Thứ Tư, 11/09/2024, 00:24 (GMT+7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết
Số II - Hiệu quả từ thực tiễn Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế
Trên cơ sở quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng và nắm vững chức năng, nhiệm vụ được giao, trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành hơn 70 năm qua, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, thiết thực góp phần tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước, nhất là ở các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo. Hiệu quả sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội được thể hiện trên tất cả các lĩnh vực, qua đó khẳng định bản chất, truyền thống phẩm chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” của dân, do dân và vì dân.
Trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chức năng, nhiệm vụ chiến đấu được đặt lên hàng đầu và phải đương đầu với kẻ thù xâm lược có tiềm lực quân sự mạnh và có ưu thế về vũ khí, trang bị hiện đại, chiến tranh diễn ra ác liệt, song, Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn thường xuyên coi trọng thực hiện chức năng “đội quân lao động sản xuất”. Các đơn vị Quân đội đã nêu cao tinh thần “tự lực tự cường”, vừa xây dựng, chiến đấu, công tác vừa tham gia lao động sản xuất bằng nhiều hình thức phù hợp, đáp ứng một phần lương thực, thực phẩm để phục vụ trực tiếp đời sống, bảo đảm cho bộ đội “ăn no, đánh thắng”. Đặc biệt, sau khi Bộ Quốc phòng ra Nghị định 030/NĐ, ngày 23-8-1956 về việc thành lập Cục Nông binh thì nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội có bước phát triển vượt bậc; gần 08 vạn cán bộ, chiến sĩ đã chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, trực tiếp tham gia xây dựng những công trình trọng điểm của đất nước, như: Khu Công nghiệp Việt Trì, Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, công trình Đại thủy nông Bắc Hưng Hải; Nông trường Điện Biên, v.v. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, việc tham gia sản xuất của các đơn vị tiếp tục được duy trì, trọng tâm là xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần tại chỗ trên chiến trường miền Nam; nhất là trên các địa bàn chiến lược Khu 5, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ, v.v. Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 trung đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là tổ chức sản xuất lương thực và cung cấp hậu cần cho các chiến trường, góp phần tích cực vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Bước sang thời kỳ cả nước thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cùng với thực hiện nhiệm vụ trung tâm, thường xuyên là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, Quân đội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế. Các đoàn Kinh tế - quốc phòng, các doanh nghiệp Quân đội không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh kết hợp với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng. Hiệu quả từ thực tiễn Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế thể hiện ở một số điểm nổi bật sau:
1. Quân đội đã phát huy vai trò nòng cốt trong xây dựng các khu kinh tế -quốc phòng, tham gia xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, vùng căn cứ cách mạng.
Sau khi thống nhất đất nước (1975), cánh mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó, phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, được đặt lên hàng đầu. Trong bối cảnh mới, Quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế có điều kiện thuận lợi hơn, mở rộng và hiệu quả hơn. Đáng chú ý là, thời kỳ này có gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ của Quân đội chuyển sang sản xuất, xây dựng, phát triển kinh tế; chủ yếu làm nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, tham gia phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh với nhiều loại hình tổ chức hoạt động đa dạng, phong phú, phù hợp, như: đơn vị kinh tế - quốc phòng, doanh nghiệp Quân đội, các đơn vị bộ đội chủ lực, đơn vị sự nghiệp công lập, v.v. Ngay từ tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định thành lập Binh đoàn 12 - Tổng công ty Trường Sơn, trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn. Binh đoàn có nhiệm vụ chủ yếu là: xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, thủy điện, đường giao thông,... ở các địa bàn chiến lược, gồm một số tỉnh biên giới có nhiều khó khăn và 5 tỉnh nước bạn Lào. Năm 2016, trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Binh đoàn vẫn nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu đề ra. Giá trị sản xuất của Binh đoàn đạt hơn 4.500 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 50,5 tỷ đồng. Ngày 20-02-1985, Binh đoàn 15 được thành lập có nhiệm vụ chủ yếu là: phát triển kinh tế (tập trung mũi nhọn vào trồng, khai thác cây cao su, cà phê) gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, xây dựng dân cư - xã hội trên địa bàn chiến lược Tây Nguyên. Bằng chính sách ưu tiên tuyển dụng lao động tại chỗ là người dân tộc thiểu số, Binh đoàn đã bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho 17.000 lao động, trong đó có trên 7.000 công nhân là người dân tộc thiểu số tại chỗ. Năm 2016, mặc dù hoạt động trong điều kiện môi trường sản xuất, kinh doanh không thuận lợi, song giá trị sản xuất của Binh đoàn vẫn đạt 1.770,32 tỷ đồng (vượt 10,86% kế hoạch); nộp ngân sách nhà nước 268,20 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 63,70 tỷ đồng. Đó là hai trong số những đơn vị kinh tế - quốc phòng (ở cấp binh đoàn) điển hình về hiệu quả hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược.
Đặc biệt, các khu kinh tế - quốc phòng lần lượt được thành lập theo Quyết định 135/1998/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã hoạt động hiệu quả, có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, tạo nên diện mạo, thế và lực mới trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển đảo của Tổ quốc, góp phần bảo vệ vững chắc Tổ quốc và tham gia tích cực vào xây dựng đất nước. Hiện nay, có 28/33 khu kinh tế - quốc phòng đã được triển khai, gồm 24 khu kinh tế - quốc phòng đang được đầu tư, 02 khu đã phê duyệt quy hoạch nhưng chưa đầu tư, 02 khu mới phê duyệt đề cương nhiệm vụ, chưa duyệt quy hoạch; có 05 khu kinh tế - quốc phòng chưa triển khai. Ngoài ra, có khu kinh tế - quốc phòng Gia Phú – Bù Gia Mập do Quân khu 7 quản lý đã hoàn thành dự án và kết thúc đầu tư, bàn giao cho địa phương. Một số khu kinh tế - quốc phòng được triển khai trên các địa bàn chiến lược trọng yếu, như: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Nghệ An, v.v. Trong quá trình thực hiện dự án, các đoàn Kinh tế - quốc phòng đã phối hợp, giúp các địa phương xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, điều kiện sinh sống bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân định cư lâu dài, hình thành hàng trăm điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu, tạo thế bố trí mới trên các địa bàn chiến lược. Quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, các đoàn Kinh tế - quốc phòng luôn tích cực hỗ trợ nhân dân xóa đói giảm nghèo, phát triển sản xuất, kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ,... góp phần tăng cường tiềm lực, lực lượng và thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân. Từ năm 2000 đến nay, các đoàn Kinh tế - quốc phòng đã đón nhận 101.000 hộ dân vào sinh sống, lập nghiệp; xây dựng mới 536 điểm dân cư tập trung với hơn 32.000 hộ dân; xóa 344 thôn, bản “trắng” đảng viên; củng cố, giúp hàng nghìn chi bộ, tổ chức chính trị - xã hội cơ sở ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới đi vào hoạt động có nền nếp. Các khu kinh tế - quốc phòng đã và đang phát huy hiệu quả to lớn về nhiều mặt, đi vào thực chất hơn, thực sự là nhân tố quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, thực hiện chính sách dân tộc, tôn giáo, phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh trên các địa bàn chiến lược.
Cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, các đơn vị thường trực và bộ đội địa phương (nòng cốt là Bộ đội Biên phòng, Hải quân, bộ đội các quân khu, quân đoàn) còn tích cực tham gia các chương trình, dự án của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đặc biệt khó khăn, như: Dự án 135, 137, 661, Phong trào thi đua “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”,... góp phần phát triển kinh tế - xã hội và tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng, an ninh của đất nước. Điều đặc biệt quan trọng là, các đoàn Kinh tế - quốc phòng là những đơn vị dự bị động viên cấp sư đoàn, sẵn sàng động viên đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc khi đất nước có chiến tranh. Như vậy, cần khẳng định đây là những đơn vị Quân đội đang thực hiện ba chức năng cơ bản; trong đó, thời bình là “đội quân lao động sản xuất, đội quân công tác và đội quân chiến đấu”, trong thời chiến là “đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất”. Ba chức năng đó của Quân đội nhân dân Việt Nam được quán triệt, thực hiện trong mọi thời kỳ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Tuy nhiên, trong từng thời kỳ, đối với mỗi đơn vị lại được giao nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với từng loại hình, đặc thù hoạt động.
2. Các doanh nghiệp Quân đội đã không ngừng đổi mới, phát triển, hội nhập, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh gắn với thực hiện nhiệm vụ quốc phòng.
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp Quân đội đã phát huy lợi thế, chủ động vượt khó vươn lên, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường tiềm lực quốc phòng, thực hiện chính sách xã hội, chính sách hậu phương quân đội. Các doanh nghiệp Quân đội luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của Bộ Quốc phòng, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng vạn lao động. Năm 2016, tổng doanh thu của các doanh nghiệp Quân đội đạt trên 340 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 50 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 43 nghìn tỷ đồng. Người lao động trong các doanh nghiệp Quân đội có thu nhập bình quân đạt 11,83 triệu đồng/người/tháng. Sáu tháng đầu năm 2017, doanh thu của các doanh nghiệp Quân đội ước đạt 189 nghìn tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước trên 21 nghìn tỷ đồng. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu mạnh, giữ vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Hiện nay, các doanh nghiệp Quân đội đang có 35 dự án đầu tư ra nước ngoài với tổng số vốn hơn 3,79 tỷ USD. Nổi bật trong số này là Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel). Viettel được thành lập theo Quyết định 2079/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; là doanh nghiệp kinh tế - quốc phòng 100% vốn nhà nước do Bộ Quốc phòng thực hiện quyền chủ sở hữu. Viettel là một trong những công ty viễn thông có tốc độ phát triển nhanh và nằm trong Top 15 các công ty viễn thông toàn cầu về số lượng thuê bao. Năm 2016, doanh thu của Tập đoàn đạt hơn 226.558 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế khoảng 43.200 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 40.396 tỷ đồng. Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) là một trong những doanh nghiệp logistic hàng đầu của Việt Nam, chiếm 25% thị phần vận tải biển nội địa. Năm 2016, doanh thu đạt 17.263 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 1.952 tỷ đồng; tăng trưởng bình quân 21%/năm. Dịch vụ khai thác cảng container của đơn vị hiện chiếm gần 50% thị phần container nhập khẩu của Việt Nam, 89% thị phần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh. Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MBBank) được đánh giá là một trong những ngân hàng lớn, có uy tín hiện nay; năm 2016, doanh thu đạt 17.972 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.884 tỷ đồng, tăng 13% so với năm 2015. Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam, tăng trưởng doanh thu hằng năm trên 25%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn đạt 30%. Tổng Công ty 319 có 11 đơn vị trực thuộc, nổi bật với các dự án hạ tầng giao thông; doanh thu năm 2016 đạt gần 9.400 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế gần 200 tỷ đồng. Tổng Công ty 36 là một trong những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thi công xây lắp và xây dựng cơ bản; doanh thu năm 2016 đạt gần 3.700 tỷ đồng; quy mô tổng tài sản gần 7.000 tỷ đồng. Cùng với đó là các Binh đoàn 11, 16, Tổng Công ty Sông Thu, Tổng Công ty Ba Son, Tổng Công ty Thành An, Tổng Công ty 28, Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Vạn Xuân, v.v. Các doanh nghiệp Quân đội đã và đang khẳng định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng cường nguồn lực cho phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước. Cùng với đó, các doanh nghiệp Quân đội còn tăng cường hoạt động kinh tế đối ngoại, xúc tiến thương mại, đầu tư và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo tinh thần Nghị quyết 22-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá XI) Về Hội nhập quốc tế và Nghị quyết 806-NQ/QUTW của Quân uỷ Trung ương Về hội nhập quốc tế và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo. Chủ động mở rộng quan hệ thương mại quân sự, xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch kết hợp hoạt động đối ngoại quốc phòng với hoạt động kinh tế đối ngoại theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Nhiều doanh nghiệp Quân đội là đối tác kinh tế quốc tế có uy tín, góp phần tích cực vào công tác đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay các doanh nghiệp Quân đội đang xúc tiến việc sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động theo Nghị quyết 425-NQ/QUTW ngày 18-5-2017 của Quân ủy Trung ương.
3. Các đơn vị thường trực luôn nêu cao tinh thần tự lực tự cường, phát huy tiềm năng, lợi thế đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống của bộ đội.
Các đơn vị thường trực với nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đồng thời tích cực tăng gia sản xuất cải thiện đời sống cho bộ đội. Trong đó, tập trung vào một số hình thức, như: trồng trọt, chăn nuôi, đánh bắt hải sản, chế biến và một số dịch vụ khác. Hằng năm, các đơn vị tự túc được trên 90% nhu cầu rau xanh; 60-65% nhu cầu thịt, cá; trong đó, nhiều đơn vị tự túc được 100% nhu cầu thực phẩm. Nhờ đó, các đơn vị đã tạo được nguồn thực phẩm tại chỗ vững chắc, ổn định, cải thiện trực tiếp bữa ăn hằng ngày, đảm bảo sức khỏe của bộ đội và tạo nguồn thu bổ sung cho hoạt động của đơn vị. Các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các cơ sở nghiên cứu, nhà trường, bệnh viện của Quân đội đã phát huy thế mạnh, tận dụng tốt nguồn lực. Cùng với đặt trọng tâm vào thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị được giao, các đơn vị sự nghiệp công đã chủ động tổ chức bộ máy, tận dụng năng lực dôi dư để tham gia các hoạt động gắn với đặc thù chuyên ngành, góp phần cung cấp nguồn nhân lực, công nghệ và dịch vụ có chất lượng cao cho xã hội, tạo nguồn thu để bổ sung ngân sách quốc phòng; đồng thời, tăng cường nguồn lực phục vụ các hoạt động sự nghiệp, cải thiện đời sống cán bộ, chiến sĩ, công nhân, viên chức quốc phòng và người lao động.
Tuy nhiên, hoạt động sản xuất, xây dựng kinh tế của các doanh nghiệp Quân đội vẫn còn những khó khăn, bất cập và hạn chế. Cơ chế quản lý, công tác quy hoạch và hiệu quả xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng chưa cao; công tác chỉ đạo và tổ chức tham gia phát triển kinh tế biển còn phân tán, hiệu quả chưa tương xứng với tiềm năng; việc kiểm tra, giám sát hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Quân đội và quản lý đất quốc phòng có mặt chưa chặt chẽ; hiệu quả kinh doanh của một số doanh nghiệp Quân đội chưa cao; tiến độ cổ phần hóa còn chậm so với yêu cầu; định hướng chiến lược dài hạn cho phát triển kinh tế đối ngoại chưa rõ, v.v.
Những kết quả đạt được nêu trên có ý nghĩa quan trọng về nhiều mặt, đồng thời khẳng định: Quân đội tham gia lao động sản xuất, xây dựng đất nước đã mang lại hiệu quả toàn diện, trở thành một nguồn lực quan trọng của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; là lực lượng nòng cốt giải quyết các vấn đề về quốc phòng, an ninh, kinh tế - xã hội trên các địa bàn chiến lược, nơi biên giới, hải đảo của Tổ quốc.
MẠNH HÀ - MẠNH DŨNG - MẠNH TUẤN ______________________
Số tiếp theo và hết: III - Một số giải pháp nâng cao hiệu quả tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội
Quân đội tham gia sản xuất,xây dựng kinh tế
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên 05/09/2024
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới 26/08/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc* 22/08/2024
Xây dựng ngành Quân y mạnh về tổ chức, vững về chuyên môn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ 08/08/2024
Quán triệt Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW, Học viện Phòng không - Không quân đổi mới công tác giáo dục và đào tạo 15/07/2024
Cảnh sát biển Việt Nam nâng cao hiệu quả nghiên cứu, đánh giá tình hình, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật trên biển 11/07/2024
Bộ đội Biên phòng Sơn La phát huy vai trò nòng cốt xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh 04/07/2024
Học viện Lục quân xây dựng nhà trường thông minh, hiện đại theo Nghị quyết số 1657-NQ/QUTW 04/07/2024
Tư duy mới của Đảng về tăng cường mối quan hệ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại trong Chiến lược bảo vệ Tổ quốc 24/06/2024
Quân khu 3 quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 2423 của Quân ủy Trung ương 14/06/2024
Vận dụng phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc*
Tư duy của Đảng về phát triển công nghiệp quốc phòng, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới
Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh quán triệt, thực hiện chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên