Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 23/07/2015, 16:55 (GMT+7)
Mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở tỉnh Hòa Bình - kết quả và một số vấn đề đặt ra

Mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình được triển khai từ năm 2010. Đây là mô hình mới, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân”, tăng cường tiềm lực chính trị, tinh thần trong khu vực phòng thủ.

Lực lượng vũ trang huyện Tân Lạc giúp nhân dân sửa chữa nhà ở. 
(Ảnh: baohoabinh.com.vn)

Hòa Bình là tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc, có 95 xã đặc biệt khó khăn trong tổng số 210 xã, phường, thị trấn. Do xuất phát điểm thấp và một số nguyên nhân khác nên các làng, bản ở địa bàn đặc biệt khó khăn của Tỉnh vẫn trong tình trạng kinh tế chậm phát triển, năng suất lao động thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao (có nơi từ 30 đến 35%), cơ sở hạ tầng, đường làng, ngõ xóm còn nhiều khó khăn, bất cập. Bên cạnh đó, do trình độ dân trí của một bộ phận đồng bào còn thấp, cùng với việc ở một số làng, bản chưa khắc phục được các hủ tục đã tồn tại từ nhiều năm nên dễ bị các phần tử xấu lợi dụng lôi kéo, ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường quốc phòng - an ninh ở địa phương, cơ sở.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự Tỉnh đã ra Nghị quyết 610/NQ-ĐUQS, ngày 20-4-2009, lãnh đạo lực lượng vũ trang làm nòng cốt, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương xây dựng điểm mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ Tỉnh. Trên cơ sở khảo sát đánh giá thực trạng ở các địa phương, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh tổ chức nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án với 4 mục tiêu: “Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói - Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh - Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền - Làng xóm yên vui”, theo phương châm: “Kiên trì, bước đi vững chắc, nhân dân ủng hộ, cán bộ đi đầu”. Đề án xây dựng “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” được xác định là mô hình mới, việc làm mới của lực lượng vũ trang Tỉnh, là quá trình vừa làm, vừa bổ sung hoàn chỉnh để rút kinh nghiệm trong công tác xây dựng cơ sở chính trị ở cơ sở, xây dựng xã, phường, thị trấn vững mạnh cả về văn hóa và quốc phòng, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ huyện, Tỉnh ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu trong tình hình mới. Thông qua việc thực hiện Đề án, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, thắt chặt mối đoàn kết máu thịt quân - dân, góp phần xây dựng “thế trận lòng dân” ở địa phương, cơ sở. Đây cũng chính là quá trình bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang, cán bộ, hội viên các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị về phương pháp tiến hành công tác vận động quần chúng; đồng thời, trực tiếp góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các dân tộc ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Sau khi Đề án được thông qua, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh đã báo cáo với Thường trực Tỉnh ủy, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 và tổ chức quán triệt, triển khai đến các cơ quan, đơn vị; đồng thời, chỉ đạo xây dựng điểm và rút kinh nghiệm ở 02 xóm: xóm Bãi Tam (xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi) và xóm Nội (xã Độc Lập, huyện Kỳ Sơn). Cơ quan quân sự các huyện, thành phố đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp lãnh đạo, chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tổ chức khảo sát, lựa chọn làng, bản và họp bàn với lãnh đạo xã, cán bộ chủ chốt từng thôn, xóm để triển khai các nội dung của Đề án. Đối với các địa phương được triển khai Đề án, Tỉnh chỉ đạo các huyện thành lập ban chỉ đạo để triển khai các nội dung công việc cụ thể, như: tổ chức họp thôn, xóm lấy ý kiến nhân dân về các nội dung của Đề án; phân công các ban, ngành, đoàn thể phụ trách từng nhóm công việc; huy động các nguồn lực tại chỗ tham gia xây dựng, v.v. Qua 5 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn Tỉnh đã xây dựng về cơ bản được 18 mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” trên một số tiêu chí sau:

1. Giúp đỡ nhân dân phát triển kinh tế hộ gia đình. Với mục tiêu: “Làng, bản ấm no, không còn nghèo đói”, cấp ủy, chính quyền các cơ sở đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh, huyện tổ chức 48 buổi tuyên truyền, tư vấn về khuyến nông, khuyến lâm; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; về thâm canh, xen canh tăng vụ; về giống cây trồng, vật nuôi, v.v. Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng dân quân đã phát huy vai trò nòng cốt trực tiếp tham gia cùng nhân dân tiến hành quy hoạch vườn rừng, cải tạo 30 vườn tạp, 15 ao thả cá, trồng 1.087 cây ăn quả và hàng ngàn cây lấy gỗ; xây dựng 59 chuồng trại gia súc, gia cầm; hình thành nhiều mô hình kinh tế hộ gia đình “V-A-C-R” (vườn, ao, chuồng, rừng) có hiệu quả. Qua đó, đã góp phần làm chuyển biến mạnh mẽ nhận thức, khơi dậy tính sáng tạo, cần cù, chịu khó, thi đua lao động sản xuất, nâng cao đời sống của đồng bào. Từ hiệu quả của Đề án, đã xuất hiện nhiều mô hình làm kinh tế giỏi ở các thôn, bản, trong đó tiêu biểu là mô hình: xóm Bãi Tam (xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi); xóm Nội (xã Độc Lập), xóm Mon (xã Phúc Tiến), xóm Quốc (xã Phú Minh, huyện Kỳ Sơn); xóm Mời Mít (xã Yên Mông, thành phố Hòa Bình),... được nhiều địa phương đến tham quan, học tập.

2. Xây dựng môi trường làng, bản “xanh, sạch, đẹp”, với tiêu chí: “Sạch đường, đẹp ngõ, không có dịch bệnh”. Bằng những việc làm cụ thể, lực lượng dân quân đã phối hợp với các ngành, đoàn thể, cùng nhân dân phát quang đường làng, ngõ xóm, làm mới một số đoạn đường bằng bê tông; củng cố, cải tạo và xây mới công trình vệ sinh ở các hộ gia đình; chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm được di dời ra khỏi gầm nhà sàn và quy hoạch lại một cách khoa học, hợp vệ sinh; hệ thống mương máng, rãnh thoát nước xung quanh làng, bản được khơi thông; bể chứa nước dùng chung, giếng nước của một số gia đình được cải tạo và xây mới. Do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nhiều hộ gia đình đã tự nguyện hiến đất để nắn thẳng, mở đường vào các thôn, bản và đến tận các hộ gia đình. Kết quả trong 05 năm, toàn Tỉnh đã vận động nhân dân hiến được trên 14.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn; làm mới 13,9 km đường bê tông; nâng cấp 7,25 km đường cấp phối; phát quang 19,2 km đường liên xóm; tu sửa và hỗ trợ xây dựng 09 nhà ở cho các đối tượng chính sách, các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với đó, Tỉnh đã chỉ đạo cải tạo 01 đập chứa nước; xây mới 10 bể chứa nước; sửa chữa gần 05 km đường ống dẫn nước về xóm, bản, bảo đảm nguồn nước sản xuất và nước sạch sinh hoạt cho bà con; nạo vét 11,5 km kênh mương nội đồng; xây mới 346 nhà vệ sinh; di dời 318 chuồng trại gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn của các hộ gia đình,... góp phần xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp ở các thôn, bản.

3. Xây dựng đời sống văn hóa, với mục tiêu: “Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền”. Thông qua nhiều hình thức, biện pháp cụ thể, các làng, bản đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân về xây dựng đời sống văn hóa ở từng thôn, xóm; củng cố, cải tạo, nâng cấp, xây dựng 03 nhà văn hóa xóm, trị giá 185 triệu đồng; xây mới 06 cổng làng văn hóa, trị giá 136 triệu đồng,… làm chuyển biến rõ nét nhận thức của nhân dân. Từ chỗ nhiều xóm chưa có nhà văn hóa, sân chơi thể thao, đến nay hầu hết các xóm đều được cải tạo, nâng cấp và xây mới nhà văn hóa, sân bóng chuyền,... để bà con có nơi hội họp, sinh hoạt cộng đồng và tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao. Các xóm, bản đã thành lập đội văn nghệ, đội bóng chuyền đưa vào hoạt động có nền nếp, tạo khí thế sôi nổi, gắn kết cộng đồng. Các giá trị văn hóa, lễ hội, như: Cồng chiêng, Xuống đồng, Cầu mùa, Sắc bùa, Văn hóa ẩm thực,… và các thiết chế văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp được tôn tạo, giữ gìn và phát huy. Hương ước của làng, bản được rà soát, bổ sung và đưa vào thực hiện, thông qua đó các hộ gia đình đều cam kết không để tái diễn các tệ nạn nghiện hút, buôn bán, tàng trữ, vận chuyển các chất ma túy, rượu chè, cờ bạc bê tha. Từng hộ gia đình đăng ký cho con em đến trường đúng độ tuổi, không để xảy ra tình trạng tảo hôn, thực hiện tiêu chuẩn “Gia đình hòa thuận, con cháu thảo hiền”. Hằng năm có trên 80% các hộ gia đình được công nhận đạt tiêu chuẩn “Gia đình văn hóa”.

