Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 28/11/2019, 13:16 (GMT+7)
Nghiên cứu hoạt động của máy bay tàng hình trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối phương sẽ sử dụng vũ khí công nghệ cao, trong đó có máy bay tàng hình thực hiện các đòn tiến công hỏa lực đường không. Do vậy, nghiên cứu, nắm chắc đặc điểm, tính năng, thủ đoạn hoạt động của loại phương tiện này là cần thiết, tạo cơ sở quan trọng để xác định phương pháp tác chiến của lực lượng Phòng không - Không quân, đánh bại thủ đoạn tiến công xâm lược của đối phương.

Sự ra đời của công nghệ tàng hình trong những năm cuối của thế kỷ XX, đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lĩnh vực hàng không quân sự. Nhờ tính năng bộc lộ mục tiêu nhỏ, bay ở độ cao lớn, tốc độ nhanh, bí mật, bất ngờ và khả năng trinh sát, quét sạch vùng trời, tiến công chớp nhoáng,… máy bay tàng hình có thể vượt qua nhiều hệ thống phòng không, tạo nên sự đột biến lớn về phương thức, thủ đoạn hoạt động, quy mô lực lượng và hiệu suất chiến đấu. Trong tiến công hỏa lực đường không, máy bay tàng hình đã và đang trở thành loại phương tiện lợi hại, có khả năng giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau từ cấp chiến thuật, chiến dịch đến chiến lược trong cùng một thời điểm. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây, Mỹ và đồng minh đã coi máy bay tàng hình là loại vũ khí “át chủ bài” không thể thiếu, nhằm thực hiện các đòn “điểm huyệt” quyết định trong tiến công hỏa lực đường không.

Đánh giá về vị trí, vai trò của máy bay tàng hình cũng còn nhiều quan điểm khác nhau, chưa thống nhất, nhưng nhìn chung đây là loại phương tiện chiến đấu hiện đại với nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là khả năng “luồn sâu”, “đánh hiểm”, tiến công mọi mục tiêu ở bất cứ nơi nào trên thế giới, hiệu quả tác chiến cao, nhưng tỷ lệ bị phát hiện, tiêu diệt lại rất thấp. Lần đầu tiên máy bay tàng hình được sử dụng trong cuộc can thiệp quân sự tại Pa-na-ma (tháng 12-1989), đến nay, việc sử dụng loại phương tiện này trong tiến công hỏa lực đường không có xu hướng ngày càng tăng. Trong chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, Mỹ và đồng minh chỉ sử dụng máy bay tàng hình xuất kích khoảng 2% trong tổng số lần cất cánh của các loại máy bay chiến đấu, nhưng đã tiến công phá hủy 40% số lượng mục tiêu chiến lược của I-rắc mà không hề bị phát hiện, đánh trả, v.v. Vậy đặc điểm, tính năng của loại máy bay này như thế nào, thủ đoạn hoạt động ra sao?

Một số đặc điểm, tính năng cơ bản của máy bay tàng hình: (1) Hoạt động tương đối độc lập, sử dụng lực lượng quy mô nhỏ, bay đơn là chủ yếu, nhằm bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ về thời gian, không gian tác chiến, giảm tiếng ồn, tránh các lực lượng phòng không, không quân đối phương phát hiện và đánh trả. (2) Đường bay ổn định, đánh phá mục tiêu có lựa chọn. Với hệ thống thiết bị định vị, dẫn đường tự động, được lập trình, tính toán trước, nhất là việc thiết kế đường bay, nên máy bay tàng hình bay khá ổn định, an toàn trong tiếp cận, tiến công mục tiêu, tránh nguy cơ bị phát hiện bởi các phương tiện trinh sát, phòng không của đối phương. Máy bay tàng hình không đánh phá dàn trải mà trinh sát, lựa chọn những mục tiêu trọng yếu, có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự, kinh tế, được bảo vệ chặt chẽ bởi hệ thống phòng không, phương tiện bay không tàng hình của đối phương. (3) Chủ yếu hoạt động trong điều kiện thời tiết tốt. Do được trang bị nhiều loại vũ khí công nghệ cao, điều khiển, dẫn đường bằng hồng ngoại, la-de hoặc điều khiển kết hợp bằng hệ thống định vị toàn cầu (GPS), để giữ được bí mật, đạt độ chính xác cao, hiệu suất chiến đấu lớn, máy bay tàng hình thường được sử dụng trong điều kiện thời tiết, khí tượng, thủy văn thuận lợi. (4) Sở trường hoạt động vào ban đêm ở độ cao trung bình trở lên. Ban đêm, máy bay tàng hình không chỉ hạn chế khả năng phát hiện của các phương tiện trinh sát, khả năng đánh trả của hệ thống hỏa lực phòng không đối phương, mà còn phát huy cao độ tính năng của hệ thống trinh sát, điều khiển vũ khí bằng hồng ngoại do mức độ tương phản nhiệt giữa nền mặt đất và mục tiêu lớn hơn. Máy bay tàng hình thường hoạt động độc lập ở độ cao trung bình trở lên (khoảng 6.000 m - 10.000 m), tốc độ bay khoảng 0,7M - 0,9M.

Những hoạt động chính của máy bay tàng hình trong tác chiến

Về mục tiêu tiến công: máy bay tàng hình thường được sử dụng tiến công những mục tiêu quan trọng về chính trị, quân sự, kinh tế. Đặc điểm của những mục tiêu này là cố định hoặc tương đối cố định, khó ngụy trang che giấu, cơ động, như: sở chỉ huy các cấp; hệ thống sân bay, trận địa phòng không; khu vực tập kết lực lượng, phương tiện,… có thể tiến công một lần hoặc nhiều lần trên một mục tiêu.

Về hướng tiến công: có thể xuất phát từ sân bay của nước sở tại hoặc thuê, mượn căn cứ quân sự của các nước đồng minh, tàu sân bay, các đảo, v.v. Đối với nước ta, nếu chiến tranh xảy ra, trên chiến trường miền Bắc, dự kiến máy bay tàng hình có thể tiến công từ hướng Đông Nam và Tây Nam; miền Trung là hướng Đông và Tây; miền Nam là hướng Đông, Đông Nam và Tây Bắc. Cũng có thể địch sẽ tiếp cận, đánh phá mục tiêu từ một số hướng khác.

Về thời cơ sử dụng: thời cơ sử dụng máy bay tàng hình luôn bảo đảm yêu cầu bí mật, bất ngờ, phụ thuộc vào tính chất, tầm quan trọng của mục tiêu, thời tiết và khả năng bảo vệ của hệ thống phòng không đối phương. Trong thực tiễn, máy bay tàng hình được sử dụng khá linh hoạt ngay từ đòn đánh đầu tiên của trận mở đầu theo kiểu “điểm huyệt”, có thể sử dụng để đánh theo kiểu “phẫu thuật” các mục tiêu quan trọng xen kẽ giữa các trận hoặc đợt tác chiến.

Về khả năng lực lượng: căn cứ vào mục đích chiến tranh, khả năng tác chiến của lực lượng phòng không đối phương, điều kiện địa lý, thời tiết, đặc điểm mục tiêu,… số lượng máy bay tàng hình được sử dụng linh hoạt trong từng giai đoạn tác chiến. Theo tổng kết thực tiễn chiến tranh và tính toán chuyên ngành, nếu tiến công hỏa lực đường không quy mô lớn vào nước ta, dự kiến đối phương có thể huy động khoảng 50% số lượng máy bay tàng hình có trong biên chế.

Về thủ đoạn hoạt động của máy bay tàng hình.

Thứ nhất, nghi binh về hướng và thời điểm hoạt động. Để tạo yếu tố bí mật, bất ngờ, giành quyền chủ động trong tác chiến, thường kết hợp linh hoạt thủ đoạn nghi binh ở cả cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật. Về chiến lược, hoạt động nghi binh được tiến hành tổng thể cả về mục đích, quy mô lực lượng, thủ đoạn tác chiến, nhằm đánh lừa thời điểm mở đầu cuộc tiến công hỏa lực đường không và hướng tiến công, v.v. Về chiến dịch và chiến thuật, hoạt động nghi binh tập trung vào việc che giấu thời cơ, thời điểm, hướng tiếp cận của máy bay tàng hình, nhằm đánh lừa sự phán đoán của ta về hướng, mục tiêu đánh phá và quy mô sử dụng lực lượng.

Thứ hai, lựa chọn đường bay tối ưu, tránh hỏa lực phòng không. Trên cơ sở kết quả trinh sát, lựa chọn đường bay tối ưu nhất, bảo đảm tiếp cận nhanh, đánh phá chính xác và thoát ly an toàn. Quá trình tác chiến, có thể sử dụng nhiều loại vũ khí công nghệ cao tiến công mục tiêu từ nngoài vùng hỏa lực phòng không, giảm đến mức thấp nhất thời gian bay qua khu vực mục tiêu bảo vệ. Để hạn chế sự phát hiện của các phương tiện trinh sát, điều khiển hỏa lực bằng khí tài quang học, tránh hỏa lực phòng không tầm thấp, máy bay tàng hình thường hoạt động vào ban đêm và bay ở tầm cao.

