Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 19/04/2016, 09:22 (GMT+7)
Hà Huy Tập - Nhà lý luận sắc sảo, người chiến sĩ cộng sản kiên trung của Đảng

Đồng chí Hà Huy Tập là một chiến sĩ Cộng sản kiên trung, bất khuất, nhà lý luận sắc sảo, có công lớn trong việc khôi phục lại tổ chức Đảng các cấp và kết nối Đảng ta với Quốc tế Cộng sản trong giai đoạn khó khăn nhất của Đảng. Cuộc đời hoạt động và sự hy sinh cao cả của đồng chí là một tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ, đảng viên học tập, noi theo.

  Nhà lưu niệm đồng chí Hà Huy Tập ở xã Cẩm Hưng - Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh.     (Ảnh: hatinh.gov.vn)

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24-4-1906 trong một gia đình nông dân ở làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay là xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1923, tốt nghiệp trung học nhưng do nhà nghèo không có điều kiện học ở bậc cao hơn nên đồng chí làm giáo viên Trường Tiểu học Pháp – Việt Nha Trang, Khánh Hòa. Đây là thời gian Ông thấu hiểu nỗi cùng cực của nhân dân cần lao mất nước. Trong Ông nảy sinh tư tưởng chống chế độ thực dân Pháp, phong kiến hà khắc và bắt đầu truyền bá tư tưởng đó cho học sinh, những người quen biết. Năm 1925, Ông chính thức tham gia hoạt động cách mạng sau khi được tiếp xúc với các cựu chính trị phạm. Từ đây, Ông quan tâm tìm đọc những sách, báo cộng sản từ Pháp gửi về nước và lao vào hoạt động chính trị. Tháng 3-1926, Ông lập ra 3 lớp học xóa mù chữ buổi tối để tranh thủ tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho 150 người.

Tháng 8-1926, chuyển về dạy học ở thành phố Vinh, Hà Huy Tập tham gia hoạt động trong tổ chức Hội Phục Việt (sau đổi thành Hội Hưng Nam), Ông tiếp tục tuyên truyền, giáo dục, giác ngộ cách mạng cho học sinh và tầng lớp lao động. Tháng 3-1927, Hội Hưng Nam chuyển Hà Huy Tập vào Sài Gòn hoạt động với danh nghĩa giáo viên trường tiểu học ở Gia Định, rồi công nhân ở Bà Rịa. Trong thời gian này, Hà Huy Tập làm thư ký Kỳ bộ Việt Nam Cách mạng Đảng ở Nam kỳ (Nguyễn Đình Kiên làm Bí thư). Cuối tháng 12-1928, Hà Huy Tập cùng một số đồng chí khác được cử sang Trung Quốc hoạt động, đến tháng 5-1929 đồng chí được Quốc tế Cộng sản cử sang học tại Trường Đại học phương Đông ở Mát-xcơ-va. Sau khi tốt nghiệp (tháng 3-1932), Hà Huy Tập ở lại hoạt động đến giữa năm 1933 mới bí mật trở về Trung Quốc tham gia Ban Chỉ huy ở ngoài, phụ trách công tác tuyên truyền cổ động. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất, đồng chí được cử làm Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài. Tháng 7-1936, đồng chí được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương mới và khôi phục các tổ chức đảng trong nước. Ngày 12-10-1936, đồng chí chính thức được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng cho đến tháng 3-1938. Ngày 01-5-1938, khi đi thị sát cuộc đấu tranh của nhân dân do Đảng ta tổ chức tại Sài Gòn, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam đến 28-8-1941 thì đưa ra xử bắn.

Cuộc đời hoạt động của Ông đã có những đóng góp to lớn cho cách mạng. Nổi bật trong đó là khôi phục tổ chức và Ban lãnh đạo của Đảng trong hoàn cảnh khó khăn. Sau cao trào cách mạng 1930-1931, thực dân Pháp điên cuồng đàn áp: “Mục đích chính của chúng là thủ tiêu thế lực của quân đội cách mạng Đông Dương và giết chết đội tiền phong của quân đội đó - Đảng Cộng sản Đông Dương”1, vì vậy: “Trong những năm 1930-1931, số người cách mạng bị giam trong các nhà tù và bị đày vượt quá 15.000. Trong ba năm gần đây có 164 án tử hình, gần 100 bản án đã được thi hành”2. Sự khủng bố khốc liệt đó dẫn đến các cơ quan lãnh đạo Đảng từ Trung ương tới cơ sở trong nước gần như không còn, số đảng viên còn lại tư tưởng hoang mang, dao động do thường xuyên phải trốn tránh sự lùng sục gắt gao của địch; phong trào cách mạng tạm thời thoái trào. Trước tình hình đó, Quốc tế Cộng sản gấp rút cử cán bộ đã hoàn thành chương trình đào tạo ở Liên Xô trở về hoạt động, nhằm lập lại Ban lãnh đạo Đảng các cấp ở trong nước; trong số đó có Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Dựt. Tháng 3-1934, tại Ma Cao (Trung Quốc), các đồng chí này đã quyết định thành lập Ban Chỉ huy ở ngoài của Đảng. Ban này có nhiệm vụ liên lạc với Ban Trung ương Chấp ủy Đảng Cộng sản Đông Dương, với Quốc tế Cộng sản và các đảng anh em; tập hợp, đào tạo cán bộ cho Đảng; xuất bản Tạp chí Bôn-sơ-vích. Đồng chí Hà Huy Tập được phân công làm ủy viên, phụ trách tuyên truyền, cổ động và kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích.

Nhờ tích cực vận động của Ban Chỉ huy ở ngoài, ngày 16-6-1934, Hội nghị Ban Chỉ huy ở ngoài và đại diện Đảng trong nước được nhóm họp; sau gần một tuần làm việc, Hội nghị đã thông qua Nghị quyết chính trị gồm 7 vấn đề và quyết định tổ chức Đại hội Đảng lần thứ Nhất vào năm 1935; kết quả Hội nghị khẳng định, cơ quan lãnh đạo Đảng đã chính thức được lập lại để chỉ đạo phong trào cách mạng. Cuối năm 1934, giữa lúc Ban Chỉ huy ở ngoài đang khẩn trương soạn thảo các văn kiện Đại hội Đảng thì đồng chí Lê Hồng Phong phải lên đường đi dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, nên đồng chí Hà Huy Tập vừa phải phụ trách thay Thư ký Ban Chỉ huy ở ngoài, vừa tổ chức soạn thảo các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ Nhất. Đại hội được tiến hành từ ngày 27 đến ngày 31-3-1935 tại Ma Cao (Trung Quốc), đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Tham dự Đại hội có 13 đại biểu thuộc các Đảng bộ trong nước và tổ chức của Đảng hoạt động ở nước ngoài. Đại hội đã hoàn thành chương trình đề ra và bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 12 đồng chí (Ban Trung ương sẽ chỉ định đồng chí thứ 13), Ban Thường vụ gồm 5 người, do Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Thành công của Đại hội lần thứ Nhất đánh dấu sự khôi phục về tổ chức và lập lại các cơ quan lãnh đạo từ Trung ương đến cơ sở của Đảng; khẳng định, Đảng vẫn giữ vững vai trò lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Đồng thời, ghi nhận vai trò và công lao to lớn của đồng chí Hà Huy Tập trong sự nghiệp xây dựng Đảng và phong trào cách mạng Việt Nam.

Từ một người có trình độ học vấn vững vàng, sau khi được Quốc tế Cộng sản đào tạo chính quy, với kinh nghiệm thực tiễn hoạt động cách mạng, Hà Huy Tập đã trở thành một nhà lý luận sắc sảo, cây bút giàu tính chiến đấu trên mặt trận tư tưởng, chính trị của Đảng. Ngay từ năm đầu vào học ở Trường đại học Phương Đông, được trau dồi những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô, lịch sử phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, Hà Huy Tập đã bắt tay vào viết và hoàn thành cuốn Lịch sử của Tân Việt Cách mệnh Đảng (10-1929). Nhờ chịu khó nghiên cứu, học tập những bài học về lý luận Mác – Lê-nin và kinh nghiệm vận động công nhân quốc tế, nên Hà Huy Tập luôn là một sinh viên xuất sắc, một cán bộ có trình độ lý luận cao. Để chuẩn bị kỷ niệm hai năm thành lập Đảng, tháng 11-1931, đồng chí có bài viết Hoạt động của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối khóa học, Hà Huy Tập viết thư Gửi Ban Biên tập Tạp chí Bôn-sơ-vích (02-1932), nội dung thể hiện trình độ lý luận vững vàng và tính chiến đấu mạnh mẽ; có thể coi đó là một luận văn xuất sắc. Trong năm 1933, Hà Huy Tập có 2 bài viết rất quan trọng: bài Kỷ niệm ba năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương thống nhất, khẳng định tính tất yếu ra đời của Đảng Cộng sản Đông Dương; đặc biệt, cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào Cộng sản ở Đông Dương, đã khái quát quá trình hình thành, xây dựng, phát triển và sự lãnh đạo của Đảng ta từ khi thành lập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội cho đến tháng 3-1933. Các bài viết trên đã góp phần quan trọng vào việc tuyên truyền, nêu cao truyền thống đấu tranh anh dũng của Đảng, chống lại các luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, đem lại niềm tự hào, niềm tin của quần chúng đối với Đảng ở thời điểm khó khăn của cách mạng.

Trên cương vị là Tổng Bí thư, đồng chí rất coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng với quần chúng, nhất là đấu tranh với các nhận thức, khuynh hướng sai lầm trong Đảng. Bằng những bài xã luận, bình luận chính trị trên báo L’ Avant-garde do Ông làm Tổng Biên tập và lấy bút danh Hong-Qui-Vit, H.Q.V viết cho các báo khác, Hà Huy Tập đã thể hiện rõ quan điểm ủng hộ Mặt trận Nhân dân Pháp, vận động thành lập Mặt trận dân chủ Đông Dương và đấu tranh chống Tờ-rốt-kít. Nổi bật trong đó là những bài: Ủng hộ hay phản đối mặt trận nhân dân, đăng báo La Lutte, số 148, ngày 13-5-1937; Quan điểm chính trị của chúng tôiChúng ta hãy nói lên sự thật, đăng báo L’Avant-garde, số 1, ngày 29-5-1937. Đặc biệt, với bút danh Thanh Hương, Hà Huy Tập cho xuất bản cuốn Tờ-rốt-kít và phản cách mạng và cuốn Vì sao phải ủng hộ Mặt trận bình dân Pháp, để đập tan những luận điệu xằng bậy của bọn cách mạng giả hiệu; kịp thời đem đến cho quần chúng những tư tưởng, lý luận chân chính của Đảng trong thời kỳ vận động dân chủ. Vì vậy: “Phong trào Mặt trận Dân chủ lúc đó khá mạnh mẽ, rộng khắp; nhân dân đấu tranh công khai”3.

Cũng như các bậc tiền bối cách mạng khác, Hà Huy Tập xứng đáng là một tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, như Bác Hồ nhận xét: “Các đồng chí ấy đã vui vẻ hy sinh hết thảy, hy sinh cả tính mệnh mình cho Đảng, cho giai cấp, cho dân tộc. Các đồng chí ấy đã đem xương máu mình vun tưới cho cây cách mạng, cho nên cây cách mạng đã khai hoa, kết quả tốt đẹp như ngày nay”4.

Ngày 01-5-1938, đồng chí bị thực dân Pháp bắt đưa về giam ở Khám Lớn. Tại đây, mặc dù bọn lính kín thay phiên nhau dùng đủ mọi cực hình tra khảo, nhưng đồng chí đã kiên cường, bất khuất chịu đựng, không thú nhận hoạt động cách mạng. Với tội danh mang thẻ thuế thân tên người khác, đồng chí bị thực dân Pháp xử 8 tháng tù và cấm lưu trú ở Nam Kỳ trong 5 năm. Tuy nhiên, thực dân Pháp muốn kéo dài việc giam giữ để tìm cách hãm hại đồng chí nên mãi đến tháng 8-1939 chúng mới thi hành quyết định thả Hà Huy Tập khỏi khám và quản thúc tại quê nhà; hằng tháng, phải tới dinh Tuần phủ Hà Tĩnh để trình diện. Lúc này, cuộc sống của đồng chí lâm vào hoàn cảnh cực kỳ khó khăn vì thực dân Pháp tìm mọi cách ngăn chặn không cho dạy học ở các trường tư thục; thường xuyên sai mật thám, hào lý địa phương rình rập, theo dõi; xúi giục bọn tay sai xuyên tạc, bôi nhọ khí tiết người cộng sản. Tuy vậy, đồng chí vẫn không hề nản chí, dũng cảm vượt qua khó khăn, kiên trì đi theo con đường đã lựa chọn. Sau khi chiến tranh thế giới thứ Hai nổ ra, thực dân Pháp tăng cường khủng bố, bắt nhiều lãnh tụ của Đảng, trong đó có Hà Huy Tập (bị bắt ngày 30-3-1940). Ngày 25-3-1941, phiên tòa đại hình đã kết án tử hình Hà Huy Tập; trước bản án nặng nề đó, đồng chí vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản: “Tôi chả có gì phải hối tiếc. Nếu còn sống, tôi tiếp tục hoạt động” và gửi thư về gia đình với những lời hết sức lạc quan: "Nếu tôi phải chết thì ở nhà không nên thờ cúng, điếu phúng, không cần tìm người lập tự. Gia đình và bạn hữu chớ xem tôi như là người đã chết mà buồn, trái lại nên xem tôi như người còn sống, nhưng đi vắng vô hạn... mà thôi!".

Cuộc đời hoạt động và sự hy sinh, cống hiến cao cả vì sự nghiệp cách mạng của Tổng Bí thư Hà Huy Tập là một tấm gương sáng cho mỗi cán bộ, đảng viên học tập, nhất là trong điều kiện chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trước sự chống phá điên cuồng của các thế lực thù địch. Noi gương đồng chí, mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức học tập, nghiên cứu lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, tinh thần cách mạng tiến công, ý chí ngoan cường của người cộng sản, để kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá"; thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

NGUYỄN CÔNG TÂM

_________________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 4, Nxb CTQG, H. 1999, tr. 440.

2 - Sđd, tr. 456.

3 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 12, Nxb CTQG, H. 2001, tr. 15

4 - Hồ Chí Minh - Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, H. 2011, tr. 25.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.