Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Năm, 15/11/2018, 09:36 (GMT+7)
Đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội

Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội là một nhiệm vụ quan trọng của toàn quân trong giai đoạn hiện nay. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, bằng các giải pháp đồng bộ, phù hợp, với quyết tâm chính trị cao, đảm bảo đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra.

Quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, nhất là Nghị quyết Trung ương 4 và 5 (khóa XII), năm qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt triển khai thực hiện cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội và đạt những kết quả tích cực.

Thượng tướng Trần Đơn phát biểu chỉ đạo hội nghị triển khai Đề án "cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020".
(Ảnh: qdnd.vn)

Theo đó, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân tiếp tục quán triệt Chỉ thị 430-CT/QUTƯ, ngày 12-6-2015 của Thường vụ Quân ủy Trung ương, đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án về sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp Quân đội giai đoạn 2016 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản 1604/TTg-ĐMDN, ngày 10-8-2013 và Văn bản 25/TTg-ĐMDN, ngày 30-3-2015. Đến nay, toàn quân đã hoàn thành cổ phần hóa 32 doanh nghiệp; thoái vốn tại 10 công ty cổ phần, giải thể 03 doanh nghiệp; đang tiếp tục cổ phần hóa 06 doanh nghiệp, thoái vốn tại 11 công ty cổ phần và giải thể 01 doanh nghiệp. Đặc biệt, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã tập trung nỗ lực, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo và các ngành, đơn vị chủ quản, doanh nghiệp có liên quan nghiêm túc vào cuộc, tích cực triển khai thực hiện Đề án “Cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Văn bản 80/TTg-ĐMDN, ngày 04-10-2017 (sau đây gọi tắt là Đề án 80). Đề án này thể hiện rõ mục tiêu, quyết tâm của Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng trong việc đẩy mạnh sắp xếp, cơ cấu lại doanh nghiệp Quân đội. Trong đó, trọng tâm là thực hiện sáp nhập, cơ cấu lại các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng có cùng ngành nghề; cổ phần hóa, thoái vốn triệt để đối với doanh nghiệp thương mại, xây dựng, dịch vụ, doanh nghiệp không hoặc ít có nhiệm vụ quân sự, quốc phòng; giải thể, phá sản đối với các doanh nghiệp không đủ điều kiện cổ phần hóa hoặc không cổ phần hóa được, v.v.

Với trách nhiệm chính trị cao, ngay sau khi Đề án 80 được phê duyệt, Bộ Quốc phòng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện cấp Bộ Quốc phòng, các tổ công tác trung tâm, cùng quy chế hoạt động; đồng thời, tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện trong toàn quân. Sau 01 năm thực hiện Đề án này, mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc và bất cập nảy sinh, nhưng chúng ta đã hoàn thành khối lượng lớn công việc, đạt được một số kết quả quan trọng bước đầu. Trên cơ sở định hướng chỉ đạo của Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội có liên quan đã đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; xây dựng nghị quyết lãnh đạo, chương trình, kế hoạch hành động với các giải pháp thiết thực. Các cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng tích cực rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện một bước cơ sở pháp lý, tạo điều kiện cho triển khai thực hiện Đề án. Đến nay, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp theo nhiệm vụ được giao đã xây dựng cơ bản đề án sắp xếp, cơ cấu lại, cổ phần hóa, hình thành các tổng công ty; phương án chuyển đổi sang hoạt động với cơ chế đoàn kinh tế - quốc phòng và đang tiếp tục hoàn thiện, báo cáo cấp có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt. Hoàn thành điều chỉnh, cơ cấu lại vốn Nhà nước tại 03 công ty cổ phần, thoái vốn tại 01 công ty cổ phần thuộc Tổng cục Hậu cần.

Những việc làm và kết quả trên cho thấy, Quân đội đã quán triệt, triển khai cơ cấu lại, đổi mới doanh nghiệp đúng hướng, bước đầu cơ bản đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế. Nổi lên là, nhận thức của cấp ủy, chỉ huy một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và một bộ phận cán bộ, công nhân, viên chức quốc phòng, người lao động về sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa chưa thật đầy đủ, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa quyết liệt; triển khai thực hiện còn lúng túng; còn có biểu hiện ngại đổi mới, né tránh cổ phần hóa. Mặc dù đã lường trước khó khăn, sức ỳ, lực cản, nhưng chúng ta chưa thấy hết những phức tạp, bất cập nảy sinh; một số cơ chế, chính sách liên quan đến sắp xếp, cổ phần hóa, quản trị doanh nghiệp Quân đội chưa được hoàn thiện đồng bộ và theo kịp sự phát triển của thực tiễn. Vì vậy, tiến độ thực hiện một số nội dung của Đề án chậm so với kế hoạch, v.v.

