Những chủ trương công tác lớn Chuyên luận chỉ đạo

QPTD -Thứ Hai, 03/09/2012, 13:45 (GMT+7)
Bộ Tổng Tham mưu trước yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ hội nhập

Giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là một trong tám mối quan hệ lớn mà Đại hội XI của Đảng đã chỉ ra. Quán triệt tinh thần đó, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã và đang triển khai thực hiện theo chức năng, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ hội nhập.

Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng Việt Nam, ngay sau khi đất nước giành được độc lập, ngày 07-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị thành lập Bộ Tổng Tham mưu. Người chỉ rõ: “Bộ Tổng Tham mưu là cơ quan tham mưu quân sự cơ mật của đoàn thể, cơ quan đầu não của quân đội, có nhiệm vụ: tổ chức huấn luyện quân đội cho giỏi; tổ chức nắm địch, nắm ta rõ ràng; bầy mưu kế khôn khéo; tổ chức chỉ huy thông suốt, bí mật, nhanh chóng, kịp thời, chính xác để đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ thành quả cách mạng…”1. Thực hiện huấn thị của Người, 67 năm qua, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu luôn nắm vững mục tiêu, phương pháp cách mạng và nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Bộ Quốc phòng và nhân dân giao cho.

Hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc kéo dài tới ba thập kỷ; là khoảng thời gian diễn ra cuộc đối đầu không cân sức giữa nhân dân ta với hai đế quốc hàng đầu thế giới. Đó là khoảng thời gian diễn ra cuộc đấu trí vô cùng gay go, căng thẳng giữa Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam với Bộ Tham mưu của Quân đội viễn chinh Pháp và Bộ Tham mưu liên quân của Quân đội viễn chinh Mỹ. Song, trong suốt chiều dài của hai cuộc kháng chiến, càng ở những thời điểm cam go, Bộ Tổng Tham mưu lại càng tỏ rõ bản lĩnh vững vàng, tỉnh táo, sáng suốt trong phân tích đánh giá tình hình để tham mưu cho cấp trên đề ra quyết tâm, chủ trương chiến lược đúng đắn. Quán triệt sâu sắc tư tưởng chỉ đạo chiến tranh của Đảng, Bộ Tổng Tham mưu đã kịp thời đề xuất với Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng về xây dựng tổ chức lực lượng và huấn luyện các lực lượng (bộ đội, dân quân, tự vệ, du kích và quần chúng có vũ trang) về phương châm, phương thức, kế hoạch tác chiến chiến lược và biện pháp tổ chức chỉ đạo tác chiến chiến dịch, chiến đấu. Không chỉ hoàn thành xuất sắc chức năng tham mưu tác chiến chiến lược, với tài thao lược được tôi luyện và thử thách qua thực tiễn, Bộ Tổng Tham mưu còn trực tiếp tham gia tổ chức và chỉ đạo nhiều chiến dịch tiến công, phản công chiến lược, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân lần lượt đánh thắng các kẻ thù xâm lược. Thắng lợi đó thuộc về Đảng ta, quân và dân ta, song Bộ Tổng Tham mưu xứng đáng nhận được lời khen: Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam đã thắng Bộ Tham mưu của Quân đội viễn chinh Pháp và Bộ Tham mưu liên quân của Quân đội viễn chinh Mỹ.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu có sự phát triển, có mặt phức tạp hơn. Một lần nữa, bản lĩnh và tài thao lược của Bộ Tổng Tham mưu lại tiếp tục thể hiện trong hoàn cảnh mới, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp bảo vệ thành quả cách mạng, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trải qua các thời kỳ cách mạng, phẩm chất cách mạng của các thế hệ tướng lĩnh, sĩ quan, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu là một dòng chảy liên tục để viết nên truyền thống:“Trung thành, mưu lược - tận tụy sáng tạo - đoàn kết hiệp đồng - quyết chiến quyết thắng”. Ghi nhận những đóng góp to lớn đó, Nhà nước đã tặng Bộ Tổng Tham mưu Huân chương Sao Vàng, hai Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.

Thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới, Bộ Tổng Tham mưu đang đứng trước những thử thách không nhỏ. Đất nước ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào đời sống kinh tế, chính trị quốc tế. Cho đến nay, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, quan hệ kinh tế với hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; là thành viên hầu hết các tổ chức quan trọng của quốc tế và khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã tạo dựng được quan hệ tốt đẹp và quan hệ đối tác chiến lược với hầu hết các nước lớn. Về quốc phòng, ta đã thiết lập quan hệ quốc phòng, quân sự với gần 70 nước và đặt 29 cơ quan tùy viên quốc phòng tại 29 nước. Chưa bao giờ nước ta có vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay. Đó là cơ sở thuận lợi để chúng ta tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhất là tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh sự nghiệp CNH,HĐH đất nước. Song, bên cạnh mặt thuận lợi, chúng ta cũng đang đứng trước nhiều thách thức đan xen và diễn biến phức tạp. Chỉ xét trên lĩnh vực quốc phòng - an ninh (QP-AN), với vị trí quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - quân sự trong khu vực, Việt Nam đang là quốc gia được quan tâm trong chiến lược an ninh quốc gia của nhiều nước, nhất là các nước lớn. Đặc biệt, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trong khu vực vẫn diễn ra phức tạp, khó lường. Trong khi đó, các thế lực thù địch đang lợi dụng các diễn đàn quốc tế để nói xấu Đảng, chế độ ta, phá hoại mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nước ta với các nước láng giềng. Chúng còn sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta; cố tình đánh tráo khái niệm “biên giới mềm”, “biên giới mở”, “văn hóa không biên giới”,… nhằm làm cho nhân dân ta dễ bị ngộ nhận; từ đó, xem nhẹ các vấn đề về chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc.

Trong bối cảnh đó, trên đòi hỏi Bộ Tổng Tham mưu phải nắm chắc tình hình, tích cực, chủ động nghiên cứu, tham mưu ở tầm chiến lược mới đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để hoàn thành trọng trách này, trước hết, cán bộ, chiến sĩ của Bộ Tổng Tham mưu cần tập trung làm tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Một là, quán triệt sâu sắc quan điểm, chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng; nhận thức đầy đủ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tổng Tham mưu trong thời kỳ đất nước hội nhập; thấy được mặt thuận lợi cũng như thách thức của thực tiễn hội nhập đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên cơ sở đó, nghiên cứu, phân tích và dự báo chiến lược về tình hình thế giới, chiều hướng diễn biến của các mối quan hệ quốc tế; về đối tác, đối tượng của cách mạng Việt Nam để kịp thời tham mưu cho Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng hoạch định đường lối, chiến lược và các đối sách xử lý thắng lợi các tình huống về QP-AN. Một vấn đề quan trọng nữa là Bộ Tổng Tham mưu cần nghiên cứu, đề xuất với trên những chủ trương nhằm tranh thủ sức mạnh quốc tế thông qua hội nhập, những lĩnh vực mà Việt Nam có thể tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, trực tiếp là tranh thủ các nguồn lực từ bên ngoài và sử dụng các nguồn lực đó như thế nào cho có hiệu quả đối với sự nghiệp xây dựng và hiện đại hóa Quân đội.

Hai là, tiếp tục quán triệt Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp, các tướng lĩnh, sĩ quan phải nắm vững sự phát triển đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; hiểu sâu sắc mục tiêu, nhiệm vụ QP-AN, đối ngoại, quan điểm kết hợp QP-AN với đối ngoại, mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ với hội nhập quốc tế. Không chỉ tham mưu, đề xuất những chủ trương lớn, Bộ Tổng Tham mưu còn phải trực tiếp tham gia xây dựng phương thức đấu tranh quốc phòng theo hướng vừa hợp tác, vừa đấu tranh, cố gắng gia tăng hợp tác, tránh xung đột, đối đầu, tránh bị cô lập, lệ thuộc; đồng thời, đẩy mạnh phương thức đấu tranh chống việc đe dọa sử dụng vũ lực, kể cả chống xâm lược ở các quy mô.

Ba là, tăng cường nghiên cứu, tham mưu giúp Nhà nước điều chỉnh, bổ sung các nội dung, yêu cầu xây dựng thế trận QP-AN bảo vệ Tổ quốc. Cùng với tiến trình Đổi mới, quan điểm bảo vệ Tổ quốc của Đảng đã được phát triển, cụ thể hóa bằng các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường QP-AN. Trong quá trình hội nhập quốc tế, phát triển đất nước, nhiều vấn đề đã thay đổi và chắc chắn sẽ tiếp tục có những thay đổi mới thông qua việc tái cơ cấu nền kinh tế và hội nhập ngày càng sâu rộng, toàn diện hơn. Vì vậy, Bộ Tổng Tham mưu cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với Đảng những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh về nội dung, yêu cầu của thế trận QP-AN. Đó là việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội phải phù hợp với chiến lược quốc phòng và chiến lược an ninh quốc gia, chú trọng các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, biên giới, biển, đảo. Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm về an sinh xã hội; đồng thời, phải tạo ra nền tảng vững chắc cho thế trận QP-AN. Bộ Tổng Tham mưu cần rà soát hiện trạng của thế trận quốc phòng để giúp Chính phủ chỉ đạo điều chỉnh phát triển kinh tế - xã hội trên các vùng, miền; phát triển các khu kinh tế - quốc phòng, tạo thế trận QP-AN vững chắc, nhất là ở khu vực biên giới và trên những địa bàn trọng điểm.

Bốn là, đẩy mạnh công tác chỉ đạo, nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự phục vụ huấn luyện, đào tạo và sẵn sàng chiến đấu. Trên cơ sở đi sâu nghiên cứu sự phát triển mới các loại hình chiến tranh, vũ khí công nghệ cao và các phương thức tác chiến hiện đại, Bộ Tổng Tham mưu phải vừa vạch ra hướng nghiên cứu cho các viện, học viện, nhà trường, vừa phải trực tiếp nghiên cứu, phát triển khoa học nghệ thuật quân sự, khoa học kỹ thuật quân sự. Đối tượng và mục đích nghiên cứu không chỉ nhằm đối phó với các vấn đề an ninh truyền thống, mà còn đối phó có hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

Năm là, tham mưu cho Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo thực hiện Đề án điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam đến năm 2015; đồng thời, gắn với xây dựng, nâng cao chất lượng lực lượng dự bị động viên và dân quân, tự vệ. Bộ Tổng Tham mưu phải nghiên cứu, đề xuất với trên để đảm bảo xây dựng tổ chức Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiện đại; xây dựng dân quân, tự vệ vững mạnh, rộng khắp.

Sáu là, xây dựng cơ quan Bộ Tổng Tham mưu vững mạnh toàn diện, trong đó đặt lên hàng đầu nội dung xây dựng vững mạnh về chính trị. Theo đó, phải kết hợp chặt chẽ việc củng cố tổ chức cơ quan, đơn vị với kiện toàn tổ chức đảng các cấp, đảm bảo trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu cũng tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân. Không chỉ thể hiện được bản lĩnh chính trị vững vàng, cán bộ Bộ Tổng Tham mưu còn phải là một trong những lực lượng đi đầu trong việc học tập, nâng cao tri thức quân sự, nhất là trình độ tham mưu, chỉ huy tác chiến. Để đạt được yêu cầu này, tổ chức đảng các cấp cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực, kết hợp chặt chẽ việc sử dụng cán bộ đã qua chiến đấu với tăng cường phát hiện, bồi dưỡng và rèn luyện tư duy quân sự cho đội ngũ cán bộ trẻ nhằm tạo ra sự kế cận liên tục, vững chắc đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược về quân sự, quốc phòng cho Đảng và Nhà nước.

Thực hiện tốt các mặt công tác trên đây là cách tốt nhất để đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Bộ Tổng Tham mưu phát huy truyền thống vẻ vang của mình, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong thời kỳ đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn diện.

Thượng tướng ĐỖ BÁ TỴ

Ủy viên BCHTƯ Đảng,

Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam -

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng

______________

1 - Lịch sử Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975), Tập 1, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 7.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Quân đội tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng trong tình hình mới
Hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, trở thành một trong những trụ cột của đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân; phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, tạo sức mạnh tổng hợp - nền tảng vững chắc để thực hiện kế sách bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước