Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 24/05/2016, 07:55 (GMT+7)
Tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc

II

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc

Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2016 – 2020. Trong đó, nhiệm vụ thứ tư là: “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc;...”. Đây là quan điểm cơ bản, thể hiện sự phát triển tư duy, nhận thức lý luận của Đảng về bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Quan điểm đó làm rõ hơn, sâu sắc hơn về chủ trương, biện pháp, phương châm chỉ đạo cũng như yêu cầu đối với nhiệm vụ chiến lược quan trọng này. Đặc biệt, trước sự tác động của tình hình thế giới, khu vực, nhất là những diễn biến phức tạp mới rất khó lường ở Biển Đông và sự chống phá quyết liệt bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch đối với cách mạng nước ta thì việc quán triệt, thấu suốt, nắm vững quan điểm trên của Đảng lại càng quan trọng, để trong quá trình thực hiện đảm bảo đúng định hướng, đạt được mục tiêu, yêu cầu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc đã xác định.

1- Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất. Độc lập là lợi ích tối cao, bất khả xâm phạm của một dân tộc, một quốc gia. Khi bị mất nước, mất độc lập dân tộc thì phải đấu tranh giành độc lập dân tộc, bảo đảm cho quốc gia không bị thống trị hoặc lệ thuộc bởi một quốc gia khác. Khi đã có độc lập, chủ quyền, thống nhất dân tộc thì phải kiên quyết giữ vững quyền thiêng liêng đó bằng mọi cách, với tất cả sức mạnh của dân tộc. Đó cũng là lẽ tự nhiên và trở thành quy luật đối với các quốc gia, dân tộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nước ta có vị trí địa chiến lược trong khu vực, nên trong lịch sử thường xuyên bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó, thôn tính xâm lược với các mục đích khác nhau. Vì thế, lịch sử Việt Nam là lịch sử chống ngoại xâm, dựng nước gắn liền với giữ nước và nó đã trở thành quy luật tồn tại, phát triển của dân tộc ta. Những chiến công oanh liệt của cha ông ta trong lịch sử cũng như cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ trong thời đại Hồ Chí Minh là biểu tượng sáng ngời về sự kết hợp của ý chí kiên quyết với kiên trì đấu tranh đến cùng để giành thắng lợi của dân tộc Việt Nam. Những bản hùng văn bất hủ: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư/Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” của Lý Thường Kiệt, hoặc “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”1 của Hồ Chí Minh thể hiện ý chí kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng “một mất, một còn” trước kẻ thù xâm lược hung bạo, cùng với tính kiên trì, kiên nhẫn, không nóng vội đáng khâm phục của dân tộc Việt Nam. Nó được hun đúc qua hàng nghìn năm lịch sử. Đã kiên quyết nhưng tại sao còn phải kiên trì đấu tranh? Bởi lẽ, dân tộc ta thường phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực kinh tế, quân sự hơn hẳn ta nên ta khó có thể giành thắng lợi nếu thiếu đi nhân tố kiên quyết, kiên trì. Thực tiễn lịch sử cho thấy, có những cuộc chiến tranh diễn ra trong thời gian ngắn hoặc tương đối ngắn, nhưng cũng có cuộc chiến tranh kéo dài hoặc tương đối dài. Vì thế, phải luôn nêu cao tinh thần kiên quyết đấu tranh, đó là điều kiện tiên quyết, điều kiện cần nhưng chưa đủ, mà còn phải kiên trì đấu tranh mới giành được thắng lợi cuối cùng. Cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Lê kéo dài 10 năm, hoặc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp kéo dài 09 năm và cuộc kháng chiến chống Mỹ kéo dài 21 năm liên tục,... đã chứng minh cho điều đó. Như vậy, cùng với kiên quyết, nhất thiết phải kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất của Tổ quốc. Đây là quan điểm có giá trị lý luận, được thực tiễn kiểm nghiệm và có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Thấu suốt và thực hiện quan điểm này, nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của cả nước làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiếp đó đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc kéo dài 30 năm đầy hy sinh gian khổ, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất Tổ quốc.

Nội hàm quan điểm của Đảng ta về kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc rất rộng, nhưng nội dung cốt lõi là: xây dựng ý chí quyết tâm sắt đá cùng với kiên trì, bền bỉ đấu tranh của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta để bảo vệ Tổ quốc trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Ý chí đó còn thể hiện ở tinh thần đoàn kết, thống nhất cao của toàn dân quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thách thức để bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc. Vì vậy, trong tình hình phức tạp hiện nay, hơn bao giờ hết chúng ta càng phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là mục tiêu xuyên suốt của cách mạng Việt Nam, là con đường duy nhất đúng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đã lựa chọn. Trong mối quan hệ biện chứng đó, độc lập dân tộc là mục tiêu, tiền đề và là điều kiện tiên quyết để xây dựng chủ nghĩa xã hội, không có độc lập dân tộc thì không thể xây dựng chủ nghĩa xã hội; còn xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhằm  tăng cường nguồn lực vật chất kỹ thuật ngày càng dồi dào hơn, tạo cơ sở, nền tảng vững chắc để giữ vững độc lập dân tộc. Thực tế cũng chứng minh chỉ có cách mạng xã hội chủ nghĩa mới giải phóng triệt để giai cấp vô sản và nhân dân lao động khỏi áp bức bóc lột, bất công, mới đem lại cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân và bảo đảm dân tộc thực sự có độc lập, đưa nhân dân lao động trở thành người làm chủ xã hội, làm chủ đất nước, làm chủ chính bản thân mình.

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, cách mạng Việt Nam đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức; trong đó, thách thức gay gắt nhất, nguy hiểm nhất đe dọa độc lập, chủ quyền, thống nhất là sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch bằng Chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Do đó, chúng ta phải kiên quyết, kiên trì đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu và hành động, nhất là thủ đoạn thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang nhân dân của chúng để bảo vệ nền tảng tư tưởng và sự lãnh đạo của Đảng đối với cách mạng Việt Nam. Đây là “cuộc chiến tranh không khói súng”, nhưng đầy cam go, quyết liệt, diễn ra thường xuyên trong điều kiện đất nước thời bình và không thể kết thúc “một sớm, một chiều”. Vì thế, chúng ta phải luôn đề cao cảnh giác, kiên quyết và chủ động đấu tranh, đồng thời phải kiên trì thực hiện các biện pháp phòng, chống, không để xảy ra bạo loạn, khủng bố hoặc hình thành tổ chức chính trị đối lập trong nước, có đối sách phù hợp trong từng thời điểm, với từng đối tượng để bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

2 - Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc và bảo vệ chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là một thể thống nhất. Tuy nhiên, cũng có điểm khác nhất định về nội hàm, tính chất, yêu cầu, nhiệm vụ. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là nói đến không gian toàn bộ lãnh thổ, bao gồm: vùng trời, vùng biển, thềm lục địa của Tổ quốc. Trước sự phức tạp của tình hình thế giới, khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ ở Biển Đông, Đảng ta đã khẳng định phải kiên quyết bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Đó là nguyên tắc chiến lược, là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là lợi ích cao nhất của đất nước cả trong hiện tại và tương lai. Phương thức bảo vệ là: kết hợp đấu tranh vũ trang và phi vũ trang, lấy đấu tranh phi vũ trang là chủ yếu, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả từ sớm, từ xa các nguy cơ dẫn đến xung đột. Trong đó, bao hàm cả việc đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch lợi dụng tình hình phức tạp ở Biển Đông để kích động, phá hoại mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, mà điển hình là vụ Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (năm 2014). Cần thấy rằng, tình hình tranh chấp ở Biển Đông rất phức tạp, không thể giải quyết trong thời gian ngắn mà phải lâu dài. Do đó, không thể nóng vội, phải bình tĩnh, kiên trì giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Kiên trì đấu tranh là phương châm chỉ đạo, hoàn toàn không mâu thuẫn với ý chí kiến quyết, càng không đồng nghĩa với nhân nhượng, thỏa hiệp. Thực hiện tốt điều đó sẽ thiết thực bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để xây dựng, phát triển đất nước, đồng thời góp phần đảm bảo ổn định ở khu vực và thế giới.

Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc phải trên cơ sở phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước. Đó là sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, của thế trận chiến tranh nhân dân; khi xảy ra chiến tranh thì “cả nước một lòng, toàn dân đánh giặc”, thực hiện chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Vì vậy, phải thường xuyên tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn hóa, xã hội trong từng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chú trọng vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng và an ninh. Xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) vững chắc, làm cơ sở xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. Thực hiện tốt quan điểm, chủ trương của Đảng về đẩy mạnh xây dựng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân: cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện đại hóa một số lực lượng; bảo đảm cho lực lượng vũ trang có chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đủ sức làm nòng cốt trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, làm cho nhân dân, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên nhận thức đúng quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; thấy rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, những thách thức lớn tác động trực tiếp đến nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện mới. Qua đó, giáo dục, bồi đắp tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

 MẠNH HÀ - MẠNH DŨNG - QUANG CHUYÊN
__________________

1 - Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tập hồi ký, Nxb QĐND, H. 2006, tr. 130.

(Tiếp theo: III – Xây dựng thế “trận lòng dân” vững chắc)

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...