Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Tư, 28/02/2018, 10:24 (GMT+7)
Mấy giải pháp để lực lượng vũ trang tham gia phòng, chống di cư tự do ở địa bàn biên giới Tây Nguyên

 Phòng, chống có hiệu quả di cư tự do sẽ góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, an ninh, chủ quyền biên giới quốc gia. Vì vậy, tìm các giải pháp để lực lượng vũ trang tham gia ngăn chặn tình trạng này ở khu vực biên giới Tây Nguyên là vấn đề quan trọng.

Tây Nguyên1 là địa bàn chiến lược của đất nước, nhất là quốc phòng - an ninh. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, với sự nỗ lực phấn đấu của cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân trên địa bàn, diện mạo nơi đây đã và đang “thay da, đổi thịt”, đời sống của đồng bào các dân tộc được nâng lên, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội phát triển, quốc phòng - an ninh được tăng cường, chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững. Cấp ủy, chính quyền các địa phương xác định xây dựng, phát triển khu vực biên giới là nhiệm vụ đặc biệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Điển hình, như: việc di dân tập trung từ địa phương khác; di, giãn dân nội vùng; xây dựng các Làng Thanh niên lập nghiệp, buôn, xã mới; sắp xếp, ổn định các khu dân cư: Mo Ray, Rờ Cơi, Sa Loong (huyện Sa Thầy), Bờ Y (huyện Ngọc Hồi) của tỉnh Kon Tum; Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông (tỉnh Gia Lai); Ea Súp (tỉnh Đắk Lắk); Tuy Đức (tỉnh Đắk Nông); cùng các dự án thủy điện, như: Sê San 3, Sê San 4A (tỉnh Gia Lai); Sêrêpốk (tỉnh Đắk Lắk), v.v. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện Chương trình 135, Chương trình 160 của Chính phủ về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội vùng khó khăn, vùng biên giới phục vụ sản xuất, đời sống,... được tổ chức khoa học, sát thực tiễn, góp phần giải quyết một bước cơ bản việc di cư tự do, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia. Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã triển khai xây dựng 23 khu kinh tế quốc phòng để phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Đến nay, các khu kinh tế - quốc phòng đã tiếp nhận 87.000 hộ, giúp dân xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho 62.000 hộ dân ổn định cuộc sống, tiếp nhận 23.000 hộ dân di cư tự do ổn định cuộc sống. Lực lượng vũ trang trên địa bàn còn tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội2. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều hình thức hoạt động có ý nghĩa chính trị - xã hội, như: “Mái ấm cho người nghèo nơi biên cương” của Bộ đội Biên phòng; “xóa một hộ đói, giảm một hộ nghèo” của Quân khu 5; “Hũ gạo vì người nghèo” của Quân đoàn 3; Dự án trồng lúa nước cho đồng bào H’Mông di cư từ nơi khác đến của Binh đoàn 16; mô hình “Gắn kết hộ” của Binh đoàn 15, v.v.

Ngôi nhà tạm của một gia đình vừa "nhảy dù" vào sinh sống ở thôn 14, xã
Cư K’Bang (huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) (Ảnh: tuoitre.vn)

Tuy nhiên, vấn đề di cư tự do3 vào khu vực biên giới Tây Nguyên vẫn còn phức tạp, gây nhiều hệ lụy. Nổi bật là, làm đảo lộn phân bố dân cư, định canh, định cư, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; làm phức tạp mối quan hệ giữa Việt Nam với Lào và Cam-pu-chia. Đây là cái cớ để các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn, lợi dụng vấn đề về dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo,… để kích động, chống phá chế độ, trực tiếp là cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì vậy, lực lượng vũ trang tham gia quyết vấn đề này là rất cấp thiết. Trong đó, cần tập trung vào một số giải pháp cơ bản sau:

Một là, thường xuyên quán triệt, thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, bám sát thực tiễn địa bàn. Để tham gia phòng, chống di cư tự do ở khu vực biên giới Tây Nguyên đạt được hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn phải thường xuyên quán triệt và vận dụng đúng, sáng tạo quan điểm, đường lối của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước; trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và của cấp ủy, chính quyền địa phương về: công tác dân tộc, tôn giáo; định canh, định cư; xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi, biên giới. Đây là những căn cứ cơ bản, quan trọng trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, bảo đảm cho công tác tham gia phòng, chống di cư tự do của lực lượng vũ trang trên địa bàn Tây Nguyên đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cần bám sát tình hình, đặc điểm mọi mặt ở địa bàn, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị, tiến hành các hoạt động có cơ sở pháp lý, đúng quy định, tránh những biểu hiện tùy tiện, chủ quan, thiếu trách nhiệm, vô nguyên tắc, hoặc những biểu hiện “lấn sân”, lạm quyền trong quá trình thực hiện.

Hai là, chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ngành, các đoàn thể, các lực lượng ở địa phương và nhân dân trong phòng, chống di cư tự do ở các tỉnh Tây Nguyên. Trong công tác tham mưu cần chú trọng  việc nghiên cứu, lập kế hoạch bố trí, điều chỉnh và từng bước ổn định dân cư ở khu vực biên giới, trước hết là vùng “trắng” về dân cư. Những địa bàn có đủ điều kiện thì hình thành cụm dân cư hoặc thành lập các đơn vị hành chính mới, điều chỉnh dân cư lên sát biên giới để vừa sản xuất, vừa tham gia quản lý, bảo vệ biên giới, tạo phòng tuyến nhân dân bảo vệ biên giới cả trước mắt và lâu dài trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng (công an, các tổ, đội công tác liên ngành, các ban, ngành địa phương) thường xuyên kiểm tra, nắm chắc tình hình biến động dân cư; giúp cấp ủy, chính quyền kiểm tra, đăng ký, quản lý chặt chẽ hộ tịch, hộ khẩu; nắm chắc tình hình dân tộc, tôn giáo trên tuyến biên giới, nội địa. Đồng thời, làm tốt công tác tuyên truyền trong đồng bào các dân tộc thiểu số về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức cho đồng bào để họ tự giác chấm dứt di cư tự do trái phép; nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng dân tộc, tôn giáo lôi kéo kích động đồng bào di cư tự do gắn với truyền đạo trái phép, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, gây mất ổn định chính trị; xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, v.v. Một vấn đề rất quan trọng là, các đơn vị cần tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phối hợp chặt chẽ với các địa phương có đông đồng bào di cư tự do vào khu vực biên giới Tây Nguyên nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, giáo dục; đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào để họ yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống tại chính quê hương mình.

Ba là, tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở ở khu vực biên giới vững mạnh toàn diện. Trong đó, cần chủ động tham mưu, tổ chức thực hiện việc tạo nguồn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” bổ sung vào hệ thống chính trị, trước hết là những cán bộ, đảng viên trực tiếp tham gia cấp ủy, chính quyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cả trước mắt và lâu dài. Các đơn vị cần chú trọng tổ chức và phát huy vai trò các tổ, đội công tác, cán bộ tăng cường trong tham gia xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chính quyền vững mạnh toàn diện. Đồng thời, tiếp tục vận động, tập hợp nhân dân đoàn kết thực hiện tốt quyền công dân; Quy chế Dân chủ ở cơ sở; tích cực đóng góp ý kiến phê bình cán bộ, đảng viên,... làm cho đời sống chính trị ở địa phương thực sự trong sạch, lành mạnh, tăng cường mối quan hệ đoàn kết thống nhất trong đảng bộ và hệ thống chính trị ở các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống di cư tự do ở khu vực biên giới.

Bốn là, nâng cao hiệu quả tham gia thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở khu vực biên giới. Các đơn vị căn cứ vào thực tế địa bàn, chức năng, nhiệm vụ, khả năng để có chương trình, kế hoạch tham gia xây dựng phát triển kinh tế - xã hội phù hợp. Trọng tâm là giúp đỡ đồng bào ổn định và phát triển sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống đường giao thông, kênh mương, trạm y tế, trường học, công trình phúc lợi xã hội; hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, giải quyết việc làm, phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, v.v. Phối hợp với ngân hàng, trung tâm khoa học xây dựng chính sách ­ưu đãi, hỗ trợ vốn, cán bộ khoa học - kỹ thuật h­ướng dẫn, giúp đồng bào áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống để họ tự lực v­ươn lên. Cùng với đó, cần vận động nhân dân và cùng nhân dân thực hiện tốt các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học, vận động con em đồng bào đến trường, từng bước nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào các dân tộc; tham gia cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình, dự án sắp xếp, bố trí dân cư, nhất là ở vùng trọng điểm, vùng hay xảy ra thiên tai, nguy cơ sạt lở đất. Phối hợp chặt chẽ với địa phương trong quy hoạch, xây dựng dự án ổn định, bố trí sắp xếp lại dân di cư tự do vào các khu kinh tế - quốc phòng; lồng ghép với chương trình xóa đói giảm nghèo cho nhân dân các xã đặc biệt khó khăn.

Năm là, kết hợp chặt chẽ các biện pháp nghiệp vụ, thực hiện tốt cơ chế phối hợp với chính quyền, lực lượng vũ trang, nhân dân nước bạn Lào, Cam-pu-chia xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển. Để đạt hiệu quả, các ban, bộ, ngành, địa phương, trong đó có lực lượng Quân đội, Công an cần thực hiện tốt nhiệm vụ hợp tác quốc tế với các nước bạn Lào, Cam-pu-chia; đánh giá, dự báo đúng diễn biến tình hình, kịp thời có phương sách xử lý phù hợp để phòng, chống di cư tự do. Tăng cường các hoạt động đối ngoại, xây dựng mối quan hệ giữa lãnh đạo cấp cao nước ta với nước bạn và giữa lãnh đạo cấp cao của bạn với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, v.v. Không ngừng chăm lo giữ gìn hòa bình, tăng cường đoàn kết, hợp tác hữu nghị, thực hiện nghiêm các hiệp ước, hiệp định, quy chế quản lý biên giới.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ tạo cơ sở để lực lượng vũ trang tham gia hiệu quả vào việc ngăn chặn tình trạng di cư tự do ở khu vực biên giới Tây Nguyên, góp phần xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định và hợp tác phát triển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia./.

Đại tá, PGS, TS. NGUYỄN VĂN THẠO và Thiếu tá, TS. NGUYỄN ĐÌNH SƠN
Trường Sĩ quan Lục quân 2

______________

1 - Tây nguyên có hơn 590 km đường biên giới với Cam-pu-chia, Lào; khu vực biên giới gồm 29 xã, thuộc 12 huyện, của 04 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắc, Đắc Nông.

2 -Từ năm 2004 đến 2014, các đơn vị quân đội trên địa bàn Tây Nguyên (Quân khu 5, Quân đoàn 3, Binh đoàn 15, Binh đoàn 16) đã tham gia củng cố, tổ chức chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số: giúp 1.253 xã vùng dân tộc thiểu số, tôn giáo; 32 xã cơ sở vùng biên giới; 143 xã cơ sở vùng dân tộc phức tạp; giúp đỡ 1.561 chi bộ vùng dân tộc thiểu số; 1.372 các tổ chức chính trị - xã hội.

3 - Chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, như: Cao Bằng, Điện Biên, Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La, Lạng Sơn, Tuyên Quang.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.