Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Ba, 15/10/2013, 16:58 (GMT+7)
Nâng cao chất lượng đào tạo chính ủy, chính trị viên theo Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị

Để xây dựng đội ngũ chính ủy, chính trị viên có đủ phẩm chất, năng lực, đáp ứng yêu cầu tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp; trong đó, nâng cao chất lượng đào tạo là giải pháp cơ bản.

Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam” xác định: Chính ủy, chính trị viên (CU,CTV) là người chủ trì về chính trị, chịu trách nhiệm trước cấp trên và cấp ủy cấp mình về toàn bộ hoạt động công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT) trong đơn vị. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức quan tâm đến đội ngũ CU,CTV. Theo Bác: "Người chính trị viên có ảnh hưởng rất quan trọng đến bộ đội. Người chính trị viên tốt, thì bộ đội ấy tốt. Người chính trị viên không làm tròn nhiệm vụ, thì bộ đội ấy không tốt"1.

Hướng dẫn học viên xử lý thông tin trên máy vi tính. Ảnh: Minh Trường

Để đảm đương tốt vai trò, vị trí của mình, CU,CTV phải thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, năng lực, đạo đức, lối sống, phương pháp, tác phong công tác; có tính đảng, tính nguyên tắc và ý chí quyết tâm chiến đấu cao; lời nói thống nhất với việc làm; có tình yêu thương con người, sống tình nghĩa, bao dung, thực sự là hạt nhân đoàn kết trong đơn vị. Cùng với đó, họ phải có trình độ lý luận, kiến thức chuyên sâu về xây dựng Đảng và CTĐ,CTCT, kiến thức quân sự vững vàng, bao quát mọi mặt hoạt động của đơn vị; nhận thức đầy đủ về trách nhiệm, quyền hạn, mối quan hệ công tác; gương mẫu, đi đầu trong nhận thức và hành động, xứng đáng với cương vị của mình theo cơ chế mới. Nhằm bảo đảm cho đội ngũ CU,CTV hoàn thành tốt nhiệm vụ, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của bản thân, công tác giáo dục, đào tạo đóng vai trò hết sức quan trọng; tạo nền móng ban đầu cho nhận thức và hành động trong công tác và giải quyết các mối quan hệ.  

Là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến dịch, chiến lược và nghiên cứu khoa học hàng đầu của Quân đội, cùng với Trường Sĩ quan Chính trị và các cơ sở đào tạo khác trong Quân đội, Học viện Chính trị luôn xác định rõ trọng trách của mình đối với Đảng, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng; tích cực, chủ động đổi mới toàn diện công tác đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 51, góp phần xây dựng đội ngũ CU,CTV đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Chỉ tính từ năm 2005 đến năm 2010, Học viện Chính trị đã đào tạo được 3.500 chính ủy trung đoàn, sư đoàn và hơn 3.300 chính trị viên đại đội. Sau 8 năm thực hiện Nghị quyết 51, đội ngũ CU,CTV của Quân đội đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng; đáp ứng được vị trí chủ trì về chính trị; hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, v.v. 

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu Nghị quyết 51 đề ra, một bộ phận CU,CTV, nhất là cấp cơ sở vẫn còn những hạn chế về phẩm chất, năng lực. Những hạn chế đó do nhiều nguyên nhân; trong đó, có nguyên nhân rất quan trọng là chất lượng đào tạo CU,CTV của các nhà trường quân đội chưa theo kịp đòi hỏi của thực tiễn xây dựng đội ngũ CU,CTV mà Nghị quyết 51 đề ra. Biểu hiện rõ nét nhất là, mục tiêu, mô hình đào tạo CU,CTV giữa các cấp học, bậc học chưa rõ ràng, dẫn đến chương trình, nội dung còn trùng lặp. Các nhà trường chưa tích cực đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp đào tạo. Việc gắn nhà trường với đơn vị chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Đội ngũ giảng viên còn nhiều bất cập, nhất là phương pháp sư phạm và sự tâm huyết với nhiệm vụ đào tạo CU,CTV, v.v.

Để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 51 trong thời kỳ mới, việc đào tạo, bồi dưỡng CU,CTV cần được đổi mới cơ bản, đồng bộ, thiết thực, với yêu cầu ngày càng cao. Mục tiêu, mô hình đào tạo phải trên cơ sở chức trách, nhiệm vụ của CU,CTV. Nội dung, chương trình phải bám sát sự phát triển của thực tiễn, đáp ứng yêu cầu sử dụng cán bộ cả trước mắt và lâu dài. Quá trình đào tạo phải được tiến hành đồng bộ, huy động được sự tham gia tích cực của các tổ chức, lực lượng; đa dạng hóa và vận dụng linh hoạt các hình thức đào tạo, bồi dưỡng, kết hợp chặt chẽ giữa đào tạo cơ bản với đào tạo lại, đào tạo tích lũy từng phần, bồi dưỡng chuyển loại. Theo đó, cần tập trung thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện nội dung, chương trình, hình thức, phương pháp đào tạo CU,CTV. Ở các cấp học và loại hình đào tạo, cần tăng cường kiến thức lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, CTĐ,CTCT, bảo đảm học thực chất, nắm và vận dụng nhuần nhuyễn kiến thức. Để khắc phục sự trùng lặp nội dung, chương trình giữa đào tạo chính ủy với chính trị viên, cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển. Đối với bậc học sau, những nội dung cơ bản của bậc đào tạo trước cần lược bỏ, chuyển sang giới thiệu chuyên đề, làm sâu sắc hơn những vấn đề lý luận, cập nhật thông tin mới, giúp cho người học đối chiếu giữa lý luận với thực tiễn, bảo đảm vừa củng cố kiến thức lý luận cơ bản, vừa nâng cao khả năng xử lý tình huống thực tế. Theo hướng đó, chương trình, nội dung đào tạo phải bám sát cương vị, chức trách của người chủ trì về chính trị; gắn việc bồi dưỡng năng lực đáp ứng yêu cầu chức danh với chuẩn hoá kiến thức, phát triển tư duy, nâng cao trình độ, khả năng bao quát công việc, tạo điều kiện để người CU,CTV có thể phát triển lên cấp cao hơn. Quá trình đào tạo phải quán triệt phương châm “học đi đôi với hành”, “nhà trường gắn với chiến trường và đơn vị”; kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng lý luận với truyền thụ kinh nghiệm và phương pháp tiến hành CTĐ,CTCT trong các nhiệm vụ, phù hợp với những môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Cần chú trọng hơn đến các hình thức sau giảng, tăng thời gian thực hành, thực tập, hoạt động ngoại khoá; rà soát, hoàn thiện các chủ đề xê-mi-na; đổi mới, nâng cao chất lượng diễn tập tại trường và thực tập tại đơn vị.

Hiện nay, có một số lượng lớn chính trị viên được chuyển loại từ quân sự và đào tạo ở nhiều cơ sở khác nhau, nên chương trình đào tạo có nhiều điểm khác so với chương trình của Trường Sĩ quan Chính trị. Với đối tượng này, cần đi sâu vào những môn trực tiếp phục vụ cho chức trách, nhiệm vụ theo mô hình, mục tiêu đào tạo; lấy đào tạo, bồi dưỡng theo chức danh là chính; đồng thời, dành một tỷ lệ hợp lý cho những môn học mới mang tính cập nhật và ứng dụng. Cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa đào tạo CU,CTV binh chủng hợp thành với CU,CTV các quân chủng, binh chủng, Bộ đội Biên phòng, cơ quan quân sự địa phương. Do đặc điểm, tính chất nhiệm vụ khác nhau, nên ở các loại hình đơn vị có những yêu cầu, nội dung, biện pháp tiến hành CTĐ,CTCT khác nhau. Vì vậy, trong chương trình, nội dung đào tạo cán bộ chính trị, CU,CTV, ngoài khối lượng kiến thức chung, cần có những điểm riêng, đáp ứng yêu cầu cụ thể nhằm phục vụ tốt cho quá trình sau khi người học về đơn vị công tác; gắn đổi mới chương trình, nội dung với đổi mới hình thức, phương pháp đào tạo, theo hướng đề cao hơn nữa tính chủ động, tích cực tìm tòi, sáng tạo của người học. Trước hết, cần đổi mới phương pháp truyền thụ của giáo viên, nâng cao chất lượng các hình thức tự nghiên cứu, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo. Đồng thời, coi trọng bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tự học của học viên đào tạo CU,CTV ngay tại trường; từ đó, rèn luyện, phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của người học, đáp ứng yêu cầu công tác khi ra trường.

Thứ hai, xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên. Nhằm đáp ứng yêu cầu về số lượng giảng viên, các học viện, nhà trường cần có những giải pháp tổng thể, mang tính chiến lược. Một mặt, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giảng viên hiện có; mặt khác, cần tuyển chọn những học viên đào tạo ở các nhà trường trong Quân đội, có kiến thức toàn diện, khả năng sư phạm để đào tạo, bồi dưỡng thành giảng viên. Đồng thời, cần có chính sách thu hút những người có năng lực, tâm huyết vào làm giảng viên ở nhà trường quân sự. Để nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên, các nhà trường cần tích cực tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng về tin học, ngoại ngữ; cử giảng viên đi thực tế tại các đơn vị để tiếp cận với sự phát triển của thực tiễn, làm cơ sở đưa vào nội dung bài giảng và bồi dưỡng cho học viên kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc của người CU,CTV. Công tác kiểm tra, thanh tra, dự giảng, thi giáo viên dạy giỏi phải được tiến hành nghiêm túc; phát huy vai trò của cán bộ khoa, tổ bộ môn đối với việc nâng cao chất lượng giảng viên. Đối với đội ngũ giảng viên, phải tích cực tự học tập và rèn luyện để không ngừng nâng cao kiến thức chuyên ngành, năng lực nghiên cứu khoa học (NCKH), trình độ sư phạm và phẩm chất của nhà giáo, như một mẫu hình của người CU,CTV mà nhà trường tham gia đào tạo.

Thứ ba, tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với đơn vị. Trên cơ sở quán triệt phương châm: “Học đi đôi với hành, lý luận gắn liền với thực tiễn, nhà trường gắn liền với đơn vị”, cần thống nhất nhận thức rằng, đào tạo CU,CTV không chỉ là nhiệm vụ, chức năng của nhà trường mà còn là trách nhiệm của các tổ chức đảng, người chỉ huy và cơ quan chính trị các đơn vị trong toàn quân. Theo đó, các nhà trường cần cử cán bộ, giảng viên đến các đơn vị đảm nhiệm cương vị thực tế. Các khoa giáo viên tổ chức đoàn cán bộ đi nghiên cứu thực tế, nắm chất lượng đội ngũ CU,CTV đã được đào tạo tại trường; tình hình hoạt động CTĐ,CTCT ở các đơn vị; mối quan hệ giữa CU,CTV với người chỉ huy theo tinh thần Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị. Trên cơ sở đó, tăng cường quan hệ giữa các đơn vị với cơ sở đào tạo; bổ sung kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn để đổi mới chương trình, nội dung cho phù hợp. Các đơn vị cần lựa chọn, cử cán bộ có kinh nghiệm về nhà trường trao đổi kinh nghiệm hoạt động CTĐ,CTCT trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu ở địa phương, đơn vị. Qua đó, giúp cán bộ, giảng viên có thêm kiến thức thực tiễn trong giảng dạy. Ngoài ra, các đơn vị cần đóng góp ý kiến trong xây dựng chương trình, nội dung đào tạo CU,CTV; trình độ sư phạm của đội ngũ giảng viên để làm cơ sở cho việc đổi mới và hoàn thiện công tác đào tạo. 

Thứ tư, đẩy mạnh hoạt động NCKH của học viên. Đối với học viên đào tạo CU,CTV, NCKH góp phần làm sâu sắc thêm nhận thức, bồi dưỡng phương pháp, vận dụng kiến thức, kỹ năng, kỹ xảo của người học vào giải quyết những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn, bảo đảm tính sáng tạo, thiết thực; rèn luyện năng lực phân tích, tổng hợp, đánh giá tình hình, khả năng phán đoán, lôgic… để đề ra những biện pháp, quyết sách kịp thời và có cơ sở khoa học. NCKH còn có ý nghĩa bồi dưỡng cho học viên thái độ làm việc cần cù, nghiêm túc, trung thực và thận trọng; tránh thói tùy tiện, chủ quan, phiến diện, làm việc theo cảm hứng, suy nghĩ theo “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với học viên là, nội dung, hình thức NCKH phải phong phú, vận dụng trong tất cả các khâu, các bước của quá trình đào tạo, hướng vào bồi dưỡng kỹ năng của người CU,CTV, đáp ứng yêu cầu, chức trách đảm nhiệm sau khi ra trường.

Nâng cao chất lượng đào tạo CU,CTV là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết của các học viện, nhà trường quân đội, một nội dung cơ bản bảo đảm cho Nghị quyết 51-NQ/TW của Bộ Chính trị đi vào cuộc sống. Việc làm này phải được thực hiện nghiêm túc, với yêu cầu ngày càng cao.

Thiếu tướng, PGS, TS. NGUYỄN ĐÌNH MINH
Giám đốc Học viện Chính trị
____________

1 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 5, Nxb CTQG, H. 1995, tr. 392.

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...