Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 06/06/2017, 15:45 (GMT+7)
Phòng chống tham nhũng - vấn đề sống còn của Đảng và chế độ

Tham nhũng là một hiện tượng xã hội, gắn liền với sự ra đời, hoạt động của nhà nước. Đây là thứ tệ nạn đặc biệt nguy hiểm, được ví như “quốc nạn”, “giặc nội xâm”, gây hậu quả to lớn đối với đời sống xã hội, thậm chí sự mất còn của chế độ và Tổ quốc. Bởi vậy, phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc chùm bài viết của tác giả: Đại tá, TS. Đỗ Hồng Lâm, với tiêu đề: “Phòng, chống tham nhũng – vấn đề sống còn của Đảng và chế độ”.

I. Tư tưởng Hồ Chí Minh về chống tham nhũng

Tham nhũng và phòng, chống tham nhũng là một trong những nội dung cơ bản của tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời, đó là mối quan tâm thường xuyên của Người trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến tham nhũng, tác hại của nó và cách phòng, chống. Người coi tham nhũng là có tội với dân, với nước, nguy hiểm như bọn việt gian bán nước, cần phải nghiêm trị thích đáng. Tư tưởng, tấm gương về phòng, chống tham nhũng của Bác mãi mãi là biểu tượng sinh động về đạo đức cách mạng, nhân cách của một người hết lòng vì dân, vì nước. Những lời dạy của Người vừa sâu sắc, toàn diện, vừa có tính khái quát, cụ thể, dễ hiểu và là kim chỉ nam trong cuộc đấu tranh với tệ nạn tham nhũng trước đây cũng như hiện nay.

Khi đề cập về tham ô (tham nhũng) Bác khẳng định: “Đứng về phía cán bộ mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công làm của tư; Đục khoét của nhân dân; Ăn bớt của bộ đội; Tiêu ít mà khai nhiều, lợi dụng của chung của Chính phủ để làm quỹ riêng cho địa phương mình, đơn vị mình. Đứng về phía nhân dân mà nói, tham ô là: Ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”1. Như vậy, chủ thể của hành vi tham ô là cán bộ, công chức - những người nắm chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước, nhưng cũng có thể người dân bình thường nếu “ăn cắp của công, khai gian, lậu thuế”. Biểu hiện của hành vi tham ô là biến “của công” thành “của tư”. “Của công” ở đây chính là tài sản của nhân dân, do nhân dân đóng góp, phục vụ mục đích chung: giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. “Của công” thành “của tư” tức là tài sản chung nhưng không được sử dụng đúng mục đích, mà thực chất bị chiếm dụng thành của riêng, quỹ riêng của cá nhân, tập thể, địa phương. Một trong những biểu hiện tham nhũng nữa mà Bác chỉ ra là, một số cán bộ được Chính phủ và nhân dân trả lương hằng tháng, nhưng lại kém lòng trách nhiệm, đứng núi này trông núi nọ, làm việc chậm chạp, ăn cắp giờ, v.v. Đây là hình thức tham ô tuy không gây hậu quả nghiêm trọng ngay, nhưng nếu xảy ra hằng ngày, liên tục sẽ làm giảm chất lượng, hiệu quả công việc, ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy công quyền, hiệu lực quản lý của nhà nước và đó là mối nguy hại lớn đối với sự nghiệp cách mạng. Bác Hồ chỉ rõ : “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ giặc ở trong lòng”; là hành động xấu xa nhất, tội lỗi nhất trong xã hội, nó làm hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà, hại đến công việc cải thiện đời sống của nhân dân, hại đến đạo đức cách mạng của cán bộ và công nhân. Trong khi chiến sỹ thì hy sinh xương máu, đồng bào thì hy sinh mồ hôi nước mắt để đóng góp công sức vào bảo vệ và kiến thiết nước nhà, mà những kẻ tham ô, lãng phí và quan liêu thì phá hoại tinh thần, phí phạm sức lực, tiêu hao của cải của chính phủ và của nhân dân vào mục đích riêng. Tội lỗi ấy cũng nặng như tội Việt gian mật thám, là “kẻ địch”, là “giặc nội xâm”, hoặc ngang hàng với “kẻ phản quốc”, v.v.

Tác hại do tham nhũng gây ra cực kỳ lớn. Nó không những làm thiệt hại về kinh tế mà còn làm xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ; làm rối loạn kỷ cương pháp luật, hư hỏng cán bộ, triệt tiêu động lực cơ bản nhất của sự phát triển. Hồ Chí Minh khẳng định: “Tham nhũng là kẻ thù nguy hiểm của nhân dân, của bộ đội và của chính phủ…, vì nó không mang gươm, mang súng, mà nó nằm trong các tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta… Nó làm hỏng tinh thần trong sạch và ý chí khắc khổ của cán bộ ta. Nó phá hoại đạo đức cách mạng ta là cần- kiệm - liêm - chính”2. Về nguyên nhân, nguồn gốc và điều kiện phát sinh tham nhũng, Người cho rằng, về khách quan thì tham ô là căn bệnh “tứ chứng nan y” của mọi nhà nước. Dù bất kỳ nhà nước nào (phong kiến, tư bản hay  xã hội chủ nghĩa), nếu không có sự giáo dục sâu sắc, kỷ cương, pháp luật nghiêm minh, mọi hoạt động của nhà nước không được đặt dưới sự kiểm tra, giám sát của nhân dân thì khó tránh khỏi tình trạng tham ô của cải nhà nước dùng vào lợi ích cá nhân, hoặc một nhóm người. Những người có chức có quyền, dù to hay nhỏ đều có điều kiện để tham nhũng, nếu như tâm không sáng, lòng không trong thì khi có cơ hội là họ thực hiện hành vi tham nhũng. Bởi theo Bác, những người trong các công sở, từ làng cho đến Chính phủ Trung ương đều có nhiều hoặc ít quyền hành, đều có dịp phát tài hoặc xoay tiền của Chính phủ, hoặc đục khoét nhân dân. Nếu không giữ cần, kiệm, liêm, chính, chí công, thì trở nên hủ hoá, biến thành sâu mọt của nhân dân. 

Về chủ quan, do cán bộ, công chức “vì thiếu đạo đức cách mạng, vì cá nhân chủ nghĩa mà sinh tham ô”, Người nói: “Chủ nghĩa cá nhân đẻ ra trăm thứ bệnh nguy hiểm: quan liêu, mệnh lệnh, bè phái, chủ quan, tham ô, lãng phí”3; rằng: “Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, làm hại đến lợi ích cách mạng, của nhân dân. Tóm lại, do cá nhân chủ nghĩa mà phạm nhiều sai lầm”4. Người còn chỉ rõ, có tham ô là vì bệnh quan liêu, đó chính là mảnh đất màu mỡ cho tham ô nảy nở và phát triển. Vì vậy, “chống tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu cũng quan trọng và cần kíp như việc đánh giặc trên mặt trận. Đây là mặt trận tư tưởng và chính trị”5. Ngoài ra, theo Bác, tham ô còn do trình độ hiểu biết, trình độ văn hoá và năng lực tổ chức, quản lý nhà nước yếu kém. Cho nên muốn chống tham ô, cần phải nâng cao trình độ của cán bộ, công chức cả về phẩm chất chính trị, đạo đức, phong cách và văn hoá cũng như năng lực tổ chức, quản lý nhà nước.

Nhằm nâng cao ý thức phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, đảng viên, Bác yêu cầu trước hết phải tạo nhận thức chung và có quyết tâm cao trong các cấp lãnh đạo, quản lý. Theo Người, đây là cuộc cách mạng nội bộ; là cuộc đấu tranh gay go giữa cái tốt và cái xấu, cái cũ và cái mới, giữa đạo đức cách mạng với tệ tham nhũng. Biện pháp quan trọng hàng đầu để đấu tranh chống tham nhũng chính là giáo dục tư tưởng cho quần chúng. Người nói: “làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng ức, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”6. Trong cuộc đấu tranh này, quần chúng nhân dân giám sát cán bộ, công chức, phát hiện sai phạm, phê bình, lên án các biểu hiện tiêu cực. Đồng thời, phản ánh, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp xử lý phù hợp, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không nể nang người có chức vụ, địa vị, với mục đích bảo vệ công lý, răn đe, làm gương cho những người đang hoặc có ý định tham ô. Cùng với đó, theo Bác là phải chống chủ nghĩa cá nhân, vì nó là thứ vi trùng rất độc, là kẻ thù nguy hiểm gây ra mọi sai lầm, tội lỗi. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân trong mỗi cán bộ, đảng viên, trong bộ máy của Đảng, Nhà nước thì Đảng mới thực sự trong sạch và vững mạnh. Đảng phải thực hành kỷ luật nghiêm minh, Nhà nước phải có các thể chế, luật pháp cụ thể, rõ ràng. Việc chống các hành vi tiêu cực phải quyết liệt, có tinh thần trung kiên, không khuất phục trước khó khăn, thử thách; phải kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, trong đó, “chống” là bảo đảm cho công việc “xây” thành công, “xây” phát triển mạnh mẽ thì đối tượng “chống’ sẽ được xóa bỏ tận gốc. Quá trình tiến hành phải đồng tâm, nhất trí, dựa vào sức mạnh của nhân dân, mạnh bạo xung phong, huy động được sự tham gia của các tổ chức, lực lượng.

Bác cho rằng, phải phát huy vai trò của báo chí trong nâng cao ý thức trách nhiệm đối với phòng, chống tham nhũng. Báo chí phải nêu được những việc kiểu mẫu, đăng những lời phê bình của quần chúng; làm cho mọi người thấy rõ những hành vi tham nhũng của công là tội ác. Và những ai, cơ quan nào được nhân dân và báo chí phê bình thì thật thà tự phê bình trước nhân dân, trên báo chí. Các ban thanh tra phải chú ý kiểm tra việc phòng, chống tham nhũng ở cơ quan mình; nghiêm chỉnh, kịp thời xem xét các vụ khiếu nại, tố giác; phải công khai, dân chủ, minh bạch trong mọi hoạt động, xử lý nghiêm minh những hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, gây lãng phí tài sản của nhân dân. Bác yêu cầu, trong kiểm thảo phải thực hiện nguyên tắc: cán bộ, đảng viên ở vị trí càng cao thì càng phải giữ đúng kỷ luật của Đảng, càng phải làm gương dân chủ, mạnh dạn, thật thà tự kiểm thảo; thật thà báo cáo tình hình của cơ quan, đơn vị mình cho mọi người trong toàn đơn vị, toàn ngành biết rõ. Qúa trình làm phải nắm vững trọng điểm, làm từng bước, từ cấp trên đến cấp dưới, từ bộ phận chính đến bộ phận phụ; lấy giáo dục là chính, trừng phạt là phụ; có khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; coi trọng tự phê bình và phê bình, chống thói “cả vú lấp miệng em”, ngăn cản quần chúng phê bình. Các cấp cần phát huy vai trò của chi bộ, đề cao trách nhiệm của chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị, xí nghiệp trong lãnh đạo phòng, chống tham nhũng. Mặt khác, phải khắc phục những ý nghĩ sai lầm, như: “những người có công với cách mạng nếu có tham ô chút đỉnh, cũng nên tha thứ cho họ”, hoặc tư tưởng trung bình chủ nghĩa “ai tham ô mặc ai, mình không tham ô thì thôi”, v.v. 

Hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về phòng, chống tham nhũng được Đảng ta xác định là một trong những nội dung cơ bản trong Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đồng thời, là biện pháp thiết thực để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên dù ở bất cứ cương vị nào cũng phải quán triệt, thấu suốt và thực hiện nghiêm túc, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

ĐẠI TÁ, TS. ĐỖ HỒNG LÂM
____
______________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H.2011

2- Sđd, tr. 357-358.

3 - Sđd, Tập 11, tr.611.

4 - Sđd, Tập 15, tr.547.

5 - Sđd, Tập 15, tr.358.

6 - Sđd, Tập 13, tr. 419.

(Số tiếp theo: II. Tham nhũng và những hệ lụy) 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...