Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 10/01/2012, 09:50 (GMT+7)
Quân đội chủ động tham gia hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong công cuộc đổi mới. Những năm qua, cùng với thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong đảm bảo quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển đất nước, Quân đội ta đã tích cực, chủ động tận dụng cơ hội, từng bước vượt qua khó khăn, thách thức, tham gia có hiệu quả vào tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.


Hội nghị tổng kết hội nhập kinh tế quốc tế năm 2010 và triển khai  kế hoạch, nhiệm vụ năm 2011 của Ban Hội nhập KTQT/BQP. (nguồn qdnd.vn)
 

Quán triệt Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 05-02-2007 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X, Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP, ngày 27-02-2007 của Chính phủ “Về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO”, hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT) của Quân đội đã được Đảng uỷ Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) và Bộ Quốc phòng quan tâm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ, bằng nhiều giải pháp phù hợp với đặc thù nhiệm vụ quân sự, quốc phòng (QS,QP); được các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quân đội (DNQĐ) tích cực thực hiện và đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Bộ Quốc phòng đã kịp thời ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP, cùng nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác để chỉ đạo, điều hành; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, DNQĐ triển khai việc tham gia hội nhập KTQT trên các lĩnh vực công tác. Ban Hội nhập KTQT Bộ Quốc phòng được thành lập và thường xuyên được củng cố, kiện toàn, đã cùng với Cục Kế hoạch và Đầu tư (Cơ quan Thường trực của Ban Hội nhập) duy trì hoạt động có nền nếp, hiệu quả; làm tốt chức năng tham mưu, kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn, chỉ đạo việc thực hiện hoạt động hội nhập của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân. Công tác giáo dục chính trị - tư tưởng, thông tin, tuyên truyền về hội nhập KTQT đã được cấp uỷ, chỉ huy, cơ quan tuyên huấn các đơn vị, các cơ quan báo chí quân đội tiến hành nghiêm túc, kịp thời, thực sự đi trước một bước, đem lại hiệu quả cao, tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng, nhất là ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động này. Trên cơ sở Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng, các đơn vị, DNQĐ đã chủ động xây dựng kế hoạch hành động với các giải pháp thiết thực, từng bước tham gia hội nhập theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

 Sau 5 năm tham gia hội nhập KTQT, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Đó là hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quốc phòng, nhất là các cơ chế, chính sách, quy chế về sản xuất, kinh doanh (SX,KD), thương mại, dịch vụ, xuất nhập khẩu, liên quan đến hoạt động kinh tế của Quân đội cơ bản đã được sửa đổi, bổ sung phù hợp với các quy định của WTO mà Việt Nam cam kết; phù hợp với pháp luật Nhà nước và đặc thù QS,QP. Qua đó, tạo khung pháp lý, môi trường thông thoáng, thuận lợi cho quá trình hội nhập KTQT của Nhà nước và Quân đội. Các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng, các DNQĐ đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, tích cực triển khai hoạt động xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, xây dựng các đề án hội nhập, hợp tác kinh tế và thu được kết quả khả quan. Công tác thương mại quân sự và đối ngoại quân sự được triển khai có hiệu quả trên nhiều hướng, cả song phương và đa phương, đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc củng cố, tăng cường một bước về tiềm lực, sức mạnh quân sự và thế trận quốc phòng toàn dân, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước. Cùng với đó, Quân đội cũng tích cực phối hợp, tham gia có hiệu quả vào các chương trình hợp tác KTQT của Nhà nước trong khuôn khổ APEC, ASEAN, hợp tác Việt Nam - EU…

Các DNQĐ (lực lượng giữ vai trò nòng cốt, thành phần chủ yếu, trực tiếp nhất tham gia quá trình hội nhập KTQT) được sắp xếp, đổi mới, chuyển đổi mô hình hoạt động theo hướng “gọn, mạnh, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao”, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Qua sắp xếp lại, số lượng đầu mối DNQĐ đã giảm đáng kể1, hình thành Tập đoàn Viễn thông Quân đội, các tổng công ty có quy mô lớn để có điều kiện tập trung đầu tư, phát triển và đổi mới công nghệ, tăng cường tiềm lực, nâng cao hiệu quả SX,KD. Hiện nay, cơ bản các DNQĐ đã hoàn thành việc chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, công ty cổ phần. Phần lớn trong số đó đã phát huy tốt quyền tự chủ, tìm được hướng phát triển phù hợp, hoạt động SX,KD có mức tăng trưởng khá, thích ứng được với thị trường trong nước và hội nhập thị trường thế giới. Tận dụng cơ hội mở ra trong quá trình hội nhập, các DNQĐ đã đẩy mạnh liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư ở cả trong nước và ngoài nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Một số DNQĐ đã chủ động đầu tư ra nước ngoài, bước đầu đạt hiệu quả, trở thành đối tác có uy tín, góp phần thúc đẩy tăng cường hội nhập. Đến hết năm 2010, đã có gần 40 dự án của các DNQĐ có vốn đầu tư nước ngoài với tổng số vốn hơn 1 tỷ USD; các DNQĐ đã đầu tư ra nước ngoài 17 dự án với tổng số vốn trên 720 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu của các DNQĐ (năm 2010) đạt 350 triệu USD, trong đó xuất khẩu đạt gần 200 triệu USD.

Những kết quả trên đây cho thấy, Quân đội không chỉ thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ, đảm bảo quốc phòng - an ninh (QP-AN), tạo môi trường thuận lợi cho tiến trình hội nhập KTQT của đất nước, mà đã và đang tham gia một cách tích cực và có hiệu quả vào tiến trình đó. Tuy nhiên, công tác hội nhập KTQT của Quân đội những năm qua vẫn còn những mặt hạn chế. Một bộ phận cán bộ nhận thức chưa đầy đủ về hội nhập KTQT, chưa thấy rõ trách nhiệm tham gia hội nhập. Một số cơ quan, đơn vị, DNQĐ còn chậm triển khai kế hoạch hội nhập, lúng túng trong chỉ đạo tổ chức thực hiện. Kiến thức về hội nhập, luật pháp kinh doanh quốc tế, trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm quản lý, tổ chức SX,KD của đội ngũ cán bộ ở các doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đòi hỏi. Một số doanh nghiệp chậm thích nghi với cơ chế thị trường, năng lực cạnh tranh hạn chế, hiệu quả SX,KD thấp. Hoạt động xúc tiến thương mại đã được triển khai, song còn nhỏ lẻ, rời rạc, hiệu quả chưa cao; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và doanh nghiệp trong việc dự báo tình hình, cung cấp, trao đổi thông tin, nhất là thông tin về thị trường còn hạn chế. Một số cơ chế, chính sách liên quan đến hội nhập KTQT chưa được hoàn thiện đồng bộ; việc đổi mới còn chậm, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn…

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, trong những năm tới, chúng ta tập trung đẩy mạnh hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực của đất nước với phương châm “đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế;… là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”2. Trong đó, hội nhập KTQT tiếp tục là ưu tiên hàng đầu, nội dung then chốt và là nền tảng của quá trình hội nhập quốc tế toàn diện. Trước bối cảnh đó, công tác hội nhập KTQT của Quân đội cần phải được đẩy mạnh và đặt ra yêu cầu cao hơn. Để tiếp tục tham gia hội nhập KTQT có hiệu quả, các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các đơn vị, doanh nghiệp trong toàn quân cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:

1. Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị - tư tưởng và thông tin, tuyên truyền trong toàn quân về hội nhập KTQT trong thời kỳ mới. Trong đó, chú trọng làm rõ quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng về hội nhập quốc tế, những vấn đề liên quan đến giữ vững QP-AN trong quá trình hội nhập, kết quả tham gia hội nhập KTQT của các đơn vị, DNQĐ,… Qua đó, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng nhận thức đầy đủ hơn về thời cơ và thách thức trong quá trình hội nhập của đất nước, của Quân đội, cũng như vai trò, trách nhiệm của Quân đội trong tiến trình hội nhập. Các cơ quan, đơn vị, DNQĐ tiếp tục quán triệt và cụ thể hoá, triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động của Bộ Quốc phòng thực hiện Nghị quyết số 16/2007/NQ-CP và Chỉ thị số 78/CT-BQP, ngày 02-8-2010 của Bộ Quốc phòng “Về việc đẩy mạnh hoạt động hội nhập KTQT” bằng các kế hoạch, giải pháp phù hợp. Trong quá trình thực hiện, cần quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Đảng về kết hợp kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế; quyết tâm giữ vững mục tiêu, định hướng trong quá trình hội nhập; thực hiện tốt phương châm “vừa hợp tác, vừa đấu tranh”, phân biệt rõ “đối tác” và “đối tượng”, không để bị động, không hội nhập bằng mọi giá, nhưng cũng không bỏ lỡ cơ hội. Cục Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là với Uỷ ban Quốc gia về hợp tác KTQT, bám sát nội dung, kế hoạch hội nhập KTQT của Chính phủ để tham mưu cho Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; đồng thời, làm tốt vai trò quản lý ngành trong quản lý nhà nước về hội nhập KTQT, tăng cường công tác đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của các đơn vị, doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh và những hạn chế, sơ hở để báo cáo, đề xuất Bộ biện pháp xử lý.

2. Tích cực xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách hành chính quân sự, vừa tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động hội nhập của Nhà nước và các đơn vị, DNQĐ, vừa đảm bảo yêu cầu về QP-AN. Trước mắt, chúng ta cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động kinh tế của Quân đội, đảm bảo phù hợp với chủ trương phát triển nền kinh tế đất nước và củng cố QP-AN trong giai đoạn mới. Đặc biệt, cần nghiên cứu, ban hành các chính sách khuyến khích việc mở rộng đầu tư, liên doanh, liên kết kinh tế của các doanh nghiệp, đơn vị quân đội làm kinh tế với các doanh nghiệp trong và ngoài nước; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào một số ngành công nghiệp lưỡng dụng của Quân đội. Cùng với đó, chú trọng mở rộng quan hệ thương mại quân sự theo định hướng của Đảng, Nhà nước; chủ động xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch kết hợp hoạt động đối ngoại quân sự với hoạt động kinh tế đối ngoại; tăng cường định hướng hoạt động kinh tế đối ngoại cho DNQĐ, có chính sách hỗ trợ các DNQĐ đầu tư ra nước ngoài. Để giúp các đơn vị, DNQĐ có điều kiện tiếp cận thông tin, nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư, mở rộng thị trường, các cơ quan chức năng cần thực hiện tốt cơ chế trao đổi thông tin, tăng cường thu thập thông tin kinh tế từ các nguồn, đẩy mạnh việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo tình hình, cung cấp kịp thời cho các doanh nghiệp. Các cơ quan chức năng và Hiệp hội DNQĐ cần tiếp tục phối hợp với Bộ Công thương đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và đầu tư, tích cực tổ chức và tham gia các hội thảo, hội chợ thương mại, triển lãm… để quảng bá rộng rãi thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ, năng lực của các DNQĐ ở cả trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần tổng kết toàn diện công tác hội nhập KTQT của Quân đội trong những năm qua, đánh giá đúng những mặt mạnh, mặt yếu kém, hạn chế, nguyên nhân và rút ra các bài học kinh nghiệm, để từ đó có những điều chỉnh, bổ sung về chủ trương, phương hướng, biện pháp, lộ trình tham gia hội nhập phù hợp, có hiệu quả trong thời gian tới.

3. Chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh và đẩy mạnh hoạt động hội nhập KTQT của các DNQĐ. Đây là một trong những mấu chốt quyết định sự tồn tại, phát triển của các DNQĐ trước sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt, khi chúng ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thời gian tới, các đơn vị, doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh của các DNQĐ trong tình hình mới. Trong đó, chú trọng rà soát, đẩy mạnh thực hiện tái cấu trúc DNQĐ theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 3, khoá XI và định hướng chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng. Trong quá trình thực hiện, các DNQĐ cần coi trọng kết hợp chặt chẽ giữa đẩy mạnh kiện toàn hệ thống tổ chức với hoàn thiện đồng bộ các thể chế, thiết chế của doanh nghiệp; tích cực đầu tư đổi mới công nghệ, hiện đại hoá cơ sở hạ tầng, nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công tác quản trị doanh nghiệp… Đặc biệt, phải coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược SX,KD phù hợp với mô hình hoạt động, đáp ứng yêu cầu hội nhập.

 Trên cơ sở chiến lược phát triển, các DNQĐ cần chủ động rà soát, điều chỉnh, xây dựng chiến lược hội nhập của doanh nghiệp; trong đó, cần xác định rõ nhiệm vụ, lộ trình tham gia hội nhập, phương án đầu tư, huy động vốn, phương hướng phát triển sản phẩm, xây dựng và sử dụng thương hiệu… Để nâng cao hiệu quả hội nhập KTQT, các DNQĐ cần nâng cao hơn nữa hiểu biết về các quy tắc, luật lệ, pháp luật kinh doanh quốc tế, các cam kết, lộ trình mở cửa của Việt Nam, nhất là pháp luật của các nước đối tác kinh doanh để tránh rủi ro, tranh chấp. Đồng thời, có sự ưu tiên và đầu tư bài bản cho các hoạt động marketing, quảng bá thương hiệu, sản phẩm, chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường; tích cực hợp tác, tiếp cận, mở rộng và chia sẻ thông tin thị trường; chủ động lựa chọn đối tác phù hợp, mở rộng liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp cả trong và ngoài Quân đội, doanh nghiệp nước ngoài, nhằm nâng cao hiệu quả SX,KD, đồng thời, đáp ứng tốt hơn cho nhiệm vụ QS,QP.

Thiếu tướng PHẠM QUANG VINH

Cục trưởng Cục Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng

__________

1 - Cuối năm 2007, toàn quân có 123 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước; qua các bước sắp xếp lại, hiện nay còn 91 doanh nghiệp (65 doanh nghiệp hoạt động theo hình thức độc lập, 26 doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con).

2 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 83.

 

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...