QPTD -Thứ Năm, 18/01/2018, 07:03 (GMT+7)
Nét đặc sắc về nghệ thuật quân sự trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, bài học vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trang sử Xuân Mậu Thân 1968 là chiến công chói lọi của dân tộc ta trong thế kỷ XX. Thắng lợi to lớn đó do nhiều nhân tố hợp thành; trong đó, nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân là nét nổi bật, cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình các mặt và nắm vững quy luật của chiến tranh cách mạng, Đảng ta quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, giáng cho Mỹ, ngụy nhiều đòn sấm sét. Đây là biểu hiện ý chí và sức mạnh quật cường của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam; cùng sự sáng tạo, tài mưu lược trong nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh của Đảng. Điều đó thể hiện rõ ở nghệ thuật tạo và nắm bắt thời cơ để chủ động đánh đòn chiến lược; tiến công bằng phương pháp tác chiến chiến lược mới, đánh hiểm, đánh đau, đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của địch; chọn hướng tiến công chiến lược, mục tiêu tiến công hiểm, tạo bất ngờ lớn. Đó còn là nghệ thuật tổ chức và thực hành tiến công trong thành phố; nghệ thuật sử dụng và phối hợp lực lượng linh hoạt; kết hợp giữa tiến công quân sự và nổi dậy của quần chúng cách mạng, giữa tác chiến trong nội đô và đánh địch ở vùng ven, v.v. Nhờ đó, cuộc tiến công chiến lược đã giành thắng lợi to lớn, làm chấn động Lầu Năm Góc, rung chuyển cả nước Mỹ, tạo bước ngoặt cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Thắng lợi oanh liệt đó, xét về góc độ nghệ thuật quân sự, thể hiện nổi bật ở một số nội dung cơ bản sau:

1. Nghệ thuật xác định hướng, mục tiêu tiến công chủ yếu táo bạo, bất ngờ, làm cho kẻ thù phải bàng hoàng, sửng sốt. Từ giữa năm 1967, mặc dù bị thất bại nặng nề trên các mặt trận và rơi vào thế bị động, nhưng lực lượng quân sự Mỹ - ngụy vẫn còn hơn 01 triệu tên và bộ máy chiến tranh của chúng vẫn còn tương đối mạnh. Vì vậy, nếu thực hiện những chiến dịch quân sự đánh vào vùng rừng núi như trước thì vẫn có thể tiêu diệt nhiều sinh lực địch và phương tiện chiến tranh của chúng, nhưng ta sẽ không tạo ra áp lực mạnh để đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh. Còn nếu đồng loạt tiến công vào các địa bàn đô thị - trung tâm đầu não chính trị, quân sự của Mỹ - ngụy, sẽ tạo ra bất ngờ lớn đối với địch, làm đảo lộn thế bố trí chiến lược của chúng và tạo “tiếng vang” lớn trên thế giới, tác động mạnh vào chính giới và nhân dân Mỹ.

Bộ đội tiến vào thành nội Huế ngày 02-02-1968. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở đánh giá đúng tình hình, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương xác định hướng tiến công chủ yếu của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy là các thành phố, thị xã, thị trấn trên toàn miền Nam, trọng điểm là các thành phố: Sài Gòn - Gia Định, Đà Nẵng, Huế,… và mục tiêu tiến công chủ yếu là các cơ quan đầu não trung ương và địa phương của chính quyền ngụy, nơi tập trung sinh lực cao cấp của cả Mỹ và ngụy, nhất là các mục tiêu: Dinh Tổng thống, Bộ Tổng Tham mưu ngụy, Tổng Nha cảnh sát, Đại sứ quán Mỹ, Đài Phát thanh Sài Gòn, v.v. Đây là quyết định đúng đắn, táo bạo, đánh vào những mục tiêu mạnh của địch, nhưng hiểm yếu và có phần sơ hở, gây chấn động lớn trên toàn chiến trường miền Nam. Vì vậy, mặc dù các khu vực, mục tiêu đó được chúng bảo vệ, phòng thủ chặt chẽ, nhưng với thế trận chiến tranh nhân dân, với tài nghệ tổ chức chiến đấu của các đơn vị, ta đã bí mật tập kết hàng vạn tấn vũ khí trang bị, nhiều đơn vị đặc công, biệt động thành đã triển khai ngay sát các mục tiêu cần đánh chiếm. Với việc xác định hướng, mục tiêu tiến công chủ yếu táo bạo đó, nên khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy nổ ra, địch đã hoàn toàn bất ngờ, ta nhanh chóng làm chủ các mục tiêu. Sau khi tòa Đại Sứ quán Mỹ bị đánh và thất bại trong 06 giờ đồng hồ, chính giới Mỹ phải thừa nhận Việt Cộng đã tấn công thẳng vào nước Mỹ, đã nhằm trúng vào “yết hầu”, “huyết mạch”, “tim óc” của chúng; Tổng thống Mỹ khi đó đã chua chát thừa nhận: Việt Cộng đã đi dạo mát trong sứ quán của ta rồi.

2. Nghệ thuật tạo và nắm thời cơ chiến lược linh hoạt để đánh đòn quyết định, giành thắng lợi về chiến lược. Theo tiết lộ tin cậy của chính giới Mỹ và Lầu Năm Góc, để thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” ở miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã sử dụng hết lực lượng dự trữ chiến lược cho cuộc chiến tranh này và một phần lực lượng dự trữ chiến lược toàn cầu, nhưng chưa giành được thắng lợi nào đáng kể, thậm chí còn bị thất bại liên tiếp. Đặc biệt, trong hai cuộc phản công chiến lược vào mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đã bị ta sát thương, tiêu diệt lớn về sinh lực cùng nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại; bẻ gãy các cuộc hành quân chiến lược, khiến đế quốc Mỹ rơi vào thế bị động và “tiến thoái lưỡng nan” về chiến lược. Trong khi đó, lực lượng quân sự của ta ngày càng lớn mạnh, đã tiến hành thành công những chiến dịch lớn và làm chủ nhiều vùng chiến lược. Lực lượng chính trị ở miền Nam đã lớn mạnh và đang sục sôi cách mạng, sẵn sàng vùng lên phá tan xiềng xích để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Đây là lúc hội tụ các điều kiện thuận lợi cả về thế và lực, cho phép chúng ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam sang một thời kỳ mới. Quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đầu năm 1968 vì thế rất phù hợp; ta đã nắm rất chắc và nhanh chóng chớp thời cơ chiến lược thuận lợi đó để đánh sập ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, tạo bước ngoặt cho cuộc chiến tranh.

Nghệ thuật tạo và nắm bắt thời cơ của cuộc Tổng tiến công chiến lược còn được thể hiện ở chỗ, ta chọn thời điểm mở màn tiến công đúng vào dịp Tết, lại đúng đêm giao thừa, lúc mà địch chủ quan, bộc lộ nhiều sơ hở. Thực tế cho thấy, khi ta tiến công ở Sài Gòn và các thành phố khác, quân đội Mỹ cơ bản đóng ở ngoài thành phố, lực lượng quân cảnh trong nội thành thiếu tập trung, một nửa số quân ngụy đã nghỉ Tết, số còn lại mất cảnh giác. Do đó, khi các đòn tiến công của ta bất thần đánh vào các mục tiêu đã lựa chọn, quân địch hoàn toàn bị bất ngờ và lúng túng trong việc ứng phó. Giới lãnh đạo Mỹ ở Oa-sinh-tơn thì “sững sờ, choáng váng”.

Như vậy, nghệ thuật tạo và nắm thời cơ trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 của ta rất độc đáo, linh hoạt, sáng tạo. Vận dụng nghệ thuật đó đã tạo cho ta thế và lực vượt trội, áp đảo quân địch ngay từ đầu và giành thắng lợi to lớn về chiến lược.

3. Kết hợp chặt chẽ tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng, tạo sức mạnh tổng hợp đánh thắng địch. Đây là nét đặc sắc thể hiện nghệ thuật độc đáo, tạo sức mạnh tổng hợp của Đảng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Để đạt được tính hiểm hóc, bất ngờ, đòn tiến công quân sự của lực lượng vũ trang với những mũi nhọn, xung kích tổ chức tiến công từ bên ngoài vào, kết hợp với lực lượng tinh nhuệ (đặc công, biệt động) đột nhập, lót sẵn bên trong thành phố, đánh chiếm các mục tiêu trọng yếu, làm tan rã từng mảng hệ thống chính quyền địch, hỗ trợ trực tiếp cho quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ. Cùng với đó, việc chuẩn bị và phát động quần chúng nổi dậy phối hợp chặt chẽ với đòn tiến công quân sự đã tạo sức mạnh to lớn, khiến địch lúng túng đối phó trên nhiều mặt trận. Sự kết hợp đồng thời giữa tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng chính là sự vận dụng thành công sức mạnh của các nhân tố “lực - thế - thời - mưu”. Thực tế đã khẳng định: nếu không có thực lực và uy lực của lực lượng vũ trang ba thứ quân, thì quần chúng nhân dân tại các địa bàn khó có thế nổi dậy và nếu không có quần chúng nhân dân giác ngộ chính trị với sự gan dạ, mưu lược và sáng tạo, lực lượng tiến công quân sự không thể có thế trận, bàn đạp vững chắc để thực hành tiến công các mục tiêu ở cả vùng ven và trong trung tâm thành phố. Sự nổi dậy của quần chúng là động lực, trực tiếp hòa quyện vào sức tiến công của lực lượng quân sự, làm cho quân Mỹ, ngụy không có nơi nào được coi là an toàn và nhanh chóng thất bại.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã đi vào lịch sử dân tộc ta như bản hùng ca bất diệt, mốc son chói lọi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, làm phong phú thêm nền nghệ thuật quân sự Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh với nhiều bài học quý cần được tiếp tục nghiên cứu, vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

Một là, tiếp tục phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, nhất là xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc; gắn phát triển tiềm lực quốc phòng, quân sự với xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, trước hết là Quân đội nhân dân và Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, làm nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Hai là, chú trọng phát huy bài học về nghệ thuật quân sự của chiến tranh nhân dân vào xây dựng, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự Việt Nam hiện đại. Trong quá trình thực hiện, phải nắm vững quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng; kết hợp chặt chẽ giữa nghệ thuật quân sự truyền thống với nghệ thuật quân sự hiện đại. Trên cơ sở đó, vận dụng sáng tạo, phù hợp trong điều kiện mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Ba là, chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc (nếu xảy ra) sẽ có những phát triển mới so với chiến tranh giải phóng; do đó, cần nắm vững tư duy mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc để giải quyết tốt những vấn đề về quốc phòng, an ninh do thực tiễn đặt ra. Trong đó, việc củng cố quốc phòng phải nhằm ngăn chặn và đẩy lùi nguy cơ chiến tranh, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Chăm lo xây dựng “thế trận lòng dân”; tích cực, chủ động đấu tranh làm thất bại chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch; thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược trong mọi tình huống; sẵn sàng đối phó thắng lợi với mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù bằng sức mạnh của chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc.

Trung tướng, PGS, TS. TRẦN VIỆT KHOA, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Giám đốc Học viện Quốc phòng

Ý kiến bạn đọc (0)

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội "phải lấy chính trị làm gốc" - ý nghĩa và giá trị hiện thực
Quân đội ta “từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang, trách nhiệm nặng nề là: đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân sản xuất, thì việc xây dựng Quân đội thật trong sạch, thật vững mạnh, xứng đáng với danh xưng cao quý mà nhân dân trao tặng “Bộ đội Cụ Hồ”, nhất thiết “phải lấy chính trị làm gốc”