Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Chủ Nhật, 30/04/2017, 09:26 (GMT+7)
Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (02-5-1917 – 02-5-2017)
Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng với việc xây dựng Kế hoạch Phòng thủ đầu tiên ở miền Bắc
Đồng chí Văn Tiến Dũng (ngồi giữa) chỉ đạo tác chiến tại Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân, tháng 11-1972. (Ảnh tư liệu)

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ buộc Pháp phải ký Hiệp định Gơ-ne-vơ. Trong khi chúng ta nghiêm chỉnh thi hành các điều khoản của Hiệp định Giơ-ne-vơ, tập trung sức lực hàn gắn vết thương chiến tranh, thì ở miền Nam, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm lại ngang ngược phá hoại Hiệp định. Ngày 22 tháng 7 năm 1954, Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao ngang nhiên tuyên bố rằng: Hoa Kỳ không bị ràng buộc vào bất cứ một quyết nghị của Hiệp định Giơ-ne-vơ về Việt Nam1. Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét cũng thẳng thừng phát đi thông điệp: Chính sách đối ngoại của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á là phải lập ra một phòng tuyến mà cộng sản không thể vượt qua, rồi sau đó giữ vững vùng này và chiến đấu lật đổ các chính thể cộng sản trong khu vực với tất cả sức mạnh mà nước Mỹ có thông qua viện trợ kinh tế2. Nhận rõ âm mưu của kẻ thù, ngày 15 tháng 7 năm 1954, tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 (khóa II), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân toàn thế giới, và nó đang là kẻ thù chính trực tiếp của nhân dân Đông Dương”3. Vì vậy, để bảo vệ vững chắc miền Bắc xã hội chủ nghĩa trước mọi tham vọng xâm lược của đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, đầu năm 1955, Tổng Quân ủy phân công Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trực tiếp phụ trách việc triển khai xây dựng Kế hoạch Bố phòng miền Bắc, bảo đảm sẵn sàng chiến đấu. Thực hiện kế hoạch của Tổng Quân ủy, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng giao nhiệm vụ cho Cục Tác chiến chủ trì việc xây dựng và hoàn thành sớm Kế hoạch Phòng thủ miền Bắc (từ Bộ đến các quân khu).

Theo đó, trong năm 1955, Tổng Tham mưu trưởng đã trực tiếp cùng nhiều đoàn cán bộ của Bộ Tổng Tham mưu tiến hành khảo sát địa hình các vùng biên giới, ven biển và hải đảo để làm cơ sở xây dựng Kế hoạch Phòng thủ. Ngày 28 tháng 01 năm 1956, Cục Tác chiến hoàn thành bản Dự thảo Kế hoạch Tác chiến bảo vệ miền Bắc. Trên cơ sở nhận định, đánh giá đúng tình hình, âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, Dự thảo Kế hoạch Tác chiến đã xác định rõ nhiệm vụ của Quân đội, phương châm chiến lược, phương châm tác chiến, ý  định tác chiến và phương án bố trí binh lực của ta. Sau khi nghe Cục Tác chiến báo cáo toàn bộ Dự thảo Kế hoạch, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng nhận định: tác chiến bảo vệ miền Bắc là vấn đề mới và rất hệ trọng, nên đã chỉ đạo Cục Tác chiến tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, bổ sung một số nội dung cơ bản, đặc biệt là phải làm rõ những vấn đề trọng yếu, như: nếu chiến trường chính là Đồng bằng Bắc Bộ thì hướng tiến công chủ yếu của địch sẽ bắt đầu từ đâu? Khả năng của ta giữ như thế nào đối với vùng Đồng bằng Bắc Bộ? Vị trí, vai trò của vùng Tây Bắc, Việt Bắc - hai triền núi kẹp đồng bằng Bắc Bộ và của đảo Hải Nam (Trung Quốc) trong việc chống địch đổ bộ vào vùng bờ biển Bắc Bộ; dự đoán khi địch tiến công, có thể chúng đổ bộ đường biển ở đâu?... Tất cả những nội dung đó phải được thể hiện rõ trong bản Kế hoạch Tác chiến. Về phương châm chiến lược, phương châm tác chiến, Tổng Tham mưu trưởng gợi ý cần nghiên cứu phương châm chiến lược “trường kỳ kháng chiến, tích cực phòng ngự” và phương châm tác chiến “vận động chiến kết hợp với trận địa chiến”4.

