Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 20/04/2017, 08:41 (GMT+7)
“Thế trận lòng dân” – nội dung cốt lõi trong xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố

“Thế trận lòng dân” là nội dung cốt lõi trong xây dựng khu vực phòng thủ. Thực hiện tốt nội dung này sẽ góp phần, tạo nền tảng để phát huy vai trò của nhân dân trong giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh trên địa bàn các tỉnh, thành phố của cả nước.

Những năm qua, quán triệt nghiêm túc, nắm vững 04 quan điểm cơ bản, 05 nguyên tắc và 05 giải pháp chủ yếu được xác định trong Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) và Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước đã triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp phù hợp với thực tiễn để xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc. Đến nay, tiềm lực chính trị - tinh thần, tiềm lực kinh tế, tiềm lực quân sự - an ninh,… của khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố trong cả nước được tăng cường, đảm bảo xử lý có hiệu quả các tình huống về quốc phòng - an ninh trong thời bình và thời chiến. Đặc biệt, trong quá trình thực hiện các tỉnh, thành phố hết sức chú trọng xây dựng “thế trận lòng dân” và coi đó là nội dung cốt yếu của tiềm lực chính trị - tinh thần, nhân tố quan trọng đảm bảo tính vững chắc của khu vực phòng thủ.

  Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế có yêu cầu mới, rất cao. Trong khi đó, bên cạnh những thành tựu đã được khẳng định trong thực tiễn, lòng tin của nhân dân đối với một số cấp ủy, chính quyền có lúc bị giảm sút; sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống chính trị ở cơ sở còn có mặt yếu kém; việc tham gia các phong trào, cuộc vận động ở địa phương và trong các ngành của một bộ phận quần chúng chưa thật tích cực, sôi nổi, v.v. Có tình trạng trên là do một số cấp ủy, chính quyền nhận thức chưa đầy đủ, chưa thực sự coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức xây dựng “thế trận lòng dân”. Một bộ phận cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, v.v. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách đẩy mạnh chiến lược “Diễn biến hòa bình”, lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để “chiếm lĩnh lòng dân”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ với những thủ đoạn hết sức tinh vi. Vì vậy, việc xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, nhằm tăng cường tiềm lực chính trị - tinh thần của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vừa là mục tiêu, vừa là yêu cầu cấp bách trong tình hình hiện nay. Để thực hiện được điều đó, theo chúng tôi, cần tập trung nghiên cứu, thực hiện tốt một số giải pháp cơ bản sau:

Trước hết, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về nội dung, vị trí, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trong khu vực phòng thủ cho các tổ chức, lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân. Để có hiệu quả, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng cần thường xuyên quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về quốc phòng - an ninh, bảo vệ Tổ quốc; nắm chắc tình hình, đặc điểm địa phương, tâm lý, trình độ nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào theo đạo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Trong quá trình thực hiện, chú trọng đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, giáo dục, cần kết hợp giữa giáo dục thường xuyên với giáo dục theo chuyên đề, chủ đề gắn với các ngày lễ, tết; phát huy vai trò của các tổ chức, lực lượng, phương tiện thông tin, truyền thông và thiết chế văn hóa ở cơ sở. Nội dung tuyên truyền, giáo dục đi sâu vào bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, v.v. Đặc biệt, trên các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh, địa bàn có đông đồng bào theo đạo, cần chú trọng tuyên truyền những quan điểm về vấn đề dân tộc, tôn giáo, về xây dựng và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, … để đồng bào luôn thực hành tốt việc đời, việc đạo, chung tay, chung sức, chung lòng cùng thực hiện mục tiêu chung. Đồng thời, tăng cường giáo dục về đối tác, đối tượng, làm rõ âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch, tạo sự thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của hệ thống chính trị, sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh. Hệ thống chính trị cơ sở là cấp cuối cùng và cũng là nơi đầu tiên, trực tiếp thực hiện việc lãnh đạo, quản lý, điều hành xã hội. Vì vậy, hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh là điều kiện tiên quyết để việc xây dựng “thế trận lòng dân” được triển khai một cách đồng bộ, thống nhất, thông suốt, đạt hiệu quả thực chất. Đây cũng là điều kiện bảo đảm cho cơ chế: Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ có hiệu lực, giữ vững mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Trong xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ trí tuệ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tác phong công tác khoa học, lối sống trong sạch, luôn tận tâm, tận lực vì dân, vì nước. Trong quá trình xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở phải đặc biệt coi trọng xây dựng, nâng cao hiệu quả hoạt động của cấp ủy, chính quyền cơ sở, thực hiện tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Đồng thời, thực hiện nghiêm Điều lệ Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo đi đôi với phân công cá nhân phụ trách; có quy chế lãnh đạo, quy chế làm việc trên các mặt công tác trọng yếu một cách khoa học; thực hành tốt tự phê bình và phê bình. Thường xuyên đổi mới phong cách lãnh đạo; nâng cao năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng sát với tình hình địa phương và từng lĩnh vực; gắn xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức quần chúng vững mạnh. Mỗi cán bộ, đảng viên phải “Trọng dân, gần dân, nghe dân nói, nói dân tin, đi đầu, làm trước, làm có hiệu quả cho dân theo”. Cùng với đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức quần chúng, tổ chức xã hội nghề nghiệp; khắc phục tình trạng quan liêu, hoạt động kém hiệu quả của bộ máy hành chính, tạo sự tin tưởng, đồng thuận và sự ủng hộ của nhân dân trong mọi quyết sách của chính quyền.

Thứ ba, không ngừng chăm lo củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy dân chủ cơ sở. Xây dựng “thế trận lòng dân” thực chất là quy tụ và phát huy sức mạnh nội sinh trong mỗi con người, cộng đồng người và cả dân tộc không phân biệt giai cấp, thành phần dân tộc, tôn giáo cùng đồng tâm, hiệp lực vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Hiện nay, các thế lực thù địch đang sử dụng các chiêu bài dân tộc, sắc tộc, dân chủ, nhân quyền, tôn giáo,... hòng kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ các dân tộc, các tôn giáo, giữa người theo đạo với người không theo đạo, gây mất ổn định xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào Đảng, chế độ. Vì thế, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc là điều kiện căn bản để xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trong xây dựng khu vực phòng thủ, tăng cường quốc phòng-an ninh, bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác vận động quần chúng; thực hiện tốt Quy chế Dân chủ ở cơ sở; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc; giải quyết thỏa đáng những bức xúc của nhân dân, tạo sự ổn định, đoàn kết, thống nhất, đồng thuận ở mỗi địa phương và trên từng địa bàn. Trong quá trình thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp cần chú trọng tranh thủ, phát huy vai trò của những người có uy tín trong dòng họ, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc các tôn giáo; thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa ở khu dân cư” bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đồng thời, đẩy mạnh công tác an sinh xã hội; phát huy dân chủ, đảm bảo mọi chương trình phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng -an ninh trên địa bàn đều nhận được đồng thuận cao của nhân dân.

Thứ tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với đảm bảo tốt an sinh xã hội, kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh. Đây là chủ trương lớn, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đảm bảo bước phát triển kinh tế đều gắn chặt với thực hiện an sinh xã hội, thiết thực cải thiện đời sống của nhân dân. Đồng thời, đảm bảo mỗi chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đều gắn kết chặt chẽ với tăng cường quốc phòng - an ninh và ngược lại. Cùng với tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển, khuyến khích làm giàu chính đáng, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới,… các cấp cần gắn kết chặt chẽ với xây dựng địa bàn an toàn, củng cố tiềm lực quốc phòng - an ninh, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có đông đồng bào thiểu số, theo đạo sinh sống và khu công nghiệp lớn, v.v. Quan tâm, chăm lo xây dựng, nâng cao chất lượng tổng hợp lực lượng vũ trang địa phương; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, đặc biệt là những địa bàn nhạy cảm, khu vực trọng điểm về kinh tế, chính trị, văn hóa và quốc phòng - an ninh.

Thứ năm, thường xuyên chăm lo gìn giữ, bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa của các dân tộc. Việt Nam là một đất nước đa dân tộc. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tồn tại và phát triển trong tính đa dạng và thống nhất của nền văn hóa Việt. Việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức gìn giữ, bảo vệ, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trong khu vực phòng thủ phải là việc làm thường xuyên của các cấp ủy, chính quyền địa phương. Trong đó, tập trung nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc; gìn giữ, bảo vệ các di sản văn hoá của mỗi dân tộc và cả nước; giáo dục lòng yêu nước, lối sống văn hoá cho mọi người dân. Việc tôn tạo, bảo tồn và phát triển các hệ giá trị văn hoá dân tộc cần gắn chặt với bảo vệ, phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa vào xây dựng con người Việt Nam. Cấp ủy, chính quyền các cấp cần đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý về văn hóa; khắc phục xu hướng thương mại hóa, lệch lạc trong hoạt động văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng trong giáo dục các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Cùng với nâng cao dân trí và trình độ thưởng thức, tiếp nhận văn hóa của nhân dân, các cấp cần đổi mới tổ chức, hoạt động của các thiết chế văn hoá cơ sở, phát huy vai trò tự chủ, tính chủ động của cơ sở trong quản lý các hoạt động văn hóa. Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số; xây dựng nếp sống văn minh, bài trừ mê tín, dị đoan, xóa dần các tập tục lạc hậu, v.v.

Gắn kết chặt chẽ các giải pháp trên sẽ thiết thực xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo nền tảng để xây dựng khu vực phòng thủ các tỉnh, thành phố về chiều sâu, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, ThS. NGUYỄN VĂN HÒA, Phó Chính ủy Trường Sĩ quan Lục quân 2

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.