Thứ Ba, 10/09/2024, 14:26 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) đã quyết nghị và ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”. Quán triệt và thực hiện nghiêm Nghị quyết là cơ sở để xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vững mạnh, phục vụ đắc lực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là từ khi giành được chính quyền, Đảng ta luôn quan tâm đến xây dựng, đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; coi đó là nhiệm vụ cơ bản, quan trọng hàng đầu. Nhiệm vụ này được đặt trong tổng thể công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Trong quá trình tiến hành, thực hiện nghiêm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với phát triển; giữa đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Để lãnh đạo việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, Đảng ta đã ban hành và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiều chủ trương, nghị quyết, kết luận về nhiệm vụ này; tích cực nghiên cứu, xây dựng mô hình tổ chức của hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu, điều kiện cụ thể của nước ta trong từng giai đoạn, nên đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội được đổi mới; chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức được phân định, điều chỉnh hợp lý hơn, từng bước đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Hệ thống chính trị cơ bản ổn định, phù hợp với Cương lĩnh và Hiến pháp; bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, góp phần quan trọng vào những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối; hiệu lực, hiệu quả hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, mối quan hệ của một số cơ quan, tổ chức chưa thật rõ, còn chồng chéo, trùng lắp. Việc phân công, phân cấp, phân quyền giữa các ngành, các cấp và trong từng cơ quan, tổ chức chưa hợp lý; còn tình trạng bao biện, làm thay hoặc bỏ sót nhiệm vụ. Kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ đạt kết quả thấp, nhất là ở khối văn phòng; số lãnh đạo cấp phó nhiều; việc bổ nhiệm cấp “hàm” ở một số cơ quan Trung ương chưa hợp lý. Cơ chế kiểm soát quyền lực hiệu quả chưa cao; kỷ cương, kỷ luật trong quản lý nhà nước, thực thi công vụ còn yếu kém; cải cách hành chính chuyển biến chậm, không đồng bộ. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn yếu, nhất là ở cơ sở và trong doanh nghiệp nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Năng lực quản lý, điều hành và hiệu lực, hiệu quả hoạt động của một số cơ quan nhà nước còn hạn chế. Tổ chức bộ máy, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội chậm đổi mới, một số nhiệm vụ còn trùng lắp, “hành chính hoá”, “công chức hoá”, v.v.
Để khắc phục tình trạng đó, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) xác định việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề cơ bản, cấp bách hiện nay, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, cần quán triệt và thực hiện tốt một số vấn đề chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, thống nhất nhận thức về những vấn đề cơ bản mà Nghị quyết đề ra. Các cấp ủy, tổ chức đảng làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên về đổi mới, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế để tạo sự thống nhất cao trong Đảng và sự đồng thuận trong xã hội. Trong quá trình tiến hành đổi mới, sắp xếp tổ chức hệ thống chính trị phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân. Bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, Điều lệ, các văn kiện của Đảng và đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới kinh tế; bảo đảm sự đồng bộ giữa sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Trung ương với phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của địa phương, các cấp, các ngành. Kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Phương châm thực hiện là với những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp. Thực hiện một cơ quan đảm nhiệm nhiều việc, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, gắn với việc cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; giảm tỷ lệ người phục vụ, nhất là khối văn phòng v.v.
Thứ hai, tập trung rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối các tổ chức trong hệ thống chính trị. Trước thực trạng hệ thống chính trị hiện nay, phải kiên quyết giảm, không thành lập mới các tổ chức trung gian; giải thể, sắp xếp lại các tổ chức hoạt động không hiệu quả; không tăng đầu mối và biên chế. Theo đó, đối với hệ thống tổ chức của Đảng, cần cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của cấp ủy các cấp, các loại hình tổ chức cơ sở đảng theo hướng tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở cơ sở. Trên cơ sở đó, xây dựng quy chế làm việc trên các mặt công tác, nhất là các lĩnh vực trọng yếu. Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng quy định về tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng, điều kiện, quy trình hợp lý để lựa chọn cấp ủy viên, ủy viên thường vụ các cấp; sắp xếp lại bộ máy, đổi mới cơ chế hoạt động của các ban Đảng, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập; thí điểm việc kiêm nhiệm chức danh người đứng đầu hoặc hợp nhất ở một số cơ quan có chức năng, nhiệm vụ tương đồng, v, v. Đối với hệ thống tổ chức Nhà nước, thực hiện tăng tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách; nghiên cứu giảm số lượng đại biểu kiêm nhiệm ở các cơ quan hành pháp. Đổi mới, kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tập trung vào quản lý vĩ mô, nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành. Đồng thời, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác giữa các bộ, ngành; có sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, trên cơ sở phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của từng cấp, từng ngành; khắc phục triệt để sự trùng lắp, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; từng bước sắp xếp thu gọn các đầu mối, tinh giản biên chế, bỏ cấp trung gian, giảm cấp phó, v.v. Đối với chính quyền địa phương, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế xây dựng chính quyền địa phương, theo hướng phân định rõ hơn tổ chức bộ máy ở từng khu vực gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. Rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy bên trong của các sở, ngành theo hướng tinh gọn đầu mối, cắt giảm số lượng, sắp xếp lại đơn vị hành chính cho phù hợp; sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp, v.v. Đối với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và hội quần chúng, tiếp tục hoàn thiện bộ máy, tinh gọn đầu mối gắn với hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác và đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; từng bước khắc phục “hành chính hóa” hoạt động, “công chức hóa” cán bộ. Quy định chặt chẽ việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hội quần chúng, theo nguyên tắc: tự nguyện, tự quản, tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tuân thủ pháp luật, v.v.
Thứ ba, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức “vừa hồng”, “vừa chuyên”, thực sự là công bộc của dân. Cán bộ là “cái gốc” của mọi công việc; mọi việc thành công hay không đều do cán bộ tốt hay xấu. Bởi vậy, cùng với việc đổi mới, kiện toàn về mặt tổ chức, quy chế hoạt động, việc xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm là yếu tố quyết định hiệu quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị. Để làm được điều đó, trước hết phải làm tốt công tác tuyển dụng cán bộ vào làm việc tại các cơ quan trong hệ thống chính trị, đảm bảo thực sự khách quan, công tâm, công bằng, đúng tiêu chí, đúng người, đúng việc; đề cao vai trò của cấp ủy, người đứng đầu, tự chịu trách nhiệm trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý cán bộ, công chức. Đồng thời, làm tốt công tác giáo dục, nâng cao chất lượng chính trị, đạo đức nghề nghiệp, đạo đức công vụ, ý thức thức phục vụ nhân dân cho cán bộ, công chức; đề cao tính tích cực, chủ động, sáng tạo, liêm khiết trong công việc, không tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhũng nhiễu nhân dân. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ trên từng cương vị công tác, hướng về cơ sở; gắn lý luận với thực tiễn, nhận thức với hành động trong xử lý công việc. Phát huy vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức phải đi đôi với cải cách thủ tục hành chính, chế độ, chính sách, nhất là chế độ tiền lương, khen thưởng, tạo động lực cho họ cống hiến và phát triển. Xây dựng và thực thi chế tài nghiêm khắc, công khai, minh bạch trong mọi hoạt động; nghiêm trị và kiên quyết đưa ra khỏi hệ thống công quyền những hành vi vi phạm đạo đức công vụ, làm trái lương tâm, đạo đức xã hội, năng lực yếu, không đáp ứng được yêu cầu công việc, vi phạm pháp luật và các quy định của cơ quan, tổ chức, v.v.
Thứ tư, phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, lực lượng trong đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Trong đó, phải thực hiện nghiêm cơ chế: Đảng thống nhất lãnh đạo, Nhà nước quản lý, phát huy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả. Lãnh đạo tập trung, thống nhất; thực hiện thường xuyên, liên tục, tích cực, mạnh mẽ, có trọng tâm, trọng điểm, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài. Tăng cường phân cấp, phân quyền hợp lý giữa cấp trên với cấp dưới, giữa Trung ương và địa phương. Xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực bằng các quy định của pháp luật, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch và thường xuyên kiểm tra, giám sát, đề cao trách nhiệm giải trình; xây dựng chế tài, xử lý nghiêm những cơ quan, đơn vị, người đứng đầu có vi phạm. Tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa công tác kiểm tra của Đảng với thanh tra của Nhà nước, giám sát của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong các cơ quan công quyền; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cở sở, đảm bảo cho phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được khẳng định trong thực tiễn. Thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, bức xúc của người dân để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, quản lý, điều hành đúng đắn, hiệu lực, hiệu quả.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả là chủ trương đúng đắn của Đảng ta. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc chủ trương đó là trách nhiệm chính trị của mọi cán bộ, đảng viên và của cả hệ thống chính trị, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và quyền làm chủ của nhân dân, tạo sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế trong tình hình mới./.
Đại tá, TS. ĐỖ HỒNG LÂM
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Xây dựng ngành Quân y mạnh về tổ chức, vững về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 08/08/2024
Quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Học viện Phòng không - Không quân đổi mới công tác giáo dục và đào tạo 15/07/2024
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển 11/07/2024
Bộ đội Biên phòng Sơn La phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 04/07/2024
Học viện Lục quân xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 04/07/2024
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc 24/06/2024
Quân khu 3 quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 2423 của Quân ủy Trung ương 14/06/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc*
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên