Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Sáu, 06/09/2013, 14:50 (GMT+7)
15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII)
Ðể văn hóa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh

Vai trò quan trọng của văn hóa đã được khẳng định trong nhiều công trình khoa học và các văn kiện của Ðảng và Nhà nước. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" đã trình bày năm quan điểm cơ bản chỉ đạo sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới trong thời kỳ lịch sử mới, kế thừa các tư tưởng về văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiếp thu các thành tựu mới của tư duy nhân loại về văn hóa trong những năm cuối thế kỷ 20 và xuất phát từ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Biểu diễn trống đồng Ðông Sơn trong Lễ đón bằng công nhận Thành nhà Hồ là Di sản văn hóa thế giới.

Phải thừa nhận rằng từ khi Ðảng và Nhà nước ta tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là trong 15 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về văn hóa, nhận thức chung của toàn xã hội về văn hóa đã được nâng cao. Nhiều phong trào và các cuộc vận động về văn hóa đã ra đời. Phong trào hướng về cội nguồn của tuổi trẻ, Cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, các hoạt động từ thiện,... đều nhằm khắc sâu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Những hoạt động đó chắc chắn có góp phần đáng kể trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trước sức công phá của mặt trái kinh tế thị trường và quá trình mở cửa.

Cùng với việc phát huy chủ nghĩa yêu nước truyền thống và tinh thần cách mạng của dân tộc, những năm qua, chúng ta đã từng bước tiếp nhận các giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại, đó là tinh thần dân chủ, ý thức tự do và tầm nhìn toàn cầu. Nhiều thành tựu về khoa học và công nghệ hiện đại của thế giới đã đến với người dân. Ðiều đó, rõ ràng nâng cao năng lực nội sinh của mỗi con người và của toàn xã hội. Sự phát triển của năng lực nội sinh đó của người dân là nhân tố quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội trong mấy thập kỷ qua. Sự phát triển năng lực nội sinh đó đang trở thành một động lực quan trọng giúp Ðảng và Nhà nước hoàn thiện các chủ trương, chính sách luật pháp. Sự tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân trong việc góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cũng là một bằng chứng cho sự phát triển của lực lượng nội sinh đó.

Tuy đã đạt một số thành tựu đáng kể, nhưng cho đến nay, văn hóa vẫn là lĩnh vực cực kỳ nóng bỏng, bức xúc, đe dọa sự bình yên của xã hội. Báo cáo chính trị tại Ðại hội XI của Ðảng đã chỉ rõ: Môi trường văn hóa bị xâm hại, lai căng, thiếu lành mạnh, trái với thuần phong mỹ tục, các tệ nạn xã hội, tội phạm và sự xâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ độc hại làm suy đồi đạo đức, nhất là trong thanh thiếu niên, rất đáng lo ngại; tình trạng suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu, những tiêu cực và tệ nạn xã hội chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp, cùng với sự phân hóa giàu nghèo và sự yếu kém trong quản lý, điều hành của nhiều cấp, nhiều ngành làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, đe dọa sự ổn định, phát triển của đất nước. Ðại hội XI của Ðảng cũng chỉ ra cả những yếu kém, bất cập trên các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, y tế, v.v. 

Những yếu kém và sa sút đó không chỉ làm suy giảm tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, mà còn có thể làm chệch hướng phát triển của đất nước. Ðó không chỉ là một nguy cơ lớn, mà còn có thể là nguy cơ của mọi nguy cơ, đặc biệt khi chúng ta mở rộng hội nhập với thế giới.

Vậy, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng suy yếu đó. Có những nguyên nhân nằm trong văn hóa và những nguyên nhân nằm ngoài văn hóa. Có những nguyên nhân thuộc về nhận thức và những nguyên nhân trong chỉ đạo thực tiễn. Những nguyên nhân này thường gắn kết chặt chẽ với nhau, quy định lẫn nhau.

Trước hết nói về văn hóa. Từ Nghị quyết Trung ương 5 chúng ta đã có nhận thức khá toàn diện về văn hóa, về các thành tố của văn hóa và về vai trò của văn hóa, nhưng những nhận thức đó chưa thật sự được triển khai sâu sắc trong xã hội, đặc biệt trong hàng ngũ những người lãnh đạo và quản lý xã hội ở tất cả các cấp, các ngành. Tại sao có lúc, có nơi, những người lãnh đạo và quản lý chỉ lo tập trung tăng trưởng GDP bằng mọi giá, vì sao có nơi lãnh đạo địa phương muốn biến di sản văn hóa ở địa phương mình thành nơi kinh doanh các ngành nghề có lãi. Vì sao có tình trạng thương mại hóa diễn ra khá phổ biến trong các hoạt động giáo dục - đào tạo, y tế, báo chí, thông tin truyền thông...

15 năm trước, trong Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa, vấn đề tư tưởng, đạo đức và lối sống được đặc biệt coi trọng. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2000, "đặt trọng tâm vào nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnh trong xã hội, trước hết trong các tổ chức đảng và nhà nước, trong các đoàn thể quần chúng và trong từng gia đình. Kiên quyết loại bỏ những phần tử thoái hóa, biến chất về đạo đức ra khỏi tổ chức đảng và nhà nước...". Luận điểm rất quan trọng đó liệu đã nằm trong nhận thức và hành động của chúng ta chưa? 15 năm qua, chúng ta đã làm gì để thực hiện chủ trương đó của Ðảng. Trên cả hai phương diện nhận thức và hành động, việc coi nhẹ giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống, là một nguyên nhân quan trọng tạo nên sự suy yếu trên các lĩnh vực của đời sống văn hóa và trên tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nghị quyết Trung ương 5 đã hoàn toàn đúng khi khẳng định, để quán triệt và thực hiện tốt Nghị quyết này, các cấp ủy và tổ chức đảng nghiêm túc xem xét trách nhiệm lãnh đạo của mình, rút ra những bài học kinh nghiệm lãnh đạo văn hóa, đẩy mạnh công tác xây dựng Ðảng. Tiến hành sinh hoạt chính trị tự phê bình và phê bình về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong toàn Ðảng và bộ máy nhà nước, trước hết trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo và quản lý. Kết quả nghiên cứu quán triệt Nghị quyết phải được thể hiện trong việc xây dựng kế hoạch, chương trình hành động của các cấp, các ngành, trong việc phát huy vai trò gương mẫu về đạo đức, lối sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, viên chức nhà nước. Xuất phát từ tư tưởng đó, ngay sau khi có Nghị quyết Trung ương 5 về văn hóa, Ðảng đã ban hành Nghị quyết Trung ương 6, khóa VIII (lần 2) về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Ðảng hiện nay mà nội dung chủ yếu nhằm xây dựng chỉnh đốn Ðảng, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực về tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Rất đáng tiếc, việc triển khai Nghị quyết này đã không mang lại kết quả như chúng ta mong muốn. Ðiều đó cũng có nghĩa là trong việc triển khai xây dựng nền văn hóa mới, chúng ta đã coi nhẹ cái gốc của văn hóa là tư tưởng, đạo đức, lối sống. Thiếu cái gốc vững chắc thì cây văn hóa dễ trở nên cằn cỗi, khô héo, dễ bị xâm hại bởi những vi-rút từ bên ngoài.

Khắc phục những yếu kém về văn hóa phải bắt đầu từ văn hóa, nhưng không chỉ bằng văn hóa, bởi văn hóa không nằm ngoài kinh tế và chính trị. Các hoạt động về kinh tế và chính trị, các mối quan hệ xã hội trên lĩnh vực kinh tế và chính trị thường xuyên tác động tới tâm tư, tình cảm của mỗi con người. Vì vậy, để xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đòi hỏi phải có những chế tài buộc kinh tế và chính trị phải vận hành theo những chuẩn mực và giá trị văn hóa của dân tộc và của thời đại.

GS, TS. TRẦN VĂN BÍNH

Nguồn: nhandan.com

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...