Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 17/11/2011, 09:14 (GMT+7)
Giải pháp bồi dưỡng năng lực công tác đảng, công tác chính trị cho chính trị viên ban chỉ huy quân sự xã, phường, thị trấn
Hiện nay, chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) xã, phường, thị trấn (gọi chung là BCHQS xã)1 được đào tạo trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở2, nhưng chính trị viên (CTV) BCHQS xã thì chưa được đào tạo chuyên ngành theo chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, việc tìm các giải pháp bồi dưỡng năng lực công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) cho CTV BCHQS xã là yêu cầu bức thiết.

 

Chính trị viên BCHQS xã là cán bộ của Đảng ở địa phương, do bí thư Đảng ủy (chi bộ) xã đảm nhiệm; là người chủ trì về chính trị, trực tiếp tiến hành CTĐ,CTCT đối với lực lượng dân quân (LLDQ) và dự bị động viên (DBĐV), trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. CTV cùng với chỉ huy trưởng BCHQS xã nghiên cứu, tham mưu, đề xuất những chủ trương, biện pháp lãnh đạo công tác quốc phòng, quân sự địa phương để đảng ủy (chi bộ) xã quyết định; hướng dẫn, triển khai, tổ chức thực hiện các chủ trương, biện pháp lãnh đạo trong BCHQS xã và ở địa phương. CTV BCHQS xã là người trực tiếp quán triệt và tổ chức thực hiện đường lối chính trị, quân sự của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên; giáo dục, quản lý tư tưởng lực lượng vũ trang (LLVT) địa phương, xây dựng BCHQS xã vững mạnh về chính trị, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương, cơ sở.

Trong những năm qua, hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã được cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền các địa phương tiến hành với nhiều biện pháp, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực. Đa số CTV BCHQS xã nắm được đường lối, quan điểm chính trị, quân sự của Đảng, nguyên tắc tiến hành CTĐ,CTCT trong LLVT; đồng thời, nắm được nội dung, hình thức công tác vận động quần chúng của Đảng, biết huy động các tổ chức, lực lượng, vận dụng các hình thức, biện pháp CTĐ,CTCT trong tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, vận động, đoàn kết LLVT và nhân dân trong thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương.

Tuy nhiên, nhận thức, trách nhiệm của một số cấp ủy và chính quyền địa phương về bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã chưa thật đầy đủ; nội dung bồi dưỡng chậm đổi mới; hình thức, biện pháp bồi dưỡng chưa phong phú; trách nhiệm của chủ thể, đối tượng và lực lượng tham gia bồi dưỡng ở một số nơi còn hạn chế. Một bộ phận CTV BCHQS xã chưa thích nghi với yêu cầu, chức trách, nhiệm vụ; trong lãnh đạo, chỉ đạo CTĐ,CTCT, xử lý các tình huống thực tiễn, nhất là khi gặp tình huống khó khăn, phức tạp còn lúng túng; việc nắm bắt tình hình, quản lý tư tưởng LLDQ, lực lượng DBĐV chưa chặt chẽ, không kịp thời. Phong cách, phương pháp, tác phong công tác của một bộ phận CTV BCHQS xã còn có biểu hiện thiếu tính kế hoạch, chủ quan, nóng vội... đã ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả CTĐ,CTCT… Vì vậy, để bồi dưỡng năng lực tiến hành CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, cần tiến hành đồng bộ các giải pháp, trong đó cần chú ý các giải pháp cơ bản sau đây:

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương về bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng các địa phương cần nắm vững và quán triệt sâu sắc các quan điểm, đường lối của Đảng về cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ, các chỉ thị, nghị quyết, hướng dẫn của cấp trên; yêu cầu, nhiệm vụ và tình hình thực tế của LLVT địa phương; yêu cầu, nhiệm vụ CTĐ,CTCT trong LLDQ và DBĐV; thực trạng CTV BCHQS xã để xác định chủ trương, biện pháp bồi dưỡng cho phù hợp. Khi có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, cần làm tốt công tác quán triệt, triển khai và tổ chức thực hiện nghiêm túc để đạt hiệu quả cao. Bí thư Đảng ủy quận (huyện) cần nắm vững nghị quyết của cấp trên và cấp mình; kế hoạch công tác của Ủy ban nhân dân (UBND) cùng cấp; đồng thời, phối hợp cùng chủ tịch UBND làm tốt công tác triển khai, tổ chức thực hiện quá trình bồi dưỡng đội ngũ CTV; thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá rút kinh nghiệm sau từng đợt, từng nội dung bồi dưỡng. Qua đó, kịp thời thực hiện tốt công tác biểu dương, khen thưởng và uốn nắn sai sót, khuyết điểm. Chủ tịch UBND quận (huyện) cần thường xuyên quán triệt sâu sắc nội dung nghị quyết của quận (huyện) ủy về bồi dưỡng CTV BCHQS xã; trên cơ sở đó, đưa vào kế hoạch công tác chung của UBND, giao nhiệm vụ cho các lực lượng, các bộ phận tham gia hoạt động bồi dưỡng; chỉ đạo cơ quan tham mưu bảo đảm đầy đủ nội dung bồi dưỡng cho CTV; bố trí thời gian, lực lượng, phương tiện, tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã đạt chất lượng và hiệu quả cao nhất. Chỉ huy trưởng, CTV BCHQS quận (huyện) cần thấy rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm trong tham mưu, đề xuất với cấp ủy, tổ chức đảng những chủ trương, nội dung, hình thức, biện pháp bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã; thường xuyên nghiên cứu tình hình, nhiệm vụ của địa phương, nhiệm vụ của cơ quan quân sự, tình hình đội ngũ cán bộ, xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng cho CTV BCHQS xã để chủ tịch UBND quận (huyện) phê duyệt. Đồng thời, chỉ đạo cơ quan chính trị, BCHQS quận (huyện) phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương trong hướng dẫn nội dung, hình thức, phương pháp bồi dưỡng cho CTV BCHQS xã khi kế hoạch đã được phê duyệt. Chủ nhiệm chính trị, cơ quan chính trị BCHQS quận (huyện) phải quán triệt, nắm vững chủ trương, biện pháp lãnh đạo hoạt động bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã; thường xuyên nghiên cứu tình hình, tham mưu chính xác cho cấp ủy, CTV và chỉ huy trưởng BCHQS quận (huyện) về nội dung, biện pháp, kế hoạch bồi dưỡng; tham mưu cho quận (huyện) ủy về việc lựa chọn cán bộ làm giảng viên, báo cáo viên trong bồi dưỡng cho CTV; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và cấp ủy, chính quyền địa phương trong hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch bồi dưỡng.

Hai là, xây dựng, cụ thể hoá nội dung bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT  phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của CTV BCHQS xã trong từng giai đoạn. Để xây dựng, cụ thể hoá nội dung bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã, cần nghiên cứu, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm, chủ trương, phương hướng, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ trong thời kỳ mới của Đảng; trong đó, chú ý nắm vững: “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH,HĐH đất nước”; Nghị quyết Trung ương 7, khoá VIII “Về một số vấn đề tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị”; Kết luận “Về công tác tổ chức, cán bộ của Ban Chấp hành Trung ương” tại Hội nghị lần thứ 6, khoá IX; “Báo cáo kiểm điểm giữa nhiệm kỳ của Ban Chấp hành Trung ương” tại Hội nghị lần thứ 9, khoá X. Đồng thời, quán triệt và nắm vững những yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phương pháp, tác phong công tác của người cán bộ chính trị và của chính ủy, CTV trong Quân đội theo tinh thần Nghị quyết 513-NQ/ĐUQSTW của Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương): “Về lãnh đạo triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị”; nội dung Nghị quyết Đại hội XI của Đảng liên quan đến tăng cường sức mạnh quốc phòng, an ninh vào điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, phù hợp với từng địa phương.

Chủ thể bồi dưỡng phải nghiên cứu, đánh giá kỹ tình hình nhiệm vụ, đặc điểm địa phương, chất lượng đội ngũ CTV BCHQS xã để xác định nội dung bồi dưỡng cho sát hợp theo phương châm: yếu gì, thiếu gì thì đi sâu bồi dưỡng nội dung đó. Nội dung bồi dưỡng phải toàn diện; trong đó, cần chú trọng bồi dưỡng chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức khoa học xã hội và nhân văn, nghệ thuật quân sự, kinh nghiệm chiến đấu, năng lực tổ chức chỉ huy, quản lý, năng lực tiến hành CTĐ,CTCT, công tác chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách lãnh đạo, chỉ huy…; đồng thời, tập trung bồi dưỡng năng lực vận dụng sáng tạo lý luận vào thực tiễn để giải quyết linh hoạt các tình huống CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã.

