Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 03/08/2017, 14:21 (GMT+7)
Một số vấn đề về tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Tổng kết tác chiến chiến lược trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1945-1975) khẳng định: Đảng Cộng sản Việt Nam đã “tổ chức và lãnh đạo toàn dân, toàn quân kháng chiến, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, của quần chúng cách mạng để giành thắng lợi. Đó là cơ sở thắng lợi của nghệ thuật tác chiến chiến lược”. Đây là bài học quý, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra).

Nghiên cứu thực tiễn các cuộc chiến tranh giữ nước, chiến tranh giải phóng và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của một số nước trên thế giới, nhất là hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ của dân tộc ta cho thấy: tác chiến chiến lược phải giải quyết một loạt các vấn đề lớn, quan trọng của chiến tranh; trong đó, vấn đề quan trọng nhất là tổ chức lãnh đạo, chỉ huy. Đó là tổng thể các chủ trương, biện pháp của Bộ Chính trị, Hội đồng Quốc phòng và An ninh, trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong việc thiết lập hệ thống tổ chức, xác định nội dung, hình thức, phương thức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến kết hợp với các hoạt động đấu tranh khác trên phạm vi cả nước, từng chiến trường (hướng chiến lược) theo một kế hoạch thống nhất, nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc (trong đó, lực lượng vũ trang làm nòng cốt) để đánh bại các biện pháp tác chiến chiến lược của địch, hoàn thành thắng lợi mục tiêu chiến lược trong từng giai đoạn và của cả cuộc chiến tranh.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược cần phải tuân thủ nguyên tắc: Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt và thực hiện tốt sáu yêu cầu cơ bản: (1) đủ khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tác chiến chiến lược trong mọi điều kiện; (2) tập trung, thống nhất cao; (3) chủ động, kiên quyết, thường xuyên, liên tục, vững chắc, bí mật, an toàn; (4) phù hợp với phương thức tác chiến chiến lược của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc; (5) tổ chức linh hoạt, phù hợp với nhiệm vụ, điều kiện của từng chiến trường (hướng chiến lược); (6) phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa lực lượng đấu tranh quân sự với các lực lượng đấu tranh trên mặt trận khác, tạo sức mạnh tổng hợp đánh địch. Nội dung bài viết này, xin trao đổi một số vấn đề chủ yếu của tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

1. Tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trên phạm vi cả nước

Tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược phải căn cứ vào Quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, quy định của Hiến pháp, pháp luật, hình thái chiến tranh và tình hình, điều kiện đất nước, quá trình diễn biến của chiến tranh. Lúc đó, thiết lập hệ thống lãnh đạo tác chiến chiến lược, gồm: Ban Chấp hành Trung ương Đảng mà thường xuyên là Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị lãnh đạo toàn bộ hoạt động chuẩn bị và tiến hành chiến tranh, trọng tâm là tác chiến chiến lược, kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang; đồng thời, gấp rút thực hiện công tác bảo đảm mọi mặt cho tác chiến chiến lược. Nội dung lãnh đạo tập trung vào: quyết định chủ trương, phương châm, phương hướng cơ bản của cuộc chiến tranh, trong từng giai đoạn và các thời điểm quan trọng; tăng cường một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Trung ương Đảng tham gia Quân ủy Trung ương và Đảng ủy chiến trường; huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho chiến tranh, tác chiến chiến lược thắng lợi. Quân ủy Trung ương đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Chấp hành Trung ương, mà thường xuyên là Bộ Chính trị; báo cáo, đề đạt mọi vấn đề liên quan đến chiến tranh để Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị nghiên cứu, đề ra đường lối chiến tranh nhân dân; tổ chức các Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trực thuộc chiến trường; ra nghị quyết, chỉ thị; lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Đảng ủy chiến trường, Đảng ủy quân khu, Đảng ủy quân chủng, binh chủng, ngành; lãnh đạo hoạt động tác chiến chiến lược, phối hợp giữa các chiến trường (hướng chiến lược), giữa đấu tranh quân sự với các hoạt động đấu tranh khác. Do địa hình đất nước kéo dài, hẹp chiều ngang, có thể bị chia cắt chiến lược, nên Bộ Chính trị phải dự kiến phương án tổ chức Cơ quan tiền phương Trung ương. Căn cứ vào tình hình chiến trường, có thể triển khai ngay từ đầu hoặc trong một số giai đoạn để giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương kịp thời lãnh đạo các chiến trường ở xa Trung ương. Thành phần Cơ quan tiền phương Trung ương thường gồm: một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương.

