Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Năm, 12/07/2012, 15:15 (GMT+7)
Phòng, chống tham nhũng, lãng phí - quyết tâm chính trị cao của Đảng ta

 Ngay từ những ngày đầu xây dựng chế độ mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm cảnh báo về tình trạng tham nhũng, lãng phí trong bộ máy công quyền; coi đó là “giặc nội xâm”, làm hỏng tinh thần và phá hoại đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên. Quán triệt sâu sắc tư tưởng đó, từ nhiều năm nay, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí và đã có nhiều cơ chế, chính sách, biện pháp mạnh mẽ. Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) vừa qua đã tiếp tục thể hiện quyết tâm chính trị cao nhằm đấu tranh với tệ nạn nguy hiểm này.

alt
Thành phố Hồ Chí Minh vinh danh người dũng cảm tố cáo tiêu cực ( Ảnh: SGGP)

Tham nhũng, lãng phí (TN,LP) ra đời và gắn liền với sự tồn tại, phát triển của nhà nước; nó hiện diện ở mọi quốc gia, không phân biệt sắc tộc, văn hoá và chế độ xã hội. Chủ thể của nạn TN,LP là những người có chức, có quyền. Họ lợi dụng sơ hở trong quản lý, điều hành của nhà nước để đưa, nhận hối lộ, tham ô, chiếm đoạt, sử dụng trái phép, làm thất thoát tài sản công. Nạn TN,LP luôn đồng hành với nhau; mỗi khi đội ngũ cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất, quản lý của nhà nước lỏng lẻo thì nó mới có điều kiện để thao túng mọi mặt đời sống xã hội. Ở nước ta hiện nay, TN,LP đang là vấn đề nhức nhối, gây ra những hậu quả hết sức nghiêm trọng; trực tiếp phá hoại công cuộc phát triển đất nước, gây mất ổn định chính trị, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đặc biệt, tệ nạn này đang làm tha hoá cán bộ, đảng viên (CB,ĐV); làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng; là tiền đề của mất ổn định xã hội; tạo điều kiện để các thế lực thù địch lợi dụng thực hiện chiến lược "Diễn biến hòa bình", gây bạo loạn lật đổ, làm suy yếu sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, v.v.

Những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đó có những chủ trương, phương hướng lãnh đạo, chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể về phòng, chống TN,LP. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, diễn đàn của Quốc hội, các kỳ đại hội Đảng các cấp, nhiều người đã phê phán gay gắt tệ nạn này, gọi đó là “quốc nạn”. Nghị quyết Đại hội IX của Đảng chỉ rõ: “Nạn tham nhũng diễn ra nghiêm trọng, kéo dài gây bất bình trong nhân dân và là một nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ ta. Phải tăng cường về tổ chức và cơ chế, tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, ở các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở… Xử lý nghiêm theo pháp luật và Điều lệ Đảng những CB,ĐV, công chức ở bất cứ cấp nào, lĩnh vực nào lợi dụng chức quyền để tham nhũng”1. Quán triệt tinh thần đó, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) đã ban hành Nghị quyết về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống TN,LP; Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020 và Kế hoạch triển khai Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng. Nhằm hiện thực hoá các nội dung trên, với chức năng, nhiệm vụ của mình, Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định thành lập các ban chỉ đạo, bộ phận giúp việc, bảo đảm cho việc thực thi các nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch phòng, chống TN,LP được thực hiện nghiêm túc. Theo đó, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết số 1039/2006/NQ-UBTVQH11về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị định số 107/2006/NĐ-TTg, quy định xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong đơn vị do mình quản lý, phụ trách; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thành lập mới Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng; Thanh tra Chính phủ thành lập Cục Chống tham nhũng; Bộ Công an thành lập Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng… Đồng thời, coi phòng, chống TN,LP là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng Đảng; nhiệm vụ trực tiếp, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Các cấp ủy và tổ chức đảng phải nhận thức sâu sắc tính cấp thiết, lâu dài, phức tạp của cuộc đấu tranh chống TN,LP; từ đó, đề ra biện pháp có tính đột phá, khả thi cao, đấu tranh kiên quyết, kiên trì, liên tục, có hiệu quả với thứ "giặc nội xâm" này.

Những chủ trương, biện pháp kiên quyết và đồng bộ đó đã thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng và Nhà nước ta, nhằm ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tệ nạn TN,LP, xây dựng bộ máy lãnh đạo và quản lý trong sạch, vững mạnh, khắc phục một trong những nguy cơ đe dọa sự sống còn của chế độ. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống TN,LP đã đạt được kết quả quan trọng, cả về nhận thức và hành động; nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được phát hiện, xử lý nghiêm minh trước pháp luật và quy rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức. Chỉ tính từ năm 2007 đến 2010, “cả nước có 276 người đứng đầu và cấp phó bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách. Ngành Thanh tra triển khai 53.954 cuộc thanh tra, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.300 tập thể, 11.022 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 439 vụ việc; phát hiện sai phạm về kinh tế 47.364 tỷ đồng, 7.280.236 USD; kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước 18.035 tỷ đồng, 993.978 USD”2.

 Mặc dù vậy, công tác phòng, chống TN,LP vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn; tình trạng TN,LP không giảm mà có xu hướng tăng. Đại hội XI của Đảng nhận định: “Công tác phòng, chống TN,LP chưa đạt yêu cầu đề ra. Quan liêu, TN,LP vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện tinh vi, phức tạp, chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc xã hội”3. Đặc biệt, một số vụ án tham nhũng chưa được điều tra, xét xử kịp thời, nghiêm minh đã tạo nên sự bức xúc, hoài nghi trong xã hội. TN,LP vẫn xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều cơ quan, đơn vị; diễn biến với quy mô ngày càng lớn, tính chất ngày càng nghiêm trọng, biến tướng dưới nhiều hình thức, con đường khác nhau. Gần đây, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đến một số tổng công ty, tập đoàn kinh tế nhà nước, sở hữu  vốn lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, song hiệu quả sản xuất, kinh doanh lại không tương xứng với đầu tư của Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống TN,LP, qua thanh tra các tập đoàn này đã phát hiện nhiều sai phạm, thiếu sót về kinh tế, đòi hỏi phải có sự tái cấu trúc, đổi mới phương thức đầu tư và cách thức quản lý doanh nghiệp. Những hạn chế, yếu kém đó do nhiều nguyên nhân, song vấn đề cơ bản nhất vẫn là do một số cấp uỷ đảng và người đứng đầu chưa quyết tâm lãnh đạo và gương mẫu trong đấu tranh phòng, chống TN,LP; những bất cập về thể chế, chính sách trong quản lý kinh tế - xã hội; sự sơ hở, thiếu công khai, minh bạch và nhất quán trong một số lĩnh vực; tình trạng “xin” - “cho” vẫn còn hiện hữu; sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận CB,ĐV; kỷ cương, kỷ luật không nghiêm...

Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 5 (khoá XI) xác định phải kiên trì và đẩy mạnh nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống TN,LP theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo và các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), chú trọng cả phòng và chống, cả phòng, chống tham nhũng và phòng, chống lãng phí. Đồng thời, Ban Chấp hành Trung ương thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị; lập lại Ban Nội chính Trung ương, vừa thực hiện chức năng một ban đảng, vừa là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Điều đó càng thể hiện quyết tâm chính trị cao của Đảng ta trước tệ nạn này. Để quyết tâm trên trở thành hiện thực, cần thực hiện một số nội dung, giải pháp sau;

Thứ nhất, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, chính quyền và người đứng đầu trong phòng, chống TN,LP. Các cấp phải coi đây là một trong những trọng tâm công tác lớn trong chương trình hoạt động của cấp uỷ, chính quyền, đoàn thể; lấy kết quả phòng, chống TN,LP là tiêu chí đánh giá năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng, hiệu lực điều hành, quản lý của chính quyền và phẩm chất, năng lực, trách nhiệm của người đứng đầu. Trên cơ sở chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, cấp uỷ, chính quyền các cấp cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục làm cho mọi người nhận thức đầy đủ, sâu sắc những hệ lụy của nạn TN,LP, quyết tâm chính trị cao của Đảng ta và nghĩa vụ, trách nhiệm đối với công tác phòng, chống TN,LP. Trong lãnh đạo, chỉ đạo phải kiên trì, kiên quyết, liên tục, có hiệu quả; đồng thời, phát huy vai trò của chi bộ, chính quyền và đội ngũ cán bộ chủ trì cơ sở trong phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh với mọi biểu hiện, hành vi TN,LP. Các cấp uỷ phải làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm. Tiếp tục xây dựng các tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao tính tiền phong gương mẫu của CB,ĐV, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, khắc phục có hiệu quả những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận CB,ĐV. Các tổ chức đảng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng gắn với công tác thanh tra của các ngành chức năng và sự giám sát của nhân dân trong phòng, chống TN,LP.

Thứ hai, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế, xã hội và những quy định về phòng, chống TN,LP. Cần tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật, nhằm khắc phục những sơ hở, thiếu sót và bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý kinh tế, xã hội, nhất là các lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; hoàn thiện đồng bộ thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng cần chỉ đạo sớm sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và các quy định về phòng ngừa TN,LP; nghiên cứu, áp dụng một số quy định trong Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng theo hướng phù hợp với điều kiện của Việt Nam; xác định rõ hơn nhiệm vụ, quyền hạn và cơ chế hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống TN,LP. Cải cách cơ bản chế độ tiền lương, phụ cấp bảo đảm để cán bộ, công chức có mức thu nhập hợp lý; thực hiện chế độ công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách kinh tế, tài chính trong các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư, xây dựng cơ bản, mua sắm từ ngân sách nhà nước, quản lý và sử dụng đất đai, tài sản công, công tác tiếp nhận, bổ nhiệm cán bộ…

Thứ ba, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì các cấp có đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm yêu cầu nhiệm vụ. Thực tiễn chỉ ra rằng, phần lớn các vụ tham nhũng đều gắn liền với những người có chức, có quyền, có vị thế trong bộ máy công quyền. Ở nước ta hiện nay, những người đó đa số là CB,ĐV. Vì vậy, để phòng, chống TN,LP có hiệu quả phải bắt đầu từ công tác cán bộ. Để làm được điều đó, các cấp uỷ cần quán triệt sâu sắc 4 nhóm giải pháp mà Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) đã xác định, trong đó cần tập trung vào nhóm giải pháp tổ chức, cán bộ, sinh hoạt đảng. Bởi lẽ, trong đó bao hàm nhiều nội dung rất thiết thực gắn với công tác phòng, chống TN,LP. Trong tiến hành công tác cán bộ, từ quy hoạch, đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ phải đúng nguyên tắc, quy trình, bảo đảm dân chủ, khách quan; việc bố trí người đứng đầu phải thật công tâm, theo yêu cầu công việc, đúng sở trường, năng lực. Cần phải đổi mới quy trình phát hiện, đề bạt cán bộ, nhằm gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, góp phần nâng cao chất lượng cán bộ. Theo đó, bí thư cấp uỷ có quyền giới thiệu để bầu uỷ viên thường vụ; cấp trưởng có trách nhiệm lựa chọn, giới thiệu để bổ nhiệm cấp phó; thí điểm chế độ tiến cử, tập sự lãnh đạo, quản lý; những người được dự kiến đề bạt, bổ nhiệm phải trình bày đề án, hoặc chương trình hành động trước khi cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Các cấp cần quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục, bồi dưỡng lý luận, tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho đội ngũ CB,ĐV; đồng thời, phải có chính sách đãi ngộ cán bộ phù hợp. Thực hiện có hiệu quả việc kê khai và công khai tài sản, thu nhập của cán bộ trước khi đề bạt, bổ nhiệm; ban hành quy định kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, bảo đảm sự minh bạch về tài sản, thu nhập của cán bộ.

Thứ tư, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác phát hiện, xử lý TN,LP. Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp cần quan tâm hơn đến việc đổi mới và tăng cường giám sát các hoạt động phòng, chống TN,LP của các cơ quan chức năng; trên cơ sở đó, yêu cầu, kiến nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thực hiện các biện pháp phòng, chống TN,LP có hiệu quả. Cần có cơ chế, chế tài bảo đảm cho việc giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp có hiệu lực trên thực tế. Các cấp cần coi trọng và nâng cao vai trò của các cơ quan dân cử, của Mặt trận Tổ quốc, của các đoàn thể, các phương tiện thông tin đại chúng và của nhân dân; có cơ chế khuyến khích, bảo vệ, khen thưởng những người dũng cảm đấu tranh, phát hiện TN,LP. Đồng thời, kỷ luật nghiêm những người bao che, cố tình ngăn chặn việc chống TN,LP hoặc lợi dụng việc tố cáo tham nhũng để vu khống, làm hại người khác. Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng về phòng, chống TN,LP; hoàn thiện cơ chế phối hợp công tác, xây dựng môi trường lành mạnh, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi biểu hiện TN,LP, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và chế độ XHCN.

 Đại tá, TS. PHẠM VĂN VINH

Học viện Kỹ thuật quân sự

                  

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 50-51.

2 - Tạp chí Cộng sản, số 835, 5-2012, tr. 92.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 172.

 

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...