Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Sáu, 26/02/2021, 09:03 (GMT+7)
Gắn kết giữa nhà trường với đơn vị trong giáo dục và đào tạo

Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo trong các nhà trường Quân đội là nhiệm vụ cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Kết quả của quá trình giáo dục và đào tạo ở nhà trường chính là tạo nguồn nhân lực quan trọng để thực hiện nhiệm vụ ở đơn vị. Điều đó đặt ra vấn đề cần phải nghiên cứu đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, gắn kết giữa nhà trường với đơn vị trong thực hiện nhiệm vụ này.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vấn đề “Lý luận đi đôi với thực tiễn”, Người dạy: “Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban Huấn huyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”1. Thấm nhuần lời dạy của Bác, toàn quân luôn chú trọng thực hiện công tác huấn luyện một cách đồng bộ, chuyên sâu, sát với thực tế sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu; công tác giáo dục và đào tạo ở các nhà trường Quân đội luôn quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, quan điểm, nguyên tắc, mối kết hợp,... nhằm cung cấp đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Một trong những vấn đề thực hiện tốt yêu cầu này là chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo ở nhà trường phải gắn với thực tế, bám sát nhiệm vụ của đơn vị cơ sở.

Cùng với các nhà trường trong toàn quân, những năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 2 luôn chú trọng đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, gắn kết giữa nhà trường với đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ cán bộ, đáp ứng tốt hơn yêu cầu của thực tiễn, được các đơn vị ghi nhận, đánh giá cao. Từ những kết quả đạt được, có thể rút ra một số vấn đề tiếp tục nghiên cứu, vận dụng trong thời gian tới:

Một là, nắm vững cơ sở của việc đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, gắn kết giữa nhà trường với đơn vị. Những quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc và yêu cầu, xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng trong tình hình mới là cơ sở quan trọng để đổi mới công tác giáo dục và đào tạo, trong đó có chương trình, nội dung đào tạo cán bộ sĩ quan cấp phân đội. Suy cho cùng, mục đích công tác đào tạo của các nhà trường Quân đội là đào tạo ra được đội ngũ cán bộ “vừa hồng, vừa chuyên” về đảm nhiệm các chức vụ trong các đơn vị Quân đội. Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, cần thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, giải pháp, trong đó đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng bám sát thực tiễn, gắn kết giữa nhà trường với đơn vị là vấn đề quan trọng nhất.

Thực tiễn là thước đo của chân lý. Xuất phát từ mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn, nhà trường với đơn vị để xác định mục đích, yêu cầu, kết quả cần đạt được trong công tác đào tạo của các nhà trường Quân đội. Đơn vị không chỉ là nơi sử dụng sản phẩm do nhà trường đào tạo, mà còn là nơi kiểm nghiệm, phản hồi chất lượng giáo dục, đào tạo một cách khách quan, toàn diện và chính xác nhất. Do đó, Nhà trường cần thường xuyên duy trì mối quan hệ chặt chẽ với các đơn vị, thông qua đó nắm nhu cầu của đơn vị; đánh giá chất lượng học viên tốt nghiệp ra trường về đơn vị công tác; dự báo sự phát triển của thực tiễn trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Thông qua khảo sát, về cơ bản học viên ra trường đáp ứng được mục tiêu, yêu cầu đào tạo, hoàn thành nhiệm vụ được giao, nhiều đồng chí thích ứng nhanh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, có tiềm năng phát triển ở các đơn vị. Tuy nhiên, khả năng hòa nhập đơn vị, năng lực thực hành, “kỹ năng mềm”, thể lực; khả năng huấn luyện, sử dụng vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là vũ khí, khí tài thế hệ mới của học viên khi ra trường còn hạn chế. Nguyên nhân cơ bản là giữa nhà trường và đơn vị vẫn còn khoảng cách nhất định.

