Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Ba, 04/04/2017, 18:00 (GMT+7)
Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn (07-4-1907 – 07-4-2017)
Đồng chí Lê Duẩn – Nhà lý luận xuất sắc của Đảng
Tổng Bí thư Lê Duẩn thăm Lữ đoàn xe tăng 202, đơn vị đánh chiếm Bộ Tổng
tham mưu Nguỵ Sài Gòn ngày 3041975. (Ảnh: tư liệu - TTXVN)

Đồng chí Lê Duẩn là một trong những nhà lý luận xuất sắc của Đảng, có nhiều cống hiến nổi bật đối với sự nghiệp cách mạng. Di sản lý luận mà Đồng chí để lại đã góp phần làm giàu thêm kho tàng lý luận cách mạng của Đảng và nâng cao tầm vóc, trí tuệ Việt Nam.

1. Giá trị Di sản Lý luận của đồng chí Lê Duẩn, đóng góp to lớn vào kho tàng lý luận cách mạng Việt Nam.

 Được tôi luyện trong thực tiễn cách mạng trên khắp mọi miền đất nước, trải qua những thăng trầm, những thời điểm bước ngoặt của cách mạng Việt Nam, đồng chí Lê Duẩn với bản lĩnh của một lãnh tụ cách mạng, một tư duy độc lập, sáng tạo đã góp phần quan trọng trong việc hình thành những quan điểm cơ bản về đường lối, chiến lược cách mạng Việt Nam. Sự nghiệp lý luận cách mạng của đồng chí Lê Duẩn rất phong phú, đa dạng, thể hiện trên mọi lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, con người, chiến lược “trồng người”, … Đó là tất cả tâm huyết, trí tuệ, tài năng của một lãnh tụ suốt đời chỉ mong đem lại độc lập cho dân tộc, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.

Trong hoạt động, tìm tòi lý luận, đồng chí Lê Duẩn thường nhắc tới luận điểm nổi tiếng của Lê-nin: “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo” và toàn bộ sự nghiệp của mình, Đồng chí luôn thể hiện xuất sắc luận điểm đó không chỉ trên bình diện tư duy lý tính mà còn ở hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đồng chí luôn say mê nghiên cứu, tìm tòi, trăn trở để cho ra đời những tác phẩm lý luận lớn trong từng giai đoạn khác nhau. Ngay năm đầu kháng chiến chống Pháp, từ Côn Đảo về, đồng chí Lê Duẩn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương giao trọng trách Bí thư Xứ ủy Nam Bộ. Cùng một cán bộ và một tay chèo, nhà lãnh đạo “một chiếc xuồng con dập dềnh sóng nước” ngược xuôi các kênh rạch Rừng U Minh, Đồng Tháp Mười… để cùng Xứ ủy lãnh đạo kháng chiến. Vào những giờ phút khó khăn ấy, với tầm nhìn chiến lược của một nhà lãnh đạo từng kinh qua thực tiễn chiến trường, Anh Ba Duẩn đã báo cáo ra Trung ương về tình hình Nam Bộ, các đặc điểm của cách mạng Việt Nam và những ý kiến chuẩn bị cho văn kiện Trung ương trình Đại hội Đảng sắp tiến hành tại Việt Bắc. Nhiều ý kiến đề xuất của đồng chí Lê Duẩn từ thực tiễn chiến trường, quan điểm của Đồng chí về vai trò của nông dân: “Chúng ta chưa hiểu hết nông dân…, chưa tận dụng hết khả năng để động viên nông dân vào cuộc kháng chiến cứu nước” và của trí thức trong cách mạng dân tộc dân chủ, về một số chính sách lớn Đảng cần ban hành… trùng hợp với suy nghĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều đồng chí lãnh đạo lúc bấy giờ, được thể hiện nhất quán, rõ ràng trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng.

