Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 22/03/2018, 08:37 (GMT+7)
Mấy vấn đề về tác chiến không - biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trước xu thế phát triển các loại hình chiến tranh, tác chiến không - biển và chống loại hình tác chiến này giữ vị trí quan trọng, nhất là đối với các quốc gia có biển. Vì thế, việc nghiên cứu giải pháp phòng, chống hiệu quả là vấn đề cấp thiết trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Nhìn chung, đây là loại hình tác chiến không mới, nhưng có sự phát triển về phương thức, do thay đổi quan điểm, tư duy quân sự của các quốc gia cùng với sự phát triển mạnh mẽ của trang bị, vũ khí công nghệ cao trong các cuộc chiến tranh. Trước đây, loại hình tác chiến liên hợp không - biển được Mỹ sử dụng khá phổ biến vào những thập niên giữa thế kỷ XX khi tiến hành chiến tranh xâm lược đối với các quốc gia có biển, điển hình là ở Triều Tiên và Việt Nam. Tuy nhiên, về quy mô, hình thức tác chiến lúc đó chưa thể hiện rõ tính liên hợp giữa các thành phần như hiện nay. Khái niệm “Tác chiến không - biển” được Mỹ tập trung nghiên cứu, phát triển dựa trên cơ sở kinh nghiệm của Chiến dịch “Bão táp sa mạc” trong chiến tranh I-rắc (năm 1991) và được sử dụng vào năm 1992. Tuy nhiên, đến tháng 5-2013, học thuyết quân sự này mới chính thức công bố, được đánh giá là sự đột phá trong tư duy quân sự của các chiến lược gia quân sự Mỹ. Mục đích chủ yếu của học thuyết không - biển là phát triển sức mạnh răn đe, ngăn chặn và từng bước cô lập đối phương. Mục tiêu là phá hủy, tiêu diệt và đánh bại mọi lực lượng quân sự, thống trị bầu trời và mặt biển, phong tỏa lục địa đối phương, nhằm đáp trả những nguy cơ đe dọa quyền tự do hàng hải, lợi ích chính trị, kinh tế, quân sự,… của Mỹ và đồng minh.

Nội dung cơ bản của học thuyết, gồm: giải đáp, định hướng các vấn đề tác chiến liên hợp; giải pháp liên kết sức mạnh của các lực lượng không quân, hải quân Mỹ với lực lượng quân sự các nước đồng minh, tạo hệ thống đồng bộ, thống nhất trên các môi trường tác chiến (không, bộ, biển, vũ trụ, mạng); kết hợp chặt chẽ giữa tác chiến trực tiếp tiếp xúc bằng vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại, quy mô lớn với tác chiến phi tiếp xúc bằng hỏa lực tiến công đường không từ xa, có độ chính xác cao. Trong đó, lấy tác chiến phi tiếp xúc là chủ yếu, nhằm đánh quỵ tiềm lực chiến tranh, ý chí chiến đấu của đối phương ngay từ giai đoạn đầu cuộc chiến. Về tổ chức lực lượng, tập trung xây dựng các binh đoàn liên hợp, gồm: hải quân, không quân, thủy quân lục chiến, khi cần thiết có thể huy động cả lực lượng lục quân. Các binh đoàn này có thể bố trí ở một số quốc gia gần khu vực sẽ can thiệp hoặc tiến công và được duy trì ở trạng thái chiến đấu cao, sẵn sàng cơ động phản ứng linh hoạt với các tình huống khủng hoảng, xung đột, v.v. Phương châm tác chiến là nhanh chóng xác lập ưu thế cục bộ trên không, trên biển, dựa vào sức mạnh chủ yếu của các hạm đội tàu sân bay để thực hiện đòn tiến công vào lãnh thổ đối phương, nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch mặt đất. Điểm nổi bật nhất của tác chiến liên hợp không - biển là tích hợp chính xác, kịp thời hệ thống chỉ huy và điều khiển vũ khí, cho phép chỉ huy liên binh đoàn, quân chủng như một thể thống nhất, tạo sức mạnh áp đảo tiêu diệt đối phương, làm chủ chiến trường, hướng tới thực hiện mục tiêu chiến lược toàn cầu của Mỹ.

Hiện nay, để phát triển kinh tế biển, các quốc gia biển, nhất là những cường quốc trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tăng cường, củng cố sức mạnh quân sự, quốc phòng trên biển; trong đó, tác chiến không - biển được các nước đầu tư nghiên cứu, phát triển và sử dụng làm phương thức chủ yếu, nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc và đồng minh. Đối với nước ta, để chủ động phòng, chống hiệu quả với hình thức tác chiến này, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, cần nghiên cứu tổng thể; trong đó, chú trọng một số giải pháp sau:

Trước hết, nâng cao nhận thức về hình thức tác chiến không - biển. Chúng ta cần nâng cao nhận thức, tập trung nghiên cứu sâu, nắm chắc hình thức tác chiến này, làm cơ sở để lực lượng vũ trang nói chung, Quân đội nói riêng, nhất là các lực lượng trực tiếp bảo vệ biển đảo xác định phương án, biện pháp đối phó, làm thất bại mưu đồ tiến công nước ta từ hướng biển. Đối với cơ quan nghiên cứu chiến lược quốc phòng, Quân chủng Phòng không - Không quân, Hải quân, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, cơ quan tác chiến các cấp và lực lượng liên quan, cần tích cực thu thập tài liệu, nghiên cứu nắm chắc nội dung, nguyên tắc, phương thức tác chiến không - biển của các thế lực thù địch. Cung cấp những cứ liệu khoa học cho các đơn vị làm tài liệu để thực hành giáo dục bộ đội, giúp họ hiểu rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của biển đảo đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và sự cần thiết phải bảo vệ biển đảo. Đồng thời, xác định trách nhiệm, quyết tâm trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo, góp phần tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển kinh tế; trước mắt là, thực hiện thắng lợi mục tiêu “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020” của Đảng. Nội dung giáo dục toàn diện, trong đó, tập trung trang bị cho bộ đội những kiến thức cơ bản về mục đích, đối tượng, thành phần, âm mưu, thủ đoạn thực hành tác chiến liên hợp không - biển của đối phương; khả năng lực lượng, phương tiện tác chiến của ta; đặc điểm môi trường, địa bàn tác chiến, nhất là tính chất khó khăn, khốc liệt của nhiệm vụ tác chiến biển đảo,... giúp họ có đầy đủ dữ liệu, thông tin để phân tích, nhận định, đánh giá tương quan so sánh lực lượng, phương tiện chiến đấu, trình độ vũ khí, trang bị giữa ta và địch, các yếu tố tác động đến cuộc chiến, v.v. Từ đó, xác định quyết tâm, phương pháp tác chiến và biện pháp xử lý các tình huống phù hợp, hiệu quả. Trong lịch sử chống giặc ngoại xâm, dân tộc ta đã thực hiện nhiều trận quyết chiến trên sông, trên biển, điển hình trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là Chiến dịch giải phóng quần đảo Trường Sa, lực lượng vũ trang đã thực hiện cách đánh sáng tạo, giành thắng lợi. Tuy vậy, chúng ta cũng chưa có nhiều kinh nghiệm đối phó với loại hình tác chiến này. Vì thế, để nâng cao nhận thức, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến biển đảo với tăng cường giáo dục xây dựng, củng cố niềm tin vào vũ khí, trang bị hiện có, nghệ thuật quân sự, cách đánh của các lực lượng cho bộ đội, bảo đảm cho họ có ý chí quyết tâm chiến đấu cao, dám đánh, quyết đánh và quyết thắng kẻ thù xâm lược.

