, mở rộng với các nước khác. Nghiên cứu xây dựng cấu trúc hợp tác biên giới đa phương, trước mắt là giữa Việt Nam với Cam-pu-chia, Lào, Trung Quốc để quản lý, bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị. Tổ chức giao lưu quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ 5; giao lưu biên cương thắm tình hữu nghị giữa lực lượng bảo vệ biên giới các nước Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia, Trung Quốc, Mi-an-ma và Thái Lan; chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ an ninh, phòng chống tội phạm xuyên biên giới. Thiết lập và duy trì đường dây nóng giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam với Bộ Quốc phòng một số nước; giữa các lực lượng làm nhiệm vụ trên biển của Việt Nam với các lực lượng trên biển của các nước có liên quan. Phối hợp với các cơ quan của Cam-pu-chia, tổ chức triển khai hoàn thành phân giới cắm mốc biên giới trên bộ trong năm 2018 theo sự thống nhất giữa lãnh đạo cấp cao hai đảng, hai chính phủ; thực thi các thỏa thuận sau phân giới cắm mốc; tổ chức tốt diễn tập tìm kiếm cứu nạn xuyên biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.
Sáu là, đẩy mạnh hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh. Thúc đẩy thực thi các điều ước, thỏa thuận quốc tế, đề án khắc phục hậu quả chiến tranh, xử lý chất độc hóa học, bom mìn, tìm kiếm cứu nạn và ứng phó thảm họa. Tiếp tục triển khai các dự án tẩy độc, khắc phục hậu quả đi-ô-xin ở sân bay Biên Hòa, mở rộng các cơ sở nghiên cứu, chữa bệnh, hỗ trợ người bị phơi nhiễm đi-ô-xin; thực hiện có hiệu quả các dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại Bình Định, Quảng Nam. Chú trọng vận động viện trợ không hoàn lại để thực hiện các dự án khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có dự án rà phá bom mìn ở tỉnh Hà Giang, Quảng Trị, v.v.
Bảy là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng. Xây dựng, quản lý, thực hiện kế hoạch hội nhập quốc tế, đối ngoại về quốc phòng đúng nguyên tắc, linh hoạt, xử lý nhanh, kịp thời các vấn đề phát sinh. Hoạt động đối ngoại của các doanh nghiệp phải đặt trong kế hoạch tổng thể về hợp tác song phương; chủ động thực hiện, báo cáo và phục tùng sự quản lý của cơ quan đối ngoại quốc phòng; tuân thủ đúng luật pháp Việt Nam và luật pháp nước sở tại, luật pháp quốc tế. Trong quá trình thực hiện phải bảo đảm bí mật quốc gia, bí mật quân sự; sử dụng kinh phí đúng nguyên tắc, hiệu quả, tiết kiệm.
Công tác tuyên truyền về hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng cần hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo, phong phú hơn cả về nội dung và hình thức; chú trọng cả hoạt động thường xuyên và trọng điểm trong các sự kiện quốc tế, quốc gia, các chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội. Chú trọng xây dựng chương trình, nội dung, sử dụng hình thức, ngôn ngữ tuyên truyền phù hợp với các đối tượng trong toàn quân, toàn dân và các nước khác.
Từ lý luận và thực tiễn, Đảng ta đã đúc kết: hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là định hướng chiến lược, kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa bằng biện pháp hòa bình. Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ đó, phải tăng cường tiềm lực, sức mạnh kinh tế, chính trị, văn hóa, quốc phòng, an ninh,... tạo thế và lực cho hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng; đồng thời, góp phần bảo vệ, nâng cao vị thế, tiềm lực, sức mạnh của đất nước. Do đó, cần phát huy vai trò nòng cốt của cơ quan chuyên trách đối ngoại quốc phòng, phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; huy động sự tham gia rộng rãi của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội, tranh thủ sự ủng hộ của toàn dân, tạo sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng _____________
1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 153.
2 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2000, tr. 244.
Hội nhập quốc tế,đối ngoại quốc phòng
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam 12/09/2024
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự 09/09/2024
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Quân đội 05/09/2024
Toàn quân tăng cường xây dựng chính quy, chấp hành kỷ luật, pháp luật 12/08/2024
Xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân và doanh nghiệp trong Quân đội thời kỳ mới 08/08/2024
Để đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” là trách nhiệm, tình cảm từ trái tim của các thế hệ người Việt Nam 29/07/2024
Toàn quân đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ trong tình hình mới 27/07/2024
Nâng cao chất lượng diễn tập tác chiến chiến dịch, chiến lược, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc 08/07/2024
Đại tướng Phan Văn Giang chủ trì Hội nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương 26/06/2024
Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội tinh nhuệ về chính trị trong tình hình mới 26/06/2024
Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trong Quân đội
Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc - trách nhiệm cao cả của Quân đội nhân dân Việt Nam
Đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công tác kỹ thuật quân sự