Tháng 7-1954, Hiệp định Geneve được ký kết, đồng chí Lê Duẩn được Bác Hồ giao nhiệm vụ tập kết ra Bắc, nhưng Đồng chí đã đề nghị với Bác được ở lại miền Nam để cùng đồng bào đấu tranh tại Sài Gòn - trung tâm đầu não của đối phương. Tại thời điểm này, từ thực tiễn cách mạng, Đồng chí đã trăn trở, nghĩ suy và viết Đề cương cách mạng miền Nam trình Trung ương. Đồng chí được Bác Hồ và Bộ Chính trị mời ra Hà Nội cùng các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp bổ sung, hoàn chỉnh văn kiện trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ra Nghị quyết 15 (1959), tạo bước ngoặt quyết định cuộc đấu tranh cách mạng ở miền Nam giành thắng lợi. Những tác phẩm, như: Đề cương cách mạng miền Nam, Thư vào Nam, Cách mạng xã hội chủ nghĩa, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng… đã khẳng định một phong cách tư duy độc đáo của một nhà lý luận có tầm cỡ chiến lược của Đảng. Một trong những đóng góp lớn về mặt lý luận của đồng chí Lê Duẩn là lý luận về thời kỳ đầu quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Đó chính là những tìm tòi, khảo nghiệm cho sự nghiệp đổi mới sau này của Đảng ta. Những quan điểm về xây dựng nền kinh tế trong những năm 1979 - 1985 của Đảng thể hiện trong tư tưởng: Duy trì nhiều thành phần kinh tế ở miền Nam trong Nghị quyết Trung ương 24 (khóa III), quan điểm chỉ đạo phát triển sản xuất để giải phóng lực lượng sản xuất trong Nghị quyết Trung ương 6 (khóa IV) và chủ trương khoán sản phẩm cho người lao động trong Chỉ thị 100 của Ban bí thư Trung ương (khóa IV) là tiền đề dẫn tới đường lối đổi mới của Đảng tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, khẳng định những quan điểm mang tính khai phá, mở đường được hình thành trên cơ sở tinh thần độc lập, tự chủ, tổng kết những kinh nghiệm sáng tạo của nhân dân, hợp quy luật, thuận lòng người nên đã nhanh chóng đi vào cuộc sống. Nghiên cứu tổng thể Di sản Lý luận, có thể khẳng định đồng chí Tổng bí thư Lê Duẩn là một nhà lý luận chiến lược,   có những đóng góp to lớn đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay.

2. Đặc trưng cơ bản từ Di sản Lý luận của Lê Duẩn cần được nghiên cứu thấu đáo để vận dụng vào công tác tư tưởng - lý luận hiện nay.

Đồng chí Lê Duẩn luôn coi trọng việc nghiên cứu lý luận C.Mác, Ph.Ăng-ghen, V.I.Lê-nin gắn sát với thực tiễn, tạo mối liên hệ biện chứng giữa lý luận Mác - Lê-nin với thực tiễn cách mạng Việt Nam. Trong sự gắn kết và liên hệ này, Đồng chí luôn luôn xem thực tiễn của cách mạng Việt Nam là yếu tố quyết định và lý luận Mác - Lê-nin mang tính chất vạch phương hướng, soi sáng, dẫn đường.

 Cơ sở lý luận của Lê Duẩn được quyết định bởi thời gian học tập trong tù, chủ yếu là trong trường đời đấu tranh cách mạng. Đồng chí đã nghiên cứu kỹ tác phẩm "Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản" của Mác - Ăng-ghen, "Những nguyên lý của chủ nghĩa Cộng sản" của Ăng-ghen, bộ "Tư bản" của Mác, những bài viết của Lê-nin bàn về chủ nghĩa Mác, v.v. Tiếp đó là tác phẩm của I.V.Stalin: "Những vấn đề của chủ nghĩa Lê-nin", một cuốn sách trình bày về chủ nghĩa Lê-nin theo quan điểm nhận thức của Stalin.

 Nội dung lý luận chính trị mà Lê Duẩn quán triệt là vấn đề giai cấp và đấu tranh giai cấp, tính tất yếu của đấu tranh giai cấp là bắt nguồn từ sự đối lập căn bản về tình cảnh kinh tế, chính trị của hai giai cấp trong xã hội là giai cấp tư sản và giai cấp công nhân. Sự đối lập này, không phải do phía giai cấp công nhân, mà gốc rễ của nó là từ những quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra. Vì vậy, cuộc đấu tranh giữa giai cấp công nhân với giai cấp tư sản là cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Theo Lê Duẩn, giai cấp công nhân chỉ có thể ngừng đấu tranh khi nào họ xóa bỏ được hoàn toàn giai cấp bóc lột, thực hiện xã hội không có giai cấp - xã hội cộng sản; chỉ có tham gia tích cực cuộc đấu tranh giai cấp, giai cấp công nhân mới có được ý thức giai cấp rõ rệt của mình và Đảng Cộng sản đóng vai trò to lớn trong lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp. Chỉ có cuộc đấu tranh triệt để của nhân dân lao động chống sự thống trị của chủ nghĩa tư bản mới dẫn đến cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, lật đổ chủ nghĩa tư bản, xây dựng một xã hội mới, độc lập dân tộc, mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Lê Duẩn nhận thức rằng, vấn đề đấu tranh giai cấp, cách mạng xã hội là một trong những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, nếu tách khỏi cuộc đấu tranh giai cấp, thì chủ nghĩa xã hội chỉ là một câu nói suông, hay là một giấc mơ về sự tốt đẹp. Nhận thức này, thể hiện rõ lập trường tư tưởng của Lê Duẩn và một điều thú vị là Ông luôn đặt vấn đề giai cấp phải gắn với vấn đề dân tộc.

Một mảng lý luận mà Lê Duẩn thường sử dụng là lý luận - lịch sử. Trong tổng kết lịch sử, Lê Duẩn thường nhấn mạnh đến vai trò lãnh đạo cách mạng của giai cấp công nhân sau khi chính đảng của giai cấp công nhân ra đời. Bởi lẽ, nguyên nhân giành thắng lợi, trước hết là do có Đảng Cộng sản lãnh đạo; sự lãnh đạo của Đảng đã làm chuyển biến phong trào công nhân Đông Dương, từ tự phát sang tự giác. Mỗi cuộc đấu tranh thường làm ngòi nổ cho những cuộc đấu tranh khác. Những thắng lợi bộ phận ở trong một nhà máy, công xưởng thường là khởi điểm cho một loạt những cuộc đấu tranh khác, là niềm cổ vũ, niềm kiêu hãnh thúc đẩy mọi người vùng lên đấu tranh. Bằng sự phân tích sâu sắc đó, Lê Duẩn đã nêu bật vai trò to lớn, tinh thần trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ cao cấp; họ là những người thường xuyên hoạt động trong sự khủng bố rất ác liệt của địch, giữa sự sống và cái chết luôn kề cận, nhưng bản lĩnh chính trị của họ vẫn vững vàng “gan vàng, dạ sắt”. Trong đấu tranh, đảng viên Cộng sản đóng vai trò nòng cốt, họ luôn là người khởi xướng, đi đầu trong những cuộc bãi công, biểu tình và nêu gương trước quần chúng, cảm tử xông lên phía trước đối mặt với kẻ thù.

Về lý luận đấu tranh, Lê Duẩn phân tích, Đảng đã dựa vào lý luận cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin và vận dụng phù hợp với hoàn cảnh của tình hình Việt Nam. Lý luận mở đường chỉ lối, thực tiễn bám sát phong trào. Qua thực tiễn đấu tranh, Đảng rút ra được kinh nghiệm, tổng kết thành lý luận. Nổi bật là từ đấu tranh kinh tế, thể hiện qua các cuộc bãi công, đã chuyển sang đấu tranh chính trị; khi chuyển sang đấu tranh chính trị là đã thể hiện về chất của các cuộc đấu tranh, có nghĩa là Đảng đã biết đưa quần chúng lao động đến một trình độ đấu tranh cao hơn trước. Giai cấp nông dân đấu tranh không những vì quyền lợi của bản thân họ, mà còn vì quyền lợi của cả giai cấp công nhân. Lê Duẩn luận chứng rằng, trong quá trình đấu tranh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, cũng như giai cấp công nhân, giai cấp nông dân đã chuyển từ đấu tranh tự phát sang đấu tranh tự giác.

Đồng chí Lê Duẩn còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề văn hóa và thể hiện một tầm nhìn chiến lược về lĩnh vực này. Trước những năm 1980, các thuật ngữ hội nhập, tiếp biến văn hóa, giao lưu văn hóa,… chưa phổ biến ở Việt Nam. Một số người cho rằng, văn hóa Việt Nam bắt nguồn từ văn hóa Nho giáo, cứ gặp một câu phong dao, tục ngữ lại nghĩ đến lời ai đó thời Tam Hoàng Ngũ đế, Xuân Thu chiến quốc hay Hán, Đường, Tống, Minh, v.v. Tuy nhiên, với cách nhìn thực tiễn, khoa học, đồng chí Lê Duẩn cho rằng, nông dân Việt Nam không chịu ảnh hưởng nặng nề của tam cương ngũ thường; ca dao tục ngữ Việt Nam là sản phẩm dân gian của nhân dân ta, cho dù một số có nguồn gốc Trung Hoa, Ấn Độ hay Tây Âu nhưng  khi vào Việt Nam, đều được văn hóa bản địa tiếp thu, nhào nặn, biến đổi cho nên lắm khi vẫn câu ấy, chữ ấy nhưng lại mang tinh thần, nội dung khác, phù hợp với nhu cầu, tính cách và phẩm hạnh con người Việt Nam. Điển hình là Truyện Kiều kể chuyện dùng nhiều điển tích Trung Hoa, song là tác phẩm văn học Việt Nam “để đời”. Nhiều câu ca dao, tục ngữ mang hàm nghĩa triết lý, như: Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn; lá lành đùm lá rách; một miếng khi đói bằng một gói khi no; nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng,… là của người Việt Nam, phản ánh đặc trưng, tính cách Việt Nam chứ không phải đến từ phương nào.

Về phương pháp nghiên cứu lý luận, Lê Duẩn đã kết hợp một cách nhuần nhuyễn giữa lô-gích và lịch sử; trong đó, lấy lô-gích làm nền tảng để phân tích và lấy lịch sử để chứng minh. Từ nghiên cứu các vấn đề đơn lẻ, Đồng chí đã liên kết thành hệ thống các quan điểm, luận điểm, nhằm phát hiện bản chất và quy luật vận động của tiến trình cách mạng, cũng như các mặt đời sống xã hội. Đây là một phẩm chất và năng lực rất quý của nhà lý luận Lê Duẩn. Cùng với nghiên cứu lý luận, Lê Duẩn đặc biệt coi trọng tổng kết thực tiễn, bất cứ một diễn biến nào xảy ra trong Đảng, trong cuộc đấu tranh cách mạng cũng đều phải rút ra được kinh nghiệm và có tổng kết nghiêm túc. Đồng chí cho rằng, thực tiễn đấu tranh cách mạng nhất định phải được tổng kết, khái quát thành lý luận cách mạng; nếu không tổng kết, thời gian sẽ qua đi và do vậy, kinh nghiệm lãnh đạo của Đảng sẽ không được bổ sung, hoàn thiện. Qua tổng kết, sẽ góp phần khẳng định các nguyên lý phổ biến của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, bổ sung và phát triển lý luận, làm phong phú vốn tri thức và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Với những kết quả nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, vận dụng sáng tạo vào đường lối cách mạng của Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã khẳng định rõ phẩm chất, năng lực của một nhà chính luận xuất sắc, với phong cách, bút pháp sắc sảo, đến nay vẫn còn nguyên giá trị, cần có sự nghiên cứu thấu đáo và vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp cách mạng hiện nay.

PGS, TS. PHẠM NGỌC ANH, Học viện CTQG – HCM

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy bài học của Cách mạng Tháng Tám, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc
Thực tiễn cách mạng Việt Nam trong hơn 90 năm từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã khẳng định: sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng luôn là nhân tố hàng đầu, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân tố hàng đầu quyết định ấy càng thể hiện rõ nét, trở thành bài học vô cùng quý báu.