Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 24/09/2015, 13:50 (GMT+7)
Mấy vấn đề về hoạt động nghi binh trong chiến dịch tiến công

Hoạt động nghi binh trong tác chiến nói chung, chiến dịch tiến công nói riêng là biện pháp quan trọng nhằm thực hiện phương pháp tác chiến. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), kẻ địch sẽ sử dụng rộng rãi các phương tiện trinh sát, tác chiến điện tử hiện đại, công nghệ cao. Vì vậy, nghiên cứu hoạt động nghi binh trong loại hình chiến dịch này là nội dung quan trọng hiện nay.

Nghi binh là một hoạt động được sử dụng khá phổ biến trong tác chiến ở mọi quy mô (chiến thuật, chiến dịch, chiến lược), loại hình (phòng ngự, tiến công). Mục đích của nghi binh là nhằm đánh lừa đối phương về ý định, phương pháp, kế hoạch tác chiến, bố trí đội hình, sử dụng lực lượng,... làm cho đối phương phán đoán sai tình hình, tạo bất ngờ trong tác chiến.

Đối với chiến dịch tiến công, hoạt động nghi binh cùng với những nội dung đề cập ở trên, nhưng tập trung vào việc làm cho địch phán đoán sai ý định chiến dịch, hướng tiến công chủ yếu, buộc chúng vào thế bất ngờ, bị động, dẫn tới sai lầm trong hành động tác chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho chiến dịch thực hiện thắng lợi các trận then chốt, then chốt quyết định ở nơi đã lựa chọn. Thực tiễn các chiến dịch tiến công như: Chiến dịch Tây Bắc (năm 1952), Chiến dịch Tây Nguyên (năm 1975),… cho thấy, hoạt động nghi binh được các đơn vị của ta vận dụng linh hoạt, sáng tạo, tạo đột phá, góp phần quan trọng vào thắng lợi của chiến dịch. Ngày nay, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), đối tượng tác chiến của chiến dịch tiến công có thể là lữ đoàn, sư đoàn địch ở trạng thái phòng ngự hoặc tạm dừng, có ưu thế về vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi, cơ động và ứng cứu giải tỏa nhanh, vận dụng biện pháp tác chiến liên hợp, v.v. Trong khi đó, các chiến dịch tiến công của ta được tiến hành trong điều kiện thuận lợi là cơ bản (tác chiến trên địa hình khu vực phòng thủ được chuẩn bị về thế trận, lực lượng, với vũ khí, trang bị hiện đại và tương đối hiện đại,...),  nhưng cũng có những khó khăn (địch sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao). Vì vậy, nghi binh tạo sự bất ngờ cho địch, giành quyền chủ động cho ta, tập trung lực lượng, tạo lập thế trận đánh thắng các trận then chốt, then chốt quyết định của chiến dịch tiến công là vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu giải quyết. Để đạt được yêu cầu đó, chúng tôi xin nêu một số giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghi binh để cùng trao đổi.

Một là, tăng cường giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về vị trí, tầm quan trọng của hoạt động nghi binh trong chiến dịch tiến công. Đây là nội dung quan trọng, làm cơ sở để nâng cao hiệu quả hoạt động nghi binh trong chiến dịch tiến công. Đặc biệt, khi chiến dịch diễn ra ở địa bàn có địa hình không thuận, ta buộc phải bộc lộ một phần hoặc toàn bộ lực lượng và phải đối phó với đối tượng địch có quân số đông, vũ khí, trang bị và phương tiện trinh sát hiện đại thì thực hiện tốt công tác này càng có ý nghĩa quan trọng. Để làm được điều đó, trước mỗi chiến dịch tiến công, cấp uỷ, chỉ huy các cấp phải tăng cường công tác giáo dục, quán triệt, làm cho mọi người nắm vững mục đích, nội dung và vai trò của nghi binh đối với kết quả của trận đánh, chiến dịch để vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn. Thông qua đó làm rõ nội hàm mối quan hệ giữa nghi binh và vấn đề “mưu, kế, thế, thời”; thấy rõ sự cần thiết của hoạt động nghi binh trong chiến dịch. Từ đó, cán bộ, chiến sĩ nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, chủ động nắm vững âm mưu, thủ đoạn, quy luật hoạt động, biện pháp đối phó của địch để vận dụng, thực hiện nghi binh và chống địch nghi binh ở từng cấp cho phù hợp. Nghi binh là hoạt động sáng tạo và sự sáng tạo đó rất cần có sự chuẩn bị từ kiến thức, cơ sở vật chất đến phương án, biện pháp, v.v. Đó là nền tảng để có thể xử lý tốt các tình huống phức tạp, khó khăn đột xuất. Vì thế, cùng với công tác quán triệt, giáo dục, cần thực hiện tốt công tác huấn luyện, bồi dưỡng kiến thức về nghi binh; trong chiến đấu cần vận dụng nhiều nội dung, hình thức, biện pháp phong phú và rút kinh nghiệm qua từng trận chiến đấu. Theo chúng tôi, cần tăng cường nội dung, thời gian giáo dục, huấn luyện về hoạt động nghi binh ở các đơn vị, nhà trường, nhất là trong luyện tập, diễn tập đối kháng để phát triển tư duy, trí sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ.

Hai là, coi trọng xây dựng kế hoạch nghi binh chặt chẽ, linh hoạt theo đúng ý định của chiến dịch. Chiến dịch tiến công trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thường diễn ra trong không gian rộng, thời gian ngắn, tính biến động cao, tình huống diễn biến khẩn trương, ác liệt,… đòi hỏi hoạt động tác chiến chiến dịch nói chung, lĩnh vực nghi binh nói riêng phải theo một kế hoạch thống nhất, điều hành ăn khớp, nhịp nhàng, làm cho địch phán đoán sai, tạo điều kiện để chiến dịch tập trung lực lượng tiêu diệt một bộ phận quan trọng, tiêu hao, sát thương lớn quân địch, tạo thế và thời cơ cho hoạt động tác chiến tiếp theo. Để đạt được điều đó, đòi hỏi cơ quan tham mưu chiến dịch phải thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó, xây dựng kế hoạch hoạt động nghi binh sát, phù hợp với điều kiện chiến dịch có vai trò rất quan trọng. Kế hoạch này phải được xây dựng trên cơ sở chỉ lệnh hoạt động nghi binh của cấp trên, tình hình thực tiễn và quyết tâm tác chiến của tư lệnh chiến dịch. Yêu cầu của kế hoạch nghi binh phải toàn diện, xuyên suốt quá trình chiến dịch, từ tổ chức chuẩn bị, thực hành tiến công và kết thúc chiến dịch; đồng thời, dự kiến nhiều phương án để xử lý các tình huống xảy ra. Do đó, kế hoạch cần được thực hiện công phu gắn liền với công tác tổ chức chuẩn bị chiến dịch; trong đó, có nội dung cần được chuẩn bị sớm. Nội dung kế hoạch nghi binh thường gồm: xác định hướng nghi binh; các biện pháp thực hiện; tổ chức sử dụng lực lượng, phương tiện tham gia;... trong đó, xác định hướng nghi binh là nội dung quan trọng nhất, có tác động chi phối tất cả các nội dung còn lại. Thông thường, hướng nghi binh của chiến dịch tiến công chủ yếu do cấp chiến dịch tự xác định, nhưng cũng có thể do cấp trên chỉ định. Để xác định hướng nghi binh đúng, đáp ứng mục đích, yêu cầu chiến dịch đề ra, phải căn cứ vào kết quả phân tích đánh giá về địch, ta, địa hình, trọng tâm là hướng phòng ngự, quy luật, mục đích, ý đồ và các biện pháp đối phó của chúng. Để khiến địch dễ mắc sai lầm, việc xác định hướng nghi binh thường nằm ngoài địa bàn tác chiến chủ yếu của chiến dịch, nhưng ở đó địch phải có mục tiêu quan trọng, nhạy cảm, hiểm yếu, liên quan mật thiết với các mục tiêu trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch; đồng thời, ta có điều kiện triển khai lực lượng, phương tiện nghi binh thuận lợi. Đây là nội dung rất quan trọng, quyết định đến hiệu quả nghi binh, bởi nếu hướng nghi binh được xác định đúng, khi ta tiến hành các hoạt động nghi binh, buộc địch phải phản ứng theo (bị thu hút, bị kìm giữ hoặc phải phân tán lực lượng để đối phó,…) dẫn đến sai lầm và rơi vào thế trận ta bày sẵn. Trường hợp ta tiến hành các hoạt động nghi binh trên hướng chiến dịch tiến công đã xác định, nhưng địch phản ứng không theo như dự kiến thì phải hết sức linh hoạt, sáng tạo để điều chỉnh. Trong quá trình xây dựng kế hoạch hoạt động nghi binh, phải đồng thời dự kiến nhiều tình huống có thể xảy ra để đảm bảo sự chủ động và đạt hiệu quả nghi binh. Bên cạnh đó, cần coi trọng xác định các biện pháp nghi binh phù hợp với đặc điểm tình hình địch, ta và địa bàn tác chiến; trong đó, bao hàm cả biện pháp tác chiến và phi tác chiến trong suốt quá trình chiến dịch. Mặt khác, kế hoạch nghi binh là tuyệt mật, nên việc soạn thảo, quản lý và triển khai thực hiện phải theo phân cấp, đúng thời cơ, bảo đảm truyền đạt rõ về ý định hành động cho các cấp nhưng vẫn giữ được bí mật.

Ba là, chủ động phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia hoạt động nghi binh trên địa bàn tác chiến. Thực tiễn chiến dịch tiến công cho thấy, tham gia hoạt động nghi binh gồm nhiều lực lượng, như: lực lượng tiến công địch trên hướng nghi binh, lực lượng làm đường, vận chuyển vật chất; lực lượng tác chiến, tung tin giả, làm trận địa, mô hình giả; hoạt động trên địa bàn rộng, ở nhiều thời điểm khác nhau. Vì vậy, phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia hoạt động nghi binh chiến dịch là vấn đề rất quan trọng. Trên cơ sở kế hoạch hiệp đồng, kế hoạch nghi binh chiến dịch, các đơn vị làm nhiệm vụ nghi binh cần chủ động phối hợp với nhau và phối hợp với lực lượng khác trên địa bàn tác chiến, nhằm thực hiện có hiệu quả hoạt động nghi binh trong các giai đoạn chiến dịch.

Trong giai đoạn tổ chức chuẩn bị chiến dịch, lực lượng tiến công trên hướng nghi binh có thể chủ động phối hợp với lực lượng hỏa lực, thông tin, tác chiến điện tử của chiến dịch và các đơn vị bộ đội địa phương vận dụng linh hoạt các biện pháp tác chiến đánh chiếm một số cứ điểm phòng ngự của địch. Lực lượng làm đường, vận chuyển vật chất chủ động phối hợp với lực lượng công binh, vận tải của chiến dịch và lực lượng các ban, ngành, đoàn thể trong khu vực phòng thủ địa phương để sửa chữa cầu, đường hư hỏng, làm đường mới cho xe cơ giới cơ động trên hướng nghi binh để thu hút địch. Lực lượng tung tin giả, cần phối hợp với lực lượng thông tin vô tuyến điện, tác chiến điện tử của chiến dịch, thông tin mạng, thông tin của cấp trên, các phương tiện thông tin đại chúng và nhân dân trong khu vực phòng thủ để đưa những bức điện nghi binh lên mạng, phương tiện vô tuyến điện, truyền tin nghi binh trong quần chúng nhân dân để đánh lạc hướng địch. Với lực lượng làm trận địa giả, mô hình giả, cần phối hợp với các đơn vị kỹ thuật (phòng không, pháo binh, tăng thiết giáp, công binh, hoá học,…) và lực lượng của cấp trên để làm các trận địa giả, mô hình giả trên hướng nghi binh để đánh lừa các phương tiện trinh sát của địch, giảm bớt mật độ hỏa lực địch đánh phá trên hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch.

Trong giai đoạn thực hành tác chiến và giai đoạn kết thúc chiến dịch tiến công, các đơn vị làm nhiệm vụ nghi binh căn cứ vào nhiệm vụ của từng giai đoạn chiến dịch để xác định lực lượng phối hợp nghi binh cho phù hợp. Trường hợp trên hướng nghi binh và hướng tiến công chủ yếu của chiến dịch để sơ suất, bị địch phát hiện, phải nhanh chóng nắm chắc âm mưu, ý đồ của địch, kịp thời điều chỉnh các lực lượng để tiếp tục phối hợp nghi binh theo kế hoạch đề ra.

Hoạt động nghi binh là nội dung quan trọng hàng đầu của mưu kế đánh địch và là một trong những biện pháp tác chiến quan trọng của chiến dịch tiến công. Để hoạt động này phát huy hiệu quả trong điều kiện chiến tranh hiện đại, đòi hỏi phải tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, chuẩn bị trước từ thời bình, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Đại tá, ThS. TRẦN HÙNG CƯƠNG, Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.