Hiện nay, Đảng, Chính phủ đang chỉ đạo đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; trong đó, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là một khâu đột phá chiến lược. Trong bối cảnh đó, việc cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội phải được đẩy mạnh hơn nữa. Phát huy truyền thống là lực lượng luôn tiên phong, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta phải tiên phong thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước, mà trọng tâm là Đề án 80. Để làm được điều đó, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp Quân đội cần tiếp tục triển khai toàn diện, quyết liệt các giải pháp với quyết tâm chính trị cao nhất; tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Quân đội. Đây là vấn đề quan trọng hàng đầu, nguyên tắc đảm bảo cho việc sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội được thực hiện nghiêm túc, đúng định hướng, đạt chất lượng, hiệu quả cao. Theo đó, các ngành, đơn vị chủ quản, các doanh nghiệp Quân đội thuộc diện cơ cấu lại cần tiếp tục quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, đề án của cấp trên, trực tiếp là Đề án 80, Nghị quyết 425-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương; đồng thời, nhận thức rõ những thuận lợi, khó khăn, đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trước mắt, cần rà soát kế hoạch, lộ trình, kịp thời điều chỉnh, triển khai các biện pháp thực hiện Đề án sát đặc điểm, nhiệm vụ được giao. Chú trọng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc hoàn thiện đề án, phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, kiện toàn tổ chức biên chế, giải quyết chính sách cho người lao động; xây dựng cơ chế lãnh đạo, hoạt động của cấp ủy, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị, cơ chế quản lý, sử dụng tài chính, tài sản, đất quốc phòng và định hướng chiến lược phát triển doanh nghiệp sau khi đổi mới, cơ cấu lại. Triển khai đồng bộ việc cơ cấu lại, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp Quân đội gắn với thực hiện Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”; Đề án Tổ chức lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2021; Đề án Quy hoạch xây dựng, phát triển Công nghiệp quốc phòng đến năm 2025, tầm nhìn 2035; Quy hoạch các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, v.v. Tăng cường công tác quản lý, giám sát, kiểm tra, kiểm soát, kiên quyết không để việc sắp xếp, đổi mới ảnh hưởng đến nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, hoạt động sản xuất, kinh doanh và xảy ra tiêu cực, làm thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước, Quân đội. Phân rõ trách nhiệm của cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong thực hiện lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại, cổ phần hóa,... tránh ỷ vào khó khăn, vướng mắc để trì hoãn, kéo dài thời gian. Trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, phải làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, trước hết là Cục Kinh tế cần tăng cường phối hợp, đôn đốc việc triển khai thực hiện của các đơn vị, doanh nghiệp; kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc, báo cáo, đề xuất biện pháp giải quyết, tạo điều kiện để các doanh nghiệp cơ cấu lại, đổi mới đạt mục tiêu đề ra.

2. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên, người lao động, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện. Thực hiện Đề án 80 sẽ làm thay đổi quan trọng về cơ cấu tổ chức, hoạt động, tác động lớn đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên, người lao động trong các doanh nghiệp, nhất là ở các doanh nghiệp thuộc diện sáp nhập, cổ phần hóa, thoái vốn, giải thể hoặc phá sản,... làm nảy sinh không ít khó khăn, phức tạp. Vì vậy, các cơ quan báo chí trong Quân đội, cơ quan tuyên huấn và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ này. Trong đó, tập trung quán triệt, giáo dục để cán bộ, nhân viên, người lao động nắm vững quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng; thấy được tính tất yếu, mục tiêu của sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, cùng những thuận lợi, khó khăn, thách thức. Thông tin đầy đủ, minh bạch, công khai phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp; chính sách đối với các đối tượng có liên quan,... để người lao động được biết, được bàn và kiểm tra, giám sát. Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, thông suốt về tư tưởng; tin tưởng, đồng thuận cao, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, xây dựng quyết tâm cao trong thực hiện. Cùng với đó, tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời rút kinh nghiệm, nhân rộng những cách làm hay, sáng tạo; giải quyết kịp thời, thỏa đáng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người lao động, không để phát sinh vấn đề phức tạp. Trong quá trình thực hiện, cần chủ động phát hiện, chấn chỉnh những nhận thức, hành động lệch lạc; kiên quyết đấu tranh với tư tưởng ngại đổi mới, né tránh, trì hoãn cổ phần hóa, biểu hiện tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm và sự xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội xung quanh vấn đề này, v.v.

3. Tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh cơ cấu lại, đổi mới theo phương án, kế hoạch đã được phê duyệt gắn với nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các ngành, đơn vị chủ quản và doanh nghiệp Quân đội căn cứ đề án, phương án, kế hoạch đã được phê duyệt, tích cực triển khai sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy ở các cấp, đảm bảo phù hợp với mô hình tái cấu trúc, phương án sáp nhập, tiếp nhận, chuyển giao và yêu cầu nhiệm vụ quân sự, quốc phòng. Quá trình thực hiện, phải bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chủ động chuẩn bị kỹ lưỡng, tiến hành thận trọng nhưng khẩn trương, quyết liệt, có giải pháp toàn diện, đột phá, khả thi cao. Trong đó, chú trọng kiện toàn bộ máy quản lý, điều hành sản xuất; có phương án xử lý cụ thể các vấn đề có liên quan, những nội dung tồn đọng, nhất là về tài chính, tài sản, đất đai, đảm bảo sự lành mạnh, minh bạch. Thực hiện tốt công tác cán bộ, đặc biệt là lựa chọn, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, chủ trì doanh nghiệp, người quản lý, người đại diện chủ sở hữu; đồng thời, có giải pháp tổng thể về tư tưởng, tổ chức, chính sách để giữ gìn, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú ý các đối tượng thuộc lĩnh vực quân sự đặc thù và bố trí, sắp xếp việc làm, giải quyết số lao động phải chuyển đổi vị trí, dôi dư, phù hợp với lộ trình sắp xếp, đổi mới của doanh nghiệp và các quy định của pháp luật, v.v.

Mục tiêu cuối cùng và cao nhất của cơ cấu lại, đổi mới là làm cho doanh nghiệp Quân đội mạnh lên, hoạt động có hiệu quả, kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển và nhiệm vụ của Quân đội trong tình hình mới. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh thực hiện các khâu, bước cơ cấu lại, cần đặc biệt quan tâm nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng của doanh nghiệp, tránh hình thức, chạy theo quy mô thuần túy, sáp nhập cơ học, đơn thuần. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội khẩn trương xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, thiết chế doanh nghiệp, chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh. Tăng cường công tác xúc tiến thương mại, xây dựng, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường; đẩy mạnh hợp tác, liên doanh, liên kết theo đúng quy định của pháp luật, v.v. Đặc biệt, tập trung xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp, phù hợp với mô hình hoạt động, đặc thù quân sự, quốc phòng và yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Gắn liền với đó, cần chủ động kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện nghiêm các quy định, hướng dẫn về thành lập mới, sáp nhập, tiếp nhận, chuyển giao tổ chức đảng và đảng viên sau khi doanh nghiệp được sắp xếp lại, đảm bảo luôn giữ vững sự lãnh đạo của Đảng trong các doanh nghiệp Quân đội.

4. Tích cực nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Đây là vấn đề rất quan trọng, tác động trực tiếp đến việc triển khai thực hiện Đề án. Thời gian qua, những bất cập về cơ chế, chính sách, quy chế, quy định,... đã gây không ít khó khăn cho thực hiện sắp xếp, đổi mới của các doanh nghiệp Quân đội. Trước thực tế đó, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng cần tiếp tục bám sát tình hình thực tiễn, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan, đẩy mạnh rà soát, nghiên cứu, tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và kiến nghị Chính phủ bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các chế độ, chính sách liên quan đến vấn đề này, phù hợp với quy định của Nhà nước, nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, đổi mới theo chủ trương, lộ trình đã xác định. Trong đó, chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chế, quy định liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn, hợp nhất, sáp nhập, phá sản, giải thể doanh nghiệp Quân đội (cần thiết có thể có cơ chế đặc thù); chính sách giải quyết lao động dôi dư; cơ chế, quy chế kiểm soát, điều hành hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý tài chính, quản trị doanh nghiệp sau cơ cấu, đổi mới, v.v. Trước hết, tập trung nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách ưu tiên tháo gỡ, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng, “nút thắt” lớn trong sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội hiện nay.

Nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các ngành, đơn vị chủ quản và các doanh nghiệp Quân đội tiếp tục đề cao trách nhiệm, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, góp phần xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thượng tướng TRẦN ĐƠN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước