Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 14/12/2017, 15:27 (GMT+7)
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế quân nhân

Bảo hiểm y tế đối với quân nhân tại ngũ là vấn đề mới cả về nhận thức và phương thức tổ chức thực hiện. Do đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong việc thực hiện chính sách này là hết sức cần thiết, bảo đảm nâng cao hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe bộ đội, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng, Nhà nước.

Ngày 01-9-2015, Chính phủ ban hành Nghị định 70/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu. Việc quân nhân tham gia bảo hiểm y tế thể hiện sự chăm lo, quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với Quân đội và trách nhiệm, sự nghiêm túc, chủ động của Quân đội trong việc thực thi pháp luật về bảo hiểm y tế. Tham gia bảo hiểm y tế, quân nhân được khám, chữa bệnh tại 1.170 cơ sở y tế trên toàn quốc và được quỹ bảo hiểm chi trả 100% chi phí khám, chữa bệnh. Thực hiện tốt bảo hiểm y tế quân nhân là đảm bảo cho lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng, Nhà nước; đồng thời, huy động được các nguồn lực của xã hội, trước hết là hệ thống y tế quốc gia và ngành Bảo hiểm xã hội trong việc chăm sóc sức khỏe cho bộ đội, thay vì nhiệm vụ này trước đây chỉ do ngành Quân y đảm nhiệm.

Thực hiện Nghị định của Chính phủ, Quân ủy Trung ương đã ban hành Chỉ thị 210-CT/QUTW, ngày 01-4-2016 “Về việc lãnh đạo tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế đối với quân nhân tại ngũ giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo” để lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất trong toàn quân. Trên cơ sở đó, Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng đã phối hợp triển khai thực hiện bảo hiểm y tế quân nhân ở nhiều cơ quan, đơn vị trong toàn quân. Sau hơn một năm thực hiện đã đạt được một số kết quả bước đầu, như: tình hình sức khỏe của bộ đội tiếp tục được giữ vững, tỷ lệ quân số khỏe duy trì ở mức cao; việc cấp cứu, điều trị quân nhân trong hệ thống quân y bảo đảm, có sự liên thông trong khám, chữa bệnh và chuyển tuyến với cơ sở y tế dân sự (trước đây không có sự liên thông này); quyền lợi khám chữa bệnh được quỹ bảo hiểm y tế chi trả toàn bộ như trước đây. Các cơ sở quân y khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế có điều kiện nâng cao năng lực chuyên môn, củng cố, nâng cấp trang thiết bị y tế và cơ sở vật chất. Nhờ đó, thu dung điều trị ở tuyến cơ sở tăng lên, giảm tải cho tuyến trên, phù hợp chủ trương của Đảng, Chính phủ về chiến lược phát triển y tế trong giai đoạn hiện nay1. Thông qua khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, các cơ sở y tế Quân đội cũng có thêm thu nhập để đầu tư trang thiết bị, nâng cao tay nghề và đời sống cho thầy thuốc để họ yên tâm làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn có những hạn chế, như: nhận thức về chế độ chính sách bảo hiểm y tế quân nhân của một số cán bộ, chiến sĩ chưa thấu đáo; quy trình, thủ tục, hồ sơ cấp chứng chỉ hành nghề cho y, bác sỹ và giấy phép hoạt động cho các cơ sở quân y chưa kịp thời, đồng bộ; một số cơ sở quân y chưa đủ điều kiện về trang thiết bị y tế, cơ sở hạ tầng và nhân lực. Bên cạnh đó, đặc thù hoạt động quân sự cũng ảnh hưởng không nhỏ tới quy trình khám, chữa bệnh cho quân nhân, v.v.

Đại tá Nguyễn Văn Định phát biểu khai mạc lớp tập huấn nghiệp vụ
bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế toàn quân khu vực phía Nam năm 2017.
(Ảnh: baoquankhu7.vn)

Theo lộ trình, từ năm 2018 sẽ thực hiện bảo hiểm y tế với 100% quân nhân tại ngũ. Để chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, nhân tố quyết định là sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong tổ chức thực hiện; trong đó tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức để mọi quân nhân hiểu đúng, đủ ý nghĩa, quyền lợi, nghĩa vụ của mình và tham gia có trách nhiệm vào thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quân nhân, bảo đảm cho việc triển khai, tổ chức thực hiện được kịp thời, chặt chẽ, đúng quy định ngay từ đầu. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần tiếp tục quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Quân ủy Trung ương, chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế. Trọng tâm là Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 22-11-2012 của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020”; Luật Bảo hiểm y tế; Nghị định 70/2015/NĐ-CP, ngày 01-9-2015 của Chính phủ; Chỉ thị 210-CT/QUTW, ngày 01-4-2016 của Quân ủy Trung ương, v.v. Trước hết, cần thống nhất nhận thức là thực hiện bảo hiểm y tế quân nhân chỉ thay thế phương thức thực hiện và nguồn bảo đảm tài chính trong khám, chữa bệnh thường xuyên, thời bình từ ngân sách nhà nước sang quỹ bảo hiểm y tế. Các khoản ngân sách nhà nước bảo đảm cho các nhiệm vụ khác, như: y tế cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, thảm họa, thời chiến, nhiệm vụ đặc biệt, đào tạo, huấn luyện y tế,... đối với Quân đội vẫn thực hiện theo quy định hiện hành của Chính phủ và Bộ Quốc phòng. Cùng với đó, cần thực hiện đa dạng hóa hình thức phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn về chế độ, chính sách bảo hiểm y tế đến mọi quân nhân; tuyên truyền thường xuyên, liên tục trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng việc giải đáp trực tiếp những thắc mắc để quân nhân có thể tiếp cận nhanh và hiệu quả.

Hai là, củng cố các cơ sở quân y, bảo đảm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh. Hệ thống cơ sở quân y (bao gồm cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật và nguồn nhân lực) là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả thực hiện chính sách bảo hiểm y tế quân nhân. Vì vậy, cấp ủy, chỉ huy cấp có thẩm quyền cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, bảo đảm các điều kiện về tiêu chuẩn, thủ tục, hồ sơ để tất cả các cơ sở quân y và y, bác sĩ đều được cấp phép hoạt động và chứng chỉ hành nghề, tạo cơ sở pháp lý cho quá trình khám, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế. Đồng thời, củng cố, hoàn thiện tổ chức biên chế, bảo đảm đủ về số lượng y, bác sĩ theo quy định. Đối với cơ sở quân y tuyến dưới, đội ngũ y, bác sĩ chưa được tiếp xúc nhiều với các mặt bệnh, những trang thiết bị y tế hiện đại, vì thế chưa có nhiều kinh nghiệm trong khám, chữa bệnh. Do vậy, các cơ sở này cần chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu đề xuất để cấp ủy các cơ sở y tế đó tạo điều kiện cử y, bác sĩ đi đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ,... bảo đảm để họ được tiếp cận với những tiến bộ y học, sử dụng có hiệu quả những trang thiết bị mới, hiện đại và công nghệ thông tin. Tích cực giáo dục, nâng cao ý thức, trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ y, bác sĩ, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh theo quy định.

Theo Luật Bảo hiểm y tế, nếu quỹ bảo hiểm y tế dành cho khám, chữa bệnh không sử dụng hết trong năm thì được trích để lại 20% ở cơ quan bảo hiểm xã hội cấp tỉnh và sẽ được cấp cho các bệnh viện, bệnh xá mua sắm, sửa chữa trang thiết bị y tế. Do đó, các cơ sở quân y cần sử dụng hợp lý thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật, vừa bảo đảm quyền lợi của người bệnh, vừa quản lý chặt chẽ quỹ bảo hiểm y tế để có khoản kết dư; tích cực huy động kinh phí từ nhiều nguồn, kết hợp với phần ngân sách quốc phòng cấp cho ngành Quân y để đầu tư, xây dựng hạ tầng, mua sắm, nâng cấp trang thiết bị y tế cho các cơ sở quân y, nhất là tuyến cơ sở đáp ứng được tiêu chuẩn đề ra.

Ba là, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan, kịp thời phát hiện, khắc phục những vấn đề nảy sinh. Bảo hiểm y tế quân nhân là chính sách hoàn toàn mới đối với Quân đội và mỗi quân nhân, quá trình triển khai thực hiện đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của rất nhiều cơ quan liên quan (quân y, tài chính, cán bộ, quân lực, bảo hiểm xã hội,...). Vì vậy, việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo để từng cơ quan nhận thức và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác là yếu tố quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách bảo hiểm y tế quân nhân.

Theo đó, cơ quan cán bộ, quân lực chủ động tham mưu, giúp thủ trưởng đơn vị hướng dẫn, quán triệt quân nhân kê khai đúng, đủ, trung thực các thông tin cá nhân; rà soát, lập danh sách gửi về Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng theo quy chế quản lý tài liệu mật. Quá trình nhập dữ liệu trên phần mềm bảo đảm khớp chuẩn ngay từ đầu, tránh phải làm lại nhiều lần, gây lãng phí thời gian và công sức. Cùng với đó, từng quân nhân phải cân nhắc, lựa chọn nơi đăng ký khám, chữa bệnh ban đầu phù hợp, ưu tiên cơ sở quân y của đơn vị có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, hạn chế đến mức thấp việc cấp đổi thẻ. Đối với những trường hợp luân chuyển công tác, cơ quan nhân sự cần nhanh chóng đề nghị đổi thẻ bảo hiểm y tế để bảo đảm quyền lợi cho quân nhân tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Các cơ sở quân y phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan bảo hiểm xã hội đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thanh quyết toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; thực hiện đúng quy chế chuyên môn và nguyên tắc tài chính, bảo đảm quyền lợi cho người bệnh và cân đối quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Muốn vậy, các cơ sở khám, chữa bệnh phải xây dựng và được phê duyệt danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế phù hợp với trang thiết bị y tế được cấp và chuyên môn y tế; xây dựng và phê duyệt danh mục thuốc, vật tư y tế theo quy định của Bộ Y tế và đúng với tuyến chuyên môn của cơ sở y tế. Chỉ định thuốc, vật tư y tế phù hợp với chẩn đoán, tình trạng bệnh tật. Chú ý bảo đảm quyền lợi bảo hiểm y tế đối với quân nhân, đó là theo yêu cầu chuyên môn, quân nhân được chỉ định sử dụng thuốc, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật y tế ngoài phạm vi, danh mục bảo hiểm y tế, không áp dụng điều kiện, tỷ lệ như đối với các đối tượng bảo hiểm y tế khác. Tuyệt đối không được tạm thu hoặc thu bất kỳ chi phí khám, chữa bệnh nào của quân nhân; không để quân nhân tự chọn thuốc, dịch vụ kỹ thuật y tế khi cơ sở khám, chữa bệnh có thể bảo đảm được.

Phổ biến đầy đủ các quy định, hướng dẫn đến các bệnh viện dân y, bảo đảm việc chuyển tuyến giữa hai bên thuận lợi, thông suốt; thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận những vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Cấp ủy, chỉ huy các cấp cần thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các bộ phận liên quan, đặc biệt là trong sử dụng quỹ khám, chữa bệnh; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những tiêu cực.

Bảo hiểm y tế quân nhân là chính sách có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn, nhưng bước đầu thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn. Do vậy, cấp ủy, chỉ huy các cấp, đặc biệt là đơn vị cơ sở cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo kiên quyết, toàn diện để chính sách này đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho bộ đội; đồng thời, thực hiện thắng lợi chủ trương bảo hiểm y tế toàn dân của Đảng và Nhà nước ta.

Đại tá NGUYỄN VĂN ĐỊNH, Giám đốc Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng
___
____________

1 - Theo số liệu thống kê ban đầu, năm 2016, số lượng quân nhân khám, điều trị ở tuyến cơ sở tăng 10% - 14%, đồng thời, tuyến bệnh viện quân khu, quân đoàn, Tổng cục Hậu cần giảm khoảng 5%.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...