4. Củng cố, tăng cường quốc phòng - an ninh ở cơ sở. Với mục tiêu: “Làng, xóm yên vui”, các tổ chức cơ sở ở từng làng, bản được củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động. Đến nay, 18/18 làng, bản đều tổ chức xây dựng được các tổ Dân quân thường trực và tổ An ninh tự quản. Các thành viên trong tổ được bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chính trị, chú trọng huấn luyện về nghiệp vụ quân sự, an ninh và phương pháp vận động quần chúng, góp phần xây dựng lực lượng dân quân và an ninh viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý thức, trách nhiệm trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Thực tế cho thấy, lực lượng này đã phát huy tốt vai trò nòng cốt trong việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, tích cực tham gia phát triển kinh tế và thực hiện phong trào tại xóm, bản. Cùng với đó, các làng, bản đã phát huy tốt vai trò của bí thư chi bộ, trưởng thôn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng làng, bản vững mạnh; động viên đoàn viên, thanh niên hăng hái lên đường thực hiện nghĩa vụ quân sự gắn với công tác phát triển đảng viên, tạo nguồn cán bộ ở cơ sở. Vai trò của các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các dòng họ được phát huy và trở thành nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước, hương ước của làng, bản và tham gia xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng cụm làng, xã chiến đấu vững mạnh. Từ kết quả đó, bà con các dân tộc đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, tự giác quản lý bảo đảm an ninh thôn xóm; các hành vi trộm cắp, lừa đảo, tai nạn, tệ nạn xã hội đã được đẩy lùi; tình làng, nghĩa xóm được củng cố, an ninh được tăng cường; nhân dân đồng thuận, đoàn kết, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, ra sức thi đua xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Đây chính là nền tảng vững chắc để đấu tranh, ngăn ngừa âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch từ cơ sở.

Qua 05 năm triển khai thực hiện xây dựng mô hình “Làng, bản văn hóa - quốc phòng” ở địa bàn đặc biệt khó khăn trong khu vực phòng thủ tỉnh Hòa Bình, có thể khẳng định, đây là một chủ trương đúng đắn, sát thực tế, hợp với lòng dân, mang lại hiệu quả thiết thực cả về chính trị, kinh tế, văn hóa, an sinh xã hội và góp phần tăng cường quốc phòng - an ninh ở cơ sở. Đến nay, toàn Tỉnh đã huy động được hàng chục tỉ đồng, hàng nghìn ngày công để triển khai Đề án, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Tỉnh đạt 10,48%, giảm số hộ nghèo còn 14,2%. Đây là Đề án có nguồn vốn đầu tư ít, nhưng đạt hiệu quả thiết thực, có tính xã hội hóa cao và phát huy được tiềm năng, thế mạnh ở cơ sở, huy động được mọi lực lượng, mọi nguồn lực tham gia. Đề án thể hiện tính sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của lực lượng vũ trang Tỉnh trong việc tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và vận dụng các hình thức, biện pháp tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tập hợp lực lượng, huy động được nhân lực, vật lực, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Với thành tích trên, Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh được Ban Dân vận Trung ương tặng Bằng khen Đơn vị có mô hình “Dân vận khéo” và được Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo nâng cấp thành Đề án xây dựng “Làng, bản văn hóa - quốc phòng - an ninh” để tiếp tục triển khai nhân rộng trên phạm vi toàn Tỉnh trong thời gian tới.

Từ kết quả của Đề án này, đặt ra một số vấn đề cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Một là, tiếp tục nghiên cứu tổ chức tốt việc phân cấp trong thực hiện Đề án cũng như sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong tổ chức thực hiện. Việc quán triệt mục tiêu, ý nghĩa, nội dung của Đề án và tuyên truyền, vận động nhân dân phải kiên trì, thường xuyên; chú trọng tổ chức đối thoại dân chủ với nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, làm cho nhân dân thấy rõ quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong xây dựng “Làng, bản văn hóa - quốc phòng”; từ đó, tạo sự đồng thuận cao trong các làng, bản và cộng đồng dân cư. Quá trình tổ chức cần làm điểm ở một làng, bản cụ thể, sau đó tổ chức rút kinh nghiệm và bố trí cán bộ, nhân dân các làng, bản dự kiến triển khai xây dựng đến tham quan, học tập.

Hai là, quá trình triển khai tổ chức thực hiện phải nghiên cứu, khảo sát cụ thể từng làng, bản và nên kết hợp chặt chẽ với việc triển khai các chương trình, dự án, như: 134, 135,... của Chính phủ. Việc dự kiến, tính toán khối lượng công việc, lực lượng tham gia, kinh phí bảo đảm đối với một số công trình phải thật cụ thể, chi tiết; xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, phân công, giao nhiệm vụ đến từng cơ quan, đơn vị, tổ, nhóm, bộ phận chặt chẽ, rõ ràng.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể địa phương và sự tham gia tích cực của các đơn vị đóng quân trên địa bàn, của các doanh nghiệp; huy động và phát huy mọi nguồn lực tại chỗ để triển khai thực hiện Đề án. Cơ quan quân sự huyện, thành phố là trung tâm tham mưu, hiệp đồng, phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp, các lực lượng và nhân dân. Trước khi triển khai Đề án, cơ quan quân sự các cấp phải tổ chức quán triệt, bồi dưỡng phương pháp tiến hành công tác dân vận. Trong quá trình tiến hành, cán bộ, chiến sĩ phải linh hoạt, sáng tạo, khéo léo, hết sức tranh thủ ý kiến của các già làng, trưởng thôn, bản và những người có uy tín trong cộng đồng.

Bốn là, làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, kịp thời rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Đề án; tuyên truyền nhân rộng cách làm hay, mô hình sáng tạo, góp phần cổ vũ, động viên các cơ quan, đơn vị và mọi cá nhân tích cực hưởng ứng, tham gia xây dựng.

Đại tá BÙI VĂN HÙNG, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quõn sự Tỉnh

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.