Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 26/11/2020, 15:42 (GMT+7)
Mấy vấn đề về xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam

Lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng ở Việt Nam là một nội dung trọng yếu trong mục tiêu tổng thể đối thoại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về giải quyết hậu quả chiến tranh. Đây là vấn đề mới, chưa có tiền lệ, nên khi xây dựng lộ trình đối thoại cần phải dựa trên những nguyên tắc chung của cộng đồng quốc tế, ràng buộc bởi pháp lý.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại  Lễ khởi động Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa. Ảnh: dangcongsan.vn

Kể từ khi quân đội Mỹ phun rải chất độc da cam/dioxin ở miền Nam Việt Nam (8/1961), nhằm hủy diệt khả năng ngụy trang và đồn trú của các lực lượng cách mạng, đến nay, hậu quả của nó đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người - những người trực tiếp tiếp xúc với chất độc này, như: binh lính của cả hai bên, dân thường Việt Nam sinh sống trong khu vực có chất độc, vẫn hết sức nặng nề. Đặc biệt là, những thế hệ kế tiếp - con, cháu, chắt,... thậm chí nhiều đời sau của họ vẫn phải chịu hậu quả đau thương này.

Theo thống kê trên thế giới, chưa ở đâu có môi trường sinh thái bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin trên một phạm vi rộng lớn, mức độ, cấp độ nghiêm trọng và cũng chưa có quốc gia nào có số lượng người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin nhiều, trong thời gian dài, gây hậu quả vô cùng đau thương không những đối với từng cá nhân, gia đình, dòng họ, mà còn với cả xã hội, dân tộc như ở Việt Nam1. Dù đã có nhiều bằng chứng khoa học rõ ràng, không thể phủ nhận về những hậu quả nặng nề, nguy hiểm, lâu dài đối với môi trường sinh thái và sức khỏe người bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, song đến nay, chính phủ Mỹ vẫn tìm mọi cách lảng tránh, chưa thừa nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả. Vì vậy, cuộc đấu tranh đòi lại công lý cho những nạn nhân nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam vẫn phải tiếp tục, dẫu chặng đường phía trước còn nhiều gian nan. Sau 25 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao, hiện nay, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam. Trong 09 lĩnh vực của mối quan hệ đối tác toàn diện Hoa Kỳ và Việt Nam đã ký năm 2013, thì việc “giải quyết hậu quả chiến tranh” được đặt trong mục thứ 06. Như vậy, vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có chất độc da cam/dioxin là điều kiện ràng buộc đối với chính phủ Hoa Kỳ. Để đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin đạt mục tiêu đề ra, cần tích cực, chủ động nghiên cứu, sớm xây dựng lộ trình phù hợp, có tính khả thi cao.

Trước hết, khi nghiên cứu cần bảo đảm tính toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất phức tạp của cuộc đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin cũng như phù hợp với xu hướng quan hệ quốc tế và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong tương lai. Hiện nay, quan hệ giữa hai nước đã phát triển lên tầm cao mới, trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ đến quốc phòng, an ninh và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, thành tựu lớn nhất là chuyển từ thù thành bạn, với động lực hợp tác ngày càng được củng cố, tăng cường mạnh mẽ, các lĩnh vực hợp tác ngày càng mở rộng, có chiều sâu, đa dạng, thực chất, hiệu quả. Xét riêng về lĩnh vực kinh tế, an ninh, quốc phòng, nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng, hợp tác giữa Việt Nam - Hoa Kỳ mang tầm chiến lược và góp phần đem lại hòa bình, ổn định cho khu vực. Trong các chiến lược: An ninh quốc gia, Quốc phòng quốc gia và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở,… Mỹ đều coi Việt Nam là đối tác quan trọng cần ưu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Điều đó mở ra nhiều cơ hội cho việc xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Hoa Kỳ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Tuy nhiên, phải rất khó khăn chúng ta mới buộc chính phủ Mỹ thừa nhận hành động phun rải chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, nên để họ thừa nhận trách nhiệm giải quyết hậu quả của hành động đó sẽ khó khăn hơn rất nhiều. Bởi lẽ, giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin không chỉ đơn thuần vì lợi ích kinh tế, mà quan trọng hơn là trách nhiệm chính trị và pháp lý trước việc làm vô nhân đạo này. Vì vậy, bảo đảm toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với xu thế phát triển quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là vấn đề có tính nguyên tắc trong xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Thứ hai, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, các bên cùng có lợi, góp phần củng cố, tăng cường hợp tác đối thoại nhân đạo giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Mục đích của đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, gồm: (1) Làm sạch những vùng đất bị ô nhiễm chất độc da cam/dioxin và khắc phục hệ sinh thái ở Việt Nam đã bị tàn phá; (2) Mở rộng các dịch vụ cung cấp, hỗ trợ cho người khuyết tật và gia đình họ do liên quan đến phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vì vậy, có thể khẳng định, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, các bên cùng có lợi, góp phần củng cố, tăng cường hợp tác đối thoại nhân đạo là nguyên tắc định hướng cho xây dựng lộ trình đối thoại. Do ảnh hưởng nặng nề, nghiêm trọng, lâu dài của chất độc da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái và sức khỏe con người, nhất là đối với những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam, nên việc giải quyết hậu quả trở thành vấn đề vừa cấp bách, vừa lâu dài và vô cùng phức tạp. Về phía Việt Nam, để giải quyết hậu quả chiến tranh nói chung, chất độc da cam/dioxin đối với môi trường sinh thái và con người nói riêng, trong nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách và biện pháp nhằm trợ giúp nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin, song những nạn nhân này vẫn là những người thuộc nhóm có nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc sống đời thường. Thực tế này đặt ra nhu cầu cần có sự hỗ trợ nhân đạo không chỉ riêng phía Việt Nam, mà còn đòi hỏi cả phía Mỹ. Tuy nhiên, do tính phức tạp và lâu dài, nên việc xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam cần kết hợp chặt chẽ, hài hòa, hợp lý giữa lợi ích của Việt Nam với lợi ích của Mỹ và các nạn nhân bị phơi nhiễm.

