Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 10/04/2018, 07:10 (GMT+7)
Quân khu 1 tập trung xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc

Hiện nay, trước yêu cầu cao của nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, việc xây dựng khu vực phòng thủ đã, đang được Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, phù hợp, đạt hiệu quả.

Quân khu 1 là địa bàn chiến lược quan trọng cả về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của khu vực miền Bắc và cả nước. Đây là địa bàn có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (33,9%); kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển không đều, thu nhập bình quân đầu người thấp, khả năng huy động nguồn lực đầu tư cho quốc phòng của các địa phương còn khó khăn1. Trong khi đó, các thế lực thù địch đã, đang đẩy mạnh chống phá bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang trên địa bàn. Hoạt động thương mại qua biên giới diễn biến phức tạp; thiên tai, tai nạn, sự cố có chiều hướng gia tăng,… tác động không nhỏ đến việc thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nói chung, xây dựng, hoạt động của khu vực phòng thủ nói riêng. Nhận thức rõ điều đó và trên cơ sở quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị của trên, lực lượng vũ trang Quân khu đã phát huy vai trò nòng cốt, triển khai toàn diện các mặt công tác trong xây dựng khu vực phòng thủ, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Theo đó, Quân khu tập trung mọi nỗ lực xây dựng, củng cố hệ thống  chính trị, đoàn thể quần chúng và tổ chức chính trị - xã hội các cấp, nhất là Ban Chỉ đạo về khu vực phòng thủ cấp tỉnh, huyện ngày càng vững mạnh; vận hành linh hoạt, hiệu quả cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền điều hành, các cơ quan, ban, ngành làm tham mưu theo chức năng, cơ quan quân sự chủ trì phối hợp và làm nòng cốt trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Công tác giáo dục, phổ biến kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng được thực hiện nền nếp, theo phân cấp, bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Các chính sách xã hội: xóa đói giảm nghèo, dân tộc, tôn giáo,… được thực hiện thường xuyên, hiệu quả; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được nâng lên, tạo cơ sở để củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn. Công tác đối ngoại quốc phòng, ngoại giao nhân dân được coi trọng, góp phần xây dựng khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển. Đặc biệt, việc kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh trên từng khu vực, địa bàn có bước chuyển biến tích cực. Chất lượng tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang Quân khu không ngừng được nâng cao,… góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới, tạo điều kiện thuận lợi để các địa phương phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Tuy vậy, việc quán triệt, thực hiện các nghị quyết, nghị định về xây dựng, hoạt động khu vực phòng thủ của cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa đầy đủ, toàn diện; trong xây dựng thế trận quân sự khu vực phòng thủ mới dừng lại ở việc phục vụ diễn tập tác chiến phòng thủ các cấp, chưa chú trọng đến mục đích lưỡng dụng, lâu dài. Thực hiện chủ trương của Đảng về kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng - an ninh ở một số địa phương chưa hiệu quả, còn tư tưởng đề cao lợi ích kinh tế, xem nhẹ nhiệm vụ quốc phòng,… trong khi đó, yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc đòi hỏi ngày càng cao. Điều đó đặt ra cho lực lượng vũ trang Quân khu phải tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt, chủ động khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Để làm được điều đó, trước hết, lực lượng vũ trang Quân khu tập trung quán triệt sâu sắc các nghị quyết, chỉ thị, nghị định của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về xây dựng khu vực phòng thủ, trọng tâm là Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X); Nghị định 152/2008/NĐ-CP và Nghị định 02/2016/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 152 về xây dựng khu vực phòng thủ. Trên cơ sở đó, cụ thể hóa thành các kế hoạch, chương trình xây dựng khu vực phòng thủ trên từng địa bàn, địa phương cho phù hợp. Cơ quan quân sự các cấp thuộc Quân khu chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng khu vực phòng thủ đảm bảo phù hợp với khả năng và đặc điểm của địa bàn. Thường xuyên kiện toàn, phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo các cấp về khu vực phòng thủ, Hội đồng cung cấp các tỉnh trong thực hiện Chỉ thị 416/CT-BTL, ngày 07-3-2015 của Quân khu về “Tăng cường xây dựng khu vực phòng thủ giai đoạn 2015 - 2020”. Đồng thời, làm tốt công tác tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng khu vực phòng thủ, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh trên địa bàn.

Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh cho các đối tượng, làm nền tảng xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần khu vực phòng thủ là giải pháp quan trọng. Xuất phát từ đặc điểm địa bàn miền núi, dân cư phân bố không đều, trình độ dân trí còn thấp, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, nên Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu tập trung chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương pháp giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh theo hướng đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Nội dung giáo dục, bồi dưỡng phải toàn diện, nhưng hướng trọng tâm vào quán triệt sâu sắc quan điểm, đường lối quốc phòng, quân sự của Đảng; chủ trương xây dựng khu vực phòng thủ; âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; mối quan hệ giữa kinh tế với quốc phòng, v.v. Quá trình thực hiện, cần vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, phương pháp giáo dục. Theo đó, cơ quan quân sự các cấp tích cực làm tham mưu và phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác giáo dục, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng và an ninh thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan báo, đài của Quân khu và từng địa phương. Chú trọng bồi dưỡng đối tượng là bí thư chi bộ, già làng, trưởng bản, chức sắc, chức việc tôn giáo. Bởi, đây là những người vừa trực tiếp đưa đường lối, quan điểm của Đảng tới toàn dân, vừa trực tiếp triển khai thực hiện. Đồng thời, thực hiện nền nếp, hiệu quả Quy chế Dân chủ ở cơ sở, làm tốt công tác dân vận, tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, làm cho nhân dân tin, theo Đảng, ủng hộ chính quyền, cống hiến sức người, sức của trong xây dựng và hoạt động của khu vực phòng thủ.

Để tăng cường tiềm lực kinh tế trong khu vực phòng thủ, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu xác định, đẩy mạnh kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, xây dựng địa bàn an toàn, vững mạnh. Theo đó, Quân khu đã chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tham mưu, hướng dẫn, giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương phát triển kinh tế - xã hội gắn với tăng cường quốc phòng - an ninh. Thời gian qua, chủ trương này được cấp ủy, chính quyền các địa phương cụ thể hóa và triển khai thực hiện ngay từ quy hoạch, kế hoạch phát triển tổng thể, nhằm bảo đảm cho kinh tế và quốc phòng phát triển cân đối, hài hòa, thường xuyên hỗ trợ, tác động lẫn nhau. Trên nền tảng đó, thời gian tới, Quân khu phối hợp với các địa phương tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, toàn diện, nhất là đối với hạ tầng giáo dục - đào tạo, y tế, bưu chính viễn thông,… hệ thống đường tuần tra biên giới, công trình nông thôn mới; xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu, cụm công nghiệp lưỡng dụng; điều chỉnh lại thế bố trí dân cư gắn với quy hoạch phát triển kinh tế địa phương và phương án tác chiến phòng thủ các cấp, v.v. Đồng thời, tăng cường xây dựng các cơ chế đặc thù đối với địa phương đặc biệt khó khăn, theo phương châm: “ưu tiên phát triển kinh tế nhưng không làm ảnh hưởng đến nhiệm vụ quốc phòng”; triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Bảo đảm quốc phòng” trên địa bàn 03 tỉnh (Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn) theo kế hoạch đã phê duyệt. Chú trọng nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp quốc phòng, đơn vị làm kinh tế trên địa bàn, gắn với đẩy mạnh xây dựng tổ chức chính trị cơ sở địa phương vững mạnh, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Cùng với đó, Quân khu tập trung xây dựng lực lượng vũ trang địa phương vững mạnh, thế trận quân sự liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu và chuyển hóa linh hoạt,… tạo tiềm lực quân sự vững chắc cho khu vực phòng thủ. Đối với lực lượng thường trực, Quân khu chủ trương xây dựng bộ đội chủ lực theo hướng tinh, gọn, mạnh, cơ động, linh hoạt, có chất lượng tổng hợp, khả năng sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao, ưu tiên xây dựng các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, địa bàn chiến lược trọng yếu. Xây dựng bộ đội địa phương, nhất là cơ quan quân sự các cấp vững mạnh về mọi mặt, không ngừng nâng cao năng lực tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm  nòng cốt trong xây dựng khu vực phòng thủ. Xây dựng lực lượng dự bị động viên có chất lượng toàn diện ngày càng cao, sẵn sàng động viên thực hiện nhiệm vụ khi cần thiết. Với lực lượng dân quân, tự vệ, cùng với tập trung xây dựng “vững mạnh, rộng khắp”, có cơ cấu hợp lý, Quân khu coi trọng nâng cao chất lượng và độ tin cậy về chính trị, đủ sức bảo vệ trị an, góp phần giữ vững ổn định chính trị - xã hội ngay từ cơ sở.

Trong xây dựng thế trận quân sự, Quân khu chỉ đạo cơ quan quân sự các cấp tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tự cân đối ngân sách để từng bước hoàn thiện thế trận theo hướng: liên hoàn, vững chắc, có chiều sâu, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, bí mật, an toàn; phù hợp với đặc điểm địa hình, thế đứng chân các lực lượng cơ động của Bộ, Quân khu trên địa bàn và phương án tác chiến phòng thủ các cấp. Kết hợp chặt chẽ giữa làm mới với tiếp tục cải tạo, nâng cấp các công trình, hang động có sẵn nhằm giảm chi phí nhưng vẫn bảo đảm mục đích sử dụng. Quân khu phấn đấu đến năm 2020, việc xây dựng Sở chỉ huy thời chiến đạt 70% cấp tỉnh, 30% cấp huyện. Trước mắt, tập trung đầu tư xây dựng điểm khu vực phòng thủ tại tỉnh Bắc Giang; trên cơ sở đó, tổ chức rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn Quân khu. Quá trình xây dựng thế trận, cần thực hiện tốt phương châm “làm đến đâu chắc đến đó”, gắn với công tác quản lý, bảo vệ; ưu tiên đầu tư xây dựng những công trình chiến đấu thiết yếu, quan trọng trước, sau đó từng bước hoàn thiện các công trình bảo đảm còn lại theo kế hoạch đã phê duyệt, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ trên địa bàn Quân khu ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thiếu tướng, TS. TRẦN VĂN KÌNH, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu
_________________________

1 - 5/6 tỉnh chưa tự cân đối được ngân sách, còn phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn ngân sách trợ giúp của Trung ương.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...