Tổ chức hệ thống chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trên phạm vi cả nước, gồm: Hội đồng Quốc phòng và an ninh, Bộ Quốc phòng. Hội đồng Quốc phòng và an ninh căn cứ chức năng, nhiệm vụ quy định rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (năm 2013); chủ trương, nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội (hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội) để thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến chiến tranh và những vấn đề chung của tác chiến chiến lược. Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng tham mưu chiến lược để Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị quyết định chủ trương, phương châm, phương hướng cho cả cuộc chiến tranh, thậm chí cho từng giai đoạn; phối hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh trên các lĩnh vực khác; đồng thời, tham mưu cho Chính phủ (Hội đồng Cung cấp) huy động các nguồn lực quốc gia, bảo đảm cho tác chiến chiến lược; phối hợp, hiệp đồng với các bộ, ngành Trung ương trong hoạt động đấu tranh, bảo đảm, phục vụ tác chiến chiến lược. Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng còn phải chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến trước việc tổ chức Cơ quan chỉ huy tiền phương. Cơ quan này có thể triển khai ngay từ đầu hoặc trong một số giai đoạn tác chiến chiến lược để trực tiếp chỉ huy các chiến trường ở xa Trung ương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy tác chiến chiến lược trên chiến trường cả nước; phối hợp, hiệp đồng tác chiến giữa các chiến trường; tổ chức các chiến dịch, chiến dịch chiến lược quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược,... chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa đấu tranh quân sự với đấu tranh trên các lĩnh vực khác. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ huy tác chiến chiến lược thông qua Bộ Tổng Tham mưu; quyết định tổ chức Cơ quan chỉ huy chiến lược để làm tham mưu, điều hành, giúp Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược.

2. Tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trên từng chiến trường

Khi tổ chức hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trên từng chiến trường, thành phần gồm: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường và các Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trực thuộc chiến trường. Tùy theo hình thái chiến tranh, môi trường tác chiến chiến lược và điều kiện thực tế, có thể tổ chức: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường miền Bắc, miền Trung, miền Nam; chiến trường biển, đảo; chiến trường trên không và chiến trường không gian mạng. Tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường trên bộ (miền Bắc, miền Trung, miền Nam) trên cơ sở các Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu thuộc chiến trường và cán bộ được tăng cường (từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị...); có thể chỉ định Tư lệnh, Chính ủy, Bộ Tư lệnh quân đoàn hoạt động trên địa bàn tham gia Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường. Đối với chiến trường gồm một số quân khu, Bộ Chính trị có thể chỉ định một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị hoặc Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy (Chính ủy) chiến trường và một số đồng chí Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trọng điểm trên địa bàn tham gia Đảng ủy chiến trường. Khi chiến trường tác chiến trong phạm vi một quân khu, đảm nhiệm hướng chiến lược chủ yếu, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có thể chỉ định Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đảm nhiệm Bí thư Đảng ủy (Chính ủy) chiến trường, Phó Tổng tham mưu trưởng đảm nhiệm Tư lệnh chiến trường. Tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường biển, đảo trên cơ sở Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, được tăng cường một số cán bộ từ Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Chính trị; Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, đại diện Bộ Tư lệnh quân khu ven biển, v.v. Tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường trên không, trên cơ sở Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân và cán bộ được tăng cường từ Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, v.v. Tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường không gian mạng trên cơ sở Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, có thể được tăng cường một số cán bộ.

Trên từng chiến trường, có thể tổ chức các Đảng ủy, Bộ Tư lệnh trực thuộc chiến trường, gồm: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh mặt trận, vùng, chiến dịch, v.v. Đối với mặt trận nằm trên địa bàn một quân khu, thường giao cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu đảm nhiệm, được tăng cường cán bộ từ cơ quan chiến trường. Mặt trận liên quan đến một số quân khu (nằm trên địa bàn giáp ranh), lấy Đảng ủy, Bộ Tư lệnh quân khu đảm nhiệm hướng, địa bàn chủ yếu làm cơ sở, tăng cường cán bộ từ chiến trường, quân khu có liên quan. Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương có thể tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết chiến chiến lược, chiến dịch chiến lược liên quan đến một số chiến trường; hoặc lấy Đảng ủy, Bộ Tư lệnh một chiến trường làm nòng cốt, tăng cường các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy từ Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị. Chiến trường biển, đảo tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các vùng tác chiến biển, đảo. Chiến trường trên không tổ chức Đảng ủy, Bộ Tư lệnh vùng tác chiến phòng không theo từng miền.

Việc tổ chức phân chia chiến trường để chuẩn bị tác chiến chiến lược từ thời bình, có thể điều chỉnh trong quá trình chiến tranh. Các chiến trường có sự liên kết chặt chẽ, không thể tách rời; trong đó, chiến trường trên bộ bao gồm cả vùng biển ven bờ, các đảo gần bờ, v.v. Giữa Đảng ủy, Bộ Tư lệnh các chiến trường có quan hệ phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với nhau trong các hoạt động tác chiến trên bộ, trên biển, đảo, trên không và không gian mạng, theo một kế hoạch chiến lược thống nhất, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Trong những năm tới, khi vũ khí, trang bị, hệ thống tự động hóa chỉ huy phát triển, có thể nghiên cứu tổ chức chiến trường tổng hợp, bao gồm các môi trường tác chiến và các quân chủng, binh chủng; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của một Đảng ủy, Bộ Tư lệnh thống nhất. Để hệ thống lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trên phạm vi cả nước hay trên từng chiến trường điều hành chỉ huy các lực lượng đánh địch, cần phải tổ chức hệ thống sở chỉ huy tác chiến chiến lược. Đối với phạm vi cả nước, hệ thống sở chỉ huy, thường gồm: sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy hậu phương, sở chỉ huy tiền phương và sở chỉ huy dự bị. Đối với cấp chiến trường và trực thuộc chiến trường, có: sở chỉ huy cơ bản, sở chỉ huy phía sau, sở chỉ huy phía trước, sở chỉ huy bổ trợ và sở chỉ huy dự bị. Nói chung, hệ thống sở chỉ huy tác chiến chiến lược phải do Bộ Tổng Tham mưu xác định; được quy hoạch, xây dựng một phần từ thời bình, bổ sung, hoàn chỉnh khi chiến tranh xảy ra. Sở chỉ huy chiến lược được trang bị các phương tiện kỹ thuật và xây dựng các công trình kiên cố, tổ chức phòng vệ, phục vụ,… bảo đảm duy trì chỉ huy thường xuyên, liên tục, kịp thời, vững chắc, bí mật, an toàn trong mọi điều kiện.

3. Hình thức, phương thức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược

Từ kinh nghiệm trong hai cuộc kháng chiến và chiến tranh bảo vệ biên giới, trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, có thể vận dụng ba hình thức, phương thức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược. Về hình thức, gồm: (1) trực tiếp trên chiến trường cả nước, (2) trực tiếp tại một số chiến trường, (3) kết hợp cả 01 và 02. Về phương thức, gồm: (1) trực tiếp đối với toàn bộ chiến trường cả nước, chiến trường trọng yếu, hướng chiến lược chủ yếu và các chiến dịch chiến lược quan trọng, chiến dịch quyết chiến chiến lược, mở đầu, kết thúc chiến tranh,... (2) phân cấp, ủy quyền cho Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường, mặt trận trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy tác chiến trong phạm vi chiến trường, mặt trận, (3) vượt cấp đối với các hoạt động tác chiến chiến lược có ý nghĩa quan trọng trên chiến trường cả nước. Tùy theo từng hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến chiến lược, chiến trường và các điều kiện cụ thể để quyết định vận dụng một hình thức, phương thức hoặc kết hợp các hình thức, phương thức lãnh đạo, chỉ huy, bảo đảm hiệu quả cao nhất. Lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược bằng nghị quyết, mệnh lệnh, chỉ thị, chỉ lệnh,… được truyền trực tiếp trên hệ thống tự động hóa chỉ huy đến các Đảng ủy, Bộ Tư lệnh chiến trường, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng dưới dạng: văn bản, công điện, băng ghi âm, ghi hình, hoặc cử phái viên trực tiếp mang đến, hoặc kết hợp giữa các hình thức đó. Trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, việc chỉ huy tác chiến chiến lược được thực hiện trên hệ thống tự động hóa chỉ huy, nhưng vẫn phải kết hợp các hình thức truyền thống. Các hình thức, phương thức cơ bản là cơ sở để vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường, hoạt động tác chiến, phù hợp với từng hình thái chiến tranh, loại hình tác chiến chiến lược và điều kiện cụ thể. Nếu xảy ra một hình thái chiến tranh, trên một phần lãnh thổ, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng có điều kiện tập trung lãnh đạo, chỉ huy chiến trường. Trường hợp xảy ra chiến tranh xâm lược quy mô lớn hoặc đan xen một số hình thái chiến tranh, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng tập trung lãnh đạo, chỉ huy chiến trường (hướng chiến lược) chủ yếu, địa bàn trọng điểm, giai đoạn có ý nghĩa quyết định; đồng thời, chú ý thích đáng các chiến trường, địa bàn, giai đoạn tác chiến khác.

Tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là một nội dung quan trọng của nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy chiến lược, có vai trò quyết định thắng lợi của tác chiến chiến lược, chiến tranh. Tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược, ngoài việc phải tuân thủ nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật, điều lệnh tác chiến, còn phải kế thừa kinh nghiệm lịch sử và tiếp thu có chọn lọc tinh hoa nghệ thuật quân sự của thế giới. Để bảo đảm lãnh đạo, chỉ huy thường xuyên, liên tục, vững chắc, bí mật, an toàn, cần thực hiện đồng bộ công tác bảo đảm, nhất là: bảo đảm thông tin liên lạc, nắm địch, công sự ngụy trang, phòng chống tác chiến không gian mạng và vũ khí công nghệ cao. Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có nhiều thay đổi, cần tiếp tục nghiên cứu thực tiễn, phát triển lý luận, trong đó có vấn đề tổ chức lãnh đạo, chỉ huy tác chiến chiến lược.

Trung tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐỨC HẢI, Viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.