Sự kiện lịch sử Những ngày kỷ niệm lớn

QPTD -Thứ Hai, 30/12/2013, 15:18 (GMT+7)
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với công tác lý luận trong Quân đội

Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của V.I. Lê-nin về vai trò của lý luận cách mạng đối với phong trào cách mạng, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã có những đóng góp to lớn vào xây dựng và phát triển công tác lý luận trong Quân đội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh thăm Sư đoàn 312
ngày 01-01-1964.(Ảnh: Tư liệu).

Sau năm 1949, cuộc kháng chiến của dân tộc ta chống thực dân Pháp xâm lược bắt đầu chuyển sang giai đoạn phản công. Đến giữa năm 1950, Quân đội ta đã trưởng thành thêm một bước. Đội ngũ cán bộ hầu hết là đảng viên: cấp đại đội có 71%, tiểu đoàn có 90%, trung đoàn có 91%, cấp khu và đại đoàn có 100% là đảng viên1. Mặc dù chất lượng chính trị của Quân đội lúc này được nâng lên so với thời kỳ trước, nhưng nhìn chung cán bộ “còn kém về lý luận chính trị và lý luận quân sự”2. Theo Báo cáo của Cục Chính trị trình Tổng Chính ủy tháng 7-1948, thì “phần đông cán bộ chưa nắm vững được những nguyên lý của công tác chính trị”, do vậy “công tác tư tưởng có chỗ sai lầm, có chỗ thiếu sót, cũng vì thế nên nỗ lực thì nhiều nhưng kết quả thì ít”3. Thời gian này, trong Quân đội xuất hiện tư tưởng quân sự thuần túy; quan niệm về chính quy nặng về hình thức; quan điểm quần chúng còn lệch lạc; tư tưởng coi nhẹ công tác chính trị, công tác cung cấp còn nhiều4,... Đứng trước tình hình đó và yêu cầu nâng cao sức mạnh chiến đấu, đảm bảo tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội, Hội nghị Tuyên huấn và Tổ chức toàn quân lần thứ nhất (tháng 02-1949) đã xác định nhiệm vụ công tác tư tưởng và công tác tổ chức trong những năm 1949 - 1950 là “Tăng cường công tác tư tưởng và giáo dục lý luận trong Đảng”5. Trong bối cảnh đó, tháng 7-1950, Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định điều một số ủy viên Trung ương ở các cơ quan dân - chính - Đảng tăng cường cho Quân đội và đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (TCCT) Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam.

Là người được tôi luyện và trưởng thành trong phong trào đấu tranh cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng; trải qua các chức vụ: Bí thư tỉnh ủy Thừa Thiên, Bí thư Phân khu ủy Bình - Trị - Thiên, Bí thư Liên khu ủy Liên khu IV, Bí thư Xứ ủy Trung kỳ, đồng chí Nguyễn Chí Thanh hiểu rất rõ tư tưởng của V.I. Lê-nin về vai trò của lý luận cách mạng, mà theo đó: “Không có lý luận cách mạng thì không có phong trào cách mạng”. Thấm nhuần sâu sắc tư tưởng đó, lại hiểu rõ thực tế chất lượng chính trị của Quân đội cùng những mạnh, yếu của công tác chính trị thời kỳ thực hiện chế độ “Chính ủy tối hậu quyết định” và chức năng, nhiệm vụ của TCCT lúc này là “giúp Tổng Tư lệnh chỉ đạo Quân đội về chính trị”6, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất coi trọng chỉ đạo công tác lý luận trong Quân đội. Những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trong lĩnh vực này có thể khái quát trên 3 phương diện chính:

Một là, đẩy mạnh công tác giáo dục lý luận chính trị, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho đội ngũ cán bộ quân đội. Hiểu rõ “việc trau dồi chủ nghĩa Mác – Lê-nin trong quân đội ta là một bảo đảm rất quan trọng để chúng ta theo đúng đường lối của Đảng ta, để chúng ta giành thắng lợi”7, nên ngay sau khi nhận nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan tham mưu, chỉ đạo chiến lược về công tác đảng, công tác chính trị (CTĐ,CTCT), để hướng dẫn các đơn vị thực hiện nội dung CTĐ,CTCT trong Chiến dịch Biên giới, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã chỉ đạo biên soạn tài liệu “Mấy vấn đề công tác trong chiến dịch”; trong đó, xác định vấn đề đầu tiên của CTĐ,CTCT là phải “coi trọng công tác giáo dục chính trị, nâng cao nhận thức tư tưởng, giác ngộ giai cấp cho mọi cán bộ, chiến sĩ; làm cho mọi người hiểu được tính chất của chiến tranh, vì ai mà chiến đấu, ai là bạn, ai là thù,...”8. Ngay sau thời gian đó, Đồng chí trực tiếp viết một loạt bài phân tích những mối quan hệ cơ bản của QĐND với hệ thống chính trị và nhân dân trên lập trường của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, như: QĐND và Mặt trận dân tộc thống nhất (tháng 3-1951), QĐND và Đảng Lao động Việt Nam (tháng 4-1951), Tranh thủ nhân dân (tháng 5-1951), QĐND và chính quyền nhân dân (tháng 9-1951). Những bài viết đó thực sự là những tài liệu quan trọng cung cấp những vấn đề lý luận cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin cho cán bộ quân đội lúc bấy giờ. Nói về tầm quan trọng của việc học tập lý luận Mác – Lê-nin đối với cán bộ quân đội, khi đọc Báo cáo tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân tháng 8-1951, Đồng chí nhấn mạnh đến “thứ vũ khí không có sức mạnh nào địch nổi, đó là: lập trường, quan điểm, phương pháp tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin”9 và cũng từ sau Hội nghị này, Đồng chí chỉ đạo việc duy trì hằng năm việc chỉnh huấn chính trị gắn với tập huấn quân sự. Việc làm đó đã góp phần nâng cao giác ngộ dân tộc và giai cấp, tăng cường chất lượng chính trị và năng lực chiến đấu của bộ đội, đáp ứng đòi hỏi của giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Để bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ một cách bài bản, tháng 7-1951, Trung ương Đảng quyết định thành lập Trường Chính trị trung cấp (nay là Học viện Chính trị), do đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm Giám đốc. Trên cương vị Giám đốc đến năm 1960, Đồng chí luôn luôn chăm lo việc trang bị lý luận Mác – Lê-nin cho cán bộ về học tập. Trong bài nói chuyện tại Lễ khai giảng khóa I, Đồng chí đã căn dặn học viên: “Học gì? Học đường lối cách mạng Việt Nam, chính cương của Đảng và học về QĐND, lấy chủ nghĩa Mác – Lê-nin làm cơ sở để nhận thức và soi sáng cho rèn luyện tư tưởng. Dù là cán bộ quân sự, chính trị hay chuyên môn kỹ thuật đều phải học. Trong học chính trị trọng tâm là nâng cao trình độ chính trị và cải tạo tư tưởng”10. Trong bài phát biểu khai mạc khóa học năm 1958 của Trường, Đồng chí phân tích rõ nguyên nhân hạn chế trong công tác của đội ngũ cán bộ là do trình độ lý luận Mác – Lê-nin còn kém; đồng thời, chỉ rõ “bí quyết” để giải quyết các thách thức trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, không gì khác, ngoài “Cái gốc cũng là lý luận Mác – Lê-nin”11. Trong bài viết Quân đội ta là QĐND do Đảng lãnh đạo (Tạp chí Học tập, tháng 8-1959), Đồng chí chỉ rõ: “Chúng ta coi chủ nghĩa Mác – Lê-nin là một vũ khí sắc bén nhất trong tất cả các thứ vũ khí; nếu không xây dựng và giáo dục quân đội theo chủ nghĩa Mác – Lê-nin thì không bảo đảm được bản chất nhân dân của quân đội”12.

Một nguyên tắc căn bản mà đồng chí Nguyễn Chí Thanh yêu cầu phải quán triệt để xây dựng và phát triển công tác lý luận trong Quân đội là phương châm lý luận gắn liền với thực tiễn. Bản thân những bài nói, bài viết của Đồng chí luôn thể hiện sự gắn bó nhuần nhuyễn giữa những nguyên lý khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác – Lê-nin với thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, của Quân đội. Theo Đồng chí, nếu không liên hệ lý luận với thực tế thì chỉ nắm được “xác ve” của lý luận, làm cho lý luận mất ý nghĩa tác dụng và tính đảng của nó; và chỉ có lý luận thống nhất với thực tiễn mới là lý luận chính xác, khoa học. Nhất quán với nguyên tắc căn bản đó, đồng chí luôn phê phán lối học tập lý luận vì lý luận, nói lý luận suông.

Hai là, coi trọng tổng kết thực tiễn để hình thành tư tưởng, phương châm, nguyên tắc chỉ đạo các mặt công tác; góp phần xây dựng và hoàn thiện những vấn đề lý luận về CTĐ,CTCT trong QĐND Việt Nam và nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, hiệu quả CTĐ,CTCT còn hạn chế; mà nguyên nhân chủ yếu là đội ngũ cán bộ thiếu kinh nghiệm, không nắm được quy luật của CTĐ,CTCT. Nhận thấy hạn chế đó, bám sát các hoạt động tổng kết, rút kinh nghiệm sau mỗi chiến dịch; cộng với những tích lũy từ thực tiễn đảm nhiệm các vị trí Bí thư tỉnh ủy, khu ủy, nhất là lãnh đạo khôi phục phong trào kháng chiến ở Bình - Trị - Thiên, đồng chí Nguyễn Chí Thanh rất quan tâm đến việc tổng kết thực tiễn thành một số vấn đề có tính nguyên tắc của CTĐ,CTCT trong Quân đội. Tại Hội nghị Tuyên huấn toàn quân (tháng 8-1951), lần đầu tiên những vấn đề về nguyên tắc và phương pháp công tác tư tưởng đã được đồng chí Nguyễn Chí Thanh khái quát một cách rành rẽ, trở thành kim chỉ nam cho hoạt động công tác tư tưởng trong Quân đội. Theo Đồng chí, công tác tư tưởng phải tuân theo 5 nguyên tắc: 1- Cần có tinh thần tích cực và ý thức xây dựng; 2- Phải bắt tay giải quyết vấn đề tận gốc; 3- Phải chủ động, nhìn xa thấy trước vấn đề, theo phương châm phòng bệnh kết hợp với chữa bệnh; 4- Phải có tính nguyên tắc và tinh thần đấu tranh sắc bén; 5- Là công việc lâu dài, hết sức phức tạp, khó khăn. Nói về phương pháp công tác tư tưởng, Đồng chí nêu lên 6 nội dung chủ yếu: 1- Luôn hiểu rõ tình hình tư tưởng, phân tích nguyên nhân tư tưởng; 2- Khéo biết khêu gợi, hướng dẫn, chịu khó, bền bỉ thuyết phục; 3- Phát huy tác dụng tự phê bình, phê bình trên tinh thần tự giác và có tính chất quần chúng; 4- Hướng mọi hình thức, công cụ giáo dục chính trị vào mục đích lãnh đạo tư tưởng từng thời kỳ; 5- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo tổ chức; 6- Kết hợp lãnh đạo tư tưởng với lãnh đạo thi hành chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ.

Trên cơ sở thấm nhuần sâu sắc và nắm vững những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin về xây dựng Quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, đồng chí Nguyễn Chí Thanh đã xác định đúng vai trò CTĐ,CTCT “là linh hồn, mạch sống của Quân đội ta”; đồng thời, Đồng chí rất quan tâm đến xây dựng cơ sở lý luận của công tác này để hướng dẫn các hoạt động CTĐ,CTCT theo đúng quy luật, tránh được những vấp váp, sai lầm. Để làm việc đó, Đồng chí rất coi trọng việc chỉ đạo tổng kết các hoạt động CTĐ, CTCT của các đơn vị, trên cơ sở đó khái quát thành những vấn đề lý luận. Một trong những công trình có ý nghĩa như thế là công trình Tổng kết công tác chính trị trong QĐND Việt Nam thời kỳ chống Pháp do đồng chí trực tiếp chỉ đạo và viết phần Kết luận (hoàn thành vào tháng 11-1958). Công trình này đã góp phần hình thành nên những nét cơ bản về lý luận CTĐ,CTCT trong QĐND Việt Nam; và chính trên cơ sở những kết quả rút ra từ công trình, Đồng chí đã viết bài báo “Những kinh nghiệm lớn của công tác chính trị trong 15 năm xây dựng Quân đội”13. Trong bài báo, Đại tướng đã khái quát lên 7 kinh nghiệm mang tính lý luận chỉ đạo CTĐ,CTCT trong QĐND Việt Nam. Đó là: 1- Đảng lãnh đạo tuyệt đối Quân đội là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội; 2- Quân đội ta từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu; 3- Quá trình xây dựng, trưởng thành của Quân đội là quá trình đấu tranh tư tưởng liên tục, phức tạp, nhiều công phu và đầy thắng lợi; 4- Đường lối tổ chức phải phục tùng đường lối chính trị; 5- Công tác chính trị là sức sống, là linh hồn của Quân đội (mà tính chất của nó là lãnh đạo, chiến đấu và quần chúng); 6- Đường lối quần chúng là phương pháp công tác căn bản trong Quân đội ta; 7- Công tác chính trị phải đi sâu vào đời sống Quân đội. Có thể khẳng định rằng, những luận điểm nói trên của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh vẫn tiếp tục là cơ sở lý luận chỉ đạo tiến hành CTĐ,CTCT trong Quân đội ta hiện nay.

Bên cạnh những đóng góp xây dựng và hoàn thiện lý luận về CTĐ,CTCT, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn có những đóng góp quan trọng vào phát triển lý luận và hoàn thiện nghệ thuật quân sự chiến tranh nhân dân Việt Nam. Đó là trong thời kỳ Đại tướng được điều vào miền Nam cùng Trung ương Cục trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược trên tiền tuyến lớn. Với tư duy biện chứng và sự nhuần nhuyễn trong việc gắn lý luận với thực tiễn, Đại tướng đã vận dụng sáng tạo lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin để khái quát nên tư tưởng, phương châm chỉ đạo chiến lược đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh” với tư tưởng “kiên quyết tiến công, liên tục tiến công”; buộc quân Mỹ phải “đánh theo ý muốn của ta”, phải “dùng nĩa ăn cháo, ăn bánh canh” đã được Đồng chí khái quát từ thực tiễn sáng tạo của các đơn vị cơ sở và bằng sự phân tích rất biện chứng, khoa học chỗ mạnh, chỗ yếu của quân Mỹ, góp phần giải tỏa những băn khoăn về khả năng đánh quân Mỹ của cán bộ, chiến sĩ ta, trở thành nét đặc sắc trong nghệ thuật tác chiến của Quân đội ta. Cũng trên cơ sở tổng kết thực tiễn ở chiến trường, với bút danh Trường Sơn, trong bài “Chiến thắng Đông – Xuân 1966 - 1967 và năm bài học thành công về chỉ đạo chiến lược quân sự”, Đồng chí đã khái quát nên những vấn đề rất cơ bản về lý luận và nghệ thuật chỉ đạo chiến lược quân sự trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mà sau này, những luận điểm đó lại được tái hiện trong các công trình tổng kết về cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Ba là, coi trọng xây dựng đội ngũ giáo viên lý luận và nghiên cứu lý luận trong Quân đội. Nhận thức sâu sắc vai trò của đội ngũ giáo viên lý luận, trong thời gian làm Giám đốc Trường Lý luận chính trị, Đồng chí đã chủ trương mở lớp tập trung dài ngày đào tạo giáo viên lý luận Mác – Lê-nin, thay vì trước đó chỉ phục vụ học tập tại chức của cán bộ trung cao cấp. Lớp giáo viên lý luận đầu tiên đã đào tạo được 95 giáo viên cung cấp cho Trường Chính trị trung cao, cán bộ nghiên cứu tại Bộ và các quân khu, làm nòng cốt biên soạn giáo trình, sách tham khảo phục vụ công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ của QĐND Việt Nam. Nhờ đó, sau lớp đào tạo giáo viên này, tất cả các lớp đào tạo dài hạn và ngắn hạn tại Trường đều do giáo viên ta tự đảm nhiệm; trong đó, 3 bộ môn hợp thành lý luận chủ nghĩa Mác – Lê-nin được giảng tương đối có hệ thống. Cũng trên tinh thần chăm lo xây dựng “những cỗ máy cái”, Đại tướng còn chỉ đạo tổ chức trong Quân đội 2 lớp chuyên tu sau đại học về triết học và kinh tế chính trị. Những cán bộ, giáo viên được đào tạo trong những khóa học đầu tiên đó đã thực sự phát huy được vai trò của “những cỗ máy cái”, làm nòng cốt cho việc hình thành các khoa lý luận cơ bản, cũng như đào tạo, xây dựng nên đội ngũ cán bộ lý luận chính trị của Học viện Chính trị nói riêng, của toàn quân nói chung.

Nhìn lại những đóng góp của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đối với công tác lý luận trong Quân đội, có thể thấy rằng: đó là những đóng góp to lớn và vẫn còn nguyên giá trị, cần được tiếp tục khai thác, phát triển trong sự nghiệp xây dựng QĐND “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại”.

NGUYỄN NGỌC HỒI
____________

1 - Lịch sử Công tác đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam (1944 - 2000), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 205.

2 - Sđd, tr. 206.

3 - Sđd, tr. 193.

4 - Sđd, tr. 208.

5 - Sđd, tr. 176.

6 - Lịch sử Công tác đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam (1944 - 2000), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 201.

7 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 425.

8 - Lịch sử Công tác đảng, công tác chính trị trong QĐND Việt Nam (1944 - 2000), Nxb QĐND, H. 2002, tr. 212.

9 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 260.

10 - Lịch sử Công tác đảng, công tác chính trị, Học viện Chính trị quân sự 1951 - 2006, Nxb QĐND, H.2006, tr. 39.

11 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 64.

12 - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh – Tổng tập, Nxb QĐND, H. 2009, tr. 350.

13 - Báo Quân đội nhân dân, số 673, ngày 17-12-1959.

Ý kiến bạn đọc (0)

Phát huy vai trò của cơ quan lý luận hàng đầu Quân đội trong phát triển lý luận quân sự cách mạng thời kỳ mới
Là ngọn cờ lý luận quân sự, chính trị của Đảng trong Quân đội, suốt 75 năm qua, Tạp chí Quốc phòng toàn dân luôn khẳng định rõ vai trò, vị thế của mình, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Phát huy vai trò, vị thế đó và trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, Tạp chí tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nâng cao chất lượng nghiên cứu, tuyên truyền, góp phần phát triển nền lý luận quân sự cách mạng của Đảng.