Nghiên cứu - Tìm hiểu Nghiên cứu - Trao đổi

QPTD -Thứ Năm, 15/01/2015, 16:17 (GMT+7)
Một số vấn đề về xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần trong khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) hiện nay

 Khu vực phòng thủ tỉnh (thành phố) nằm trong hệ thống phòng thủ chung của quân khu và cả nước, giữ vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sức mạnh của khu vực phòng thủ là tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, tiềm lực chính trị - tinh thần giữ vị trí cơ sở nền tảng.

Thực chất của xây dựng khu vực phòng thủ (KVPT) là xây dựng các tiềm lực. Xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần (CT-TT) chính là xây dựng con người, tổ chức nhằm tạo nên sức mạnh CT-TT của KVPT, đảm bảo cho nhân dân (lực lượng của KVPT), nòng cốt là lực lượng vũ trang (LLVT) luôn tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là cấp ủy địa phương nhận thức đúng quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân tự giác tham gia xây dựng và hoạt động KVPT trong thời bình, thời chiến. Đồng thời, xây dựng các tổ chức vững mạnh, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, quán triệt Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT, nhất là những yêu cầu đặt ra đối với xây dựng tiềm lực CT-TT, các địa phương đã phối hợp chặt chẽ với đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn và các bộ, ban, ngành, đoàn thể địa phương triển khai xây dựng KVPT tỉnh (thành phố) đạt được kết quả quan trọng. Nổi bật là: Cơ chế Đảng lãnh đạo, chính quyền quản lý, điều hành được vận hành tốt; vai trò tham mưu cùng cấp của cơ quan quân sự và công an được phát huy hiệu quả; nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân được nâng lên,... Nhờ đó, tiềm lực mọi mặt nói chung, tiềm lực CT-TT của KVPT được tăng cường. Qua các đợt diễn tập KVPT của các tỉnh (thành phố) cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, chất lượng chính trị của LLVT địa phương được nâng lên; việc huy động quần chúng tham gia thực hiện theo đúng kế hoạch. Điều đó chứng tỏ, việc xây dựng tiềm lực CT-TT được quan tâm đúng mức, hiệu quả. Tuy nhiên, so với yêu cầu đề ra, việc xây dựng tiềm lực CT-TT trong KVPT ở các tỉnh (thành phố) vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót, như: một số cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức, trách nhiệm chưa đầy đủ, còn chủ quan, xem nhẹ việc xây dựng KVPT; sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể địa phương trong triển khai thực hiện có nội dung còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, “thế trận lòng dân” ở một số nơi chưa được củng cố vững chắc.

Trước tình hình đó, để xây dựng tiềm lực CT-TT trong KVPT đáp ứng yêu cầu đặt ra cần tập trung giải quyết tốt một số vấn đề cơ bản sau:

Trước hết, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, LLVT và nhân dân đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu của tiềm lực CT-TT trong KVPT. Mục tiêu của công tác này là nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân, LLVT, các ban ngành đoàn thể địa phương đối với nhiệm vụ xây dựng KVPT. Để làm được điều đó, cơ quan quân sự, công an các cấp cần chủ động tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục quốc phòng và an ninh. Trong đó, tập trung giáo dục những nội dung cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; Nghị quyết 28-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X), Nghị định 152/2007/NĐ-CP của Chính phủ về KVPT. Đặc biệt, đối với cấp ủy, chính quyền địa phương và cán bộ chủ chốt các cấp cần đi sâu vào những nội dung cơ bản về xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng KVPT; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường quốc phòng, an ninh; tổ chức phòng thủ dân sự, động viên quốc phòng, chuyển địa phương từ thời bình sang thời chiến, v.v. Công tác giáo dục quốc phòng và an ninh cần xác định những nội dung thiết thực, đa dạng hóa các hình thức, biện pháp, phù hợp với từng đối tượng; tránh bệnh hình thức, đường mòn lối cũ, nhàm chán. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, tạo môi trường thuận lợi để nhân dân và các LLVT phát huy quyền lợi, trách nhiệm của mình, tăng cường phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho quê hương và gia đình, xây dựng địa phương vững mạnh về mọi mặt. Việc làm trên cần được tiến hành thường xuyên, liên tục, bằng nhiều biện pháp phong phú, sáng tạo, có sức thuyết phục cao; trong đó, phát huy vai trò của phương tiện thông tin đại chúng có ý nghĩa quan trọng. Qua đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, lực lượng, của mỗi công dân, chiến sĩ LLVT trong xây dựng tiềm lực CT-TT của KVPT, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đấu tranh, ngăn chặn làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” LLVT của các thế lực thù địch.

Cùng với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, phải thường xuyên củng cố, kiện toàn xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp ủy chính quyền vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng KVPT vững chắc ngay từ thời bình. Tổ chức đảng ở địa phương là một bộ phận của hệ thống chính trị, đảm nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành mọi lĩnh vực hoạt động của địa phương, trong đó có xây dựng và hoạt động của KVPT. Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng từ cơ sở xã (phường, thị trấn) đến huyện (quận), tỉnh (thành phố), bảo đảm có đủ sức lãnh đạo các LLVT và toàn dân thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng KVPT vững mạnh toàn diện. Trong đó, cần kiên quyết khắc phục những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng gắn với việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, kịp thời phát hiện và giải quyết dứt điểm những vướng mắc nảy sinh, không để xảy ra các “điểm nóng”. Cơ quan quân sự địa phương cần tham mưu cho cấp ủy địa phương trong việc tổ chức, hoạt động của các chi bộ quân sự xã (phường, thị trấn) theo Hướng dẫn 35-HD/BTCTW của Ban Tổ chức Trung ương. Hiện nay, nhiều địa phương đã vận dụng thực hiện bố trí đồng chí bí thư đảng ủy xã (phường, thị trấn) kiêm bí thư chi bộ quân sự và chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự. Qua thực tiễn hoạt động cho thấy, mô hình này có hiệu quả khá tốt, việc lãnh đạo nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng KVPT sẽ tập trung hơn.

Cùng với đó, các địa phương cần coi trọng xây dựng chính quyền các cấp vững mạnh, thực sự là chính quyền của dân, do dân và vì dân. Trước hết, tập trung đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ chính quyền địa phương từ cơ sở xã (phường, thị trấn) đến huyện (quận), tỉnh (thành phố); mạnh dạn đưa vào nguồn những cán bộ trẻ có phẩm chất, năng lực; kết hợp với việc luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ được trải nghiệm trong thực tiễn. Đặc biệt, đối với các địa phương có đường biên giới quốc gia, nên có cán bộ chuyên trách về vấn đề biên giới để làm nòng cốt trong việc giữ vững chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ở khu vực biên giới thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, chất lượng cán bộ còn thấp thì tiếp tục thực hiện “cán bộ biên phòng tham gia cấp ủy, chính quyền địa phương”, “trưởng công an xã do cán bộ của ngành Công an đảm nhiệm” và tạo điều kiện cho sinh viên ưu tú tốt nghiệp các trường đại học đảm nhiệm những cương vị chủ chốt ở cấp xã. Bên cạnh đó, cần đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thôn, bản cả về phẩm chất, năng lực, uy tín, trách nhiệm với nhân dân; có khả năng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động; thực hiện tốt chức năng phản biện xã hội, hướng mạnh các hoạt động về cơ sở; thực hiện nghiêm Quy chế Dân chủ ở cơ sở, thực hiện “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, quy tụ sức dân để thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, xây dựng KVPT.

Một trong những vấn đề rất quan trọng của xây dựng tiềm lực CT-TT trong KVPT là xây dựng “thế trận lòng dân” vững mạnh. Hiện nay, ở nhiều địa phương, chưa giải quyết kịp thời những bức xúc của nhân dân, còn để xảy ra khiếu kiện chậm được giải quyết; tình trạng tham nhũng, lãng phí chưa được đẩy lùi gây mất lòng tin cho nhân dân. Bởi vậy, trong xây dựng tiềm lực CT-TT của KVPT, cần tập trung xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết quân dân, phát huy tinh thần yêu nước của nhân dân, làm cho mọi người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; tham gia tích cực vào các hoạt động xây dựng KVPT. Nội dung quan trọng của xây dựng “thế trận lòng dân” là tuyên truyền, giáo dục cho nhân dân hiểu rõ âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch; trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, chế độ XHCN. Phải làm cho nhân dân hiểu rõ giữ vững an ninh chính trị trong KVPT là tạo điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm lao động, sản xuất, nâng cao đời sống, không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá. Đội ngũ cán bộ các cấp phải đổi mới phương pháp, tác phong công tác, sâu sát cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, luôn dựa vào dân, tôn trọng nhân dân, thực sự là công bộc của nhân dân trong mọi hoạt động ở địa phương; kiên quyết khắc phục tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, xa rời thực tế, thiếu sâu sát với nhân dân. Các đơn vị LLVT cần chủ động phối hợp với các địa phương tích cực tham gia giúp đỡ nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Xây dựng môi trường văn hóa tốt đẹp, lành mạnh, phong phú trong Quân đội”, gắn với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”; thực hiện tốt các chính sách xã hội, gia đình hậu phương quân đội, giúp đỡ nhân dân phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, ổn định cuộc sống, v.v.

Trước yêu cầu mới của nhiệm vụ xây dựng KVPT, việc tăng cường tiềm lực CT-TT có ý nghĩa quan trọng nhằm bảo vệ vững chắc địa phương, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá ĐỖ TRẤN HƯNG

Ý kiến bạn đọc (0)

Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội
Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Ngọc Anh, Viện Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh có bài viết "Giá trị nhân văn Hồ Chí Minh - nền tảng của sự phát triển xã hội" khẳng định, với bản chất và đặc trưng phổ quát, giá trị cơ bản của tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh là nền tảng phát triển xã hội, kiến tạo hệ thống quan hệ xã hội mang đậm bản chất người và giá trị làm người chân chính.