Thứ ba, bí mật, bất ngờ đánh các mục tiêu quan trọng. Quá trình tác chiến, máy bay tàng hình thực hiện phương châm “im lặng vô tuyến”, “tự đi, tự đánh, tự về”; không thu thập hoặc trả lời các phương tiện thông tin chỉ huy, dẫn đường mặt đất; không tiến hành tác chiến điện tử và hoạt động độc lập là chủ yếu. Trong hành lang bay của máy bay tàng hình, trước và trong quá trình đánh phá, thường không có hoạt động của các phương tiện đường không khác. Máy bay ném bom chiến lược tàng hình thường được sử dụng trong các đợt đánh lớn, trận mở màn hoặc then chốt chiến dịch, đánh các mục tiêu chiến lược được hệ thống phòng không mạnh bảo vệ. Xen kẽ giữa các đợt đánh lớn, máy bay tàng hình chiến thuật có thể được sử dụng với quy mô nhỏ để đánh các sân bay, trận địa phòng không và các mục tiêu mới phát hiện.

Thứ tư, tập trung đánh phá mục tiêu vào ban đêm. Máy bay tàng hình được sơn phủ bằng một số loại sơn chuyên dụng, có khả năng tương phản tốt, làm cho hình ảnh lẫn vào nền trời, gây khó khăn cho hệ thống trinh sát quang học và mắt thường. Tuy nhiên, do kích thước hình học khá lớn, nếu hoạt động vào ban ngày, trong điều kiện độ ẩm không khí cao, luồng khí thải của động cơ sẽ tạo ra dải hơi nước dài, đậm, dễ bị đối phương phát hiện, đánh trả. Ngược lại, hoạt động vào ban đêm, các thiết bị trinh sát hồng ngoại xác định tọa độ mục tiêu, điều khiển vũ khí ít bị tác động bởi các yếu tố ánh sáng, nhiệt độ sẽ cho kết quả chính xác, hiệu suất cao.

Thứ năm, sử dụng vũ khí công nghệ cao là chủ yếu. Đây là thủ đoạn được Mỹ và đồng minh sử dụng ngày càng rộng rãi trong các cuộc chiến tranh gần đây. Phần lớn vũ khí được trang bị cho máy bay tàng hình là loại hiện đại, có sức công phá lớn, độ chính xác cao. Với khả năng sử dụng vũ khí đa dạng, hệ thống điều khiển tiên tiến, các đòn tiến công của máy bay tàng hình có thể được tiến hành từ ngoài vùng hỏa lực phòng không, nhưng vẫn đạt độ chính xác cao.

Thứ sáu, kết hợp giữa đánh phá mục tiêu với chế áp phòng không. Trong tiến công hỏa lực đường không, hoạt động đánh phá mục tiêu thường kết hợp chặt chẽ với chế áp hệ thống phòng không; trong đó, đánh phá mục tiêu là mục đích, chế áp hệ thống phòng không là biện pháp để thực hiện mục đích. Quá trình tác chiến, hoạt động đánh phá mục tiêu của máy bay tàng hình thường gắn liền với hoạt động tìm kiếm, phát hiện và đánh phá các đài ra-đa, trận địa hỏa lực. Hoạt động đánh phá mục tiêu và chế áp phòng không có thể diễn ra đồng thời từ ngoài vùng hỏa lực phòng không, gây khó khăn lớn cho hệ thống phòng không của ta.

Như vậy, với hiệu quả tác chiến cao, tổn thất thấp, việc sử dụng máy bay tàng hình để đánh các mục tiêu quan trọng, phức tạp thay thế các loại máy bay chiến đấu không tàng hình có xu hướng ngày càng phổ biến. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, chắc chắn đối phương sẽ tổ chức tiến công hỏa lực đường không; trong đó, sử dụng máy bay tàng hình thực hiện các đòn “điểm huyệt” mục tiêu chiến lược được coi là phương án tối ưu, nhằm phá hủy tiềm lực kinh tế, quân sự, gây rối loạn về chính trị. Vì vậy, chúng ta cần tập trung nghiên cứu các biện pháp phòng tránh, đánh trả.

Trên đây là một số nghiên cứu bước đầu, nhằm làm rõ đặc điểm, tính năng, thủ đoạn hoạt động của máy bay tàng hình, làm cơ sở phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không - không quân nói riêng, nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung, góp phần đánh thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Thiếu tướng, TS. HÀ XUÂN TRƯỜNG, Giám đốc Học viện Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.