Thứ Bảy, 14/09/2024, 08:14 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Một nội dung rất quan trọng của Trung ương 7 (khóa XII) vừa qua, là bàn về xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”; phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân.
Xây dựng đội ngũ cán bộ như thế có nghĩa là cán bộ ấy phải thấu triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân, ta phải hết sức tránh. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”1; đồng thời, phải tránh xa chủ nghĩa cá nhân. Bởi đối với người cán bộ, khi đã mang trong mình “căn bệnh chủ nghĩa cá nhân” thì rất nguy hại đến sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng như của nhân dân. Bản chất của “Chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể. “Miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra tất cả mọi tính hư nết xấu, như: lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, v.v. Nó là kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng, chủ nghĩa xã hội”2. Điều đó đặt ra và đòi hỏi phải xây dựng đội ngũ cán bộ có phẩm chất và năng lực, vừa có đức, vừa có tài: có tài mà không có đức thì trở thành người vô dụng, có đức mà không có tài thì như ông Bụt không làm hại gì, nhưng cũng không lợi gì cho loài người3.
Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta cũng luôn quan tâm giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Vì thế, “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ và vị thế như ngày nay. Đó là kết quả sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, trong đó có sự hy sinh quên mình và đóng góp quan trọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên”4. Thế nhưng, “Nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiền phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”5 và “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn”6. Đó là biểu hiện của sự xa nhân dân, không coi nhân dân là đối tượng mà cán bộ phải phục vụ. Mà “sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc”7. Vì vậy, việc xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân là vấn đề đặc biệt quan trọng, đòi hỏi phải thực hiện tổng hợp các biện pháp.
Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); lấy xây dựng đội ngũ cán bộ làm khâu then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đảng ta là đảng cầm quyền, nên tuyệt đại đa số cán bộ trong bộ máy nhà nước từ cơ sở đến Trung ương đều là đảng viên. Vì vậy, đảng viên chăm lo cho dân thì cán bộ là “công bộc của dân”; bị suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống thì cán bộ bị tha hóa, biến chất, xa dân. Đặc biệt, trước sự tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường, của chiến lược “Diễn biến hòa bình”, cán bộ dễ bị “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng, xa rời nhân dân. Cho nên, xây dựng cán bộ trở thành khâu then chốt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Điều đó phụ thuộc phần lớn vào thái độ, trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy. Vì thế, cấp ủy các cấp, trực tiếp là bí thư phải nắm vững những nội dung trọng tâm, cốt yếu được xác định trong Nghị quyết, đặc biệt là 4 nhóm giải pháp mà Hội nghị đã chỉ ra; lấy đó làm cơ sở, điều kiện, căn cứ để tổ chức học tập, quán triệt, thực hiện Nghị quyết phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, đơn vị. Thực hiện nghiêm túc kiểm điểm tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đối thoại, chất vấn để phát huy dân chủ thật sự trong sinh hoạt đảng, chính quyền. Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức, lối sống, tác phong công tác để mọi người học tập, làm theo. Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả phối hợp công tác giữa cấp ủy với lãnh đạo cơ quan, đơn vị ở cơ sở; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Hai là, không ngừng đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ các cấp. Cán bộ thực hiện chức trách, nhiệm vụ phải theo đúng đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Thế nhưng, thực tiễn hoạt động lại luôn có những vấn đề mới đặt ra mà chính sách, pháp luật có sự bất cập, các ý kiến khác nhau, người cán bộ chân chính cần đặt ra và có câu trả lời đúng cho câu hỏi: lợi ích của dân trong vấn đề này là gì và làm thế nào để mang lại lợi ích cho dân? Khi các phương án được đưa ra khác nhau, thì phải lựa chọn phương án tạo được sự đồng thuận của đông đảo nhân dân, đem lại nhiều lợi ích cho dân nhất, nhưng phương án đó không trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ phải xem người đó có thực sự suy nghĩ và hành động vì dân hay chỉ vì lợi ích riêng, “lợi ích nhóm”.
Thực tế cho thấy, không ít cán bộ nói một đằng làm một nẻo. Vì vậy, mỗi cán bộ phải có hành động thiết thực để dân tin, dân yêu. Để phục vụ nhân dân tốt nhất, đòi hỏi cán bộ phải có trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì thế, mỗi cán bộ phải học tập Bác ở tinh thần tự học tập nâng cao trình độ, phải ham học tập, ham tìm hiểu để mở rộng tầm hiểu biết, thành thạo một việc và biết nhiều việc, phải giỏi việc ở cấp mình, thạo việc cấp dưới và biết việc của cấp trên; có tinh thần sáng tạo trong công việc để phục vụ nhân dân hiệu quả nhất. Học tập Bác là phải yêu dân, tin dân, trọng dân, gần dân, học dân. Bởi, có yêu dân, cán bộ mới hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân; có tin dân mới tìm mọi cách phát huy sức mạnh trí lực, nhân lực và tài lực của nhân dân; có trọng dân mới tích cực lắng nghe ý kiến của nhân dân, gặp việc khó phải bàn bạc với dân, kiên quyết đấu tranh với những người vi phạm quyền làm chủ của nhân dân; có gần dân mới truyền đạt, giảng giải cặn kẽ cho dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương mình, mới kịp thời hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân để đề ra chủ trương, biện pháp phù hợp. Cán bộ phải học hỏi nhân dân để làm giàu thêm hiểu biết của mình bằng trí tuệ sáng tạo và kinh nghiệm phong phú của nhân dân. Đồng thời, phải khiêm tốn, thấu hiểu mọi thành công của mình đều là nhờ công sức của nhân dân, của tập thể, nếu tách rời nhân dân thì cán bộ không tài nào lập được công trạng. Vì thế, cần có cơ chế nắm bắt mọi hoạt động của cán bộ để uốn nắn, điều chỉnh hành vi kịp thời.
Ba là, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm với những cán bộ vi phạm kỷ luật. Đây là công việc rất cần thiết và có vị trí đặc biệt đối với việc điều chỉnh hành vi của mỗi cán bộ, có tác động đến sự an nguy của chế độ. Một chính quyền “của dân, do dân và vì dân” không thể chấp nhận cán bộ vi phạm kỷ cương phép nước, biết sai mà vẫn làm. Do vậy, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để ngăn ngừa cán bộ làm sai thậm chí làm trái với đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chú trọng kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị về đạo đức, lối sống, tác phong công tác; sinh hoạt ở chi bộ và nơi cư trú; trách nhiệm nêu gương của bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan, đơn vị; chức trách, nhiệm vụ được giao của mỗi cán bộ, đảng viên; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Cấp ủy đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị các cấp cần có cơ chế để các tổ chức, đoàn thể tham gia giám sát một cách hiệu quả. Khi phát hiện cán bộ vi phạm pháp luật, nhũng nhiễu nhân dân thì phải xử lý nghiêm minh, không nương nhẹ, không châm chước. Để cán bộ tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, một mặt, phải tăng cường sự giám sát của nhân dân; mặt khác, mỗi cán bộ phải không ngừng rèn luyện phẩm chất đạo đức, học tập nâng cao trình độ và năng lực công tác để thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.
Bốn là, thường xuyên coi trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, không ngừng nâng cao năng lực, phẩm chất cho cán bộ các cấp. Bất kỳ nền công vụ nào cũng đều chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao năng lực thực thi công vụ để cán bộ thực hiện hiệu quả chức trách, nhiệm vụ được giao. Vì vậy, trong quá trình đào tạo, bồi dưỡng, cán bộ cần xác định rõ mục tiêu là trang bị kiến thức quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực, kỹ năng, thái độ công tác khi tiếp xúc với nhân dân. Các cơ sở đào tạo cán bộ cần tập trung vào việc trang bị những kiến thức cơ bản về lý luận chính trị, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ, khoa học quản lý, nhất là kỹ năng quản lý và lãnh đạo. Trên cơ sở đó, đổi mới chương trình, nội dung, phương thức đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho từng đối tượng thống nhất trong phạm vi cả nước; phù hợp với sự phát triển của thực tiễn. Muốn thế, phải rà soát, chấn chỉnh các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, kiên quyết đưa ra khỏi danh sách các cơ sở đào tạo không đủ tiêu chuẩn để bảo đảm chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Điều đặc biệt quan trọng là tự bồi dưỡng, rèn luyện của mỗi cán bộ, vì kiến thức tiếp nhận được trong đào tạo, bồi dưỡng ở nhà trường chỉ là những vấn đề cơ bản ban đầu, đòi hỏi mỗi cán bộ phải không ngừng tự học tập, rèn luyện. Đây là con đường không có điểm cuối, đòi hỏi sự bền bỉ, kiên trì của mỗi cán bộ.
Thực hiện tích cực, đồng bộ các giải pháp trên, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”, tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân. Làm được như vậy, sẽ tạo được sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là thành trì vững chắc để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ trước sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch.
NGUYỄN PHÚ HƯNG ______________
1 - Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H.2000, tr. 56.
2 - Sđd, Tập 10, tr. 306.
3 - Sđd, Tập 9, tr. 172.
4 - ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Nxb CTQG, H. 2016, tr. 20.
5, 6 - Sđd, tr. 22.
7 - Sđd, tr. 23.
Xây dựng đội ngũ cán bộ,tận tụy phục vụ nhân dân
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII) 12/09/2024
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Xây dựng ngành Quân y mạnh về tổ chức, vững về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 08/08/2024
Quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Học viện Phòng không - Không quân đổi mới công tác giáo dục và đào tạo 15/07/2024
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển 11/07/2024
Bộ đội Biên phòng Sơn La phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 04/07/2024
Học viện Lục quân xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 04/07/2024
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc 24/06/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc*
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên
Quân khu 5 xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh theo Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XIII)