Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 19/08/2019, 08:58 (GMT+7)
Trường Sĩ quan Không quân đẩy mạnh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên
Huấn luyện biên đội bay ở Trung đoàn 910

Trường Sĩ quan Không quân tiền thân là Trường Huấn luyện Hàng không thành lập ngày 20-8-1959. Sự ra đời của Nhà trường là dấu mốc quan trọng trong chặng đường xây dựng và phát triển của bộ đội Không quân Việt Nam. Trong kháng chiến chống Mỹ, cán bộ, giáo viên, học viên Nhà trường luôn quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, vừa huấn luyện vừa chiến đấu bảo vệ miền Bắc, chi viện cho cách mạng miền Nam. Sau khi đất nước thống nhất, Trường tiếp quản một số sân bay phía Nam, nhanh chóng phát triển trở thành một trung tâm huấn luyện, đào tạo phi công quân sự, sĩ quan, nhân viên kỹ thuật hàng không cho Quân đội. Trong sự nghiệp đổi mới, Trường từng bước xây dựng, hoàn thiện chương trình, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, góp phần xây dựng Không quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; xứng đáng là trung tâm đào tạo phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành Không quân; cái nôi nuôi dưỡng, chắp cánh ước mơ làm chủ bầu trời Tổ quốc thân yêu cho các thế hệ thanh niên Việt Nam. Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong 60 năm qua, Nhà trường và 01 tập thể, 26 cá nhân vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Trong những thành tích nổi bật đó, đội ngũ nhà giáo của Trường có đóng góp quyết định và có sự trưởng thành vượt bật. Từ thuở ban đầu thiếu thốn mọi mặt, đến nay, Trường đã có một đội ngũ giảng viên bản lĩnh chính trị vững vàng, được đào tạo cơ bản, 100% có trình độ đại học trở lên (trên 40% sau đại học); nhiều đồng chí là Nhà giáo Ưu tú, đáp ứng nhiệm vụ đào tạo các bậc học từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng, đại học cho các đối tượng phi công, cán bộ, nhân viên kỹ thuật các chuyên ngành hàng không Việt Nam và học viên quốc tế.

Trong tình hình mới, nhiệm vụ giáo dục, đào tạo của Nhà trường có sự phát triển, với yêu cầu cao. Để hoàn thành nhiệm vụ, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường xác định tiếp tục đẩy mạnh chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, với nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả, coi đây là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo.

Trước hết, Nhà trường tập trung kiện toàn biên chế, bảo đảm đội ngũ giảng viên có đủ số lượng và cơ cấu hợp lý, có tỷ lệ dự trữ theo đúng quy định để tạo điều kiện cho giảng viên được đi đào tạo nâng cao bậc học và đi thực tế, dự nhiệm mà không ảnh hưởng đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với đặc thù vừa là trường đào tạo chính quy, vừa là đơn vị Không quân huấn luyện bay và sẵn sàng chiến đấu, nên biên chế của Nhà trường chưa ổn định, đội ngũ cán bộ thiếu nhiều, thường xuyên chỉ đạt từ 80% - 85% nhu cầu. Do đó, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường tập trung lãnh đạo, chỉ đạo có trọng tâm với những kế hoạch cụ thể; chủ động điều chỉnh, sắp xếp hợp lý lực lượng cán bộ, giảng viên, ưu tiên người có trình độ đại học, sau đại học cho các khoa giáo viên. Cấp ủy, chỉ huy các cấp đã phát huy tốt trách nhiệm trong thực hiện; có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị, các ngành trong quá trình điều chỉnh, sắp xếp. Căn cứ vào tổ chức, biên chế theo quy định và nhu cầu thực tế của các khoa giáo viên, Nhà trường chỉ đạo Phòng Chính trị phối hợp với các khoa xác định số lượng, chuyên ngành cần tuyển chọn giảng viên để bổ sung, điều chỉnh. Từ năm 2016 - 2019, Trường đã điều động, bổ nhiệm 55 lượt cán bộ, giảng viên về các khoa, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đồng thời, đề nghị Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo, đề nghị Bộ Quốc phòng sớm ban hành biên chế tổ chức, tiêu chuẩn chức danh và trần quân hàm đối với cán bộ của Trường, làm cơ sở cho việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nói chung, đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Cùng với đó, Nhà trường đã chủ động xây dựng kế hoạch xin bổ sung cán bộ đã qua thực tiễn quản lý, chỉ huy ở các đơn vị cơ sở; học viên tốt nghiệp đại học, tốt nghiệp các lớp đào tạo chức danh cấp trung đoàn, sư đoàn ở các học viện, nhà trường và thực hiện đúng quy định trong tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học có đủ tiêu chuẩn về Trường công tác. Nguồn tuyển chọn giảng viên bay cho các trung đoàn bay chủ yếu là phi công quân sự do Trường đào tạo, có trình độ, năng khiếu sư phạm và phi công quân sự từ các đơn vị cơ sở được điều động về Trường để đào tạo, bồi dưỡng trở thành giảng viên bay. Đối với các khoa, nguồn tuyển chọn giảng viên chủ yếu là học viên tốt nghiệp hệ chính quy loại khá, giỏi của các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội, những kỹ sư, cử nhân ở các đơn vị được điều động về Trường hoặc lựa chọn từ những cán bộ có năng lực chuyên môn và trình độ sư phạm khá trong Trường. Nhờ đó, đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu giảng viên ở một số khoa.

Hai là, coi trọng tạo nguồn giảng viên để đào tạo, chuẩn hóa về trình độ theo hướng chuyên nghiệp, chuyên sâu, lấy đào tạo cơ bản, chính quy, dài hạn là trọng tâm. Hằng năm, Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chỉ huy các cấp rà soát chặt chẽ về đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn; xác định các loại hình đào tạo, tính toán hợp lý chỉ tiêu, gắn với yêu cầu giải quyết số lượng cán bộ. Trên cơ sở đó, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cụ thể, triển khai thực hiện nghiêm túc. Ngoài việc chủ động tạo nguồn đào tạo, nhất là nguồn đào tạo dài hạn cấp trung đoàn, sư đoàn, sau đại học và đào tạo ở nước ngoài bảo đảm đúng đối tượng, tiêu chuẩn, Trường chú trọng thực hiện tốt công tác quy hoạch, gắn đào tạo với quy hoạch, sử dụng cán bộ, đội ngũ nhà giáo, bảo đảm tính kế thừa, chuyển tiếp liên tục, vững chắc. Sau khi quy hoạch được Quân chủng phê duyệt, Nhà trường xây dựng kế hoạch, điều hành thực hiện, bảo đảm chặt chẽ, có tính thực tiễn và khả thi cao. Trong thực hiện, Trường chủ động liên kết với các học viện, nhà trường trong và ngoài Quân đội mở các lớp đào tạo hoàn thiện chức danh cán bộ; tích cực đề nghị xin chỉ tiêu cán bộ, giảng viên đi đào tạo, chủ yếu là đào tạo chức danh cấp trung đoàn, sư đoàn và sau đại học, trọng tâm là nghiên cứu sinh. Từ năm 2016 - 2019, Trường đã cử 52 giảng viên đi đào tạo chức danh cấp trung đoàn, sư đoàn, sau đại học tại các trường trong và ngoài nước (tiến sĩ: 07, thạc sĩ: 34, cấp trung đoàn, sư đoàn và giảng viên: 11). Phấn đấu đến năm 2020, đội ngũ giảng viên của Nhà trường có trên 60% trình độ sau đại học, trong đó có trên 10% tiến sĩ; 30% trình độ sau đại học đối với giảng viên bay; có giảng viên được phong hàm phó giáo sư; xây dựng đội ngũ giảng viên theo hướng chuẩn hóa của trường đại học.

Ba là, tăng cường bồi dưỡng toàn diện đội ngũ giảng viên; kết hợp chặt chẽ đào tạo tại trường với bồi dưỡng, huấn luyện tại chức và tự học tập. Đây là khâu quyết định để một cán bộ trở thành giảng viên và là khâu quan trọng, tạo chuyển biến về chất trong nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên. Căn cứ vào quy hoạch phát triển đội ngũ nhà giáo của Trường, các khoa lập kế hoạch cho giảng viên tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, phương pháp sư phạm và tự học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học, đáp ứng tiêu chuẩn giảng viên trường đại học; xác định đây là một trong những tiêu chí bắt buộc trong nhận xét, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm và bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, giảng viên. Đảng ủy Nhà trường đã ra Nghị quyết chuyên đề về việc đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học cho cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo; xây dựng kế hoạch, đa dạng hóa hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tích cực cử cán bộ, giảng viên đi đào tạo. Các khoa, đơn vị tạo điều kiện tối đa để cán bộ được bồi dưỡng và tự bồi dưỡng nâng cao trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp với chức danh và chuyên ngành đào tạo; nhiều giảng viên chủ động tự học tập ngoại ngữ, tin học để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Từ năm 2016 - 2019, Trường đã cử 05 giảng viên đi bồi dưỡng tiếng Anh nâng cao ở nước ngoài; phối hợp với Tùy viên Quân sự Ô-xtrây-li-a mở 02 lớp tiếng Anh (trình độ B1 châu Âu) cho 42 giảng viên.

Hằng năm, Trường tổ chức bồi dưỡng cho giảng viên cập nhật thông tin mới vào giảng dạy, nghiên cứu thực tế, tham gia các hoạt động khoa học, hoạt động thực tiễn theo sự phân công của trên. Các khoa, chuyên ngành thường xuyên tổ chức tập huấn, hội thi, hội thao và bồi dưỡng giáo viên dạy giỏi. Trên cơ sở lực lượng hiện có và yêu cầu nhiệm vụ, Trường chủ động cử cán bộ, giảng viên trong nguồn quy hoạch đi thực tế, dự nhiệm chức danh lãnh đạo, chỉ huy ở các sư đoàn và trung đoàn Không quân. Việc luân chuyển giữa giảng viên với cán bộ quản lý cũng được Trường tiến hành thường xuyên để đội ngũ giảng viên được rèn luyện, thử thách, có thêm kiến thức thực tiễn, nhất là đối với giảng viên trẻ. Nhờ đó, chất lượng đội ngũ giảng viên được nâng cao, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ.

Bốn là, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đảm bảo tốt chế độ, chính sách, khuyến khích đội ngũ giảng viên phấn đấu, rèn luyện, cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Những năm qua, Nhà trường đã được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho nhiệm vụ đào tạo tương đối đồng bộ, từ nhà xưởng, sân bay, thao trường, bãi tập,... đến các phòng thí nghiệm, phòng tập bay mô phỏng, phòng học chuyên dùng được trang bị khá hiện đại. Hệ thống thư viện có đủ giáo trình, tài liệu phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học. Với đặc thù riêng của công tác đào tạo Không quân, nếu không có máy bay, sân bay, trang thiết bị, khí tài thay thế, không đủ nhiên liệu thì không thể huấn luyện bay và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo. Vì thế, Nhà trường đã chú trọng khai thác, sử dụng hiệu quả trang bị, vũ khí, khí tài; thực hiện giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm là biện pháp tốt nhất, làm cơ sở để Trường vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, giúp đội ngũ giảng viên sử dụng thành thạo các thiết bị dạy học hiện đại, phần mềm mô phỏng trong giảng dạy. Tuy còn nhiều khó khăn, song Nhà trường thường xuyên chăm lo đảm bảo tốt đời sống vật chất, tinh thần, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên yên tâm, gắn bó với sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Ngoài các quy định của trên, Trường có các chính sách ưu tiên riêng cho đội ngũ nhà giáo trong xét, đề nghị cấp nhà ở, đất ở; tích cực xây dựng Quỹ khuyến học, hỗ trợ đội ngũ nhà giáo học tập nâng cao trình độ1.

Với chủ trương đúng, quyết tâm cao và nhiều giải pháp tích cực, hiệu quả, đội ngũ giảng viên của Nhà trường không ngừng phát triển, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, xây dựng Trường Sĩ quan Không quân “Chính quy, mẫu mực, chuẩn hóa, hiện đại”, xứng đáng với truyền thống 60 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành.

Đại tá NGUYỄN MINH TUẤN, Chính ủy Nhà trường
______
_________

1 - Mỗi đồng chí học cao học được hỗ trợ 05 triệu đồng, nghiên cứu sinh là 30 triệu đồng.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...