Hai là, giải pháp đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, gắn kết nhà trường với đơn vị. Nhận thức đúng cơ sở khoa học của việc làm này, những năm qua, Trường Sĩ quan Lục quân 2 đã thực hiện nhiều nội dung, giải pháp đồng bộ nhằm đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, thực hiện gắn kết lý luận với thực tiễn, nhà trường với đơn vị. Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, Nhà trường thường xuyên quán triệt sâu sắc nghị quyết, chỉ thị của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về huấn luyện chiến đấu, giáo dục, đào tạo trong tình hình mới; nắm vững yêu cầu về phẩm chất, năng lực, phong cách của cán bộ Quân đội; được sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các cơ quan Bộ Quốc phòng, Nhà trường xác định rõ phương hướng đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, thực hiện gắn kết giữa nhà trường với đơn vị theo hướng: quán triệt và thực hiện nghiêm định hướng của trên, bổ sung những nội dung đơn vị cần, nhà trường còn thiếu, khắc phục những hạn chế của học viên tốt nghiệp ra trường về đơn vị công tác, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của đơn vị cơ sở.

Với đặc điểm đối tượng học viên đào tạo sĩ quan chỉ huy tham mưu lục quân sau khi tốt nghiệp ra trường chủ yếu về công tác ở các đơn vị khu vực phía Nam. Vì thế, Nhà trường chú trọng đổi mới những nội dung đào tạo sát hợp với địa hình thực tế, nhất là đồng bằng nhiều kênh rạch, luồng lạch và bờ biển; nghiên cứu dự báo đối tượng tác chiến trong xây dựng các tưởng định, đầu bài chiến thuật, xác định các phương án, tình huống huấn luyện, diễn tập sát với địa bàn các tỉnh phía Nam. Chú trọng nghiên cứu quy hoạch, xây dựng khu vực phòng thủ, cách đánh truyền thống, đặc thù của lực lượng vũ trang địa phương trên địa bàn để xây dựng phương án phối hợp hiệu quả. Trên cơ sở đó, lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới chương trình, nội dung đào tạo theo hướng bám sát cơ sở, thực tiễn, phương hướng, nhiệm vụ của Quân đội, nhất là thực tế đơn vị để kịp thời có chủ trương, biện pháp cập nhật, bổ sung cho phù hợp. Thường xuyên khảo sát, lấy ý kiến tham gia đóng góp của các đơn vị về những nội dung chưa phù hợp, còn thiếu. Ngược lại, các đơn vị thường xuyên quan tâm đến nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường, đề xuất những vấn đề thực tiễn đơn vị cần, góp ý trực tiếp giúp nhà trường có chủ trương, biện pháp đổi mới phù hợp.

Cùng với đó, Nhà trường chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý học viên - chủ thể thực hiện đổi mới chương trình, nội dung đào tạo ở nhà trường thông qua việc giảng dạy, nghiên cứu, quản lý, đi thực tế ở đơn vị. Mặt khác, khi chương trình, nội dung đã được đổi mới, thì nhiệm vụ chính của giảng viên là bảo đảm cho học viên biến kiến thức tiếp thu trong nhà trường thành năng lực, trình độ tổ chức, chỉ huy ngoài đơn vị. Đối với đội ngũ cán bộ quản lý học viên, có vai trò quan trọng trong rèn luyện, duy trì chế độ học tập, giúp cho họ hình thành phẩm chất, kỹ năng cần thiết, cùng với kiến thức được trang bị hoàn thành tốt nhiệm vụ ở đơn vị sau khi tốt nghiệp ra trường. Để đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý thực sự là chủ thể thực hiện đổi mới chương trình, nội dung đào tạo, Nhà trường chú trọng việc phát hiện, lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, sử dụng và chính sách cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ, giảng viên đi nghiên cứu thực tế ở các đơn vị, nhằm bồi dưỡng năng lực chỉ huy, nắm tình hình thực tiễn đơn vị, nhất là chất lượng cán bộ do Nhà trường đào tạo.

