Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Ba, 10/10/2017, 08:08 (GMT+7)
Hội nhập quốc tế, đối ngoại về quốc phòng Việt Nam năm 2017 - kết quả nổi bật và những vấn đề đặt ra

Năm 2017 sắp trôi qua, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, các nước lớn, nhất là Mỹ (dưới thời Tổng thống Đô-nan Trăm) đã điều chỉnh chính sách, chiến lược, tác động sâu sắc đến cục diện chính trị, an ninh, quan hệ quốc tế. Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lợi ích quốc gia, xung đột sắc tộc, tôn giáo, khủng bố, các “điểm nóng” vẫn tiếp diễn ở nhiều khu vực, thúc đẩy chạy đua vũ trang, phát triển vũ khí hạt nhân, ứng dụng công nghệ na-no, gen, sinh học, trí tuệ nhân tạo,... để hiện đại hóa quân đội. Chủ nghĩa bảo hộ, dân tộc cực đoan có xu hướng gia tăng. Các thách thức an ninh phi truyền thống, khủng bố, chiến tranh không gian mạng,... trở thành vấn đề mang tính toàn cầu, đe dọa chủ quyền, lợi ích quốc gia, gây phức tạp trong quan hệ giữa các nước. Trong bối cảnh đó, toàn quân đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân đội lần thứ X. Để công tác đối ngoại về quốc phòng đi vào thực chất, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, Quân Ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo toàn quân quán triệt sâu sắc và cụ thể hóa quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác đối ngoại, tập trung vào Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị định 22/2016/NĐ-CP, ngày 31-12-2016 của Chính phủ quy định về đối ngoại quốc phòng; Nghị quyết 806-NQ/QUTW, ngày 31-12-2013 của Quân ủy Trung ương về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Ngay từ đầu khóa, Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực triển khai xây dựng Đề án “Hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn 2030”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 11-9-2017, tạo hành lang pháp lý, làm cơ sở cho Bộ Quốc phòng phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức thực hiện trên phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chủ động, tích cực lãnh đạo, chỉ đạo toàn quân tổ chức triển khai hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đạt nhiều kết quả quan trọng, có tính đột phá.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh chủ trì hội nghị giao ban Đối ngoại
Quốc phòng 6 tháng đầu năm 2017. (Ảnh: qdnd.vn)

Bộ Quốc phòng đã tham mưu đúng và trúng cho Đảng, Nhà nước về chiến lược, chính sách đối ngoại liên quan đến quân sự, quốc phòng và xử lý các các vấn đề nhạy cảm, phức tạp trong quan hệ quốc tế, nhất là các vấn đề trên biển, biên giới, v.v. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động, tích cực tham gia có hiệu quả vào hoạt động hội nhập quốc tế và đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Trao đổi đoàn các cấp, đối thoại chiến lược quốc phòng cấp thứ trưởng, tham vấn cấp làm việc với các nước theo đúng kế hoạch, bảo đảm hiệu quả, an toàn, tiết kiệm; ký kết các văn bản, thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng. Tham gia các diễn đàn quốc phòng đa phương; hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, hợp tác tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, chiến tranh, tuần tra chung, v.v. Chủ động, tích cực, bổ sung, hoàn chỉnh, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, xây dựng các đề án, kế hoạch về đối ngoại quốc phòng. Hợp tác quốc phòng song phương tiếp tục đi vào chiều sâu, thực chất, trở thành trụ cột quan trọng trong quan hệ với nhiều nước, phù hợp với quan hệ chính trị, nhu cầu, khả năng, đáp ứng lợi ích chiến lược của Việt Nam, đóng góp tích cực vào việc tăng cường lòng tin với các nước; giữ cân bằng quan hệ chiến lược với các nước lớn, trên cơ sở đan xen lợi ích; tăng cường, củng cố quan hệ với các nước láng giềng, trong khu vực, bạn bè truyền thống, v.v.

Đối ngoại quốc phòng biên giới tiếp tục là một điểm sáng với nhiều hoạt động nổi bật. Đặc biệt, Việt Nam đã chủ động chuẩn bị, tổ chức thành công giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung lần thứ tư trong hai ngày 23 và 24-9-2017, với nhiều hoạt động thiết thực, như: diễn tập chung chống khủng bố, tuần tra chung, giúp nhân dân bản biên giới xây dựng nhà văn hóa, v.v. Qua hội đàm, hai bên nhất trí tiếp tục duy trì, phát huy và mở rộng giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt - Trung những năm tiếp theo cả về bề rộng và chiều sâu, góp phần tăng cường, củng cố quan hệ giữa hai Đảng, hai Quân đội và nhân dân hai nước. Việt Nam tổ chức thành công chuyến thăm lại các địa danh, nhân chứng lịch sử của Thủ tướng Cam-pu-chia Hun-sen nhân Kỷ niệm 40 năm đi tìm đường cứu nước và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Cam-pu-chia; giao lưu hữu nghị biên giới Việt Nam - Lào lần thứ nhất và các hoạt động khác, nhân Kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào. Hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa các đơn vị, địa phương biên giới tiếp tục được mở rộng, ngày càng hiệu quả hơn, giải quyết tốt các vấn đề trong thực tiễn, góp phần tăng cường quan hệ với các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị.

