Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 07/06/2018, 14:53 (GMT+7)
Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược ở Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ

Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược ngang tầm nhiệm vụ có ý nghĩa quyết định để Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Trước yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác này càng phải được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, hiệu quả.

Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng là cơ quan chỉ huy, tham mưu cao nhất của Quân đội nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam, được thành lập ngày 07-9-1945. Trải qua 73 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong các giai đoạn cách mạng, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng luôn coi trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược vừa “hồng”, vừa “chuyên” ngang tầm nhiệm vụ.

Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết Trung ương 3 (khóa VIII) “Về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược. Thường xuyên làm tốt công tác quy hoạch cán bộ, nhất là cán bộ chỉ huy, quản lý các cấp, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy trình, theo phương châm “động” và “mở”, mạnh dạn đưa cán bộ trẻ có chất lượng tốt vào nguồn để bồi dưỡng phát triển; từng bước khắc phục tình trạng hẫng hụt về đội ngũ cán bộ chỉ huy, quản lý, bảo đảm sự chuyển tiếp giữa các thế hệ cán bộ. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ, cấp ủy các cấp luôn thực hiện đúng quy định về công tác luân chuyển; lựa chọn những cán bộ có hướng phát triển tốt, được quy hoạch nguồn luân chuyển đi đơn vị hoặc bổ nhiệm chức vụ mới, bồi dưỡng, rèn luyện để cán bộ được thử thách trên nhiều cương vị công tác, góp phần nâng cao năng lực chỉ huy, quản lý. Kịp thời kiện toàn cả về số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng chức danh. Công tác đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên được Đảng ủy chú trọng, gắn với quy hoạch, bố trí, sử dụng, nhằm phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ cán bộ. Khâu lựa chọn cán bộ về công tác ở Bộ Tổng Tham mưu được coi trọng cả về phẩm chất, năng lực và thực tiễn lãnh đạo, chỉ huy ở cơ sở, đảm bảo chặt chẽ, đủ tiêu chuẩn cán bộ tham mưu chiến lược, thực hiện đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình, v.v.

Nhờ đó, đến nay đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược ở Bộ Tổng Tham mưu cơ bản đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu về chất lượng, cơ cấu phù hợp1, được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, đúng chuyên ngành, cương vị, số cán bộ có trình độ đại học và sau đại học ngày càng tăng2. Phần lớn đã được rèn luyện, thử thách qua thực tế ở đơn vị, nhiều đồng chí đã qua chiến đấu và phục vụ chiến đấu, tiêu biểu về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống; có trí tuệ, năng lực, thông thạo về nghiệp vụ và khả năng tư duy, nghiên cứu, dự báo, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo, chỉ huy tổng kết, hoạch định chính sách ở tầm chiến lược. Đồng thời, có phong cách, tác phong công tác tốt, luôn đổi mới phù hợp với tính chất, đặc điểm nhiệm vụ của cơ quan chiến lược. Điều đó được thể hiện rõ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ, nhất là trong thực hiện chức năng tham mưu, đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo và tổ chức thực hiện.

Thượng tướng Phạm Ngọc Minh và các đại biểu tham quan trang bị kỹ thuật của Lữ đoàn 87 (Cục Tác chiến - Điện tử)

Hiện nay, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc đang đứng trước nhiều thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục được kiện toàn theo hướng “tinh, gọn, mạnh”; nhiệm vụ ngày càng nặng nề, yêu cầu ngày càng cao, nhất là những vấn đề mới đặt ra cần phải được nghiên cứu giải quyết. Trong khi đó, những cán bộ có kinh nghiệm và trải qua chiến đấu ngày càng giảm; đội ngũ cán bộ trẻ tuy được đào tạo cơ bản, nhưng kinh nghiệm thực tiễn chưa nhiều; trình độ, năng lực, uy tín, trách nhiệm của một số cán bộ có mặt còn hạn chế, chưa tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ. Để khắc phục tình trạng đó và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược, Đảng ủy tập trung lãnh đạo thực hiện tốt một số giải pháp chủ yếu sau:

Một là, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, vai trò của người đứng đầu các cấp trong xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược. Cấp ủy các cấp phải thường xuyên quán triệt sâu sắc các chỉ thị, nghị quyết của trên; nhất là Nghị quyết 769-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương về “Xây dựng đội ngũ cán bộ giai đoạn 2013 - 2020 và những năm tiếp theo”, Quy chế công tác cán bộ sửa đổi, bổ sung năm 2011; Nghị quyết 10-NQ/ĐU của Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng về “Lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2015 và những năm tiếp theo”. Bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, thực tiễn hoạt động của các đơn vị trong toàn quân và yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược trong tình hình mới, để xác định nội dung, chủ trương, biện pháp tiến hành phù hợp, hiệu quả. Quán triệt, nắm vững và thực hiện đúng nguyên tắc cấp ủy thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ ở các cấp. Quá trình thực hiện, phải đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, vai trò của người đứng đầu và cơ quan chức năng, để công tác cán bộ được thực hiện đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình. Đồng thời, quan tâm củng cố, kiện toàn cơ quan cán bộ đủ về số lượng, chất lượng từng bước nâng lên. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người làm công tác cán bộ, nhất là về bản lĩnh chính trị, tinh thần thái độ, phẩm chất đạo đức, lối sống, trình độ nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác, để thực hiện tốt chức năng tham mưu cho cấp ủy các cấp về công tác cán bộ.

Hai là, làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng và tuyển chọn cán bộ về Bộ Tổng Tham mưu. Đây là vấn đề rất quan trọng, quyết định trực tiếp đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ. Vì thế, các cấp ủy cần tích cực, chủ động, đa dạng hóa các loại hình đào tạo; lựa chọn những cán bộ có phẩm chất, năng lực, sức khỏe, nhất là cán bộ chủ trì, cán bộ trẻ có năng lực và triển vọng phát triển tốt, gửi đi đào tạo ở các trường trong và ngoài Quân đội, gắn với tự đào tạo, bồi dưỡng tại chỗ; đồng thời, luân chuyển để bồi dưỡng kiến thức thực tiễn cho cán bộ nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác. Cấp ủy các cấp cần kết hợp tốt giữa đào tạo với sử dụng cán bộ, tăng cường bồi dưỡng phong cách, phương pháp, tác phong công tác ở cơ quan chiến lược; tiếp tục quán triệt, thực hiện Nghị quyết 86-NQ/ĐUQSTW, ngày 29-3-2007 của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về công tác giáo dục, đào tạo trong tình hình mới. Phấn đấu đến năm 2020 cán bộ có trình độ đại học trở lên đạt trên 98%, trong đó 20% trở lên có trình độ sau đại học, có trình độ ngoại ngữ và tin học phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ.

Cùng với đó, thực hiện tốt việc tuyển chọn cán bộ về Bộ Tổng Tham mưu công tác, bảo đảm tiêu chí, tiêu chuẩn chức danh cán bộ đã được ban hành, đúng nguyên tắc, quy chế, quy trình công tác cán bộ. Chú trọng những cán bộ đã qua lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, những cán bộ trẻ có trình độ, năng lực, học hàm, học vị cao, khả năng nghiên cứu, tổng hợp tốt. Từng cơ quan, đơn vị phải xây dựng kế hoạch giải quyết số lượng cán bộ, làm cơ sở để thực hiện việc chuyển ra, điều động, bổ nhiệm, tuyển chọn, tuyển dụng cán bộ; đồng thời, phải chịu trách nhiệm về chất lượng cán bộ đề nghị tuyển chọn, tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm vào đội ngũ cán bộ của cơ quan, đơn vị mình.

Ba là, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ. Hằng năm, các cấp ủy cần rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch cán bộ đầu nhiệm kỳ đã được phê duyệt, mạnh dạn bổ sung những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực, uy tín vào xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Chủ động bồi dưỡng tạo nguồn từ xa, kết hợp bồi dưỡng tạo nguồn tại chỗ với phát hiện nguồn ở các đơn vị trong toàn quân; gắn tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, chỉ huy với nhân sự cấp ủy cho nhiệm kỳ tới; khắc phục tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ trì các cấp. Khi hết nhiệm kỳ, các cấp ủy phải tiến hành kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện quy hoạch và bàn giao quy hoạch cho cấp ủy mới để theo dõi thực hiện, bảo đảm cho quy hoạch được thực hiện liên tục, có tính kế thừa vững chắc; phấn đấu 100% cán bộ được bổ nhiệm đều hoàn thành tốt nhiệm vụ theo chức trách.

Bốn là, nhận xét, đánh giá phải đúng thực chất cán bộ. Các cấp ủy cần đổi mới phương pháp nhận xét, đánh giá cán bộ theo định kỳ và từng nhiệm vụ, bảo đảm khách quan, dân chủ, công khai, công bằng và toàn diện; đánh giá về phẩm chất và năng lực, uy tín, làm cơ sở cho việc quy hoạch, bố trí, sử dụng, sắp xếp đúng người, đúng việc; khắc phục tình trạng nhận xét, đánh giá chung chung, thiếu cụ thể, nhất quán. Để làm được điều đó, các cấp phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm của cấp ủy, phát huy vai trò của người đứng đầu, cơ quan chức năng đề xuất nhiều giải pháp tích cực, để đánh giá đúng thực chất cán bộ; gắn nhận xét, đánh giá cán bộ với đánh giá chất lượng đảng viên. Đồng thời, lấy kết quả thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm cơ sở để nhận xét, đánh giá cán bộ hằng năm. Chủ động phòng ngừa những biểu hiện tiêu cực, chạy chức, chạy quyền, bè phái, cục bộ, địa phương, thân quen, lợi ích nhóm trong công tác cán bộ. Kiên quyết thay thế, miễn nhiệm những cán bộ làm việc cầm chừng, kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất, đạo đức, lối sống, tín nhiệm thấp, v.v.

Xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu chiến lược có “tâm, tầm, trí” là vấn đề đặc biệt quan trọng hiện nay để Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng nâng cao vị thế, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, đủ sức tham mưu, chỉ đạo đúng, trúng, kịp thời, góp phần xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam ngày càng vững mạnh.

Thượng tướng PHẠM NGỌC MINH, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bí thư Đảng ủy Bộ Tổng Tham mưu - Cơ quan Bộ Quốc phòng
_____________
____________

1 - Hiện nay, số lượng cán bộ Bộ Tổng Tham mưu thường xuyên đạt từ 92% đến 95%; trong đó, cán bộ chỉ huy tham mưu chiếm 31%, cán bộ chính trị 8,9%, cán bộ hậu cần 24,6%, cán bộ kỹ thuật 21,6%, cán bộ chuyên môn nghiệp vụ 14%; cán bộ qua chiến đấu, phục vụ chiến đấu chiếm 5,75%.

2 - Đội ngũ cán bộ 100% được đào tạo qua trường, trình độ đại học và sau đại học đạt 85,3%; trong đó, trình độ sau đại học đạt 17,7%, giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đạt 1,3%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...