Thứ ba, thu hút sự tham gia của các lực lượng, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Những thành quả hợp tác bước đầu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam đang từng bước góp phần tạo sự đồng cảm, chia sẻ, hiểu biết và khởi nguồn cho thiện chí hợp tác thực chất và hiệu quả giữa hai nước. Một trong những nguyên tắc xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo là bảo đảm sự tham gia của các lực lượng, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Nguyên tắc này xuất phát từ tính chất xã hội và tính nhân văn của đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam.

Trước hậu quả nghiêm trọng đối với môi trường và sức khỏe con người, Việt Nam đã có những hoạt động trong nhiều tổ chức quốc tế đề nghị Chính phủ và các công ty hóa chất của Mỹ phải có trách nhiệm cùng với Việt Nam giải quyết hậu quả này. Tuy nhiên, trong thời kỳ Mỹ sử dụng chính sách cấm vận đối với Việt Nam, việc hợp tác giải quyết hậu quả chiến tranh, đặc biệt là hậu quả chất độc da cam/dioxin càng trở nên băng giá. Chỉ đến khi hai nước bình thường hóa quan hệ, thì vấn đề giải quyết hậu quả chiến tranh, trong đó có hậu quả chất độc da cam/dioxin mới được đề cập sâu hơn. Song thực chất đi vào vấn đề, các nhà lãnh đạo Mỹ lại luôn tìm mọi cách chối bỏ trách nhiệm kinh tế, chính trị và pháp lý của mình. Thái độ này của chính phủ Mỹ đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế, trong đó có đông đảo nhân dân và cựu chiến binh Mỹ đã từng tham chiến ở Việt Nam, bởi nhiều người trong số đó đã bị phơi nhiễm loại chất độc nguy hiểm này. Chính sự phản đối mạnh mẽ của dư luận quốc tế đối với thái độ của chính phủ Mỹ trước hậu quả chất độc da cam/dioxin đã thu hút sự quan tâm, chú ý của nhiều tổ chức quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới ủng hộ Việt Nam, ủng hộ những nạn nhân trong hành trình đấu tranh đòi công lý.

Thực tiễn đấu tranh vì công lý cho nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/diôxin cho thấy, để giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đòi hỏi phải có sự nỗ lực của cả cộng đồng, đặc biệt sự quan tâm, giúp đỡ của các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm và đông đảo bạn bè quốc tế. Sự hỗ trợ thỏa đáng mang tính chất nhân đạo từ phía đối tác, dù là kẻ gây ra tai họa hay những người có lương tâm, sẵn sàng chia sẻ, thể hiện tình thương yêu con người là vấn đề rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng. Cuộc đấu tranh vì môi trường sinh thái và quyền lợi của nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam/diôxin ở Việt Nam đã và đang diễn ra với nhiều hình thức, tính chất, quy mô; sự tham gia của các tầng lớp nhân dân, các tổ chức của Việt Nam, quốc tế, thậm chí là của ngay chính nhân dân và cựu chiến binh Mỹ. Nói cách khác, để giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin đối với con người và môi trường sinh thái ở Việt Nam hiện nay, cần có sự hỗ trợ nhân đạo không chỉ của Việt Nam, hay Mỹ, mà còn sự tham gia của cả cộng đồng quốc tế. Theo đó, nghiên cứu xây dựng lộ trình đối thoại nhân đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam phải tạo điều kiện thu hút sự tham gia đông đảo của các lực lượng, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

Để đối thoại nhân đạo đạt được mục đích đề ra, góp phần giải quyết hậu quả chất độc da cam/dioxin do quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, cần nghiên cứu xây dựng lộ trình đối thoại tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc có tính pháp lý của cộng đồng quốc tế, không coi nhẹ nhưng cũng không đề cao nguyên tắc nào.

PGS, TS. TRẦN ĐĂNG BỘ - ThS. PHÙNG THỊ NGA
_________________

1 - Tổng số diện tích bị phun rải chất độc da cam/dioxin là 3,06 triệu ha, số lượng người bị phơi nhiễm khoảng gần 05 triệu người, trong đó có khoảng 03 triệu người có nguy cơ cao.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.