Hai là, xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo vững chắc, sẵn sàng đối phó hiệu quả trước những cuộc tiến công từ hướng biển. Việt Nam có bờ biển dài 3.260 km, hơn 3.000 đảo lớn nhỏ và trong thực tiễn chúng ta đã chứng kiến một số cuộc tiến công xâm lược từ hướng biển. Do vậy, xây dựng thế trận phòng thủ biển đảo vững chắc từ thời bình đã, đang và sẽ là yếu tố quyết định đến vận mệnh thiêng liêng của Tổ quốc. Để đối phó với sự phát triển mạnh mẽ và nguy cơ đe dọa sử dụng không quân, hải quân, tên lửa chiến lược,… nhất là khả năng triển khai các hạm đội tàu sân bay hiện đại để thực hành tác chiến “không - biển” của đối phương, chúng ta cần kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng thế trận quân sự, quốc phòng với thế trận an ninh trên biển đảo; trong đó, lấy thế trận quân sự, quốc phòng làm nòng cốt. Yêu cầu xây dựng thế trận quân sự phải bảo đảm liên hoàn, vững chắc, hiểm hóc, có chiều sâu; có thế đánh, thế giữ; phát huy tối đa sức mạnh của các lực lượng, phương tiện, hỏa lực (hải đối không, không đối hạm, đất đối không, bờ đối hải,…); chuyển hóa thế trận linh hoạt, đối phó được nhiều hướng, tập trung vào hướng chủ yếu, vùng biển trọng điểm. Đặc biệt, thế trận phải phù hợp với đối tượng, môi trường tác chiến; nghệ thuật, phương án, kế hoạch tác chiến bảo vệ biển đảo của các lực lượng phòng không - không quân, hải quân, pháo binh, đặc công nước, v.v. Trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống công trình quân sự đầy đủ, kiên cố, nhiều vòng, từ xa đến gần; kết hợp giữa hệ thống đài quan sát nhà giàn, công sự, trận địa hỏa lực của đảo xa (lớn) ở vòng ngoài với hệ thống trận địa hỏa lực các đảo nhỏ, tàu nổi, tàu ngầm thuộc các vùng biển trọng điểm, mục tiêu trọng yếu ở tuyến giữa và công sự, trận địa các đảo gần bờ, thủy lôi,… hệ thống công trình chiến đấu khu vực phòng thủ các địa phương ven biển. Nghiên cứu xây dựng hệ thống trận địa tên lửa bờ (pháo binh), tên lửa phòng không quốc gia theo hướng xen kẽ để vừa chi viện hỏa lực, bảo vệ đội hình hải quân tác chiến, vừa bảo vệ an toàn các sân bay (quân sự, lưỡng dụng) trên đất liền cho lực lượng không quân cất, hạ cánh thực hành tác chiến trên không; chỉ huy, báo động sớm; chi viện, hộ tống, bảo vệ đội hình tác chiến của hải quân và các lực lượng khác. Tích cực xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên biển đảo vững mạnh, rộng khắp, phát huy sức mạnh tổng hợp của mọi thành phần, lực lượng, lấy Cảnh sát biển, dân quân, tự vệ biển, Kiểm ngư,… làm nòng cốt trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc. Tăng cường hoạt động tuần tra chung trên biển với các nước trong khu vực, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột trên biển, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực.

Ba là, xây dựng các lực lượng tác chiến bảo vệ biển đảo tinh nhuệ, hiện đại. Từ thực trạng lực lượng, phương tiện tác chiến biển đảo của ta còn hạn chế, trong khi mục tiêu bảo vệ nhiều, công tác chi viện, hỗ trợ cho nhau giữa các lực lượng khó khăn, vì thế để đối phó với ưu thế vượt trội về lực lượng tác chiến liên hợp không - biển của đối phương, chúng ta cần nghiên cứu kết hợp xây dựng lực lượng theo hướng “hợp thành đa quân chủng, binh chủng”, trong đó nòng cốt là: phòng không - không quân quốc gia, không quân hải quân, tàu ngầm, tàu nổi, tên lửa bờ của pháo binh, đặc công nước,… với tổ chức, sử dụng lực lượng tập trung vào mục tiêu chủ yếu, vùng biển trọng điểm. Các lực lượng này cần phải được xây dựng tinh nhuệ về chính trị, vững mạnh về tư tưởng, tổ chức, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; trang bị vũ khí, phương tiện hiện đạị; huấn luyện trở thành lực lượng thiện chiến, tác chiến hiệu quả trong mọi tình huống; đồng thời, mưu trí, linh hoạt, dũng cảm trong xử lý các tình huống quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc. Trong đó, lấy việc đánh bại phương thức tác chiến không - biển của đối phương làm mục tiêu cao nhất để xây dựng lực lượng, nghiên cứu, phát triển nghệ thuật quân sự và hiện đại hóa vũ khí, trang bị. Các lực lượng chủ động xây dựng phương án tác chiến; trong đó, chú trọng phương án tác chiến hiệp đồng quân chủng, binh chủng trên chiến trường biển đảo và tổ chức huấn luyện, luyện tập, diễn tập tổng hợp theo phương án. Coi trọng huấn luyện nâng cao trình độ làm chủ vũ khí, phương tiện chiến đấu hiện đại, dự kiến nhiều tình huống tác chiến phức tạp và chuẩn bị nhiều phương án xử lý khi địch sử dụng cả hạm đội tàu sân bay, sân bay trên đảo và sân bay tại các căn cứ quân sự, v.v.

Cùng với các giải pháp trên, cần nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện hệ thống chỉ huy điều hành tác chiến, hệ thống thông tin liên lạc, hệ thống tác chiến không gian mạng, tác chiến điện tử, v.v.

Trên đây là một số vấn đề về tác chiến không - biển và chống tác chiến không - biển trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống giải pháp đồng bộ, hiệu quả, nhằm bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong mọi tình huống.

Đại tá, TS. HUỲNH MINH CHIẾN, Học viện Phòng không - Không quân

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.