Từ gợi ý trên, Cục Tác chiến đã nghiên cứu, bổ sung hoàn chỉnh. Tháng 4 năm 1956, Kế hoạch Tác chiến bảo vệ miền Bắc được Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng ký duyệt và đệ trình lên Tổng Quân ủy xem xét, thông qua. Đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam có một kế hoạch tác chiến tương đối cơ bản về công cuộc phòng thủ đất nước. Theo đó, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã kịp thời chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu điều chỉnh địa điểm đứng chân của một số đại đoàn, trung đoàn ở miền Bắc cho phù hợp với tình hình thực tế theo phương án mà Kế hoạch đã xác định. Trên hướng bờ biển - hướng chính của cuộc tấn công xâm lược như dự kiến của Kế hoạch, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng chỉ thị phải bố trí lực lượng phòng thủ đủ mạnh để khi chiến tranh xảy ra, lực lượng phòng thủ bờ biển có khả năng cầm chân địch ở bờ biển trong một thời gian đủ lâu, tạo điều kiện thuận lợi cho cả nước chuyển trạng thái từ thời bình sang thời chiến, bảo đảm không bị rối loạn. Hướng biên giới Việt - Lào, được xác định có ý nghĩa chiến lược hết sức quan trọng trong việc phòng thủ miền Bắc, nếu được củng cố chặt chẽ thì đó là một hành lang chắc chắn bảo vệ hậu phương của ta ở Tây Bắc, Việt Bắc và Khu 4; ngược lại, nếu sơ hở thì đó sẽ là những hướng tấn công lợi hại của địch, chia cắt toàn bộ Bắc Bộ và Khu 4. Vì vậy, Tổng Tham mưu trưởng chỉ thị cho các quân khu dọc biên giới Việt - Lào khẩn trương xây dựng và thực hiện Kế hoạch Tác chiến phòng thủ; bảo đảm bịt kín biên giới Việt - Lào khi chiến tranh nổ ra5.

Trong quá trình triển khai bản Kế hoạch Tác chiến bảo vệ miền Bắc (4-1965), Tổng Tham mưu trưởng đã chỉ đạo Cục Tác chiến tiếp tục xem xét, nghiên cứu sửa chữa, bổ sung những bất cập cho phù hợp hơn với đặc điểm địa hình của đất nước. Sau một thời gian nghiên cứu chỉnh sửa, bổ sung, tháng 10 năm 1957, Cục Tác chiến đã hoàn chỉnh Kế hoạch, báo cáo Tổng Tham mưu trưởng. Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong lần này là phương châm chiến lược được chuyển từ “trường kỳ kháng chiến, tích cực phòng ngự” sang “tích cực phòng ngự”6 và phương châm tác chiến từ “vận động chiến kết hợp với trận địa chiến” sang “vận động chiến kết hợp với trận địa chiến và du kích chiến”7. Như vậy, hình thức “du kích chiến” đã được bổ sung vào phương châm tác chiến, lực lượng dân quân, du kích đã được xác định là lực lượng quan trọng. Đây là một bước phát triển mới rất quan trọng trong nhận thức về lực lượng phòng thủ đất nước.

Ngay sau khi Kế hoạch Tác chiến bảo vệ miền Bắc (10-1957) được thông qua, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã chỉ thị Quân khu 4, Quân khu Đông Bắc, Quân khu Việt Bắc, Quân khu Hữu Ngạn và Quân khu Tả Ngạn8 cùng các sư đoàn trực thuộc Bộ lần lượt tổ chức luyện tập các phương án theo Kế hoạch  đã xác định; đồng thời, bố trí lại lực lượng bảo đảm cho các quân khu có đủ khả năng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phòng thủ đã được phân công.

Cuối năm 1958, đầu năm 1959, trên địa bàn các Quân khu: Đông Bắc, Việt Bắc, Tây Bắc, Quân khu 4 đã xảy ra một số cuộc bạo loạn, gây rối của bọn thổ phỉ, biệt kích, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã kịp thời chỉ thị cho các quân khu trên cùng với Sư đoàn 316 và lực lượng biên phòng mở các cuộc tiến công tiêu diệt thổ phỉ, dẹp bạo loạn, đánh biệt kích. Sau các đợt hoạt động của lực lượng vũ trang, các toán phỉ ở Tiên Yên, Ba Chẽ, Hoành Bồ, Đầm Hà, Hà Cối (Quân khu Đông Bắc), Hà Giang (Quân khu Việt Bắc), Hồ Thầu, Phong Thổ - Lai Châu (Quân khu Tây Bắc) cùng bọn gây rối, bạo loạn, biệt kích vùng ven biển Quân khu 4 đều bị tiêu diệt. Qua đợt hoạt động trên, Tổng Tham mưu trưởng và Cục Tác chiến tiếp tục phát hiện thấy Kế hoạch còn những điểm hạn chế cần nhanh chóng khắc phục để hoàn thiện. Đặc biệt, trong Hội nghị Tổng Quân ủy mở rộng Kiểm điểm 4 năm xây dựng Quân đội, củng cố quốc phòng (diễn ra từ ngày 20 tháng 02 đến ngày 10 tháng 3 năm 1959, tại Hà Nội) khi đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phòng thủ đất nước, đã chỉ rõ: “Trong mấy năm hòa bình, chúng ta đã đề ra phương châm chiến lược, phương châm tác chiến, kế hoạch phòng thủ, dự kiến phương hướng tác chiến... Tuy nhiên, nội dung phương châm chiến lược, phương châm tác chiến, kế hoạch tác chiến không rõ ràng, nên các mặt công tác không có phương hướng rõ rệt, không có căn cứ tiến hành”9. Hội nghị ra Nghị quyết: Những vấn đề cơ bản về đường lối Quân sự của Đảng, trong đó xác định: “Trong tương lai, nếu xảy ra một cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc thì về bản chất cuộc chiến tranh chống xâm lược của ta vẫn là một cuộc chiến tranh nhân dân. Tư tưởng chiến lược, chiến thuật của chúng ta vẫn là tư tưởng chiến lược, chiến thuật của chiến tranh nhân dân. Do đó, lực lượng vũ trang của chúng ta vẫn phải bao gồm bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân; vẫn phải thực hiện vũ trang toàn dân”10.

Quán triệt Nghị quyết của Tổng Quân ủy và căn cứ vào Kế hoạch Tác chiến bảo vệ miền Bắc (10 -1957), Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã trực tiếp chỉ đạo Bộ Tổng Tham mưu triển khai xây dựng Kế hoạch Phòng thủ miền Bắc giai đoạn mới. Sau gần hai tháng tích cực chuẩn bị, tháng 4 năm 1959, Kế hoạch đã được bổ sung, hoàn chỉnh theo đúng tinh thần Nghị quyết của Tổng Quân ủy, sát với đặc điểm, tình hình đất nước. Tuy nhiên, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng cũng chỉ rõ: Bản Kế hoạch mới cũng chỉ là một bộ phận của kế hoạch phòng thủ chung. Để có một Kế hoạch Phòng thủ đất nước hoàn chỉnh, các cơ quan có liên quan của Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng hoàn chỉnh một hệ thống kế hoạch, bao gồm: kế hoạch tác chiến của các quân khu, quân chủng, binh chủng; kế hoạch xây dựng hậu phương, căn cứ địa; kế hoạch chuyển quốc gia từ thời bình sang thời chiến; kế hoạch chuẩn bị và động viên lực lượng hậu bị, kế hoạch phát động toàn dân tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, kế hoạch phát động chiến tranh ở vùng địch hậu, v.v.

Như vậy, điểm mới quan trọng của Kế hoạch Phòng thủ lần này là xác định rõ lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng thủ đất nước là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị chứ không phải là việc riêng của Tổng Quân ủy, Bộ Quốc phòng và của lực lượng vũ trang. Đây là bước phát triển toàn diện về tư duy bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới, phù hợp với tư tưởng, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và điều kiện kinh tế, quốc phòng của đất nước, thực sự là cơ sở khoa học vững chắc để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa khi chiến tranh xâm lược xảy ra.

Có thể khẳng định rằng, từ năm 1955 đến 1959, với vai trò là người trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng và triển khai thực hiện, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã có rất nhiều đóng góp quan trọng vào việc hoàn chỉnh bước đầu về Kế hoạch Phòng thủ đất nước. Những chỉ thị, ý kiến chỉ đạo của Đồng chí về phương châm chiến lược, phương châm tác chiến; về xác định lực lượng phòng thủ quốc gia; về kết hợp chặt chẽ giữa quân sự với kinh tế, giữa xây dựng hậu phương với củng cố quốc phòng trong giai đoạn này, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần được kế thừa, phát triển và vận dụng vào công cuộc củng cố quốc phòng, phòng thủ đất nước trong thời kỳ mới.

Đại tá, ThS. ĐOÀN TÁ ANH, Tạp chí Quốc phòng toàn dân và 
Đại úy, ThS. TRẦN MINH TÚ, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam
_____________________
1 - Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam - Lịch sử kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập 1, Nxb CTQG, H. 2013, tr. 192.

2 - Lịch sử Nam Bộ kháng chiến 1945 - 1975, Tập 2, Nxb CTQG, H. 2012, tr. 26.

3 - Trung tâm Lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Trung ương Đảng, Hồ sơ số 974.

4 - Bộ Tổng Tham mưu - Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 113.

5 - Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, phông Bộ Tổng Tham mưu - Hồ sơ số 260.

6, 7 - Bộ Tổng Tham mưu - Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 187.

8 - Ngày 3 tháng 6 năm 1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập 6 quân khu trên địa bàn miền Bắc Việt Nam, gồm các quân khu: Tây Bắc, Việt Bắc, Đông Bắc, Tả Ngạn, Hữu Ngạn và Quân khu 4.

9 - Trung tâm lưu trữ Bộ Quốc phòng, Phông Quân ủy Trung ương - Hồ sơ số 202.

10 - Bộ Tổng Tham mưu - Biên niên sự kiện Bộ Tổng Tham mưu trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước 1954 - 1975, Tập 1, Nxb QĐND, H. 2003, tr. 267-268.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.