Với những kết quả đạt được, hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng tiếp tục khẳng định vai trò là một kênh quan trọng, hiệu quả, tham gia trực tiếp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng, phát triển đất nước. Hội nhập quốc tế về quốc phòng cùng với hội nhập trên các lĩnh vực khác đóng góp tích cực vào xây dựng lòng tin, tạo thế cân bằng, đan xen lợi ích giữa các nước lớn, góp phần giảm nguy cơ xung đột, duy trì môi trường hòa bình, ổn định của khu vực. Đồng thời, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi, các nguồn lực quốc tế để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, sức mạnh quốc phòng của đất nước; nâng cao vị thế, uy tín của đất nước, Quân đội trên trường quốc tế. Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đã thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đảng: “... là kế sách bảo vệ Tổ quốc từ xa bằng biện pháp hòa bình”; “... hợp tác cùng phát triển, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh của Việt Nam. Gắn kết chặt chẽ, tận dụng kết quả và tạo điều kiện thuận lợi cho hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực khác...”1. Bên cạnh những kết quả đạt được, hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng cũng còn một số tồn tại, như: chất lượng tham mưu có mặt hạn chế, chưa sâu; sự phối hợp và trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị liên quan trong và ngoài Quân đội có thời điểm chưa kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, v.v.

Tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, đặt ra nhiều vấn đề cho hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng, trong đó có vấn đề thực hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, với chủ trương: không tham gia các tổ chức liên minh quân sự, không liên kết với nước này chống lại nước khác. Đồng thời, tăng cường phát triển các mối quan hệ quốc phòng, quân sự cần thiết, với mức độ thích hợp, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhằm tăng cường lòng tin chiến lược, tranh thủ sự ủng hộ thiết thực, hiệu quả đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Giải quyết mối quan hệ giữa hợp tác và đấu tranh quốc phòng, bảo vệ độc lập, chủ quyền, lợi ích quốc gia - dân tộc; những khác biệt, lợi ích nảy sinh với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, quan hệ hữu nghị, v.v.

Để phát huy kết quả, khắc phục tồn tại, hạn chế, hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng thời gian tới cần làm tốt các nhiệm vụ và biện pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối đối ngoại trong Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị (khóa XI) về hội nhập quốc tế và Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ Quân đội, Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; trên cơ sở đó, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, xác định hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng.

Thứ hai, tích cực, chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước các vấn đề chiến lược đối ngoại liên quan đến quân sự, quốc phòng. Các cơ quan, đơn vị thường xuyên nắm chắc tình hình, sự điều chỉnh chiến lược, chính sách của các đối tác, nhất là các nước lớn, láng giềng. Chủ động trao đổi, phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại quốc phòng với đối ngoại trên các lĩnh vực khác, giữa Cục Đối ngoại và các cơ quan khác của Bộ Quốc phòng cùng với cơ quan có liên quan của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương trong cung cấp thông tin, tham mưu, đề xuất chủ trương, đối sách, xử lý các tình huống trong đối ngoại, quan hệ quốc tế phù hợp. Trên cơ sở đó, theo chức năng, nhiệm vụ, dự báo tình hình và kịp thời tham mưu, đề xuất với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng để báo cáo với Đảng, Nhà nước về chủ trương, đối sách xử lý quan hệ quốc tế, hợp tác và đấu tranh quốc phòng.

Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh hợp tác quốc phòng song phương, chủ động chuẩn bị và tổ chức tốt hoạt động trao đổi đoàn cấp cao. Xác định hợp tác Hải quân là mũi nhọn trong quan hệ quốc phòng song phương; nghiên cứu xây dựng Đề án hợp tác quốc tế Hải quân giai đoạn 2021 - 2025, tổ chức diễn tập chung về tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn của tàu Hải quân. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu chiến lược và khoa học kỹ thuật quân sự, công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ, đào tạo cán bộ, nhất là công nghệ thông tin, các chuyên ngành mũi nhọn; hợp tác về chương trình, giáo trình, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; kết hợp giữa đào tạo chuyên môn quân sự và ngoại ngữ. Tiếp tục triển khai hợp tác trong lĩnh vực thương mại, kinh tế quân sự, lựa chọn các đối tác có tiềm năng, tính cạnh tranh cao. Hợp tác gắn với tăng cường quan hệ, xây dựng lòng tin với các đối tác, nhất là các nước láng giềng, nước lớn. Tranh thủ sự hỗ trợ trang thiết bị đã qua sử dụng phù hợp với nhu cầu, điều kiện của ta, không gây ra phản ứng nhạy cảm của các nước. Quá trình hợp tác quốc phòng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ trang thiết bị đã qua sử dụng,... cần phải thực hiện công khai, minh bạch, tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp nước sở tại; tránh vi phạm Nghị quyết cấm vận của Liên hợp quốc và các quy định, điều ước quốc tế mà ta đồng ý tham gia; không ảnh hưởng đến chính sách quốc phòng của Việt Nam.

Thứ tư, hợp tác quốc phòng đa phương, tập trung thực hiện tốt nhiệm vụ được Chính phủ giao trong năm Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017. Chuẩn bị nội dung, sáng kiến phục vụ cho Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM) lần thứ X, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) lần thứ IV, Đề án tổng thể về đối ngoại quốc phòng năm 2020, khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, nhằm nâng cao uy tín, phát huy vai trò của đất nước, Quân đội trong khu vực. Nghiên cứu, tham gia một số cuộc diễn tập đa phương trong lĩnh vực nhân đạo (tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thảm họa), khắc phục hậu quả chiến tranh. Tổ chức tốt hội nghị sơ kết 03 năm tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tích cực chuẩn bị triển khai các hoạt động trong thời gian tới theo kế hoạch.

Thứ năm, đối ngoại biên giới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả, làm sâu sắc hơn nội dung giao lưu hữu nghị biên giới với Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia, tránh tràn lan, hình thức. Mở rộng giao lưu với Thái Lan, My-an-ma; nghiên cứu xây dựng diễn đàn đa phương của các nước ASEAN lục địa về hợp tác bảo vệ biên giới trên bộ. Giữ vai trò chủ công, tham gia tích cực vào công tác phân giới cắm mốc và bảo vệ đường biên giới Việt Nam - Cam-pu-chia.

Thứ sáu, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, kế hoạch khắc phục hậu quả chiến tranh. Xây dựng Kế hoạch công tác đối ngoại quốc phòng năm 2018, cụ thể với từng nước; kế hoạch triển khai “Đề án hội nhập quốc tế về quốc phòng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hoàn chỉnh thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 22/2016/NĐ-CP về đối ngoại quốc phòng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Quốc phòng xây dựng nghị định thay thế Nghị định 104 quy định đối với tàu quân sự nước ngoài đến Việt Nam. Hoàn thành Đề án tổ chức, kiện toàn các đơn vị của Ban Chỉ đạo khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học theo Quyết định 701/QĐ-TTg, ngày 24-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Triển khai các bước, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn 2 Dự án xử lý triệt để chất độc hóa học/đi-ô-xin tại Đà Nẵng và sân bay Biên Hòa.

Thứ bảy, tiếp tục đổi mới nội dung thông tin, tuyên truyền, bám sát hoạt động đối ngoại, đối ngoại quốc phòng của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; các diễn đàn đa phương, hội nghị, sự kiện quốc tế quan trọng; tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, đối ngoại quốc phòng biên giới, hoạt động đối ngoại của các quân khu, quân chủng, binh chủng; thể hiện chính sách quốc phòng độc lập, tự chủ, hòa bình, tự vệ của Việt Nam. Tăng thời lượng, dung lượng thông tin, tuyên truyền đối ngoại quốc phòng trên kênh Truyền hình Quốc phòng, báo. Đổi mới phương pháp thông tin - tuyên truyền, có tính đặc thù, khéo léo, hấp dẫn, thuyết phục hơn; vừa hợp tác, vừa đấu tranh, kịp thời phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc. Thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, an toàn cho các đoàn ra, đoàn vào; công tác bảo vệ chính trị nội bộ, chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về bảo mật, thẩm định nhân sự đi công tác nước ngoài, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc, thẩm định tài liệu,... ngăn ngừa, kịp thời phát hiện âm mưu, hành động lợi dụng hợp tác, đối ngoại để xâm nhập, móc nối, lôi kéo cán bộ, khai thác thông tin cơ mật.

Thứ tám, củng cố, kiện toàn tổ chức cơ quan, đơn vị chuyên trách và lực lượng thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng trong toàn quân. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên trách và kiêm nhiệm, có phẩm chất tốt, bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ giỏi, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn về đối ngoại quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới. Kết hợp các nguồn lực, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện trang bị cho lực lượng trực tiếp làm nhiệm vụ đối ngoại khu vực biên giới trên bộ, trên biển, tham gia hoạt động hợp tác quốc phòng, tuần tra, diễn tập chung và hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, v.v.

Để công tác đối ngoại về quốc phòng đạt kết quả tốt hơn, các cơ quan, đơn vị trong Quân đội cần quán triệt và thực hiện nghiêm quan điểm: “Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng là định hướng chiến lược...”; “Tích cực, chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, không để rơi vào thế bị động, bất ngờ”2, góp phần hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thượng tướng NGUYỄN CHÍ VỊNH, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

_________________

1, 2 - Quân ủy Trung ương - Nghị quyết 806-NQ/QUTW về Hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước