Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 17/11/2014, 13:39 (GMT+7)
Nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Hội đàm giữa hai Đoàn đại biểu cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam
và Bộ Quốc phòng Ba Lan (8-2014) (Nguồn: vov.vn)

Hội nhập quốc tế (HNQT), trong đó có HNQT về quốc phòng, là một chủ trương chiến lược của Đảng ta. Quán triệt Nghị quyết Đại hội X, XI của Đảng về HNQT, những năm qua, chúng ta HNQT về quốc phòng ngày càng sâu rộng và đạt được một số kết quả quan trọng. Qua đó, góp phần: (1) bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước; (2) tranh thủ được các nguồn lực từ bên ngoài để từng bước hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật, nâng cao khả năng tác chiến của Quân đội và tiềm lực quốc phòng của đất nước; (3) xây dựng khối ASEAN vững mạnh, đồng thuận, tạo môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới; (4) nâng cao hình ảnh, vị thế đất nước, Quân đội trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đã đạt được, có thể thấy HNQT về quốc phòng của ta có mặt còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh của đất nước. Nhận thức và hành động của một bộ phận cán bộ chưa theo kịp yêu cầu nhiệm vụ. Một số cán bộ chưa đáp ứng khả năng nghiên cứu, dự báo, tham mưu, tổ chức hoạt động HNQT về quốc phòng. Công tác phối hợp có mặt còn chồng chéo. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu đồng bộ, chậm được bổ sung, hoàn thiện, v.v. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả HNQT về quốc phòng, bên cạnh việc quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc trong Nghị quyết 806-NQ/QUTƯ, ngày 31-12-2014 của Quân ủy Trung ương về “HNQT và đối ngoại về quốc phòng đến năm 2020 và những năm tiếp theo”, cần phải tập trung vào một số giải pháp chủ yếu sau:

1. Đổi mới tư duy HNQT về quốc phòng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới. HNQT trên tất cả các mặt của đời sống xã hội là điều kiện tiên quyết để phát triển, một xu thế tất yếu của thời đại, không một quốc gia nào có thể đứng ngoài. Trong đó, tăng cường HNQT về quốc phòng là cách tốt nhất để xây dựng lòng tin, tạo sự cân bằng với các nước, nhất là các nước lớn, góp phần kiến tạo hòa bình, duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực. HNQT về quốc phòng còn là cơ hội để Việt Nam thu hút các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ yêu cầu hiện đại hóa quân đội, nhằm giảm quân số, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc (BVTQ) trong tình hình mới.

Đổi mới tư duy HNQT về quốc phòng, đòi hỏi chúng ta phải đặt trong tổng thể hội nhập chung của cả nước, để thấy rõ sự tác động lẫn nhau giữa chính trị, kinh tế, văn hóa và quốc phòng, an ninh. Trong hội nhập, mỗi lĩnh vực đều có tính độc lập tương đối, nhưng có sự tác động qua lại lẫn nhau đan xen tích cực và tiêu cực. HNQT về quốc phòng là lĩnh vực đặc thù, nên ở một góc độ nào đó, nó mang tính chất của hội nhập chính trị. Khi HNQT về quốc phòng thành công, sẽ tác động tích cực đến các lĩnh vực khác. Ngược lại, các lĩnh vực khác hội nhập thành công sẽ tạo cơ sở quan trọng cho HNQT về quốc phòng.

HNQT về quốc phòng là một quá trình lâu dài, đòi hỏi chúng ta phải có bước đi thận trọng, tránh chủ quan, nóng vội, chỉ thấy lợi ích trước mắt, không thấy lợi ích lâu dài, chỉ thấy cái lợi, không thấy cái hại, gây phương hại quốc gia.

2. Chủ động xác lập, lượng hóa mục tiêu, đánh giá kết quả, điều chỉnh đối sách. Đây là các bước căn bản trong HNQT nói chung, HNQT về quốc phòng nói riêng. Hợp tác quốc phòng với các nước, cần phải xác định rõ mục tiêu, nội dung cho từng giai đoạn (trước mắt, trung hạn và dài hạn). Nếu nội dung, mục tiêu, thời gian xác định đúng, phù hợp thì hợp tác quốc phòng sẽ phát triển, đáp ứng lợi ích của hai bên. Ngược lại, nếu mục tiêu trừu tượng, nội dung không rõ ràng, thời gian không cụ thể, thì hợp tác quốc phòng không mang lại hiệu quả, thậm chí còn phương hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đương nhiên, để lượng hóa nội dung, thời gian, chúng ta cần phải đánh giá nhu cầu (lợi ích) chính trị, quân sự của đất nước; đồng thời, xác định vấn đề ưu tiên, quan tâm và khả năng đạt được. Từ đó, chỉ đạo quyết liệt hiện thực hóa mục tiêu - thúc đẩy ký kết các thỏa thuận hợp tác theo mục tiêu đã xác định. Đánh giá hiệu quả HNQT về quốc phòng phải khách quan, trung thực, lấy lợi ích quốc gia làm thước đo. Thực hiện đồng thời nhiều phương pháp: thống kê, khảo sát, nhận phản hồi, tự đánh giá, cùng đối tác đánh giá khách quan, toàn diện. Trên cơ sở đó, xác định nguyên nhân mạnh, yếu, biện pháp khắc phục và điều chỉnh kịp thời, bảo đảm HNQT về quốc phòng hiệu quả. Như vậy, quá trình HNQT về quốc phòng, cần phải vận hành theo công thức: Xác lập mục tiêu (tổng quát và thành phần) với từng đối tác. Hiện thực hóa mục tiêu (thúc đẩy ký kết các thỏa thuận, đề ra kế hoạch, biện pháp thực hiện). Đánh giá kết quả, chỉ ra nguyên nhân. Điều chỉnh kế hoạch, biện pháp. Xác lập mục tiêu mới (nếu cần thiết).

3. Xây dựng bản sắc văn hóa HNQT về quốc phòng Việt Nam. Từ ngàn đời nay, Việt Nam luôn mong muốn và nỗ lực thực hiện chung sống hòa bình với tất cả các nước, nhất là các nước láng giềng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh, Việt Nam sẵn sàng là bạn và là đối tác có trách nhiệm, tin cậy với tất cả các nước, cùng nhau xây dựng thế giới hòa bình, ổn định và phát triển. Quán triệt quan điểm, tư tưởng đó, HNQT về quốc phòng phải mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam; đồng thời, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại. Văn hóa HNQT về quốc phòng Việt Nam biểu hiện ở thái độ, lòng tin, phong cách, trách nhiệm và hiệu quả. Trong HNQT về quốc phòng, không ai buộc chúng ta phải cam kết và phải tham gia quá khả năng của mình. Chính lợi ích quốc gia là cơ sở khoa học để Đảng ta hoạch định đường lối, chiến lược HNQT, trong đó có HNQT về quốc phòng. Khi HNQT về quốc phòng, chúng ta sẵn sàng cam kết và thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao vì hòa bình, vì lợi ích quốc gia, nhưng tôn trọng lợi ích của đối tác, khu vực và không làm phương hại đến nước thứ ba. Để học hỏi được nhiều hơn, quá trình HNQT về quốc phòng, chúng ta cần phải có ý thức cầu thị, khiêm tốn, làm việc khoa học và ứng xử nhân văn. Ngay bản thân HNQT nói chung, HNQT về quốc phòng nói riêng cũng tự đòi hỏi sự tương tác với thế giới bên ngoài. Do đó, bên cạnh việc giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam, chúng ta còn phải tiếp thu những giá trị văn hóa tiến bộ của các châu lục khác, qua đó xây dựng bản sắc văn hóa HNQT về quốc phòng của Việt Nam - một bản sắc văn hóa có khả năng tương thích và hội nhập sâu, rộng với khu vực và thế giới.

4. Tập trung vào các đối tác quan trọng và những nội dung hợp tác thiết thực với Việt Nam. Thực tế cho thấy, nhiều cường quốc, bề ngoài luôn quan tâm đến cả thế giới, song thực chất họ chỉ chú trọng đến một số đối tác và khu vực quan trọng. Với Việt Nam, năng lực hội nhập của ta còn có hạn, do đó, chúng ta tập trung vào các đối tác quan trọng, với những nội dung hợp tác thiết thực là rất cần thiết.

Trước hết, chúng ta phải xác định rõ các đối tác (quốc gia, tổ chức, khu vực) quan trọng. Xung quanh vấn đề này, lâu nay ta thường xác định ưu tiên quan hệ, hợp tác với các nước láng giềng có biên giới liền kề, các nước khu vực (các nước ASEAN), các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống. Tuy nhiên, không nên coi đó là “trật tự ưu tiên” cứng nhắc, và cùng với việc xác định quan hệ, hợp tác với các nước, chúng ta cũng cần xác định tổ chức quốc tế, khu vực nào là ưu tiên trong quan hệ, hợp tác quốc phòng với Việt Nam. Việc xác định các đối tác có trọng tâm, trọng điểm sẽ giúp chúng ta không chỉ tránh được sự phân tán nguồn lực hội nhập, mà còn xây dựng được quan hệ ổn định, bền vững, tin cậy với các đối tác cả trước mắt và lâu dài.

Bên cạnh việc xác định đối tác, lựa chọn nội dung hợp tác sao cho có lợi nhất cho ta là rất quan trọng. Theo đó, trên bình diện cả song phương và đa phương, hiện nay ta cần tập trung hợp tác vào các lĩnh vực: (1) An ninh biên giới (trên đất liền), khu vực, nhất là trên Biển Đông (cả truyền thống và phi truyền thống); (2) Khắc phục hậu quả chiến tranh và xử lý các thảm họa; (3) Phát triển ngành công nghiệp quốc phòng (tập trung sản xuất vũ khí, phương tiện quân sự để hạn chế mua sắm, phụ thuộc); (4) Trao đổi thương mại quân sự; (5) Nghiên cứu chiến lược; (6) Đào tạo nhân lực; (7) Hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

5. Nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành. Muốn nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành hoạt động HNQT về quốc phòng, chúng ta cần phải đồng thời quan tâm đến nhiều vấn đề, trong đó có 3 vấn đề chính: Một là, có chiến lược xây dựng và phát triển lực lượng làm công tác đối ngoại quốc phòng, bảo đảm đồng bộ từ công tác quy hoạch đào tạo đến sử dụng cán bộ; trong đó, chú trọng xây dựng bản lĩnh chính trị, phương pháp tư duy, phương thức ứng xử; trình độ, năng lực tổ chức hoạt động thực tiễn, kỹ năng ngoại giao và ngoại ngữ. Hai là, hoàn chỉnh bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành theo hướng tinh, gọn, mạnh, thống nhất để nâng cao hiệu lực, thẩm quyền chỉ đạo, điều hành, kiểm soát và phối hợp. Đồng thời, kiện toàn hệ thống cơ quan, đơn vị làm công tác đối ngoại trong Quân đội; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của một số cơ quan chức năng và các nhóm làm việc, tránh sự trùng lặp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Ba là, sớm bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến HNQT về quốc phòng, coi đó là công cụ, cơ sở pháp lý, đảm bảo các hoạt động HNQT về quốc phòng được triển khai đúng quy định của pháp luật, phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế.

6. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, giúp Bộ Quốc phòng tham mưu cho Đảng, Nhà nước có đối sách thích hợp. Trong bối cảnh quốc tế đã và đang có sự thay đổi nhanh chóng: xuất hiện các “cuộc chơi” giữa các cường quốc và một nhóm nước; hình thành các tổ chức, lực lượng đan xen phức tạp; tiềm ẩn các mối quan hệ phức tạp, khó nhận biết. Trước tình hình đó, chúng ta cần phải cân nhắc tổng thể, cả cái lợi, cái hại khi triển khai cụ thể các hoạt động HNQT về quốc phòng; tìm hiểu kỹ mục tiêu của đối tác, vì chính trị, hay lợi nhuận; mục tiêu đó liệu có gây phương hại đến nước thứ ba? Để làm được điều này, chúng ta cần xây dựng quy chế phối hợp nghiên cứu, dự báo chiến lược và trao đổi thông tin về quốc phòng, an ninh giữa các bộ, ngành liên quan. Cùng với đó, tận dụng vị thế của đối tác, coi nghiên cứu chiến lược là nội dung hợp tác quan trọng, là vấn đề cần được chúng ta quan tâm để nâng cao hiệu quả nghiên cứu, dự báo, làm cơ sở khoa học giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi chủ trương HNQT về quốc phòng trong tình hình mới.

Thiếu tướng VŨ CHIẾN THẮNG, Cục trưởng Cục Đối ngoại - Bộ Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...