Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 17/04/2017, 07:55 (GMT+7)
Tổng cục Công nghiệp quốc phòng kết hợp chặt chẽ sản xuất quốc phòng với kinh tế

Công nghiệp quốc phòng là một bộ phận của tiềm lực quốc phòng, an ninh của đất nước; đồng thời, là một ngành kinh tế kỹ thuật đặc thù của nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng là yêu cầu khách quan trong hoạt động của ngành Công nghiệp quốc phòng.

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế là quan điểm nhất quán, chủ trương chiến lược của Đảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Quán triệt sâu sắc quan điểm đó và xuất phát từ tính chất hoạt động đặc thù của Ngành, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng luôn chủ động kết hợp giữa nhiệm vụ sản xuất quốc phòng với sản xuất, kinh doanh, tham gia phát triển kinh tế bằng nhiều hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp và đạt được kết quả thiết thực.

Trước yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới, nhất là sau khi có Nghị quyết 06-NQ/TW, ngày 16-7-2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”; Nghị quyết 520-NQ/QUTW, ngày 25-9-2012 của Quân ủy Trung ương về “Lãnh đạo nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp quốc phòng của Quân đội đến năm 2020”, việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng của Tổng cục được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, thống nhất, tổ chức thực hiện ngày càng khoa học, hiệu quả. Theo đó, việc kết hợp được xác định cụ thể trong chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo đến quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển, kế hoạch đầu tư, ngành nghề sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp. Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã bám sát Nghị quyết 06-NQ/TW, chỉ thị của cấp trên, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng trong các giai đoạn. Đồng thời, ban hành Nghị quyết 383-NQ/ĐU, ngày 27-12-2012 về “Lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, tạo cơ sở cho thực hiện. Trên cơ sở định hướng của Tổng cục, các đơn vị, nhà máy, xí nghiệp đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, công nhân viên, người lao động; chủ động xây dựng nghị quyết lãnh đạo, kế hoạch thực hiện. Với nhận thức sản xuất quốc phòng là nhiệm vụ chính trị trung tâm, sản xuất kinh tế là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, trực tiếp góp phần giữ gìn đội ngũ lao động, duy trì năng lực sản xuất quốc phòng và tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, các đơn vị, nhà máy đã tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư, triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả sản xuất quốc phòng. Mặt khác, đẩy mạnh đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm, đầu tư thích đáng cho nhiệm vụ phát triển kinh tế, mạnh dạn từng bước hội nhập thị trường trong nước, khu vực và thế giới.

Với chủ trương đúng, quyết tâm cao, biện pháp phù hợp, những năm qua, các đơn vị, nhà máy trong Tổng cục luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế; việc kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng đi vào chiều sâu và có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, hình thức, chất lượng, hiệu quả. Nổi bật là, tổ chức lực lượng sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp được củng cố, kiện toàn theo hướng gắn kết, hòa nhập sâu với công nghiệp quốc gia. Việc huy động khoa học công nghệ và công nghiệp quốc gia tham gia xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng được chú trọng và có bước tiến mới1. Các đơn vị trong Tổng cục đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện có hiệu quả nhiều dự án đầu tư phát triển, nhất là các dự án trọng điểm, dự án đầu tư chiều sâu công nghệ. Yêu cầu lưỡng dụng trong các dự án được chú trọng, quan tâm đúng mức. Nhờ đó, năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa vũ khí, trang bị kỹ thuật của Ngành chuyển biến rõ nét và có bước đột phá. Hiện nay, công nghiệp quốc phòng đã làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa nhiều sản phẩm mới có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến. Điển hình là, đã sản xuất được hầu hết các loại vũ khí, khí tài, đạn dược thuộc trang bị của sư đoàn bộ binh; các loại thuốc phóng, thuốc nổ mạnh; đạn pháo chiến dịch; súng bộ binh thế hệ mới; khí tài thông tin, tác chiến điện tử; phương tiện giám sát, cảnh giới, quản lý vùng trời, vùng biển; đóng tàu tên lửa, tàu pháo, các loại tàu tuần tiễu, cứu hộ cứu nạn, v.v. Các cơ sở công nghiệp quốc phòng còn nghiên cứu, sản xuất được nhiều chủng loại vật tư, nguyên liệu, vật liệu nền đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, phục vụ sản xuất hàng quốc phòng, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu. Chất lượng sản phẩm quốc phòng, nhất là vũ khí, khí tài, đạn có bước tiến lớn, đạt độ tin cậy, ổn định cao. Một điều đáng tự hào là, trên 80% vũ khí, trang bị kỹ thuật do công nghiệp quốc phòng sản xuất đều do đội ngũ cán bộ, kỹ sư công nghiệp quốc phòng tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, v.v. Những kết quả đạt được trong sản xuất quốc phòng đã góp phần quan trọng vào nâng cao tiềm lực quốc phòng, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trung tâm, các đơn vị, nhà máy đã tận dụng tối đa công năng dôi dư, trình độ công nghệ, trang thiết bị, nhà xưởng, dây chuyền sản xuất quốc phòng, kết hợp với đầu tư mới để sản xuất các sản phẩm kinh tế, tạo nguồn lực tài chính tái đầu tư cho sản xuất quốc phòng và tham gia phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Thời gian qua, Tổng cục Công nghiệp quốc phòng đã chỉ đạo đẩy mạnh tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình hoạt động của các nhà máy, xí nghiệp sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, quy định của Bộ Quốc phòng và từng bước chuyển các viện, trung tâm nghiên cứu sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp khoa học, công nghệ, nhằm hòa nhập với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đã thực hiện đổi mới toàn diện, từ kiện toàn hệ thống tổ chức, hoàn thiện thể chế, thiết chế doanh nghiệp, đến xây dựng chiến lược phát triển, chiến lược sản xuất, kinh doanh; đổi mới quản trị doanh nghiệp; xây dựng nguồn nhân lực; đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hóa máy móc, thiết bị; nghiên cứu mở rộng ngành nghề; đẩy mạnh liên doanh, liên kết sản xuất; xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu,... nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh khối doanh nghiệp, các đơn vị dự toán cũng tích cực tham gia làm kinh tế, dịch vụ, gắn với nhiệm vụ chuyên môn, bằng những hình thức phù hợp, v.v.

Mặc dù đứng trước không ít khó khăn, thách thức, nhưng với bản lĩnh, trí tuệ, quyết tâm cao, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng đều đứng vững trong cơ chế thị trường, giữ được mức tăng trưởng khá; nguồn vốn được bảo toàn, phát triển, việc làm, thu nhập của người lao động được đảm bảo2; năng lực và hiệu quả kết hợp giữa sản xuất kinh tế với quốc phòng được nâng cao. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu mạnh mang tầm quốc gia; nhiều sản phẩm kinh tế do các đơn vị của Tổng cục sản xuất đã khẳng định được uy tín, có sức cạnh tranh lớn, ngày càng hội nhập sâu với thị trường trong nước, khu vực và thế giới, nhất là trên các lĩnh vực: hóa nổ, đóng và sửa chữa tàu, cơ khí, hóa chất, viễn thông, điện - điện tử, quang học, v.v. Tiêu biểu là: Tổng Công ty Sông Thu, Công ty Hồng Hà, Nhà máy Z189,... đã đóng được nhiều loại tàu, thuyền hiện đại, phục vụ nhu cầu trong nước và xuất sang thị trường châu Âu, châu Mỹ. Các nhà máy: Z113, Z114, Z115, Z121, Z131, Tổng Công ty Kinh tế kỹ thuật công nghiệp quốc phòng đã bứt phá mạnh mẽ với sản phẩm mũi nhọn là vật liệu nổ công nghiệp. Hằng năm, cung cấp ra thị trường hàng chục nghìn tấn thuốc nổ công nghiệp và các loại phụ kiện nổ, chiếm khoảng 50% nhu cầu sử dụng trong nước, bước đầu xuất khẩu sang thị trường khu vực. Đặc biệt, sản phẩm pháo hoa của Nhà máy Z121 đã và đang tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Trên lĩnh vực cơ khí, may mặc, phải kể đến nhà máy Z117, Z176, là đối tác hàng đầu của Tập đoàn Ikea (một trong những hãng bán lẻ đồ gia dụng lớn nhất thế giới của Thụy Điển) và Tập đoàn Landmann (Đức). Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm kinh tế khác cũng có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, như: cao su kỹ thuật của Nhà máy Z175; sản phẩm đúc áp lực cao của Nhà máy Z127; dây, cáp điện, cáp viễn thông của Nhà máy Z143; quạt điện của Nhà máy Z199, v.v.

Kết quả trên đây không chỉ khẳng định sự lớn mạnh, vị thế của các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng trong nền kinh tế đất nước, mà còn cho thấy ý thức, trách nhiệm chính trị cao của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng trong việc quán triệt, thực hiện quan điểm, chủ trương chiến lược của Đảng, định hướng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, gắn thực hiện nhiệm vụ quốc phòng với tham gia phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, việc kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế trong thời gian qua vẫn còn những hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện. Hiệu quả kết hợp ở một số đơn vị, doanh nghiệp chưa cao. Một số doanh nghiệp còn lúng túng, chậm đổi mới, thích nghi với cơ chế thị trường; sản phẩm, dịch vụ còn giản đơn, giá trị gia tăng thấp; tính ổn định, bền vững trong sản xuất, kinh doanh chưa cao, v.v.

Từ kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, để việc kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế đảm bảo đúng hướng, ngày càng chặt chẽ, hiệu quả, Tổng cục chỉ đạo các đơn vị, doanh nghiệp quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, chủ trương của Đảng, nghị quyết, chỉ thị của cấp trên về vấn đề này. Trên cơ sở đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với nhiệm vụ sản xuất quốc phòng và kinh tế; đảm bảo việc kết hợp không làm tổn hại đến an ninh quốc gia, lợi ích dân tộc. Thời gian tới, Tổng cục hướng trọng tâm lãnh đạo vào đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 520-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, Nghị quyết 383-NQ/ĐU của Đảng ủy Tổng cục, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng giai đoạn 2016 - 2020. Theo đó, cùng với tích cực triển khai các dự án trọng điểm, nhằm tạo bước chuyển biến quan trọng về năng lực công nghệ sản xuất quốc phòng, Tổng cục tiếp tục tham mưu, đề xuất và chỉ đạo đẩy mạnh kiện toàn mô hình tổ chức, hoạt động của các đơn vị, doanh nghiệp theo hướng phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của các khối đặt hàng - sản xuất, sửa chữa - khai thác, sử dụng, đảm bảo gắn kết chặt chẽ nghiên cứu, thiết kế với sản xuất, sản xuất với sửa chữa, nâng cao hiệu quả kết hợp quốc phòng với kinh tế. Trong đó, tập trung đẩy mạnh cổ phần hóa các cơ sở sản xuất quốc phòng; chuyển đổi hoạt động của các viện nghiên cứu sang mô hình đơn vị tự chủ về tài chính; nghiên cứu thành lập các tập đoàn, tổng công ty theo nhóm sản phẩm, ngành nghề, nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh. Mặt khác, chỉ đạo cơ cấu lại ngành nghề, sản phẩm kinh tế đối với những đơn vị sản xuất, kinh doanh kém hiệu quả. Từng bước xúc tiến triển khai một số đề án hợp tác, liên doanh với các đối tác, kể cả đối tác nước ngoài trong việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nhằm tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đối với các đơn vị, doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện đồng bộ biện pháp cả về thị trường, nguồn vốn đầu tư, khoa học, công nghệ, để phát triển sản phẩm quốc phòng, kinh tế mũi nhọn, có giá trị gia tăng cao; tiếp tục đẩy mạnh đổi mới, hoàn thiện quản trị doanh nghiệp, tăng tính tự chủ, đáp ứng yêu cầu của thị trường, v.v. Mục tiêu đến năm 2020, ngành Công nghiệp quốc phòng xây dựng được một số ngành, lĩnh vực then chốt (cơ khí, đóng tàu, hóa chất, điện - điện tử,...) và một số ngành công nghiệp hỗ trợ đạt trình độ tiên tiến, tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm công nghiệp, dịch vụ khoa học, công nghệ trong nước; tiến tới xuất khẩu một số sản phẩm vũ khí, trang bị quân sự, v.v.

Nắm vững chủ trương, quan điểm của Đảng và phát huy những kết quả, kinh nghiệm đạt được, các đơn vị, doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng tiếp tục đẩy mạnh thực hiện kết hợp sản xuất quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, tạo động lực xây dựng ngành Công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, hiện đại, trở thành bộ phận quan trọng của công nhiệp quốc gia, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng NGUYỄN ĐỨC LÂM, Chủ nhiệm Tổng cục
______
_____________

1 - Giai đoạn 2011 - 2015, nhiều đề án, chương trình hợp tác về công nghiệp quốc phòng đã được ký kết; đã có 29 doanh nghiệp dân sinh được cấp giấy phép tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng.

2 - Các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng có mức tăng trưởng bình quân khoảng 11%/ năm; doanh thu bình quân từ sản xuất kinh tế chiếm trên 60% tổng doanh thu hằng năm; thu nhập bình quân của người lao động đạt 7,7 triệu đồng/ người/ tháng (riêng năm 2016, đạt 8,7 triệu đồng/ người/ tháng).

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...