Kết hợp chặt chẽ giữa đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo với đổi mới phương pháp dạy - học. Đây là thành tố quan trọng của quá trình dạy - học, có mối quan hệ biện chứng với nhau. Tập trung đổi mới, bổ sung những nội dung mà học viên tốt nghiệp ra trường còn thiếu, yếu khi công tác ở đơn vị, đáp ứng với sự phát triển của thực tiễn trong điều kiện mới. Để nâng cao khả năng hòa nhập đơn vị, năng lực thực hành, “kỹ năng mềm”, thể lực của học viên khi ra trường, việc đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo được chuẩn hóa theo hướng: cắt giảm nội dung trùng lặp, giảm lý thuyết, tăng thời gian thực hành; tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện đội ngũ chiến thuật, kỹ thuật bộ binh, điều lệnh; huấn luyện dã ngoại kết hợp hành quân, rèn luyện và tiến hành công tác dân vận. Quá trình diễn tập chiến thuật chú trọng phối hợp với các lực lượng trên địa bàn thực hành nhiệm vụ chiến đấu, tăng thêm nhận thức và sự hiểu biết cho học viên về tác chiến trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, chú trọng đổi mới tổ chức và phương pháp huấn luyện, kết hợp giữa củng cố, mở rộng thao trường, bãi tập với bố trí xoay vòng, đổi tập, rèn luyện kỹ năng mềm, các hoạt động ngoại khóa giúp học viên có thể vận dụng sát điều kiện thực tiễn ở từng đơn vị. Cùng với đó, Nhà trường tổ chức tốt việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu, tổng kết kinh nghiệm chiến đấu, kinh nghiệm thực tiễn, hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong chiến đấu và truyền thụ kinh nghiệm chỉ huy, quản lý cho các đối tượng, lồng ghép trong từng bài giảng truyền thụ tới học viên. Chủ động mời những đồng chí cán bộ đã tham gia chiến đấu, đã và đang giữ các cương vị lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội về nói chuyện chuyên đề cho cán bộ, giảng viên, học viên.

Bên cạnh yếu tố con người (giảng viên, cán bộ quản lý, học viên…), công tác bảo đảm có vai trò rất quan trọng, góp phần không nhỏ vào chất lượng đào tạo. Để thực hiện chương trình, nội dung đào tạo sát với thực tế đơn vị thì công tác bảo đảm huấn luyện ở nhà trường cũng phải phù hợp. Trước hết là tổ chức, biên chế lớp học phải sát đơn vị, bảo đảm học viên có điều kiện học tập, rèn luyện toàn diện, sát thực. Hệ thống thao trường, bãi tập được cải tạo sát thực tế; tăng cường huấn luyện dã ngoại, tham quan thực tế, đẩy mạnh thông tin khoa học quân sự về các vũ khí, trang bị chiến đấu hiện đại, thế hệ mới, thực hiện nhà trường đi trước đơn vị. Thường xuyên tổ chức các đoàn cán bộ, giảng viên đi thực tế, nắm tình hình các cơ quan, đơn vị, làm cơ sở để nghiên cứu, biên soạn giáo trình, tài liệu; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, mô phỏng, cơ sở dữ liệu, phần mềm và trang thiết bị thông minh trong quá trình dạy - học.

Đổi mới chương trình, nội dung giáo dục và đào tạo, gắn kết nhà trường với đơn vị là yêu cầu khách quan, cần thiết trong các nhà trường Quân đội nói chung, Trường Sĩ quan Lục quân 2 nói riêng. Vì vậy, cần thực hiện tốt nội dung này, nhằm góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, trong sự nghiệp xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.

Thiếu tướng, PGS, TS. VŨ THANH HIỆP, Phó Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2
_________________

1 - Hồ Chí Minh – Toàn tập, Tập 6, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 359.

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.