Thứ Ba, 10/09/2024, 01:37 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Vừa qua, các đơn vị trong toàn quân đã sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết 623-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Đây là cơ sở quan trọng để toàn quân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết, nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Thượng tướng Trần Đơn chủ trì Hội nghị tổng kết phong trào thi đua Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy” năm 2017. Ảnh: qdnd.vn
Trước yêu cầu cao của nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc, ngày 29-10-2012, Quân ủy Trung ương đã ban hành Nghị quyết 623-NQ/QUTW “Về công tác hậu cần quân đội đến năm 2020 và những năm tiếp theo” (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 623). Ngay sau khi Nghị quyết 623 được ban hành, với tinh thần chủ động và trách nhiệm cao, toàn quân đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, bằng nhiều biện pháp đồng bộ, hiệu quả và đạt kết quả tích cực.
Trên cơ sở chủ trương, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, các đơn vị đã cụ thể hóa xây dựng chương trình hành động, kế hoạch thực hiện với lộ trình, biện pháp thiết thực, phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính của Nhà nước và đặc điểm địa bàn, vùng, miền. Đồng thời, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phát huy sức mạnh tổng hợp của các lực lượng, nhất là vai trò nòng cốt của ngành Hậu cần trong tham mưu, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, v.v. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết, mặc dù gặp không ít khó khăn, nhất là thiên tai, bão, lũ, dịch bệnh, giá cả thị trường biến động, nhưng toàn quân đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nội dung công tác hậu cần theo lộ trình Nghị quyết 623 xác định; trong đó, nhiều chỉ tiêu được hoàn thành trước thời gian, vượt mức kế hoạch đề ra, tạo sự chuyển biến tiến bộ khá toàn diện trên các mặt công tác hậu cần. Nổi bật là, nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chỉ huy các cấp và cán bộ, chiến sĩ đối với công tác hậu cần được nâng lên. Hệ thống tổ chức, lực lượng ngành Hậu cần từng bước được củng cố, kiện toàn, hoạt động có nhiều đổi mới, ngày càng chính quy. Công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược về hậu cần được đẩy mạnh và gắn kết chặt chẽ với nghiên cứu dự báo chiến lược quốc phòng, chiến lược quân sự. Tiềm lực, thế trận hậu cần, nhất là trên các hướng, địa bàn chiến lược được củng cố, tăng cường. Phương thức tạo nguồn, bảo đảm vật chất hậu cần tiếp tục có sự đổi mới, hoàn thiện. Chất lượng, hiệu quả các mặt bảo đảm ăn, mặc, ở, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bộ đội, tăng gia sản xuất, xăng dầu, vận tải,… có bước đột phá quan trọng. Ngành Hậu cần đã chủ động bảo đảm đầy đủ, kịp thời cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thường xuyên và đột xuất; đời sống sinh hoạt, sức khỏe của bộ đội được giữ vững ổn định và cải thiện rõ nét, v.v. Kết quả đó góp phần quan trọng vào nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đảm bảo cho Quân đội hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai Nghị quyết vẫn còn những hạn chế, nhất là trong tổ chức thực hiện. Nội dung, biện pháp thực hiện của một số đơn vị chưa sát với yêu cầu, nhiệm vụ; tổ chức triển khai có mặt còn thiếu linh hoạt. Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu, mục tiêu Nghị quyết còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng của đơn vị, v.v. Những hạn chế đó đã được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ ra và các đơn vị thấy rõ trong sơ kết thực hiện Nghị quyết 623 giai đoạn 2013 - 2017. Cấp ủy, chỉ huy các cấp và ngành Hậu cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục kịp thời.