Việc xây dựng nội dung, chương trình bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã phải cụ thể, tỉ mỉ; xác định rõ những nội dung bồi dưỡng chung và nội dung bồi dưỡng riêng, phù hợp với từng đối tượng, như: bồi dưỡng năng lực cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của Quân đội vào thực hiện nhiệm vụ chính trị trung tâm của BCHQS xã; bồi dưỡng cách nắm bắt, đánh giá tình hình, tìm ra những mâu thuẫn, khâu yếu của CTĐ,CTCT để giải quyết; bồi dưỡng năng lực, kiến thức quân sự, hậu cần, kỹ thuật để thực hiện tốt CTĐ,CTCT trong mọi nhiệm vụ.

Ba là, thực hiện tốt các hình thức bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã. Các cấp cần sử dụng nhiều hình thức bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã. Bồi dưỡng tập trung, là hình thức bồi dưỡng cơ bản, toàn diện giúp CTV BCHQS xã cập nhật kiến thức, thông tin mới, tiếp thu được những kinh nghiệm hay trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao phẩm chất chính trị, bản lĩnh và trí tuệ người CTV đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CTĐ,CTCT trong thời kỳ mới. Theo đó, cần tổ chức tốt việc học tập các nội dung, chương trình giáo dục chính trị, công tác quốc phòng, quân sự địa phương cho CTV BCHQS xã do Tổng cục Chính trị quy định. Học tập, bồi dưỡng tại chức là một yêu cầu cơ bản. Để thực hiện tốt nội dung này, hằng năm, căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ, tình hình thực tiễn ở từng địa phương, chủ thể bồi dưỡng đề nghị cấp trên hoặc địa phương tổ chức các lớp học tại chức ngắn hạn nhằm bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT cho CTV BCHQS xã. Cùng với đó, cần chú ý bồi dưỡng thông qua đào tạo ở các trường quân sự tỉnh, quân khu, trường sĩ quan; các lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ CTĐ,CTCT do địa phương hoặc cấp trên tổ chức; thông qua hoạt động thực tiễn CTĐ,CTCT ở BCHQS xã; bồi dưỡng thường xuyên thông qua các ban, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội ở địa phương; thông qua việc giao nhiệm vụ theo cương vị, chức trách, gắn với hướng dẫn, tạo điều kiện để CTV BCHQS xã hoàn thành tốt nhiệm vụ, v.v.

Bốn là, đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo của CTV BCHQS xã trong tự học tập, tự bồi dưỡng nâng cao năng lực CTĐ,CTCT. Tự học, tự bồi dưỡng là phương thức chủ yếu, công việc suốt đời của mỗi cán bộ, giúp người cán bộ không ngừng tiến bộ, trưởng thành về mọi mặt; đồng thời, giúp người cán bộ khắc phục được những hạn chế của chính bản thân mình, bù đắp những khoảng trống trong công tác bồi dưỡng của tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nội dung tự học tập, tự bồi dưỡng, tự rèn luyện của CTV BCHQS xã phải toàn diện; vừa tự bồi dưỡng về chính trị, quân sự, khoa học kỹ thuật, nghiệp vụ CTĐ,CTCT, vừa tự bồi dưỡng những kiến thức xã hội cần thiết khác. Để nâng cao chất lượng tự học tập, tự bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT, CTV BCHQS xã cần xây dựng động cơ đúng đắn về tự học, tự bồi dưỡng, rèn luyện năng lực CTĐ,CTCT; đồng thời, có chương trình, kế hoạch tự học tập, tự rèn luyện, bồi dưỡng thật sự khoa học; phát huy vai trò, trách nhiệm của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chức năng trong việc quản lý, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc tự học tập, tự rèn luyện, bồi dưỡng năng lực CTĐ,CTCT của CTV .

Trung tá, ThS. ĐỖ DUY ÁNH

Trường Sĩ quan Lục quân 2

____________

1 - Theo Thông tư số 76/2010/TT-BQP, ngày 23-6-2010 của Bộ Quốc phòng “Quy định chức trách, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của cán bộ Ban Chỉ huy Quân sự và chỉ huy đơn vị dân quân tự vệ”.

2 - Theo Quyết định 799/QĐ-TTg, ngày 25-5-2011 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc phê duyệt Đề án đào tạo cán bộ quân sự Ban Chỉ huy Quân sự xã, phường, thị trấn trình độ cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở đến năm 2020 và những năm tiếp theo”.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.