QPTD -Thứ Hai, 11/12/2017, 07:56 (GMT+7)
Công an nhân dân phối hợp với các lực lượng đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972

Trong Chiến dịch Phòng không cuối tháng 12-1972, Công an nhân dân đã kết hợp chặt chẽ với các lực lượng thực hiện tốt công tác bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn; bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước, tính mạng và tài sản của nhân dân, góp phần quan trọng vào thắng lợi của Chiến dịch.

Vào cuối năm 1972, trước những thất bại liên tiếp trên cả ba mặt trận: chính trị, quân sự và ngoại giao, chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ đứng trước nguy cơ phá sản hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Tổng thống Mỹ R.Ních-xơn quyết định mở cuộc tập kích chiến lược đường không (Lai-nơ-Bếch-cơ II), từ ngày 18 đến ngày 29-12-1972, nhằm hủy diệt Hà Nội, Hải Phòng và một số địa phương miền Bắc, hòng lung lạc ý chí chiến đấu của nhân dân ta; đồng thời, lấy đó để ép ta trên bàn đàm phán. Vì thế, cùng với việc tiêu diệt máy bay, đánh bại cuộc tập kích đường không của địch, nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, hạn chế thấp nhất tổn thất do không quân Mỹ gây ra là vấn đề rất quan trọng trên địa bàn Chiến dịch.

Ngay từ cuối năm 1971, khi triệu chứng leo thang liều lĩnh đánh phá miền Bắc của không quân Mỹ ngày càng lộ rõ, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 193-CT/TW về tăng cường sẵn sàng chiến đấu, đập tan mọi hành động chiến tranh bằng không quân của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc. Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp, ngành, lực lượng vũ trang phải “đưa lực lượng vũ trang vào tư thế sẵn sàng chiến đấu cao để chủ động, kịp thời đánh bại những cuộc tập kích bằng không quân, những hành động biệt kích của địch,… bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ cơ quan Đảng, Nhà nước”1.Thực hiện chủ trương đó, tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 26, Đảng, Đoàn và lãnh đạo Bộ Công an xác định nhiệm vụ trọng tâm năm 1972 là: “Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và bảo đảm trật tự xã hội với yêu cầu cao hơn và khẩn trương hơn,... địa bàn trọng điểm… là: Hà Nội, Hải Phòng,…”2. Chính vì thế, khi Chiến dịch phòng không cuối năm 1972 diễn ra, Bộ Công an tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong địa bàn phối hợp chặt chẽ với Quân đội, dân quân tự vệ, các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương; xây dựng kế hoạch chiến đấu chặt chẽ, toàn diện, dũng cảm vượt qua bom đạn ác liệt của kẻ thù, sẵn sàng hy sinh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trong suốt 12 ngày đêm chiến đấu, lực lượng Công an tập trung đấu tranh trấn áp, bóc gỡ các tổ chức, phần tử phản động, lưu manh, bảo vệ an toàn các cơ quan Đảng, Nhà nước, tính mạng, tài sản nhân dân và trực tiếp tham gia chiến đấu, bảo đảm giao thông, vận chuyển, góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của Chiến dịch được thể hiện qua các nội dung cơ bản sau:

Trước hết, Công an nhân dân kết hợp chặt chẽ với các lực lượng liên quan vừa chủ động tiến hành đấu tranh “làm sạch” địa bàn, vừa tham gia chiến đấu kiên cường trên các hướng của Chiến dịch. Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng đối với an ninh quốc gia và lực lượng Công an nhân dân, bởi khu vực tác chiến chủ yếu của Chiến dịch là Thủ đô Hà Nội, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng, Nhà nước. Với tinh thần cảnh giác cao, quyết tâm lớn, nên ngay từ khi Chiến dịch chưa diễn ra, lực lượng Công an đã chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng có liên quan mở đợt cao điểm trinh sát, tuần tra, phát hiện, bóc gỡ các tổ chức, cá nhân phản động nguy hiểm, nhất là đối tượng biệt kích, gián điệp và các phần tử nằm vùng hòng móc nối, chỉ điểm mục tiêu cho máy bay địch. Bộ Công an chỉ đạo đơn vị công an các cấp chủ động xác định rõ từng đối tượng; phối hợp mở đợt tấn công trấn áp những phần tử có thể gây nguy hại đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; đồng thời, tổ chức, quản thúc, di lý nhiều tên tội phạm đầu sỏ ra khỏi địa bàn Chiến dịch. Trong đợt tiến công này, Công an huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) đã phát hiện, bắt giữ tên Lý Tiến Lâm khi đang nhen nhóm hình thành tổ chức phản cách mạng. Đặc biệt, Công an thành phố Hà Nội đã lập chiến công xuất sắc khi điều tra và bắt giữ Hồ Văn Chánh - cán bộ Vụ Thông tin báo chí (Bộ Ngoại giao) và buộc y phải cúi đầu nhận tội về hành vi làm gián điệp cho nước ngoài. Cũng trong dịp này, lực lượng công an đã phá 152 ổ lưu manh, trộm cắp; bắt 576 đối tượng càn quấy; tập trung 395 đối tượng hư hỏng vào trường giáo dưỡng. Các sở công an kết hợp với các cấp chính quyền địa phương và nhân dân thực hiện tốt việc giữ gìn an ninh, trật tự trên địa bàn, nhất là địa bàn trọng điểm. Điều đáng nói là, ở nhiều địa phương đã tích cực triển khai, thực hiện tốt công tác phòng gian, bảo mật Chiến dịch, tạo thành phong trào rộng rãi trong quần chúng với khẩu hiệu “Ba không, một dẫn” (không biết, không nghe, không nói và dẫn người lạ mặt đến công an), v.v. Vì thế, các đối tượng không còn cơ hội chống phá, hạn chế tệ nạn xã hội, các địa phương bảo đảm vững mạnh về chính trị, an toàn về an ninh, địa bàn Chiến dịch được làm sạch, tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng trên mặt trận đối không đánh bại không quân địch.

Cùng với đó, trên tinh thần chủ động, sáng tạo, thường xuyên bám dân, bám địa bàn và tư tưởng chiến lược tiến công trên mặt trật đối không, lực lượng Công an đã sát cánh cùng với Quân đội nhân dân, nhất là lực lượng phòng không ba thứ quân tham gia bắn máy bay địch, bắt giặc lái Mỹ trên từng hướng, khu vực, địa bàn Chiến dịch. Trong chiến công chung của 12 ngày đêm chiến đấu, Công an nhân dân vũ trang Đồn 34 của Hải Phòng đã bắn rơi 01 máy bay A6 của Mỹ và đây cũng là chiếc máy bay thứ 21 do Công an Hải Phòng bắn rơi trong cuộc chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ.

Hai là, phối hợp cùng các lực lượng thực hiện tốt công tác phòng tránh, sơ tán, tuần tra, canh gác, cứu sập, cứu hỏa và cứu nhân dân trong suốt quá trình Chiến dịch. Trên cơ sở quán triệt, thực hiện nghiêm túc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: sơ tán là một bộ phận cần thiết trong công tác phòng không, ngay từ cuối tháng 11 đến đầu tháng 12-1972, lực lượng Công an của các địa phương, nhất là trên các địa bàn trọng điểm về phòng không đã kết hợp với Hội đồng phòng không nhân dân và ngành Giao thông Vận tải tuyên truyền, vận động, tổ chức cho người già, trẻ em và những người không tham gia chiến đấu sơ tán ra các khu vực an toàn. Đồng thời, phối hợp với các lực lượng và nhân dân phân tán, vận chuyển máy móc, hàng hóa, tài sản của Nhà nước và nhân dân tới các vị trí quy định. Đây là nhiệm vụ rất phức tạp, do số lượng người và vật chất phải di chuyển lớn, việc tổ chức cuộc sống nhân dân ở nơi sơ tán gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, một số phần tử phản động còn tuyên truyền trong nhân dân theo luận điệu xuyên tạc của kẻ thù, gây tâm lý hoang mang trong các tầng lớp nhân dân. Trước tình hình đó, các tổ, đội công an địa phương phối hợp với dân quân tự vệ tại chỗ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm cho nhân dân thấy được luận điệu lừa bịp của chúng, sự tàn phá có tính hủy diệt của máy bay B-52,… và sự cần thiết phải sơ tán, bảo vệ tính mạng và tài sản của mình. Nhờ đó, ngay trước khi Chiến dịch diễn ra, Hà Nội đã sơ tán trên 60 vạn dân; thành phố Hải Phòng và các thị xã: Nam Định, Hải Dương, Thái Nguyên, Bắc Giang sơ tán đến 90% dân số, góp phần giảm thiểu thiệt hại do bom đạn địch gây ra.

