Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 15/08/2019, 07:49 (GMT+7)
Bàn về nội dung nghiên cứu phát triển lý luận chiến thuật bộ binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Phát triển lý luận chiến thuật bộ binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc là nghiên cứu điều chỉnh, bổ sung tính chất, quy luật, nội dung của trận chiến đấu; chức năng, nhiệm vụ và khả năng chiến đấu của phân đội, binh đội, binh đoàn. Trên cơ sở đó, đề ra những nguyên tắc, phương pháp tổ chức chuẩn bị và thực hành trận chiến đấu phù hợp với điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

Trong nghệ thuật quân sự, chiến thuật giữ vị trí, vai trò rất quan trọng. Tuy chịu sự chỉ đạo của chiến lược và chiến dịch, nhưng thắng lợi của chiến lược và chiến dịch lại chỉ có thể có được bằng thắng lợi của các trận chiến đấu, tức là thắng lợi của chiến thuật. Để đạt được mục đích, đòi hỏi các bên tham chiến không chỉ nắm chắc quy luật chiến tranh, mà còn phải chủ động nghiên cứu, phát triển các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu để giành thắng lợi.

Thực tế nghiên cứu một số cuộc chiến tranh gần đây cho thấy, cùng với tỷ lệ sử dụng vũ khí công nghệ cao tăng nhanh, xuất hiện ngày càng nhiều phương thức, biện pháp, thủ đoạn tác chiến mới và việc thực hiện các hình thức tác chiến cũng rất linh hoạt. Bởi vậy, việc nghiên cứu, phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, trong đó có lý luận chiến thuật bộ binh là nội dung mang tính cấp thiết, nhằm kịp thời bổ sung nguyên tắc, phương pháp tổ chức chuẩn bị và thực hành chiến đấu phù hợp, phục vụ trực tiếp công tác chỉ đạo huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu. Bài viết xin đề xuất một số nội dung cần tập trung nghiên cứu, phát triển lý luận chiến thuật bộ binh trong điều kiện mới của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

1. Lập và chuyển hóa thế trận

Chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra), việc lập và chuyển hóa thế trận chiến thuật bộ binh có những thuận lợi cơ bản là: tận dụng thế trận của cấp trên và thế trận khu vực phòng thủ, nhất là thế trận chiến tranh nhân dân phát triển ở trình độ cao. Đồng thời, có điều kiện kế thừa, phát triển các bài học kinh nghiệm trong chiến tranh giải phóng và ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, thực tế cũng có nhiều khó khăn, tác động chi phối, như: đối tượng tác chiến, vũ khí, trang bị; địa hình, địa vật, khí hậu, thủy văn, v.v.

Để tận dụng được lợi thế, khắc phục khó khăn trong lập và chuyển hóa thế trận chiến thuật bộ binh, phát triển lý luận chiến thuật bộ binh trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần phải giải quyết một loạt vấn đề, như: trường hợp vận dụng; thời cơ, tổ chức đội hình, khả năng, phương pháp chi viện của cấp trên; cách thức huy động nhân lực, vật lực; khả năng vận hành cơ chế, tận dụng thế trận và chuyển hóa thế trận; thực hiện các biện pháp phối hợp chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Đồng thời, cần nâng cao khả năng nghiên cứu đánh giá những yếu tố tác động và đề xuất việc ứng dụng thành tựu của khoa học - công nghệ đối với lập và chuyển hóa thế trận chiến thuật bộ binh, như: sử dụng vật liệu mới, công nghệ gen, công nghệ sinh học, kỹ thuật biến hình, biến dạng trong xây dựng các công trình chiến đấu và ngụy trang, nghi binh; ứng dụng trang thiết bị thông tin thông minh trong chỉ huy tác chiến; sử dụng lực lượng tác chiến điện tử, tác chiến không gian mạng, khả năng phối hợp giữa các lực lượng đối phó với chiến tranh điện tử của địch. Để hạn chế khả năng trinh sát, phát hiện của địch trong điều kiện chiến đấu ở địa hình tương đối trống trải, bên cạnh các biện pháp ngụy trang, nghi binh lừa địch, cần nghiên cứu phát triển tư duy lý luận về đánh giá tình hình tác chiến trên chiến trường nhằm nâng cao năng lực, trình độ xác định thời cơ, phương pháp cơ động và bố trí lực lượng, giữ được bí mật, tạo yếu tố bất ngờ trong chiến đấu.

Cùng với lập thế trận, chuyển hóa thế trận trong các trận chiến đấu, bảo đảm đánh địch đúng thời cơ là vấn đề nghệ thuật, thể hiện mưu trí, sáng tạo của người chỉ huy trước đối tượng tác chiến và khả năng vận dụng linh hoạt các thủ đoạn tác chiến trong cùng một thời gian. Thực tiễn các cuộc chiến tranh gần đây, thủ đoạn tiến công vượt điểm được vận dụng khá phổ biến, như: thọc sâu, vu hồi, đổ bộ đường không,… đánh lướt hoặc bỏ qua các mục tiêu, cụm mục tiêu khu vực vòng ngoài để đánh chiếm các mục tiêu chủ yếu, nằm sâu bên trong đội hình của đối phương, nhanh chóng giành thắng lợi, kết thúc trận đánh. Vì vậy, trong chiến đấu cần nghiên cứu, dự kiến nhiều phương án và cách xử trí, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.

2. Sử dụng và bố trí lực lượng, phương tiện

Trước quân địch có ưu thế về lực lượng, phương tiện chiến tranh hiện đại, thủ đoạn tác chiến linh hoạt,… đòi hỏi các đơn vị bộ binh phải giải quyết đồng thời hai mâu thuẫn chủ yếu: mâu thuẫn về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch; mâu thuẫn giữa “tập trung” (để thực hiện ý đồ chiến thuật) và “phân tán” (để bảo toàn lực lượng). Trên cơ sở khả năng của đơn vị bộ binh, để giải quyết mâu thuẫn về tương quan so sánh lực lượng giữa ta và địch, cần phải huy động và tận dụng hiệu quả thế trận, lực lượng, phương tiện của cấp trên và khu vực phòng thủ, nhằm tạo ưu thế so với địch. Đồng thời, tập trung lực lượng, phương tiện trên hướng, mục tiêu chủ yếu, trong thời điểm quyết định của trận đánh. Tuy nhiên, khi tập trung lực lượng, phương tiện trên hướng, mục tiêu chủ yếu phải đáp ứng yêu cầu: hợp lý, đúng mức, vừa đủ; phát huy được khả năng, cách đánh sở trường của từng lực lượng, tính năng, tác dụng của các loại binh khí kỹ thuật, tạo sức mạnh tổng hợp đánh bại lực lượng chủ yếu của địch, giữ vững thế trận chiến đấu, hạn chế tổn thất, thương vong. Nội dung tập trung lực lượng, phương tiện là tập trung toàn diện cả binh lực, hỏa lực, lãnh đạo, chỉ huy và các mặt bảo đảm,… tập trung không chỉ về số lượng mà cần hết sức coi trọng chất lượng, khả năng chỉ huy hiệp đồng chiến đấu, sở trường và truyền thống của các đơn vị sát với yêu cầu nhiệm vụ.

Để giải quyết mâu thuẫn giữa “tập trung” và “phân tán", cần phải nghiên cứu và đề xuất các vấn đề về: trường hợp vận dụng, thời cơ, thời điểm, quy mô, phương pháp, bảo đảm, v.v. Ví dụ như: bố trí phân tán lực lượng trong giai đoạn làm công tác chuẩn bị chiến đấu; quá trình cơ động, lực lượng phân tán thành nhiều đường, trên một trục đường cơ động tổ chức thành nhiều bộ phận. Trong triển khai đội hình chiến đấu, kết hợp bố trí gần và bố trí xa; khi nổ súng phải tập trung hỏa lực, từng hướng, mũi, phải nhanh chóng cơ động để “tập trung” nhanh; bảo đảm công sự, ngụy trang, nghi binh, phòng không, pháo binh, thông tin liên lạc, chỉ huy hiệp đồng chặt chẽ; khi hoàn thành nhiệm vụ phải phân tán nhanh, nếu cơ động đến vị trí mới hoặc về đơn vị phải phân tán lực lượng hành quân trên nhiều tuyến đường, tránh đường cũ đã cơ động.

3. Vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, thủ đoạn chiến đấu

Quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo trong tác chiến: lấy lục quân làm trung tâm, tác chiến trên bộ là nòng cốt, tiêu diệt địch ngoài công sự là chủ yếu, trong chiến tranh tương lai, cần nghiên cứu, phát triển các hình thức chiến thuật truyền thống trong điều kiện mới, nhất là nghệ thuật “khêu ngòi” để “kéo” địch ra khỏi cứ điểm, tiến hành các trận đánh địch ngoài công sự. Tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển các hình thức chiến thuật: truy kích, chiến đấu trong vòng vây, phá vây, luồn sâu đánh trong lòng địch, chiến đấu bám trụ, cài xen trong khu vực phòng thủ; kết hợp phòng thủ, tiến công, phòng ngự với tiêu diệt lực lượng bạo loạn vũ trang. Trên cơ sở đó, các đơn vị tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, kịp thời xử trí linh hoạt, hiệu quả các tình huống trong tác chiến.

Cùng với vận dụng tốt các thủ đoạn chiến đấu của chiến tranh giải phóng trước đây, trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, cần phải nghiên cứu, vận dụng kết hợp nhiều thủ đoạn tác chiến ở cùng thời điểm của một trận chiến đấu, như: kết hợp giữa thủ đoạn thọc sâu với chia cắt và bao vây; giữa nghi binh với cơ động phòng tránh đánh trả; giữa kiềm chế và đột phá, v.v. Đồng thời, phát triển các thủ đoạn chiến đấu: phòng tránh đánh trả; tập kích, phục kích địch trước trận địa; đánh địch chuyển hướng tiến công, vu hồi đường bộ, đường sông, đổ bộ đường không giữ vững trận địa. Tích cực phát triển hoàn thiện cách đánh địch từ xa của lực lượng cảnh giới, lực lượng chiến đấu vòng ngoài bằng các thủ đoạn tập kích, phục kích vào đội hình địch đang cơ động, triển khai đội hình tiến công, nơi tập trung sinh lực; trận địa hỏa lực; vị trí và sở chỉ huy địch; kết hợp đánh cắt giao thông, đánh phá cầu cống trên trục đường chúng cơ động với bắn tỉa tiêu diệt sinh lực chủ yếu, quan trọng của địch,… gây cho chúng tâm lý‎ căng thẳng, lo sợ, hoảng loạn về tinh thần và mất thế chủ động tiến công vào trận địa phòng ngự của ta. Khi chiến đấu trong thế trận cấp trên, cần phải kết hợp chặt chẽ với các thành phần, lực lượng đơn vị bạn; chiến đấu bám trụ, cài xen, kết hợp giữa tiến công, phòng ngự trong thế trận khu vực phòng thủ.

4. Kết hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương trong chiến đấu

Kết hợp chiến đấu giữa bộ đội chủ lực với lực lượng vũ trang địa phương là nét đặc sắc của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, sự kết hợp này là một nội dung rất quan trọng, bảo đảm cho đơn vị bộ binh đủ thế và lực để đánh bại mọi thủ đoạn chiến đấu của địch, hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hiện nay, lực lượng vũ trang địa phương ngày càng được quan tâm đầu tư xây dựng vững mạnh, rộng khắp. Tuy nhiên, thông qua các cuộc diễn tập những năm gần đây cho thấy, sự phối hợp hiệp đồng tác chiến giữa các đơn vị bộ binh với lực lượng này còn nhiều vấn đề bất cập cần được tiếp tục tháo gỡ. Để phát huy cao nhất sở trường từng lực lượng và khả năng phối hợp, hiệp đồng trong tác chiến giữa hai lực lượng, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện hiệu quả phương thức tiến hành chiến tranh nhân dân trong điều kiện mới, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện quy định của pháp luật, nhất là những vấn đề liên quan đến thẩm quyền, quy mô, nội dung, hình thức, phương pháp phối hợp, chỉ huy, hiệp đồng, v.v. Theo đó, đơn vị bộ binh chiến đấu trong đội hình cấp trên, công tác phối hợp với cấp ủy, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương thường do người chỉ huy cấp trên thực hiện. Đơn vị bộ binh chỉ tập trung phối hợp hiệp đồng chiến đấu với đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường. Khi chiến đấu độc lập, người chỉ huy đơn vị bộ binh phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự địa phương và hiệp đồng chiến đấu với đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường. Trường hợp phạm vi đảm nhiệm của đơn vị bộ binh là địa bàn giáp ranh giữa các địa phương, đơn vị bộ binh phải chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền, cơ quan quân sự cấp trên (quản lý các địa phương đó) để có sự chỉ đạo tập trung, thống nhất; đồng thời, hiệp đồng chiến đấu với đơn vị lực lượng vũ trang tăng cường. Quá trình phối hợp hiệp đồng chiến đấu, cần căn cứ vào tình hình cụ thể, có thể giao cho đơn vị lực lượng vũ trang địa phương tăng cường một nhiệm vụ, hoặc đảm nhiệm trên một hướng, mũi, nhưng cũng có thể chia đơn vị lực lượng vũ trang địa phương tăng cường thành từng bộ phận để sử dụng kết hợp trên từng hướng, mũi theo kế hoạch chung thống nhất.

Trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, đặc điểm địch, ta, môi trường tác chiến đều có sự phát triển. Vì vậy, để bảo đảm cho các đơn vị bộ binh cấp chiến thuật hoàn thành nhiệm vụ, lý luận chiến thuật bộ binh phải được nghiên cứu phát triển, vận dụng linh hoạt, hiệu quả, đánh thắng địch trong từng trận chiến đấu, tạo điều kiện cho chiến dịch, chiến lược phát triển, giành thắng lợi, kết thúc chiến tranh.

Đại tá, PGS, TS. VŨ THANH HIỆP, Phó Tham mưu trưởng Quân khu 7

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.