Dự báo những năm tới, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc có sự phát triển. Toàn quân triển khai nhiều nhiệm vụ, nội dung công tác lớn, nhu cầu bảo đảm hậu cần tăng mạnh, yêu cầu cao, v.v. Trong khi đó, nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức; nguồn ngân sách bảo đảm hậu cần hạn chế; tình hình biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, v.v. Trước bối cảnh đó, để hoàn thành tốt các nhiệm vụ, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết 623, tạo sự chuyển biến toàn diện, vững chắc hơn nữa trong công tác hậu cần, đảm bảo cho công tác quan trọng này theo kịp sự phát triển của yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, toàn quân cần tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp. Trong đó, coi trọng một số nội dung, biện pháp chủ yếu sau:
1- Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp đối với công tác hậu cần. Các cơ quan, đơn vị trong toàn quân, trước hết là cấp ủy, người chỉ huy, cán bộ, nhân viên hậu cần các cấp cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết 623, nắm vững phương hướng, mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp công tác hậu cần mà Quân ủy Trung ương đã xác định. Trên cơ sở đó, nhận thức đầy đủ vị trí, tầm quan trọng của công tác hậu cần, đề cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện. Trước mắt, các đơn vị cần khẩn trương rà soát lại chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 623, kịp thời điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu, biện pháp thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2020 và những năm tiếp theo, đảm bảo khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, chủ động triển khai thực hiện bằng các biện pháp thiết thực, sát với đặc điểm, nhiệm vụ được giao. Để đạt hiệu quả cao, các đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết, nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, lấy yêu cầu hoàn thành nhiệm vụ chính trị và nâng cao đời sống bộ đội làm mục tiêu hàng đầu; chú trọng huy động các nguồn lực xã hội, phát huy vai trò nòng cốt của ngành Hậu cần, sức mạnh tổng hợp của các lực lượng trong thực hiện. Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện Nghị quyết 623 với thực hiện nghị quyết đại hội đảng các cấp (nhiệm kỳ 2015 - 2020), các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, nhất là Nghị quyết 520-NQ/QUTW, Nghị quyết 513-NQ/QUTW, Nghị quyết 765-NQ/QUTW và phong trào Thi đua Quyết thắng, phong trào “Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy”, các cuộc vận động,... tạo động lực thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra. Cùng với đó, tích cực đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của các đơn vị thuộc quyền, kịp thời rút kinh nghiệm, giải quyết những vấn đề nảy sinh; chú trọng xây dựng, nhân điển hình tiên tiến và phát hiện, đấu tranh với biểu hiện lệch lạc về nhận thức, tư tưởng trong công tác hậu cần. Các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, trước hết là Tổng cục Hậu cần chủ động bám sát thực tiễn, tích cực nghiên cứu, làm tốt chức năng tham mưu cho Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị về công tác hậu cần, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cả trước mắt, lâu dài.
2- Đẩy mạnh xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần nhân dân, xây dựng hậu cần khu vực phòng thủ vững chắc. Quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, hậu cần nhân dân và định hướng chỉ đạo của Quân ủy Trung ương trong Nghị quyết 623, toàn quân, mà nòng cốt là ngành Hậu cần tiếp tục làm tốt công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, chủ động tham mưu với Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng các chủ trương, chính sách về xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần, nhất là trên các địa bàn chiến lược, trọng điểm về quốc phòng, an ninh, sẵn sàng bảo đảm cho các tình huống. Trọng tâm tập trung xây dựng tiềm lực hậu cần tại chỗ; quy hoạch, xây dựng các căn cứ hậu cần chiến lược, chiến dịch, căn cứ hậu cần khu vực phòng thủ, hình thành thế trận hậu cần rộng khắp, liên hoàn, vững chắc, kết hợp chặt chẽ giữa bảo đảm tại chỗ với bảo đảm cơ động; trong đó, lấy bảo đảm tại chỗ, trên từng khu vực, địa phương, hướng chiến lược là chủ yếu. Phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, các cơ quan, đơn vị, trước hết là cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần, các quân khu, cơ quan quân sự địa phương tăng cường nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, chủ động tham mưu, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, gắn với xây dựng tiềm lực, thế trận hậu cần khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện. Thực hiện tốt việc quy hoạch chi tiết xây dựng thế trận hậu cần khu vực phòng thủ và huy động nguồn lực, từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình thiết yếu trong căn cứ hậu cần các cấp. Mặt khác, chú trọng bổ sung, hoàn thiện cơ chế, quy chế xây dựng và hoạt động của hậu cần khu vực phòng thủ; cơ chế huy động nguồn lực tại chỗ cho nhiệm vụ quốc phòng,... làm nền tảng tổ chức bảo đảm hậu cần cho các lực lượng trong thời bình, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu thời chiến.
3- Đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần quân đội, coi trọng bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội. Đây là biện pháp, mục tiêu xuyên suốt trong công tác hậu cần và là mục tiêu cao nhất được Quân ủy Trung ương xác định trong Nghị quyết 623. Theo đó, cùng với tập trung lãnh đạo bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, ưu tiên các lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới, khu vực trọng điểm, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, các đơn vị cần chủ động xây dựng kế hoạch, chuẩn bị đầy đủ vật chất, phương tiện bảo đảm cho các tình huống, quyết tâm tác chiến, nhiệm vụ đột xuất. Đồng thời, tiếp tục phát huy ý thức “cần, kiệm”, tinh thần “tự lực tự cường”, triển khai đồng bộ các biện pháp nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần thường xuyên, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Ngành Hậu cần tiếp tục nghiên cứu đề xuất, làm tốt chức năng tham mưu, nhất là tham mưu chiến lược về công tác hậu cần. Chú trọng tham mưu thể chế hóa, đồng bộ hệ thống chế độ, chính sách về hậu cần. Tập trung đổi mới mạnh mẽ phương thức bảo đảm vật chất hậu cần, thực hiện phân cấp triệt để cho đơn vị kết hợp tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, mở rộng đấu thầu trong mua sắm, tạo nguồn, phù hợp với đặc thù quân sự, điều kiện nền kinh tế thị trường. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu của Nghị quyết 623 và Kế hoạch 979/KH-HC của Tổng cục Hậu cần, toàn quân tiếp tục phát huy mọi nguồn lực, đột phá vào các nội dung trọng tâm, trọng điểm, những khâu yếu, mặt yếu trong công tác hậu cần. Trong đó, tập trung làm tốt công tác tạo nguồn; nâng cao hơn nữa chất lượng các mặt bảo đảm hậu cần, nhất là bảo đảm đời sống, sức khỏe bộ đội. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tiếp tục phát triển tăng gia sản xuất theo hướng bền vững, hiệu quả, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực hiện tốt việc đầu tư nâng cấp hệ thống y học dự phòng, hệ thống bệnh viện, bệnh xá, kho tàng cấp chiến dịch, chiến thuật; đầu tư mua sắm đổi mới, hiện đại hóa trang bị, phương tiện hậu cần, nhất là phương tiện kỹ thuật xăng dầu, vận tải, theo định hướng của Bộ Quốc phòng, v.v. Theo nhiệm vụ được phân công, các đơn vị tập trung hoàn thành quy hoạch mặt bằng doanh trại và triển khai các dự án xây dựng cơ bản theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2017 - 2020, đảm bảo chất lượng, hiệu quả cao nhất1. Đặc biệt, rà soát, tăng cường biện pháp quản lý, sử dụng đất quốc phòng, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật. Chú trọng đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong công tác hậu cần.
4- Xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng nhiệm vụ trước mắt và lâu dài. Thực hiện mục tiêu của Nghị quyết 623, trong những năm tới, toàn quân tiếp tục chấn chỉnh, kiện toàn tổ chức ngành Hậu cần theo Đề án điều chỉnh tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020. Các đơn vị cần rà soát, chủ động kiện toàn tổ chức, biên chế cơ quan, phân đội hậu cần các cấp; đẩy mạnh giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên hậu cần gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; có biện pháp khắc phục những bất cập về chỉ huy, quản lý và sự mất cân đối về biên chế, thiếu hụt nguồn nhân lực hậu cần, nhất là ở đơn vị cơ sở. Để đáp ứng yêu cầu đòi hỏi, Tổng cục Hậu cần tiếp tục phối hợp, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quy hoạch, tạo nguồn, đào tạo cán bộ hậu cần. Các đơn vị đẩy mạnh đổi mới chương trình, nội dung huấn luyện hậu cần theo tinh thần Nghị quyết 765-NQ/QUTW của Quân ủy Trung ương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả; chú trọng huấn luyện nâng cao năng lực, trình độ tham mưu, tổ chức chỉ huy, chỉ đạo cho đội ngũ cán bộ, khả năng cơ động, bảo đảm hậu cần theo các phương án, tình huống tác chiến bảo vệ Tổ quốc trong điều kiện chiến tranh công nghệ cao của hậu cần các cấp. Đồng thời, coi trọng xây dựng, nâng cao chất lượng lực lượng hậu cần dự bị động viên, v.v. Các học viện, nhà trường, viện nghiên cứu và cơ quan chức năng của Tổng cục Hậu cần tích cực nghiên cứu bổ sung, phát triển lý luận hậu cần, phù hợp yêu cầu xây dựng Quân đội, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; tăng cường nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác hậu cần; xây dựng, bổ sung một số định mức về hậu cần cho trang bị mới, nhiệm vụ, đối tượng đặc thù. Chủ động nghiên cứu, triển khai các đề án, giải pháp ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu trong hoạt động công tác hậu cần; nghiên cứu xã hội hóa một số mặt công tác bảo đảm hậu cần phù hợp với điều kiện Quân đội, đất nước, v.v. Cùng với đó, toàn quân tiếp tục đẩy mạnh phong trào Thi đua ‘‘Ngành Hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy’’ gắn với thực hiện phong trào Thi đua Quyết thắng, Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo động lực xây dựng ngành Hậu cần Quân đội vững mạnh toàn diện.
Nhận thức sâu sắc vị trí, vai trò của công tác hậu cần và nắm vững mục tiêu, quan điểm chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, toàn quân tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thực hiện tốt Nghị quyết 623, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng, hiệu quả công tác hậu cần, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang, xây dựng Quân đội “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng trong tình hình mới.
Thượng tướng TRẦN ĐƠN, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Thứ trưởng Bộ Quốc phòng __________________
1 - Đến năm 2020, hệ thống doanh trại, cơ sở kho tàng cơ bản đồng bộ, chính quy, xanh, sạch, đẹp; nâng số cơ sở được sử dụng nước sạch đạt 100%, nâng cấp sân, đường nội bộ đạt 85%; cải tạo hệ thống điện hạ thế đạt 96%.
Nghị quyết 623-NQ/QUTW,Quân ủy Trung ương
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Xây dựng ngành Quân y mạnh về tổ chức, vững về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 08/08/2024
Quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Học viện Phòng không - Không quân đổi mới công tác giáo dục và đào tạo 15/07/2024
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển 11/07/2024
Bộ đội Biên phòng Sơn La phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 04/07/2024
Học viện Lục quân xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 04/07/2024
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc 24/06/2024
Quân khu 3 quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 2423 của Quân ủy Trung ương 14/06/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc*
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên