Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 19/09/2017, 10:31 (GMT+7)
Vai trò của Liên hợp quốc và 40 năm đồng hành của Việt Nam

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (giữa) và các đại biểu dự Lễ kỷ niệm 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc, tại trụ sở Liên hợp quốc, ở New York, Mỹ, ngày 30-5-2017.
(Ảnh: TTXVN)

1. Vai trò và đóng góp của Liên hợp quốc đối với hòa bình, an ninh và tiến bộ của nhân loại

Ngày 24-10-1945, Liên hợp quốc ra đời là một bước ngoặt trong lịch sử thế giới, mang lại những biến đổi to lớn cho hòa bình và tiến bộ chung của nhân loại. Sứ mệnh cao cả của Liên hợp quốc đã được nêu rõ ngay tại những dòng đầu tiên của Hiến chương, đó là: “quyết tâm cứu những thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh đã hai lần trong đời gieo rắc đau thương không thể kể xiết cho nhân loại”.

Hơn 70 năm qua, có thể nói, Liên hợp quốc đã thực hiện thành công được sứ mệnh của mình, được cộng đồng quốc tế thừa nhận là tổ chức toàn cầu có uy tín cao, quy mô rộng lớn nhất, luôn giữ vai trò hàng đầu trong ngăn ngừa, giải quyết các cuộc xung đột, đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, duy trì hòa bình và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên cả ba trụ cột: hòa bình - an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người. Bên cạnh đó, Liên hợp quốc đã đảm nhiệm ngày càng tốt hơn vai trò trung tâm trong xây dựng hệ thống các quy định, chuẩn mực của luật pháp quốc tế trên các lĩnh vực; thúc đẩy giải quyết các thách thức toàn cầu; các vấn đề kinh tế, xã hội, văn hóa và nhân đạo; hỗ trợ phát triển cho các nước nghèo và kém phát triển.

2. Sự đồng hành của Việt Nam trong 40 năm gia nhập Liên hợp quốc

Ngay từ những ngày đầu lập nước, Việt Nam đã coi trọng và nhận thức rõ tầm quan trọng của Liên hợp quốc và bày tỏ nguyện vọng gia nhập tổ chức này. Điều đó đã được thể hiện qua bức điện văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa đầu tiên vào ngày 14-01-1946. Song, do hoàn cảnh lịch sử, phải đến ngày 20-9-1977 (hơn 30 năm sau), Việt Nam mới chính thức trở thành thành viên của Liên hợp quốc.

Tuy vậy, về thực chất, cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước của nhân dân ta chính là đóng góp có ý nghĩa nhất của Việt Nam cho sứ mệnh của Liên hợp quốc ngay từ lúc chưa là thành viên của tổ chức này. Bởi lẽ, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta đã góp phần thực hiện các mục tiêu và lý tưởng cao cả của Liên hợp quốc là hòa bình, tôn trọng nguyên tắc bình đẳng, quyền tự quyết của các dân tộc, độc lập chủ quyền và tiến bộ xã hội.

Trong 40 năm qua, Việt Nam luôn nhận được sự hỗ trợ quý báu, hợp tác có hiệu quả của Liên hợp quốc đối với công cuộc bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước, góp phần giải quyết hậu quả chiến tranh và phá thế bao vây, cấm vận. Trong thời kỳ đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sự hợp tác trợ giúp về kỹ thuật, vốn, kinh nghiệm của Liên hợp quốc là một trong những nguồn lực quan trọng, giúp Việt Nam nâng cao năng lực thể chế luật pháp, cải cách hành chính, xóa đói giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, v.v.

Về phần mình, kể từ khi gia nhập Liên hợp quốc, Việt Nam đã tham gia ngày càng sâu rộng, thực chất và trở thành một thành viên tích cực, có trách nhiệm, đối tác quan trọng của Liên hợp quốc; quan hệ hợp tác với Liên hợp quốc ngày càng mở rộng theo hướng thiết thực, hiệu quả và được thể hiện một cách khái quát ở một số nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, chúng ta đã chủ động, tích cực tham gia các nỗ lực chung nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, đặc biệt là đề cao các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc. Qua đó, góp phần bảo vệ chủ quyền và lợi ích chính đáng của Việt Nam. Việt Nam cũng tích cực tham gia đóng góp xây dựng các cơ chế hợp tác, luật lệ, chuẩn mực chung nhằm xây dựng các mối quan hệ quốc tế công bằng, bình đẳng, bảo đảm lợi ích chính đáng của các nước, nhất là các nước đang phát triển.

Thứ hai, Việt Nam đã được các nước, bạn bè tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí, cơ quan quan trọng của Liên hợp quốc và có nhiều đóng góp ý nghĩa tại các cơ quan này, như: Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009, thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014 - 2016. Đặc biệt, từ năm 2014, Việt Nam đã cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, thể hiện trách nhiệm của mình trong việc gìn giữ hòa bình, an ninh quốc tế.

Thứ ba, Việt Nam là một trong những nước đi đầu trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách của Liên hợp quốc về phát triển; trong đó, có việc thực hiện thành công trước thời hạn các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ và quyết tâm thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững và Thỏa thuận Pa-ri về biến đổi khí hậu toàn cầu. Việt Nam cũng tích cực thúc đẩy các sáng kiến cải tổ Liên hợp quốc, đặc biệt là quốc gia đi đầu triển khai sáng kiến “Thống nhất hành động” của Liên hợp quốc, nhằm tăng hiệu quả hoạt động của Liên hợp quốc ở cấp độ quốc gia.

Tựu chung lại, trong 40 năm đồng hành cùng Liên hợp quốc, Việt Nam đã đóng góp vào thành tích chung của công tác đối ngoại, đặc biệt đã góp phần bảo vệ - thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, nhất là duy trì, củng cố môi trường hòa bình, an ninh và tạo thuận lợi cho phát triển đất nước; thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng hơn và góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế./.

PHẠM BÌNH MINH, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.