Với tinh thần cảnh giác triệt để, quyết tâm lớn, trách nhiệm cao, lực lượng Công an trên các địa bàn, nhất là công an cơ sở đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng dân quân tự vệ tổ chức tuần tra, canh gác liên tục ngày đêm; tổ chức giám sát, khoanh vùng các khu vực địch đánh phá để có phương án bảo vệ an toàn tài sản của Nhà nước và nhân dân. Cùng với đó, lực lượng Công an các cấp trên địa bàn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức các đội cứu hầm, cứu sập, nạo vét, củng cố và làm thêm nhiều hầm trú ẩn mới tại các cơ quan, bên đường đi, trong nhà dân để tránh bom, đạn địch đánh phá; tham gia cứu thương, thu dọn đường sá, hướng dẫn giao thông, v.v. Trong đó, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã thể hiện tinh thần dũng cảm, mưu trí, bất chấp bom rơi, lửa đạn, tổ chức cứu sập, cứu thương, giành giật với giặc lửa từng phuy xăng, kiện hàng, bao đạn, v.v. Đó là Đội Phòng cháy, chữa cháy Phan Chu Trinh (Hà Nội), có ngày ra trận từ 05 đến 06 lần, cứu được nhiều tài sản của Nhà nước và nhân dân. Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy Công an thành phố Hải Phòng có trận phải vượt mưa bom, bão đạn, cơ động trên quãng đường dài 40 km, cứu hỏa kịp thời, v.v. Chỉ tính riêng ở Hà Nội, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy đã xử lý có hiệu quả được 33/38 điểm cháy, cứu được gần 700 tấn đạn pháo, 10 tấn thuốc hóa học, hơn 1.000 tấn hàng hóa các loại, v.v.

Ba là, chủ động, tích cực phối hợp với các lực lượng đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Chiến dịch. Trong 12 ngày đêm của Chiến dịch Phòng không cuối năm 1972, để vô hiệu hóa khả năng đối phó của ta, cùng với tiêu diệt các mục tiêu trọng yếu, không quân Mỹ tập trung đánh phá các trọng điểm giao thông trên địa bàn Chiến dịch. Nhận thức rõ điều đó, Công an đã huy động tối đa lực lượng, phối hợp chặt chẽ với lực lượng giao thông ngày đêm bám trụ, đứng vững trên vị trí chỉ huy giao thông, các tâm điểm đánh phá của địch để giải tỏa, phân luồng, dẫn đường cho xe cơ động qua, nhất là ở khu vực, địa bàn đánh phá trọng điểm của địch. Đồng thời, lực lượng Công an còn trực tiếp phá, gỡ bom mìn, mở một số hướng vận chuyển mới, giữ cho mạch máu giao thông thông suốt trong mọi tình huống. Thực tế trong Chiến dịch cho thấy, hầu hết các nút giao thông lớn vào thành phố; các cây cầu, phà qua sông, thậm chí cả các khu đông dân cư đều bị bom địch cày xới, nhưng lực lượng Công an có mặt, cắm chốt và giải quyết kịp thời. Mặc dù ở địa bàn Hà Nội, không quân Mỹ đánh phá ác liệt, phá hủy tới 39 khối phố nội thành, 03 thị trấn, 78 xã ngoại thành, nhưng các tuyến đường, nhất là tuyến đường huyết mạch vẫn thông suốt, phục vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm, thuốc men,... đầy đủ, kịp thời cho các đơn vị đang trực tiếp chiến đấu ở địa bàn Chiến dịch.

Chiến dịch Phòng không tháng 12-1972 đã qua đi 45 năm, nhưng những bài học quý của nó đến nay vẫn còn nguyên giá trị; trong đó, bài học về kết hợp chặt chẽ thế trận phòng không ba thứ quân với thế trận an ninh nhân dân trên nền tảng của chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không cần tiếp tục được phát huy, phát triển trong điều kiện mới. Đây là cơ sở, nền tảng để Quân đội nhân dân và Công an nhân dân tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, xứng đáng là lực lượng nòng cốt bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Đại tá, TS. NGUYỄN VĂN VIỆT, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử Công an
_______
___________

1 - ĐCSVN - Văn kiện Đảng toàn tập, Tập 32, Nxb CTQG, H. 2004, tr. 490.

2 - Ban Nghiên cứu tổng kết lịch sử Công an nhân dân - Hệ thống hóa văn kiện hội nghị Công an toàn quốc từ Hội nghị 25 (1970) đến Hội nghị 29 (1974), Nxb CAND, H. 2000, tr. 61.

Ý kiến bạn đọc (0)

Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới
Nhân kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2024), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết: “Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”. Tạp chí Quốc phòng toàn dân điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết