Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Quán triệt, thực hiện nghị quyết

QPTD -Thứ Hai, 12/11/2018, 08:18 (GMT+7)
Chiến lược Quốc phòng Việt Nam - sự thể chế hóa đường lối quân sự của Đảng trong thời kỳ mới

Năm 2018, việc ban hành Chiến lược Quốc phòng và một số chiến lược chuyên ngành khác, đánh dấu sự phát triển vượt bậc về tư duy lý luận của Đảng ta trong sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Chiến lược Quốc phòng đề cập nhiều vấn đề quan trọng, sát hợp với tình hình mới; trong đó, nội hàm của Chiến lược thể hiện rõ sự thấu suốt đường lối quân sự của Đảng. Đây cũng là điểm nhấn mạnh mang tính bao trùm mà chúng ta cần nắm vững khi nghiên cứu, quán triệt, thực hiện Chiến lược Quốc phòng.

Nằm trong hệ thống chiến lược quốc gia, Chiến lược Quốc phòng là một trong những chiến lược trọng yếu nhằm đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Xét về bản chất, các chiến lược quốc gia là văn bản pháp quy, thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về lĩnh vực mà chiến lược đề cập; biểu hiện sinh động việc cụ thể hóa đường lối quân sự của Đảng trong tình hình mới.

Sự ra đời của Chiến lược Quốc phòng là rất cần thiết, nhất là trong bối cảnh hiện nay, tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, thay đổi nhanh chóng, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định, khó lường. Việc ban hành Chiến lược Quốc phòng sẽ kịp thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng, cần thấy rằng, cũng như các chiến lược quốc gia khác, Chiến lược Quốc phòng được xây dựng nhằm phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, hay nói rộng hơn, phục vụ nhiệm vụ cách mạng trong một giai đoạn, một thời kỳ nhất định, khi nhiệm vụ cách mạng có sự phát triển thì Chiến lược Quốc phòng cũng thay đổi thích ứng, bằng cách điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới. Đây là yêu cầu khách quan, khoa học của các chiến lược quốc gia nói chung trước đòi hỏi của thực tiễn. Dẫu vậy, đối với Chiến lược Quốc phòng, cần thấy điểm rất quan trọng có tính đặc thù là, khi cần phải thay đổi, bổ sung thì có thể là thay đổi nội dung hoặc một số nội dung và bố cục,... nhưng về nội hàm tư tưởng của Chiến lược, tức là quan điểm, đường lối của Đảng, mà cụ thể ở đây là đường lối quân sự thì không thay đổi, nói cách khác là bất biến. Nội hàm tư tưởng của Chiến lược Quốc phòng là vấn đề căn cốt nhất, xuyên suốt toàn bộ, được thể hiện rõ nhất ở mục tiêu tổng quát của Chiến lược. Sở dĩ như vậy, bởi Chiến lược Quốc phòng là văn bản thể chế hóa các quan điểm quốc phòng của Đảng, hay nói cụ thể hơn là đường lối quân sự. Mà đường lối đó thực chất là sự kết tinh trí tuệ, tư duy quân sự của Đảng, của cả dân tộc; nó luôn gắn liền với sự tồn vong cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng Việt Nam, cả trong sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây, sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay và sau này. Như vậy, có thể thấy, đường lối quân sự là một trong những cơ sở quan trọng nhất hình thành Chiến lược Quốc phòng, do đó nó chỉ có giá trị thực sự, mang tính cách mạng và khoa học, có tính khả thi cao khi thể hiện sâu sắc và thấm đẫm đường lối quân sự của Đảng. Đây cũng là tư tưởng chủ đạo của Chiến lược Quốc phòng. Đường lối quân sự của Đảng gồm nhiều nội dung lớn, quan trọng. Trong đó, có ba nội dung cơ bản, cốt lõi (ba bộ phận hợp thành đường lối) là: đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân; đường lối xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; đường lối tiến hành chiến tranh nhân dân. Những nội dung cơ bản của đường lối quân sự là quan điểm nhất quán của Đảng, xuyên suốt mọi thời kỳ cách mạng; được hình thành trên cơ sở kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc, tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh và ở mức độ nào đó là tinh hoa quân sự thế giới. Nói đường lối quân sự của Đảng luôn hòa quyện thống nhất với tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, được hiểu là: những nội dung cơ bản của đường lối quân sự cũng là nội dung cốt lõi trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. Và, nói Chiến lược Quốc phòng quán triệt, thể chế hóa đường lối quân sự của Đảng, tức là những nội dung cơ bản của đường lối quân sự được quán triệt, thấm sâu vào từng nội dung của Chiến lược và trở thành tư tưởng chủ đạo của Chiến lược Quốc phòng. Điều đó được thể hiện tập trung ở những vấn đề lớn sau:

1. Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Trên cơ sở đánh giá đúng vai trò, sức mạnh to lớn của quần chúng nhân dân và tiếp thu tư tưởng quân sự, kế sách giữ nước đặc sắc trong truyền thống của dân tộc, tinh hoa quân sự thế giới, Đảng ta xác định: quốc phòng là sự nghiệp của toàn dân. “Quốc phòng toàn dân” trở thành quan điểm cơ bản của Đảng, xuyên suốt tiến trình cách mạng Việt Nam và là một bộ phận không thể thiếu của đường lối quân sự. Qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, nội dung cụ thể của đường lối quân sự có sự bổ sung, phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong mỗi thời kỳ.

Trước yêu cầu cao của sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Chiến lược Quốc phòng quán triệt, cụ thể hóa quan điểm, đường lối quân sự của Đảng qua mục tiêu xác định: xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại. Mục tiêu của Chiến lược Quốc phòng thể hiện mấy vấn đề chủ yếu sau: bản chất của quốc phòng Việt Nam là nền quốc phòng toàn dân, “của dân, do dân, vì dân”, được xây dựng vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại và mang đậm tính chất hòa bình, tự vệ. Đó cũng là đặc trưng của quốc phòng Việt Nam, thể hiện rõ chính sách quốc phòng nhất quán của Đảng và Nhà nước ta là không nhằm sử dụng vũ lực (sức mạnh quốc phòng) hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với bất cứ quốc gia nào. Nền quốc phòng “của dân, do dân, vì dân” là nhấn mạnh tính toàn dân, toàn diện và vai trò to lớn của nhân dân trong việc tham gia xây dựng và hoạt động quốc phòng, với tinh thần tự giác kết hợp trách nhiệm (nghĩa vụ) theo quy định của pháp luật (Luật Quốc phòng sửa đổi năm 2018). Đó còn là một nền quốc phòng được xây dựng với sức mạnh quốc phòng không ngừng được tăng cường, nhằm mục đích bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, đảm bảo cho mọi người dân đều được hưởng cuộc sống hòa bình, tự do, độc lập, trong một quốc gia có chủ quyền và bất khả xâm phạm. Phương thức và nguồn lực xây dựng nền quốc phòng toàn dân là kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực, lấy nội lực là chính. Nguồn nội lực được huy động từ ngân sách nhà nước dành cho quốc phòng và nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân (gọi chung là nhân dân) tham gia đóng góp cho sự nghiệp quốc phòng bằng nhiều hình thức khác nhau. Hiện nay, trong điều kiện nước ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng, việc khai thác nguồn lực từ bên ngoài thông qua hợp tác quốc tế sâu rộng cả trên bình diện song phương và đa phương với các đối tác, nhất là về quốc phòng để phục vụ cho sự nghiệp quốc phòng của đất nước ngày càng đóng vai trò quan trọng.

Xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện, ngày càng hiện đại là mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc phòng, đồng thời cũng là yêu cầu khách quan của sự nghiệp xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới. Với kinh nghiệm thực tiễn chiến tranh phong phú và quá trình xây dựng quốc phòng mấy chục năm qua, lại trong điều kiện đất nước ngày càng phát triển, nguồn lực dành cho quốc phòng không ngừng tăng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng sẽ xây dựng được nền quốc phòng toàn dân vững mạnh toàn diện theo mục tiêu, yêu cầu đặt ra. Đó là sự vững mạnh trên tất cả các nội dung của quốc phòng; trong đó, cốt lõi là vững mạnh về quân sự, trọng tâm là vững mạnh về lực lượng và thế trận quốc phòng. Cùng với đó, Chiến lược đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu “ngày càng hiện đại” của nền quốc phòng. Đây là điểm mới, khi Chiến lược Quốc phòng quán triệt, cụ thể hóa nội dung đường lối quân sự. Đặc biệt, trong điều kiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ và chiến tranh nếu xảy ra với nước ta sẽ là chiến tranh hiện đại, sử dụng phổ biến vũ khí công nghệ cao (cả địch và ta) thì ngay từ thời bình, việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân theo hướng “ngày càng hiện đại” là rất cần thiết, thậm chí cấp thiết. Đương nhiên, để đạt được mục tiêu đó không hề dễ, đòi hỏi sự nỗ lực chung của tất cả các ngành, các lĩnh vực, trước hết là lĩnh vực quốc phòng và các ngành liên quan trực tiếp đến quốc phòng. Một vấn đề nữa là về tính chất, mức độ hiện đại của nền quốc phòng được đề cập ở đây theo nghĩa “trong khả năng của ta”, chứ không so sánh với bất cứ một quốc gia nào khác. Theo đánh giá, hiện nay nền quốc phòng Việt Nam, xét về tổng thể, chưa phải là một nền quốc phòng hiện đại; có chăng, chỉ một số nội dung chủ yếu đạt được mức độ đó. Tuy nhiên, về phương hướng, mục tiêu xây dựng nền quốc phòng vẫn cần phải xác định như vậy. Đối với những nội dung hiện chưa hiện đại thì cần phấn đấu để đạt tiêu chí hiện đại, còn với những nội dung đã hiện đại rồi thì tiếp tục đầu tư để hiện đại hơn trong thời gian tới.

Sức mạnh quốc phòng phụ thuộc rất lớn vào tính chất, mức độ hiện đại của nền quốc phòng. Một nền quốc phòng mạnh là một nền quốc phòng hiện đại, nhưng không phải bất kỳ nền quốc phòng hiện đại nào cũng trở thành vững mạnh. Vì thế, xây dựng nền quốc phòng ngày càng hiện đại phải trên cơ sở tổng hợp của nhiều yếu tố, đảm bảo phát huy sức mạnh của tất cả các ngành, lĩnh vực và toàn dân. Và chỉ như vậy, mới không lãng phí nguồn lực, nói cách khác là khai thác triệt để nguồn lực, nhất là trình độ khoa học - công nghệ, chất xám,... của đất nước phục vụ cho sự nghiệp quốc phòng, đảm bảo cho nền quốc phòng có đủ sức mạnh cần thiết để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc chống chiến tranh xâm lược bằng vũ khí công nghệ cao của các thế lực thù địch. Theo các chuyên gia quân sự, sức mạnh của nền quốc phòng được cấu thành bởi “sức mạnh cứng” và “sức mạnh mềm”. Sức mạnh được đề cập ở trên là “sức mạnh cứng”, còn “sức mạnh mềm” gồm các yếu tố: truyền thống, tâm lý, đối ngoại,... của một dân tộc. Nếu nghiên cứu kỹ tính hiện đại của nền quốc phòng ta thấy, ở mức độ nào đó, còn có nhân tố trí tuệ được thể hiện ở trình độ chỉ đạo, chỉ huy, điều hành tổ chức xây dựng và hoạt động quốc phòng của giai cấp, bộ máy lãnh đạo.

Hiện nay, nước ta đang trong bối cảnh thời bình, nói đúng hơn là trong trạng thái đặc biệt của thời bình, về cơ bản là hòa bình, nhưng lại đang phải đương đầu với những thách thức, nguy cơ hiện hữu cả từ bên trong và bên ngoài, mà nếu không được giải quyết kịp thời, hiệu quả, sẽ đe dọa sự tồn vong của đất nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, xây dựng nền quốc phòng toàn dân không chỉ nhằm mục tiêu đánh thắng chiến tranh xâm lược của địch, mà còn trước hết ngăn ngừa, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, xung đột và đây là mục tiêu quan trọng nhất, cách thức “khôn ngoan nhất”. Xuất phát từ tình hình đất nước, nên nền quốc phòng nước ta có đặc điểm vừa xây dựng, vừa hoạt động, đan xen, với tinh thần: kết hợp chặt chẽ giữa xây dựng và hoạt động, hoạt động với xây dựng. Quá trình xây dựng nền quốc phòng đồng thời cũng là quá trình thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, xử trí các tình huống quốc phòng, nhằm đảm bảo sự ổn định, phát triển của đất nước. Trên đây là những nội dung chủ đạo của đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong thời kỳ mới mà Chiến lược Quốc phòng tập trung quán triệt và thể hiện.

Thiếu tướng NGUYỄN MẠNH HÙNG

(còn nữa)

Ý kiến bạn đọc (0)

Đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng bộ Tài chính
Sáng 27-9, Thượng tướng Ngô Xuân Lịch, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Trưởng đoàn kiểm tra của Ban Bí thư Trung ương Đảng làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính về kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI),...