Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 09/12/2021, 11:59 (GMT+7)
Mấy suy nghĩ về “ba dám” đối với cán bộ hiện nay

Nhằm xây dựng, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, Đại hội XIII của Đảng bổ sung “ba dám” vào yêu cầu, phẩm chất, năng lực của cán bộ. Nội dung này cần được thấu triệt, vận dụng có hiệu quả trong thực tiễn.

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có cơ cấu, số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; nhiều cán bộ thể hiện rõ tinh thần: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đã có những đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Hiện nay, trước những biến chuyển nhanh, phức tạp, khó dự báo của tình hình thế giới, khu vực; nước ta đang đứng trước nhiều thuận lợi, thời cơ, đan xen những khó khăn, thách thức; nhiệm vụ cách mạng và xu hướng phát triển của thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề mới cần phải giải quyết. Vì vậy, để phát huy hơn nữa vai trò đội ngũ cán bộ, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có cơ chế lựa chọn, đào tạo, thu hút, trọng dụng nhân tài, khuyến khích bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”1. Như vậy, cùng với “3 dám” trước đó, quan điểm về công tác cán bộ được Đại hội XIII của Đảng bổ sung “3 dám” mới là: dám nói”; “dám đổi mới sáng tạo”; “dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung”. Bổ sung này thể hiện tầm nhìn chiến lược sáng suốt của Đảng, phù hợp tình hình thực tiễn cùng sự vận động, phát triển của đất nước, thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế ngày càng sâu, rộng. Hiện thực hóa quan điểm này, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị ra Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây là cơ sở để công tác cán bộ các cấp từ Trung ương đến địa phương, cơ sở rà soát bổ sung tiêu chí, quy chế, quy định,… xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với tính chất, chức năng, yêu cầu, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Với nhận thức đó, phạm vi bài viết tập trung nêu mấy suy nghĩ đối với sự bổ sung “3 dám” mới của Đảng, góp phần không ngừng nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

1. Dám nói, là thể hiện “dũng khí” của người cán bộ, đảng viên biết dùng ngôn ngữ để chuyển tải, biểu đạt nhận thức, tư tưởng, tình cảm, chính kiến của mình, một cách thẳng, thật, đúng về một sự việc nào đó; giúp cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy nhận thức đúng sự việc, đề ra các biện pháp giải quyết hiệu quả. Thực tiễn thời gian qua, ở nhiều nơi, không ít cán bộ, đảng viên còn tư tưởng, tâm lý “nể nang, ngại va chạm”, “đấu tranh, tránh đâu”, nên những biểu hiện tiêu cực, tham nhũng không được phát hiện kịp thời từ cơ sở, hầu hết các vụ tham nhũng được phát hiện, xử lý đều do công tác kiểm tra, thanh tra của cơ quan chức năng cấp trên, sự tố giác của nhân dân, thông tin báo chí. Vì thế, quan điểm Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị đã mở “nút thắt” giúp cán bộ, đảng viên có điểm tựa để dám nói, thể hiện rõ quan điểm, lập trường, thái độ, chính kiến trước những sự việc đúng, sai, tốt, xấu; làm cho cái tốt, cái mới được nảy nở, phát huy, cái sai được phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh loại bỏ.

2. Dám đổi mới sáng tạo, là dám đề xuất ý tưởng, mô hình, cách thức nghiên cứu, hoạch định, quản lý, làm việc, lao động sản xuất,... tạo ra thay đổi lớn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực về vật chất, tinh thần, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của tập thể, tổ chức và toàn xã hội. Đây là đòi hỏi, yêu cầu khách quan đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên trong công cuộc đổi mới, phát triển đất nước hiện nay. Thực tiễn cách mạng nước ta từng ghi dấu ấn nhiều điển hình đổi mới sáng tạo mang lại hiệu quả to lớn, như: con đường cứu nước và phương pháp cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc tìm ra khác hẳn các bậc tiền bối, đã đem lại độc lập, tự do thật sự cho dân tộc. Hay như, cách làm “khoán hộ” trong nông nghiệp; các giải pháp “phá rào” trong sản xuất, kinh doanh,… trước những năm đổi mới là cơ sở quan trọng để Đảng nghiên cứu, hình thành đường lối đổi mới, tạo bước ngoặt cho sự phát triển toàn diện đất nước, v.v. Nhờ đó, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”2. Hiện nay, nhiều tập đoàn, doanh nhân trên phạm vi cả nước đã và đang tích cực đổi mới sáng tạo, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng góp quan trọng vào nền kinh tế và công tác an sinh xã hội của đất nước. Tinh thần “chống dịch như chống giặc” trong phòng, chống đại dịch Covid-19 và những quyết định, biện pháp chưa có tiền lệ đã huy động sự vào cuộc của toàn xã hội tham gia vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, v.v. Có thể nói, đổi mới sáng tạo là nhân tố đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển, nhưng là vấn đề khó, chưa có tiền lệ, vì thế, ở mỗi cấp, ngành, lĩnh vực cần có chủ trương, biện pháp khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám đổi mới sáng tạo.

3. Dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, là phẩm chất dũng cảm, đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết của người cán bộ; xung phong và sẵn sàng nhận, thực hiện những nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, tận tâm, tận lực phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; lấy lợi ích của tập thể và quốc gia dân tộc làm mục tiêu chi phối mọi hoạt động tu dưỡng, rèn luyện, học tập, công tác, không xâm phạm, gây hại đến lợi ích chung. Hiện nay, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là công cuộc đổi mới đất nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, càng đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải dám đương đầu với khó khăn, thử thách và quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định. Thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay cho thấy: “Chính vì đã sẵn sàng quên mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho lý tưởng cộng sản cao đẹp mà biết bao đảng viên cộng sản và quần chúng nhân dân đã trở thành anh hùng, liệt sĩ, chiến sĩ mẫu mực, tiêu biểu trên mặt trận sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, trong chiến đấu giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và trong các ngành hoạt động khác. Họ không đòi danh, đòi lợi. Họ một lòng một dạ phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân. Họ là những đảng viên bình thường nhưng phẩm chất cách mạng của họ thật là cao quý. Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng ấy của giai cấp và của dân tộc”3. Phát huy tinh thần đó, trong cuộc chiến chống “giặc Covid-19” đã có hàng nghìn cán bộ các cấp, các y sĩ, bác sĩ, chiến sĩ Quân đội, Công an gác lại việc riêng tình nguyện xung phong đến tuyến đầu chống dịch – dám đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí hy sinh cả tính mạng để cứu chữa bệnh nhân, bảo vệ sức khỏe nhân dân,… là những minh chứng cho cán bộ dám tiên phong đương đầu làm những việc khó khăn, phức tạp, chưa có tiền lệ,… họ có thể phải nhận những rủi ro, thiệt thòi.

Những nội dung trên là những phẩm chất tiêu biểu, có quan hệ chặt chẽ với nhau và cùng với các phẩm chất khác tạo thành một chỉnh thể trong nhân cách của người cán bộ, đảng viên hiện nay. Để phẩm chất “6 dám” của cán bộ, đảng viên, nhất là “3 dám” mới được nảy nở, phát triển mạnh mẽ, trở thành hành động thực tế trong chặng đường đổi mới tiếp theo, thúc đẩy sự nghiệp phát triển nhanh, bền vững đất nước, trước hết các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm, sớm cụ thể hóa và thực hiện nghiêm Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị (khóa XIII) về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tạo sự thống nhất, đồng thuận cao trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, quần chúng về chủ trương này.

Đối với cán bộ, đảng viên dù trên cương vị nào cũng phải mạnh dạn phát huy phẩm chất “6 dám”, nhất là “3 dám” mới được bổ sung. Chỉ có như vậy mới góp phần làm cho đất nước phát triển nhanh, bền vững. Điều đó còn thể hiện bản chất, tính chiến đấu, tính cách mạng, nhân văn của mỗi đảng viên, tự nguyện hy sinh phấn đấu, dấn thân vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đối với cán bộ có đề xuất đổi mới, sáng tạo phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Đảng, với tinh thần đổi mới sáng tạo trên cơ sở những luận cứ, luận chứng khoa học, xuất phát từ nhu cầu và sự vận động phát triển thực tiễn.

Thực hiện “3 dám” mới, nhất là dám đổi mới sáng tạo là nhân tố đem lại những chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với sự phát triển, nhưng là vấn đề khó, vì thế, cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện; theo dõi, kiểm tra, giám sát, phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Khi thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt được như mong muốn, cấp ủy, tổ chức đảng tiến hành xem xét khách quan, đánh giá công tâm và giải quyết phù hợp, tránh quy chụp, đổ hết trách nhiệm cho cá nhân.

Một trong những giải pháp căn bản để cán bộ, đảng viên phát huy phẩm chất “6 dám” là các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII, XIII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, để Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng. Đồng thời, thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, Quy chế dân chủ cơ sở, tạo môi trường tốt, dân chủ để cán bộ, đảng viên rèn luyện, dám bày tỏ chính kiến, cống hiến trí tuệ, sức lực cho Đảng, Tổ quốc và Nhân dân. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp; biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả.

VĂN THẢNH
___________________

1 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 179.

2 - ĐCSVN – Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập II, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 322.

3 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 14, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 468.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.